Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2011

Truyện dài CHUYỆN ĐỜI HẮN (phần 10)

              
 
Chuyện đời hắn
Truyện của Trọng Bảo

         Sáng sớm hôm sau thì chiếc xe quân sự về đến làng hắn.
         Nhà thằng Đang ở tận cuối làng, sát cánh đồng đang đổ ải, bừa cấy. Trời đầu mùa hè đã nóng như nung. Vợ con thằng Đang gần chết ngất ngay đi vì tai họa đến bất ngờ phải gọi y sĩ tiêm thuốc trợ tim cấp cứu. Cả làng nhốn nháo như bất ngờ có loạn lạc, đạo tặc hay hỏa hoạn. Nhưng rồi kẻ khóc cứ gào khóc, người chuẩn bị tang lễ cứ chuẩn bị. Ông trưởng thôn vốn là người có kinh nghiệm lo chuyện tang ma lập tức cắt đặt công việc cho mọi người. Ở làng xã Việt Nam bao đời vẫn thế. Khi có tai hoạ, bất trắc thì sau những giây phút bàng hoàng họ đã biết làm việc gì ngay để chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cơn bĩ cực.
          Ngõ nhà thằng Đang kẻ ra, người vào nhốn nháo, hớt hải lo đám tang. Do thằng Đang bị thương nặng, chết từ hôm trước lại đem từ nơi khác về nên phải đưa nó ra đồng ngay trong ngày theo đúng phong tục của làng. Theo sự chỉ huy của ông trưởng thôn, đám thanh niên bọn thì đi đào huyệt, bọn thì hối hả dựng rạp che nắng khoảnh sân nhỏ. Mấy tay thợ mộc xoèn xoẹt cắt ván ghép quan tài ở góc vườn. Trong căn nhà gỗ cũ kỹ là tiếng kêu khóc ầm ĩ của vợ con thằng Đang khi họ vừa tỉnh lại.
          Từ lúc về đến làng hắn chả biết làm gì. Dân làng nhìn thấy hắn có người thì chào hỏi, có kẻ thì trợn mắt nhìn vẻ khinh bỉ. Hắn cũng chả buồn quan tâm. Vợ con thằng Đang đầu tóc rũ rượi vật vã giữa nhà. Hắn chờ mãi vợ thằng Đang mới hơi trấn tĩnh lại để chuyển số tiền và nói lại những lời thằng Đang căn dặn vợ con. Xong xuôi, hắn len lại chỗ người ta lau chùi cát bụi rồi tắm rửa cho thằng Đang. Nó được đặt nằm ngay ngắn trên giường. Người ta mặc cho nó một bộ quân phục còn mới nhất, có đủ cả cầu vai, quân hàm hẳn hoi. Trên ngực áo thằng Đang lủng củng những huân, huy chương, huy hiệu, kỷ niệm chương. Nhìn nó ai cũng ngỡ như nó vừa tham gia một cuộc diễu binh, diễu hành về đang nằm nghỉ chứ không phải là vừa mới đi làm thuê đào giếng, đốn củi kiếm ăn lam lũ ở nơi rừng sâu biên giới.
          Hắn đứng lặng nhìn thằng Đang. Nét mặt nó đã trở lại vô ưu. Có lẽ chỉ có cái chết mới khiến người ta thôi khỏi phải suy tư. Hai bàn tay nó đặt yên trên bụng. Đôi bàn tay ấy đã cầm súng đi mấy chiến trường, từng đào đất, làm đường, xây hầm hào, công sự, từng vặn kíp, tháo bom nơi mặt trận và mới vừa đây còn cầm xẻng, cầm cuốc, cầm dao làm thuê, chặt củi.
          Đám tang thằng Đang khá đông.
          Trời sang chiều càng ong ong bức bối. Cái nắng đầu mùa hạ khiến con người cảm thấy bứt dứt, khó chịu. Thời tiết nóng vậy mà các cựu chiến binh trong làng, trong xã vẫn mặc lễ phục chỉnh tề để tiễn người đồng đội về nơi cực lạc. Vợ con thằng Đang khóc hờ không còn rõ tiếng nữa. Ai cũng tỏ vẻ tiếc thương một con người thật thà, tốt bụng. Ông phó chủ tịch xã đọc một bài điếu văn ngắn ca ngợi chiến tích vẻ vang của người lính công binh Trường Sơn năm xưa. Giọng ông phó chủ tịch ngắc ngứ, vấp mấy lần vì chưa kịp tập đọc trước bài điếu do anh chủ tịch hội cựu chiến binh xã suốt buổi trưa vò đầu bứt tai soạn thảo. Hắn cố len vào chỗ đám người gào khóc nhốn nháo để thả một hòn đất xuống huyệt mộ của người đã khuất. Đám thanh niên bắt đầu hối hả xúc đất hất xuống hố. Tiếng đất cát rơi lục cục trên ván thiên. Vợ con thằng Đang lăn lộn kêu khóc lăn cả xuống huyệt mộ khiến đám thanh niên chốc chốc lại phải dừng xúc đất nhảy xuống lôi lên. Trông hai mẹ con họ chả khác gì hai túm rẻ rách bẩn thỉu.
          Mây mù chợt kéo đến. Bầu trời tối sấp lại. Một tiếng sét nổ vang trên cánh đồng. Cơn mưa rào sầm sập đổ xuống. Mưa to quá. Những hạt mưa ném ràn rạt trắng cả cánh đồng. Đất ruộng trồng khoai lang bở tơi rồi nhão nhoẹt. Đám thanh niên chẳng quản mưa gió gào thét quát tháo nhau cố xúc đất đắp nấm cho cao lên. Nhưng nấm mộ của thằng Đang vun mãi cũng chẳng tròn. Mấy bà, mấy chị cố che mưa đốt một nắm nhang để cắm lên mộ. Những nén nhang vừa cắm đã xèo xèo rồi tắt ngấm vì mưa. Ông anh thằng Đang nói vài câu cảm ơn cả làng. Tiếng ông khản đặc lẫn chìm trong tiếng mưa, tiếng gió ào ào.

         Những người đi đưa ma đội mưa trở về làng. Có nhiều người bảo thôi thế là xong một kiếp người, anh Đang ra đi vậy là mát mẻ, thanh thản. Nhưng riêng hắn lại cứ vẩn vơ với một suy nghĩ khác...  
          Ngay khi vừa tan đám tang thằng Đang ông phó chủ tịch xã đã gặp và cảnh cáo hắn:
          - Anh đi làm ăn ở đâu thì hàng tháng cũng đều phải về gặp chính quyền xã để trình diện hiểu không!
          Hắn gườm nhìn ông phó chủ tịch không nói gì. Ông ta đe thêm:
          - Mà hình như vừa mới ra tù anh đã lại gây ra một vụ đánh nhau ở ngoài nhà ga phải không? Công an họ đang điều tra chuyện ấy đấy, cứ liệu hồn…
          Mắt hắn trợn lên. Hắn chỉ muốn tống ngay vào cái mõm của ông phó chủ tịch xã một quả. Nhưng hắn đành cố nín nhịn. Hắn nuốt ực một cái rồi quay đít đi. Hắn cởi phắt cái áo ra vắt bớt nước mưa. Nhìn cái mặt hổ gớm ghiếc xăm trên ngực hắn, mấy người đi đưa ma vội rạt ra tránh đường cho hắn. Nhưng vẫn có một người tả tơi hớt hải cố đuổi theo hắn. Đó là vợ thằng Đang. Chị ta mếu máo nói với hắn:
          - Em xin… xin… đa tạ bác! Mời bác quay về nhà em ăn bát cơm rồi hẵng đi…
          - Thôi, tôi không ăn đâu! Tôi đi cho kịp xe khách lên tỉnh. Cô nhớ lời chú ấy dặn, cố mà lo cho con bé học hành đến nơi, đến chốn, hiểu phông!
          - Vâng… vâng… em đội ơn bác...
          Hắn lầm rầm trong miệng: “Mẹ kiếp! Cuộc đời sao mà khốn nạn đến thế, mang về cho vợ con nó một xác chết mà còn được cám ơn!”. Người đàn bà đứng rúm ró ven đường kéo vạt áo xô lau nước mắt. Hắn nhảng qua con mương nhỏ lên đường cái. Dáng hắn chúi đầu về phía trước. Chợt có ai đó cất tiếng hỏi:
          - Chú Lỗi lâu quá rồi mới về làng đấy nhẻ?
          - Ờ… ờ…
          Đúng là cũng phải đến ngót chục năm hắn mới về làng. Trước khi tiếp tục kiếp sống tha hương, tự dưng hắn lại muốn nhìn ngắm làng mình một chút. Hắn có linh cảm lần này ra đi sẽ lâu lắm nữa mới lại trở về làng. Hắn liền mặc cái áo ướt lên người để dân làng đỡ ngại khi hắn đi vào làng. Hắn bỏ con đường tỉnh lộ rẽ vào đi cắt con đường qua làng ra phía thị trấn, nơi xe ca sẽ dừng lại đón khách.
           Làng hắn nằm dài ngay dưới chân một dãy núi đất thấp. Hồi còn nhỏ hắn thường nghe ông từ già trông coi đền Thượng nói thì đó đó chính là một trong bốn con rồng đang vờn ngọc. Viên ngọc là cái hồ nước xanh trong ở giữa cánh đồng. Dãy núi phía sau nhà hắn nằm trải dài uốn lượn giống như một con rồng đất với những cái chân xoãi ra hai bên. Mào của con rồng chính là ngôi đền cổ ngay sau nhà hắn. Ngôi đền này thờ một vị nữ tướng của Hai Bà Trưng. Truyền thuyết còn lưu lại rằng khi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại, vị nữ tướng này còn tiếp tục cầm cự, chiến đấu thêm một thời gian nữa. Khi bị giặc truy đuổi đến đây, tướng sĩ quanh mình đã tử trận hết chỉ còn lại một mình, vị nữ tướng ấy đã bắn những mũi tên cuối cùng về phía giặc rồi nhảy xuống sông Đáy con tuẫn tiết. Trên cành cây gạo già phía Bắc, hướng tháp Bình Sơn vẫn còn lại ba mũi tên ấy. Những buổi chiều đông trời u ám, nhìn cây gạo già nghêng nghiêng, cành cây có ba mũi tên đồng giơ lên như một cánh tay bị thương của người chiến binh sắp ngã xuống. Người ta lập đền thờ bà. Ngôi đền lợp ngói nhở trên mỏm núi ngẫu nhiên tạo nên chiếc mào con rồng làng hắn.
           Con rồng làng hắn có hai mắt là hai cái giếng cổ không biết đào tự bao giờ. Con mắt dương là cái giếng Núi. Giếng đào trên một mỏm đá cao hơn ngọn tre làng mà mùa nào cũng có nước. Con mắt âm là cái giếng Chằm. Giếng đào giữa bài lầy, váng phèn chua vàng như nghệ mà nước cứ trong leo lẻo, ngọt mát, chẳng bao giờ cạn. Ngày xưa, cả làng hắn lấy nước ăn từ hai cái giếng ấy. Từ khi ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa phong trào "3 công trình vệ sinh nông thôn" ra đời, nhà nào cũng đào giếng, xây nhà tắm, làm hố xí hai ngăn thì hai cái giếng này bị bỏ quên, không người thau rửa. Trẻ con ném gạch đá, cây cối, vỏ dứa, vỏ thị xuống giếng. Vì thế nên giếng núi cạn dần, giếng chằm đục dần. Năm tháng qua đi, người ta dỡ gạch, phá hỏng mất hai cái giếng cổ ấy. Trên dãy núi lưng rồng thì cây cối bị chặt phá loang lổ, tựa như những chiếc vảy rồng bị tróc gần hết.
          Có phải vì bị chọc thủng hai con mắt, bị tróc mất vảy mà con rồng làng hắn không bay lên được, nên làng hắn nghèo, người làng không có ai làm quan, thanh niên làng hắn kẻ thì lận đận, tù tội như hắn, nhiều người ra trận chiến đấu, đánh nam dẹp bắc như bọn thằng Đang nhưng rút cục vẫn chỉ là "lính quèn", suốt đời nghèo hèn, khốn khổ, khốn nạn...          
           (hết phần 10                                         Hà Nội, tháng 2-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét