Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Truyện ngắn DỊ NHÂN

     Dị nhân
                
                                   Trọng Bảo    
                                                               
         Tên thật của gã là Đồng Thụy Nhân. Hồi còn đi học gã rất mê văn chương, tập tạnh làm thơ, viết truyện, lấy bút danh là Thy Nhân cho có vẻ văn sỹ. Chẳng biết có truyện ngắn, bài thơ nào của gã được đăng ở đâu không. Thỉnh thoảng vẫn thấy gã lôi một cuốn sách chép tay ra đọc có vẻ ngẫm ngợi lắm. Cũng chả biết cái biệt danh Dị Nhân gắn vào đời gã tự bao giờ. Có lẽ là do hình thù kỳ dị của gã. Chân phải đi hơi tập tễnh, cánh tay trái gã sù sì những vết bỏng. Và đặc biệt một vết sẹo dài trên má phải kéo miệng gã méo hẳn đi. Rồi cả cái thị trấn ngoại thành này người ta đều biết gã, đều gọi gã là "Dị nhân”. Song cũng chẳng ai biết gốc gác quê quán gã ở đâu. Chỉ biết gã đến đây để làm thuê cho mấy nhà hàng, gánh nước, rửa bát hay vận chuyển phế liệu xây dựng, đánh vôi, phụ hồ cho đám công nhân xây dựng. Có lẽ tên gã được người ta gắn thêm cho chữ "dị” để phân biệt với một ông Nhân nào đó là giám đốc doanh nghiệp và ông Nhân chủ tịch thị trấn.
          Gã không tự ái, cũng chẳng buồn tranh cãi với những người cứ suốt ngày réo gọi: "Này! Dị Nhân khởi đầu ngày mới làm một chén nút lá chuối cho khí thế!”, hay: "ối! Ngài Dị Nhân, dị dạng gì ơi, chuyển ngay cho tôi mấy thùng hàng ra chợ!” hoặc là: "Tối nay, ông Dị Nhân ngủ trông coi cửa hàng cho cẩn thận nhé!”. Mọi người đối với gã chẳng ra trọng, chẳng ra khinh, chẳng ra ông, chẳng ra thằng. Tuy thế, vẻ kỳ dị của gã nhiều khi cũng được việc. Cái thị trấn ngoài thành có vẻ heo hút này ngày càng phát triển nhiều nhà nghỉ, nhà hàng. Ngày thứ bảy, chủ nhật nhiều ông đưa bồ bịch vút lên đây cho an toàn, vợ con đừng hòng truy xét. Bọn trộm cắp gây án ở nội thành kiếm được tiền cũng rạt ra vùng ngoại ô này ăn uống, xả hơi. Các nhà hàng, quán xá nhờ đó làm ăn được, song cũng lắm phen lao đao bởi các đối tượng phức tạp. Bọn sâu rượu nhậu nhẹt thâu đêm, say xỉn phá phách. Chủ quán thường phải nhờ cậy đến gã. Cái mặt sẹo, cánh tay sù sì cháy sém của gã khiến nhiều kẻ giang hồ cũng phải gườm. Chúng kháo nhau: "Gã này từng là một tay giang hồ hảo hán khét tiếng đấy!”. Tuy vậy, gã lại có vẻ hiền lành. Chả bao giờ thấy gã gây gổ với ai. Duy chỉ có một lần tại nhà hàng thịt chó Tư Béo, một tên ăn quỵt lại còn giở thói côn đồ đập phá. Chẳng may cho nó lúc ấy gã đang chẻ củi thuê phía sau nhà. Bà chủ quán chạy ra cầu cứu. Gã ném con dao chẻ củi xông ra. Chỉ bằng một miếng võ, gã đã khoá ngay tay tên côn đồ. Khi công an đến khám xét thu được trong người nó khẩu súng ngắn đã lên đạn. Cả nhà hàng hú vía. Thì ra đó là một tên tội phạm nguy hiểm. Sau bận ấy dân thị trấn có vẻ nể sợ gã. Họ vẫn gọi gã là Dị Nhân, nhưng giọng có vẻ thân mật hơn, bớt hẳn vẻ gắt gỏng, coi thường.
         Cái phố núi ngoại thành ngày càng phình ra. Dân nội đô đổ xô lên mua đất. Dân bản địa bỗng đổi đời. Có nhà ba đời nghèo kiết xác, lộn đủ hai túi quần, bốn túi áo chả có nổi một trăm ngàn đồng bạc nay bỗng nhiên giàu sụ lên nhờ bán đất. Một góc đồi cây cằn cỗi mà bạc tỷ. Dân mua đất chủ yếu là những người phất lên do cơ chế thị trường, kinh doanh phát đạt hoặc loại người chuyên kiếm chác, bớt xén công quỹ. Họ mua đất làm trang trại, xây nhà, cuối tuần đưa vợ con lên tọa hưởng, tha hồ hít thở không khí trong lành phố núi. Dân thị trấn vừa là chủ, vừa là tớ. Người có đồi, có rừng trở thành chủ đất, hét ra tiền. Kẻ không có đất thì làm thuê, trồng hoa, cắt cỏ, trông coi trang trại, nhà nghỉ cho những ông chủ ở nội thành.
         Trong số người lên "khai hoang” ấy có một ông chủ còn trẻ tuổi. Anh ta mua cả một khoảnh đồi cây, hồ cá rộng để xây dựng một khu trang trại du lịch sinh thái. Ô tô chở vật liệu ùn ùn kéo về. Xi măng, gạch ngói, sắt thép, đá hộc chất ngổn ngang. Chậu cảnh, bon sai kê đặt khắp nơi. Bọn trộm cắp ngứa mắt nhìn đống của để ngay trong tầm tay. Chúng chả ngu gì mà không hành động. Anh chủ trang trại phải lập tức nghĩ đến việc thuê người bảo vệ. Người ta khuyên anh nên tìm gã Dị Nhân. Quả không uổng. Từ ngày gã làm bảo vệ cho khu trang trại du lịch sinh thái Bồng Lai thì không kẻ nào còn dám mò đến trộm cắp. Đám trẻ chăn trâu thường hay lảng vảng nhặt vỏ bao xi măng, thó đoạn sắt vụn hay miếng ván cốp-pa cũng tỏ ra ngoan ngoãn vâng lời gã răm rắp. Mỗi khi nhìn thấy gã đầu tóc bù xù, miệng méo xệch, vận bộ quần áo bộ đội cũ, thắt một cái thắt lưng to bản đeo lủng lẳng một cái lưỡi lê và cái điếu cày nhỏ bằng nhôm có đứa đã vãi cả ra quần. Gã không đánh, không dọa nhưng bọn trẻ cứ sợ. Chẳng riêng gì trẻ con, người lớn bất ngờ gặp gã cũng giật mình tái mặt. Chuyện xảy ra hồi khu trang trại du lịch Bồng Lai mới mở cửa. Khi ấy, khách đến tham quan còn rất ít. Có một đôi trai gái kéo nhau lẻn ra một góc đồi vắng. Khi họ đang say sưa mê đắm thì gã tình cờ đi qua. Đôi trai gái thất kinh khi chợt nhìn thấy gã. Họ rú lên vì tưởng cướp xuất hiện. Cả hai ôm quần áo nồng nỗng từ trên đồi phóng xuống, miệng gào lên ầm ĩ: "Cướp! Cướp!” khiến cả khu trang trại náo loạn. Khi mọi việc vỡ lẽ đám công nhân xây dựng, nhân viên phục vụ tại khu du lịch được một trận cười đến vỡ bụng. Cả tuần liền đám con trai gặp gã đều cười cười nháy mắt: "Lần sau có "phim” hay thế bác nhớ gọi tụi cháu với nhé!” hoặc: "Xem một mình đau tức, ăn một mình cực thân đấy bác ạ!”. Đám con gái gặp gã thì lại cười ré lên. Chắc họ nhớ lại cảnh cô gái vú vê thỗn thện, miệng la thất thanh chạy như điên từ trên đỉnh đồi xuống.
         Những ngày đầu khu trang trại du lịch sinh thái Bồng Lai đang hình thành sự hiện diện của gã Dị Nhân là "điềm lành”. Bọn trộm cắp, đám trẻ chăn trâu đỡ dòm dỏ, phá phách. Nhưng khi khu du lịch sinh thái đã xây xong tường bao, có đông người đến tham quan thì gã tự dưng trở thành "điềm gở”. Cái bản mặt sứt sẹo, méo mó của gã khiến du khách thấy ghê ghê, ngài ngại. Sự cố đôi trai gái tưởng gã là kẻ cướp đã khiến chủ khu trang trại phải suy nghĩ. Anh ta cho rằng đã đến lúc phải loại gã ra khỏi "biên chế” những người làm việc tại trang trại nhưng chưa có lý do xác đáng. Đến một bữa gã mải đào hố trồng cây trên đồi để mấy con bò thả rông vào phá mất luống hoa gần cổng thì sự hiện diện của gã ở trang trại đã được định đoạt. Gã được anh chủ mời lên nhận tháng lương cuối cùng và quyết định thôi việc. Gã chẳng buồn, chẳng vui. Có phải là biên chế ăn lương nhà nước đâu mà tiếc. Cuộc đời một kẻ làm thuê mấy khi ấm chỗ. Gã gói ghém vài thứ đồ đạc linh tinh vào tấm võng bạt cũ khoác lên vai. Thế là xong xuôi. Gã quyết định rời bỏ cái thị trấn này để đi làm ăn xa hơn.
*
         Nhét mấy tờ giấy bạc vào cái bao da, gã lững thững men theo bờ hồ nước đi ra phía cổng khu trang trại. Con đường rải đất đồi được lu lèn nhẵn thín. Gã co chân đá cái vỏ lon bia lăn lọc cọc suốt dọc đường. Nhìn theo chiếc vỏ lon bia bắn văng xuống phía hồ nước gã chợt giật mình. Một chiếc cặp sách học sinh màu hồng và đôi dép trẻ con lăn lóc trên bờ cỏ ngay sát mép nước. Gã sực nhớ lúc nãy trên đường vào để nhận lương và quyết định thôi việc còn gặp cu Tít con anh chủ trang trại ở cổng. Nó đang học lớp một. Thằng bé vừa nhìn thấy gã đã reo lên: "Ông Vĩ Nhân ơi!- chỉ riêng thằng bé không gọi gã là Dị Nhân- hôm nay cô giáo cháu ốm, cháu được nghỉ học. Lát nữa ông đưa cháu đi đổ dế nhé!”. Gã chột dạ. Không khéo thằng bé mải bắt chuồn chuồn, vồ châu chấu bị té ngã xuống hồ. Gã ngó nghiêng. Bờ hồ được xả đứng thành. Có vết đất trượt dài xuống nước. Gã vứt ngay cái gói đang khoác trên vai xuống bãi cỏ. Gã luống cuống cởi vội cái thắt lưng to bản lủng lẳng con dao lê và cái điếu cày bằng nhôm ném trên bờ. Chỉ kịp kêu ú ớ kêu: "Có người chết đuối!” rồi gã lao xuống nước. Buổi sáng, nước hồ còn rất lạnh. Gã lặn sâu xuống đáy hồ, hai tay quờ quạng kiếm tìm. Không thấy gì cả. Gã ngoi lên lấy hơi gào thêm vài tiếng kêu cứu rồi lại lặn xuống. Gã đạp chân, khua tay sùng sục như điên dưới đáy hồ đầy rong rêu đến hụt cả hơi.
        Lúc sắp phải ngoi lên để thở thì gã chợt quơ được chân thằng bé. Gã cuống cuồng ôm lấy nó, chân đạp mạnh xuống đáy hồ ngoi vút lên mặt nước. Đã có mấy người chạy đến. Họ xúm lại kéo gã lên bờ. Gã xốc hai chân thằng bé lên vai chạy quanh một vòng cho nó nôn ộc nước ra. Nghe có người bảo nhau chạy về gọi chủ trang trại, gã quát:
        - Không được cho bố mẹ nó ra đây! Mà bảo họ cấm được kêu khóc!
        Gã biết những người bị ngạt nước, ngã cây nếu bố mẹ hoặc người có cùng huyết thống mà đến kêu khóc, thất khiếu sẽ ứa máu ra thì vô phương cứu chữa.
        Gã đặt thằng bé xuống bãi cỏ. Nó bị ngạt lâu và uống nhiêu nước nên nhợt nhạt rũ ra như cọng rau héo. Gã tiến hành hô hấp nhân tạo, xoa ngực, ghé miệng hút đờm rãi cho thằng bé. Nhưng mọi cố gắng của gã hồi lâu vẫn không có kết quả. Trong đám người xúm quanh đứng nhìn gã cấp cứu ai đó thở dài: "Không ổn, hỏng mất rồi!”. Gã quát: "Đốt ngay một ít rơm lấy than nhanh lên!”. Có một cách cứu chữa người bị chết đuối mà gã đọc được trên báo. Trong khi mấy người cuống quýt đốt bó rơm rồi gạt ra cho nhanh nguội thì gã tiếp tục xoa bóp chân tay, hô hấp nhân tạo và dùng miệng hút đờm dãi cho thằng bé. Nó vẫn nằm yên không nhúc nhích. Khi đống than rơm đã nguội, gã đặt thằng bé lên. Gã xoa phủ một lớp than rơm còn ấm lên khắp người nó. Than rơm háo sẽ hút bớt nước qua lỗ chân lông người bị chết đuối. Gã vừa làm vừa quát tháo ra lệnh cho đám người vây quanh hỗ trợ việc cấp cứu. Thấy thằng bé cứ nằm im lặng, thẳng đuột, có người bảo: "Thôi bác ạ!”. Gã gầm lên: "Thôi là thôi thế nào! Tiếp tục xoa bóp cho thằng bé nhanh lên!”.
          Đầu tóc rũ rượi, mặt mày gã Dị Nhân méo xệch, dúm dó. Gã cứ cuống quýt hết ấn ngực thằng bé hô hấp nhân tạo, lại tiếp tục ghé miệng hút đờm dãi, hà hơi, thổi ngạt cho nó. Gã vật vã lồng lộn tựa như một con sư tử già trúng thương bên đứa con bị tử nạn.
          Mọi sự cố gắng của gã dường như vô vọng.
          Đám người đứng chôn chân giữa bãi cỏ bất lực lắc đầu nhìn gã. Họ đã không còn hy vọng. Không gian khu trang trại như ngưng lại. Những tiếng thở dài lặng lẽ. Gã áp tai vào ngực thằng bé hồi lâu. Đột nhiên, gã hộc lên một tiếng thật to khiến mấy người giật mình. Hình như gã nghe thấy có tiếng đập nhỏ nhoi rời rạc trong lồng ngực cu Tít. Quả đúng vậy. Sự cố gắng của gã không uổng. Chân tay, mặt mũi thằng bé đã hơi hồng trở lại. Ngón tay nó khẽ động đậy. Đôi môi bợt bạt của nó hơi mấp máy. Rồi thằng bé từ từ mở mắt. Mọi người ồn ào vui mừng. Gã quát:
         - Đưa ngay nó sang bệnh viện cấp cứu!
         Mấy người lập cập ôm thằng bé chạy đi.
         Thằng bé đưa đi rồi, bố mẹ nó mới được đến. Một cô nhân viên định đưa cái cặp sách và đôi dép của thằng bé cho mẹ nó, gã lập tức giật ngay lại. Gã bảo:
         - Bố mẹ không được đụng vào đồ của con! Mà cấm kêu khóc rõ chưa?
         Gã vẫn còn chưa hết lo lắng.
         Đám đông ồn ào bàn tán, mọi người đều thán phục gã Dị Nhân. Một chiếc xe du lịch biển số đỏ rẽ vào trang trại. Bước xuống xe là một vị tướng. Đó là ông nội thằng Tít. Ông đang còn mặc bộ đại lễ phục màu trắng bạc, huân huy chương đeo đầy ngực. Vị tướng chắc đã từng trải qua nhiều trận mạc thế mà lúc này nét mặt vẫn thất sắc. Ông đang dự một buổi gặp mặt bạn chiến đấu ở trạm khách của Bộ Quốc phòng thì nhận được điện thằng cháu đích tôn bị tai nạn. Ông vội vã gọi xe sang ngay khu trang trại sinh thái của anh con trai.
         Mọi người nhao nhao kể lại cho ông tướng nghe chuyện cấp cứu thằng Tít. Ông hỏi:
         - Thế ông Nhân! Ông ấy đâu rồi?
         Lúc này tất cả mới nhớn nhác nhìn quanh. Gã Dị Nhân đi đâu rồi nhỉ! Một cậu thanh niên nhanh nhảu:
        - Cháu vừa thấy bác ấy còn tìm kiếm cái gì ở đây cơ mà?- Ông ấy đã lên ô tô khách đi rồi...
        - Ai đó nói thêm.
        - Cháu tìm thấy cái này ở trong bụi hoa nhài!
        Một người đưa cho ông tướng cái thắt lưng da to bản lủng lẳng con dao lê và chiếc điếu cày bằng nhôm. Đó là những thứ của gã Dị Nhân. Lúc nãy gã đã ném nó trên bờ để lao xuống nước cứu thằng Tít. Gã không tìm thấy nó trước khi bỏ đi. Cầm cái thắt lưng da, ông tướng chợt giật mình khi nhìn thấy chiếc điếu cày nhỏ bằng nhôm. Ông vội dùng vạt áo lau lau chỗ ống điếu két gỉ. Một dòng chữ hiện lên: "QT-1972 Đ.T.N”.
        - Trời ơi anh Nhân! Ông ấy chính là Đồng Thụy Nhân... Ông tướng thốt lên. Cậu thanh niên rụt rè:
        - Mọi người vẫn gọi bác ấy là Dị Nhân…
        - Ông ấy tên là Đồng Thụy Nhân...- Ông tướng xúc động nhắc lại. Ông chỉ vào dòng chữ khắc trên chiếc điếu cày nói:
        - Chiếc điếu cày này làm bằng ống pháo sáng. Dòng chữ khắc trên chiếc điếu chính là "Quảng Trị - 1972- Đồng Thụy Nhân”.
        Ông tướng chưa hết xúc động. Ông bảo:
        - Ông ấy là bạn cùng tiểu đội trinh sát với tôi chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị năm bảy hai! Khi tôi bị thương chính ông ấy đã cõng tôi vượt qua bom đạn, hoả lực của địch để chuyển về tuyến sau cấp cứu. Sau này nghe tin ông ấy bị thương nặng, lúc chuyển thương lại bị trúng bom mất tích cứ ngỡ là đã chết, không ngờ ông ấy vẫn còn sống. Mừng quá!
         Ông tướng lập cập mở cái bao da mong tìm được địa chỉ của bạn. Nghe ông giải thích mọi người mới biết cái túi da vuông vuông ấy chính là bao đựng kẹp tiếp đạn của súng CKC. Trong cái bao da chỉ có một gói thuốc lào và mấy tờ giấy bạc. Có một tờ bạc một trăm nghìn đồng mới tinh được lồng trong túi ni-lông dán kín. Cậu thanh niên tìm thấy cái thắt lưng da lúc nãy giải thích:
         - Đây là một trăm nghìn đồng bác ấy được công an thị trấn thưởng kèm theo giấy khen do có thành tích dũng cảm bắt một tên cướp có vũ khí. Bác ấy nói để dành làm phần thưởng đầu năm học mới cho thằng cháu nội học giỏi. Còn hai trăm nghìn đồng này là lương tháng này, sáng nay bác ấy vừa mới lĩnh xong.
         Ông tướng ngạc nhiên:
         - Lương... lương... lương của các cháu ở đây chỉ có hai trăm nghìn đồng một tháng thôi à?
         - Dạ! Không phải ạ! Lương của chúng cháu là ba trăm nghìn một tháng, được nuôi cơm bữa trưa. Tháng nào làm tốt công việc còn được thưởng thêm hai trăm nghìn đồng nữa bác ạ.
         - Thế sao ông Nhân chỉ có hai trăm nghìn đồng?
         Mọi người im lặng. Anh con trai ông giờ mới lên tiếng:
        - Ông ấy để trâu bò vào trang trại phá mất mấy luống hoa nên tháng này bị trừ lương, cắt tiền thưởng...
        - Trừ lương... có ba trăm nghìn đồng mà còn trừ...
        Ông tướng lẩm bẩm. Ông thất vọng nhìn anh con trai. Khi biết ông Nhân còn bị buộc thôi việc thì ông càng buồn hơn. Ông lặng lẽ ra xe. Anh lái xe nổ máy đưa ông sang bệnh viện thăm thằng cháu nội. Cu Tít đã bình phục. Nó đang đòi mẹ cho về để cùng ông Vĩ Nhân đi bắt dế!
        Ông tướng ở chơi với cháu đến cuối chiều thì bảo anh lái xe:
        - Nào ta đi. Sắp tối rồi!
        Anh lái xe định cho xe rẽ về hướng trung tâm thành phố thì ông bảo:
        - Lên đường cao tốc! Ta qua Bắc Ninh.
        - Thủ trưởng định đi đâu ạ?
        - Ta về quê ông Nhân!
        - Nhưng bác ấy có về quê đâu! Lúc nãy mấy cậu ở trang trại nói bác ấy đã đi xe ngược Thái Nguyên để lên vùng Bắc Cạn đào đãi vàng cơ mà.
        - Ta sang Bắc Ninh tìm nhà ông ấy!
        - Thủ trưởng có địa chỉ bác ấy rồi ạ?
        - Chưa! Chỉ còn nhớ mang máng! Hình như quê ông ấy ở Quế Võ, Bắc Ninh...
        - Thế thì tìm làm sao được ạ?
        - Ta cứ về Bắc Ninh, tối nay nghỉ ở thị đội, mai đi Quế Võ, đến hội cựu chiến binh huyện hỏi thăm, may đâu họ có danh sách, địa chỉ...
        Chiếc ô tô lên đến đường cao tốc Nội Bài - Phả Lại thì trời đã tối hẳn. Những ngôi sao lấp lánh phía chân trời xa thẳm. Ông tướng thò tay vào túi áo. Những ngón tay của ông như phải bỏng khi chợt chạm vào tờ giấy bạc của người bạn chiến đấu năm xưa...
Hà Nội 9-2005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét