Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Tản văn NHỚ TÂY BẮC

Nhớ Tây Bắc
Tản văn của Trọng Bảo
          
           Lâu lắm mới trở về Yên Bái
         Qua bến Âu Lâu nhớ một người...
        Câu thơ khiến lòng tôi cứ nao nao. Ô! Lâu quá rồi mình không về Yên Bái, không lên Tây Bắc. Thế mà cũng đã hơn ba mươi năm rồi mình không có điều kiện trở lại nơi đã từng có một khoảng thời gian sống và gắn bó. Đó là cái thời trai trẻ, vô tư. Thời sau chiến tranh, chúng tôi lên Yên Bái chặt cây, dụng nhà. Những người lính trẻ sống giữa đại ngàn rừng già, thác lũ. Rời tay súng, cầm tay dao, tay cuốc. Trung đoàn Tân Trào chúng tôi đóng quân ở nông trường chè Trần Phú (huyện Văn Chấn-Yên Bái).

      Tăm suối
                   Ảnh: Trong làn nước suối miền Tây Bắc mát xanh.
     
        Chúng tôi ở trong nhà các công nhân nông trường. Tôi và anh bạn cùng tên, người Việt gốc Hoa - Hiên Giang Bảo ở nhà chị Tuyết. Ngày ngày chúng tôi vào rừng chặt gỗ, khai thác tre nứa để làm lán trại. Thực ra đó là trại giam để đưa số ngụy binh từ miền Nam ra cải tạo, học tập. Cuộc sống lao động vất vả, khó khăn nhưng cánh lính trẻ chúng tôi lúc nào cũng vui nhộn. Cái dư âm Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn còn lâng lâng trong tâm trí của những người lính chúng tôi.
  
        Cả một đoàn quân trai trẻ đóng quân giữa một nông trường có đến ngót một ngàn cô gái trẻ chưa chồng thật là vui và cũng xảy ra nhiều chuyện. Tôi nhớ ngày ấy có cô Luyến là công nhân đội 1 hay sang nhà chúng tôi chơi. Luyến xinh gái mà ngót ba mươi tuổi vẫn chưa lấy được chồng. Cái nông trường giữa vùng núi sâu có đến chín mươi phần trăm là nữ này kiếm được một tấm chồng không phải là dễ. Luyến có vẻ thân với Hiên Giang Bảo. Nhưng Hiên Giang Bảo cũng đã có người yêu ở quê nhà Đại Từ-Thái Nguyên rồi. Nhìn cô gái dáng cân đối, khuôn ngực tròn vo, luôn vui tươi, nhanh nhẹn, có một nét gì đó rất đặc biệt đã khắc vào trí nhớ tôi đến bây giờ vẫn không quên. 

       Tôi nhớ những lần đi bè trên ngòi Lao nước trong xanh. Qua những đơn vị sản xuất của nông trường gặp những tốp con gái khoả thân tắm suối. Giữa dòng nước trong veo những bộ ngực thanh xuân căng tròn, dập rờn thấp thoáng. Tôi cũng không bao giờ quên một lần gặp lũ lớn, chiếc bè nứa của tôi xuống thác vỡ tung. Tôi chỉ còn bám vào được một bó nứa to. Nếu không có Hiên Giang Bảo ném cho cây sào chống bè dự bị để chèo chống thì có lẽ cả tôi và bó nứa sẽ bị dìm xuống đáy vực sâu.
Ngày ấy Tây Bắc toàn rừng già, chỗ nào cũng có hoa phong lan. Dọc hai bên bờ suối nhiều loại hoa phong lan nở rất đẹp, hương rất thơm. Là người rất thích phong lan (Đến bây giờ vẫn thế. Ngày nghỉ nào tôi cũng lang thang ở chợ phong lan, chả có tiền mua thì ngắm ké vậy). Hôm nào đi rừng, tôi cũng đem về một cụm phong lan đang nở hoa rất đẹp. Tôi và Hiên Giang Bảo còn có nhiều kỷ niệm như những lần cùng nhau đi trèo cây lấy hoa phong lan. Hôm ấy, tôi và Hiên Giang Bảo trèo lên một cây gỗ khô. Lúc gỡ được chùm hoa phong lan thì cái cây khô long gốc nghiêng ngả. Hiên Giang Bảo trèo phía trên ngọn cây, tôi phía dưới. Hai thằng toát mồ hôi, không dám nói to, thì thào bảo nhau cố thật nhẹ nhàng tụt xuống. Vừa xuống tới gốc thì cái cây khô gãy nhào. Thật hú vía. Sau này tôi chuyển đi đơn vị khác, khi chiến tranh biên giới sắp xảy ra Hiên Giang Bảo cũng phải ra quân. Nó vẫn ở lại Việt Nam. Vì thế khi những trận đánh xảy ra tôi và Hiên Giang Bảo không lâm vào tình huống chĩa súng vào nhau nơi chiến địa. (Khi tôi đưa lại tản văn này lên blog thì nghe tin Hiên Giang Bảo đã mất vì trọng bệnh. Thế là dự định về Đại Từ-Thái Nguyên tìm gặp lại nó đã không thành hiện thực nữa rồi).
Tôi càng không bao giờ quên những gian khổ ngày ấy. Câu nói của cánh lính "Muỗi Tà De, ve Khe Hiền" đến bây giờ tôi vẫn nhớ. Tôi cũng nhớ mãi tấm lòng của bà con, anh chị em công nhân nông trường chè Trần Phú và các làng bản khu vực này. Mấy năm trước, nghe tin lũ quét cuốn trôi hàng chục ngôi nhà, làm hàng chục người dân thị trấn Ba Khe bị chết và mất tích, tôi thấy nhói trong tim. Thị trấn Ba Khe nằm bên bờ suối. Ngày ở Tây Bắc chúng tôi hay ra thị trấn này chơi. Thị trấn ngày trước lèo tèo chỉ có vài chục nóc nhà, một cái cửa hàng mậu dịch, một hiệu ăn uống quốc doanh. Sau này có một lần đi qua, thấy san sát những nhà cửa, hàng quán.
Nhớ lại kỷ niệm những ngày ở Tây Bắc tôi lại thấy nao nao. Đồng đội tôi ngày ấy giờ người còn, người mất, chả gặp được nhau, nhiều cái tên người bây giờ cũng không nhớ hết. Những cô gái công nhân nông trường bây giờ cũng không còn trẻ nữa. Nhưng trong tôi và trong họ thì chắc là kỷ niệm về ngày ấy sẽ mãi mãi vẫn còn xanh.

                                                         Hà Nội, ngày 30-6-2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét