Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

Truyện ngắn MA Ở CẦU AO (phần 2)

 

     


          MA Ở CẦU AO
          Truyện ngắn của Trọng Bảo
 
          Tôi gặp chị Sinh ở Sài Gòn cuối năm 1975. Sau những giây phút vui mừng tay bắt mặt mừng vì người cùng làng gặp nhau chị Sinh chợt hỏi tôi:
          - Lâu rồi Nguyên có nhận được thư nhà không?
          - Em mới nhận được thư của bố mẹ. Thế còn chị. Chị có hay nhận được thư của anh Diện không?
           Chị Sinh cười buồn:
          - Mình với anh Diện chia tay rồi. Anh ấy đã lấy vợ cùng học ở nước ngoài từ cuối năm ngoái.
          Tôi giật mình:
          - Sao lại thế! Hồi giữa năm ngoái anh ấy về nước gặp em còn nói là rất nhớ chị, dặn em đi bộ đội vào Nam gặp chị chuyển lời hỏi thăm cơ mà!
          Chị Sinh lắc đầu:
          - Giả dối hết... anh ấy về lần đó là để chuẩn bị cưới vợ đấy!
          - Thế mà sao em lại không biết nhỉ?
          Chị Sinh xua xua tay:
          - Thôi bỏ cái chuyện vớ vẩn ấy đi... lòng dạ con người ai biết thế nào. Với lại mình lính tráng đánh đấm suốt ngày, người ngợm khô cứng làm sao còn sánh được với người ta là phó tiến sĩ nữa chứ?
           Chị Sinh nói như có vẻ năn thân. Tôi ngắm nhìn chị Sinh thật kỹ. Chị vẫn đẹp lắm. Những năm tháng chiến tranh ở rừng vẫn không làm mất đi ở chị sự dịu dàng và những nét hấp dẫn của một người con gái đẹp. Tôi chợt nhớ đến cái đêm ở cầu ao sau nhà. Chị Sinh bây giờ đã là một cán bộ trung đội thông tin. Hóa ra chị và tôi đều ở cùng một quân đoàn. Đơn vị chúng tôi chuẩn bị "lật cánh" ra làm nhiệm vụ ở biên giới phía Bắc. Lúc chia tay chị Sinh chợt hỏi tôi:
           - Nguyên vẫn còn giữ gói tóc mình đưa hôm nhập ngũ chứ?
           Tôi ớ người:
           - Ơ... chị chả dặn em là khi nào anh Diện về nước thì đưa cho anh anh à! Em đã đưa cho anh ấy rồi. Anh ấy nhận rồi cất ngay vào trong cái cặp da rất đẹp.
           Chị Sinh bùi ngùi:
           - Thôi được! Lần này ra Bắc gặp anh ấy mình sẽ xin lại. Chỉ sợ anh ấy không còn giữ được...
           Chị Sinh nói xong chào tôi để về đơn vị. Tôi nhìn theo chị Sinh. Chị bước đi có vẻ hơi vội. Mái tóc dài của chị ném qua, ném lại trên tấm lưng tròn.
            Nhưng rồi chị Sinh không có dịp gặp lại anh Diện để xin lại gói tóc của mình. Anh Diện ở suốt bên Liên-xô để làm nghiên cứu sinh tiến sĩ không thấy về nước lần nào. Mãi sau này gặp lại anh Diện tôi ngỏ ý muốn xin lại gói tóc của chị Sinh nhưng anh ấy bảo là để ở nhà bị lũ trẻ con nhà mình lấy đem đi đổi kẹo mạch nha mất rồi. Tôi biết anh ấy nói dối vì đã vứt bỏ mái tóc dài óng mượt ấy của chị Sinh đi rồi. Trong khi đó thì đơn vị của tôi và chị Sinh thì đóng quân ở tít trong rừng sâu biên giới với nhiệm vụ mở đường, vỡ đất làm kinh tế. Những năm tháng sau chiến tranh thật gian lao. Dân đói, lính đói. Chúng tôi ăn hạt bo bo cầm choòng, xà beng leo lên núi đục đá làm đường. Có thằng đói quá run lẩy bẩy ngã lộn cổ xuống khe núi phải đưa đi cấp cứu. Chị Sinh ở đại đội thông tin có đỡ hơn cánh lính bộ binh chúng tôi một chút nhưng cũng vẫn phải phát nương, làm rẫy, tự túc một phần lương thực và tham gia 50% ngày công lao động ngoài mặt đường. Bẵng đi một thời gian tôi không gặp chị Sinh. Một hôm, nghe tin chị bị ốm đang phải nằm điều trị ở bệnh xá trung đoàn. Tôi quyết định băng rừng đến thăm chị. Trạm xá trung đoàn ở gần đường quốc lộ 2. Từ chỗ đơn vị tôi trú quân để làm nền đường ra đến trạm xá của trung đoàn phải băng đèo vượt suối hết cả buổi sáng mới tới nơi. Chị Sinh bị ngã nước và sốt rét. Thấy tôi đến thăm chị vui lắm. Chị bảo sắp khỏi bệnh rồi. Nhưng tôi nhìn chị thấy mà lo. Chị gầy yếu quá. Da mặt chị xanh tái, mái tóc dày và dài gần chấm gót ngày nào bây giờ rụng mất nhiều lại xác xơ. Chị dặn tôi:
           - Viết thư về nhà đừng kể chuyện mình bị ốm kẻo gia đình mình biết lại lo lắng nhé!
           Tôi gật đầu rồi hỏi chị:
            - Nghe nói toàn đơn vị mình sắp chuyển quân sang án ngữ hướng Cao Bằng, chị có đi không?
          - Đi chứ! Mình là chiến sĩ của trung đoàn cơ mà!
          - Nhưng hình như lính của các đơn vị nữ được chuyển về tuyến sau, chuyển ngành hoặc đi học đấy chị ạ!
          - Nhưng mà mình xin ở lại và cấp trên cũng đồng ý rồi. Ngày mai, mình ra viện về đơn vị để làm công tác chuẩn bị...
           Tôi lặng nhìn chị Sinh. Tại sao chị lại không đi học hoặc chuyển ngành như các chị em khác trong đại đội thông tin mà lại xung phong lên tuyến trước. Tình hình biên giới phía Bắc rất căng thẳng. Chiến tranh đang cận kề. Đường ra trận lần này khác xa thời đánh Mỹ. Những đoàn quân vừa qua chiến tranh chưa kịp hưởng hòa bình đã bước vào trận mới. Không có sự hồ hởi mà chỉ có những nét đăm chiêu suy tư hiện rõ trên mặt từng người lính. Những bước chân nặng nề ngược chiều gió bắc. Chúng tôi đi theo lối cũ của cha ông.
           Tôi chia tay chị Sinh để quay về đơn vị trong rừng sâu. Chị Sinh tiễn tôi ra tận cổng trạm xá trung đoàn. Đó là lần cuối cùng tôi gặp chị Sinh. Khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra (2-1979) tôi và chị Sinh ở hai hướng khác nhau. Cuộc chiến ác liệt, kẻ mất, người còn. Suốt tuyến biên cương mịt mù đạn lửa. Tất cả các trận địa, vị trí phòng ngự của trung đoàn tôi đều bị quân địch tấn công dữ dội ngay từ ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh. Cái chiến thuật "biển người", lấy thịt đè người của bọn bành trướng thật không dễ đối phó. Tuyến trước, tuyến sau của đơn vị tôi không chi viện được cho nhau, không liên lạc được với nhau, đạn dược hết, người chết, bị thương không kể xiết. Sau chiến tranh tôi mới biết tin chị Sinh hy sinh. Sở chỉ huy của trung đoàn bị bọn địch tập kích. Bọn chúng tổ chức nhiều đợt tấn công liên tục suốt ngày đêm. Các cán bộ, chiến sĩ cơ quan trung đoàn bộ vẫn kiên cường chiến đấu. Họ đánh lui từng đợt tấn công của quân địch để bảo vệ hang đá sở chỉ huy. Đạn dược, lương thực cạn dần. Bọn địch dùng hơn tấn thuốc nổ đánh sập cửa hang chôn sống những người lính Việt Nam trong lòng núi đá. Chị Sinh là một người trong số hai mươi cán bộ, chiến sĩ bị kẹt trong hang. Khối đá nặng hàng trăm tấn sập xuống che lấp cửa hang khiến họ không thể chui ra. Một người dân bản Nà Sác kể lại rằng những ngày sau khi bọn giặc rút đi ông đã trèo lên chỗ cửa hang vẫn nghe tiếng kêu cứu ở bên trong lòng núi vọng ra rất rõ. Ông bùi ngùi nói: "Nhiều tiếng kêu cứu, có cả những tiếng rên la vì đau, vì đói ấy vọng qua khe đá từ lòng núi ra mấy ngày đêm liền mới lịm dần rồi tắt hẳn". Một số chiến sĩ công binh bí mật vượt qua đội hình quân địch tiếp cận cửa hang nhưng cũng không có cách nào phá được khối đá lớn để cứu đồng đội. Họ bị bọn lính sơn cước phát hiện bắn chết ngay lối lên hang đá. Phải đến gần mười năm sau công binh trung đoàn mới dùng bộc phá đánh vỡ khối đá nặng hàng trăm tấn để mở cửa hang sở chỉ huy trung đoàn ngày trước. Đơn vị công binh tìm thấy hài cốt của những cán bộ, chiến sĩ nằm rải rác trong hang đá. Nhiều hài cốt xác định ngay được danh tính vì trong túi áo của họ vẫn còn mã số của từng người. Trước khi chiến tranh xảy ra mỗi người chúng tôi đều được cấp một miếng bìa in mã số riêng của mình ép plattics cẩn thận để ai bị chết thì chôn theo đánh dấu mộ chí. Miếng bìa ấy chúng tôi luôn để trong túi áo ngực. Chị Sinh và một nữ chiến sĩ thông tin ôm nhau chết ở trong một hốc đá. Hai bộ hài cốt quấn vào nhau, các khốc xương của hai bàn tay còn lồng vào nhau, hai mái tóc dài rơi trên nền đá lạnh. Bên cạnh họ là hai khẩu súng AK hết đạn đã hoen gỉ qua năm tháng và một chiếc máy hữu tuyến. Cuốn nhật ký của chị trong ba lô vẫn trang cuối cùng viết dở, những nét chữ run run. Chắc là chị đã viết trong cơn đói đang hành hạ. Những người lính biên thùy đã chết đói ở trong hang đá bịt bùng như thế.
          Chuyện về chị Sinh thật buồn.
          Một ngày đầu đông, tôi trở về thăm quê. Đêm làng quê vẫn bình yên như xưa. Tôi ngồi lặng lẽ thật lâu trong căn nhà gỗ nhỏ nghe tiếng dế kêu ri rỉ ngoài vườn. Có lẽ đã gần sáng, dân làng đã chìm trong giấc ngủ sâu.
           Chợt nghe như có tiếng khỏa nước ở cầu ao phía sau nhà. Tôi dỏng tai nghe ngóng. Đúng là tiếng khua nước không phải là tiếng gió. Đêm thanh vắng tiếng nước khua rất rõ. Tôi nhẹ nhàng mở cửa bước ra thềm. Tôi đi vòng qua mấy bụi chuối ra chỗ cầu ao. Ánh trăng hạ huyền mờ ảo cũng giống như mấy chục năm trước. Tôi trông ra chỗ cầu ao ngày xưa và giật thót mình. Có một người đang ngồi trên cầu ao lưng quay lại phía tôi. Đó là một người con gái nhưng vóc dáng gầy gò, mái tóc thưa dài phủ không kín lưng. Một tấm lưng trần trong suốt như thủy tinh. Tôi hốt hoảng tự hỏi đó là người hay là ma. Có lẽ là ma thật rồi. Tự dưng tôi thấy ớn lạnh sống lưng, đầu óc mơ hồ, thảng thốt. Tôi định quay lại trở vào trong nhà thì người ngồi trên cầu ao bất ngờ quay lại. Tôi vô cùng sửng sốt nhận ra đó chính là chị Sinh. Khuôn mặt chị tuy gầy nhưng đôi mắt vẫn sáng như ngày nào. Nhưng… chị Sinh chết đã lâu lắm rồi cơ mà. Tôi lắp bắp định lên tiếng chào nhưng không thể cất nên lời. Chị Sinh lên tiếng hỏi:
          - Nguyên mới về thăm nhà à?
          Tôi lập cập đáp và hỏi lại:
          - Vâng… vâng… chị… cũng… mới về làng ạ?
          Chị Sinh gật đầu:
          - Mình cũng vừa về… mình đói lắm… có cái gì ăn cho mình xin một ít…
          Tôi nói:
          - Chị chờ… chờ để em vào trong nhà lấy nhé!
          Chị Sinh vội ngăn tôi lại:
          - Đừng… đừng… Nguyên đừng đi vội… Nguyên hãy cầm… cầm lấy tay mình một lát đi… mình đang rét lắm…
           Nói xong, chị Sinh đưa tay về phía tôi. Cánh tay của chị cứ dài dài ra mãi, từ cầu ao vươn tới tận bụi chuối chỗ tôi đang đứng. Cánh tay chị cũng trong suốt như thủy tinh và vô cùng lạnh lẽo. Tôi hoảng quá hét lên: “Ma… ma…” và giẫy giụa cố thoát khỏi bàn tay rất lạnh của chị Sinh…
           Tôi giật mình bừng tỉnh, trán túa mồ hôi. Hóa ra đó chỉ là một giấc mơ. Trời đang trở gió. Những cơn gió bắc lạnh lùng bắt đầu tràn về. Tôi định trùm chăn ngủ tiếp thì nghe như có tiếng gọi, tiếng khua nước ở phía sau nhà. Tôi cấu tay mình một cái thấy đau biết không còn là mơ ngủ nữa. Tôi vớ cây đèn sạc đi ra phía cầu ao. Cái cầu ao bằng miếng gỗ cũ kỹ mọc đầy rêu đã được thằng em thay bằng một tấm bê-tông phẳng lì. Tôi soi đèn xuống cầu ao. Có một vũng nước như ai vừa mới từ dưới ao ngoi lên ngồi trên cầu ao. Tôi dọi đèn ra phía giữa ao. Hơi nước và sương mù dày đặc khiến ánh sáng không thể chiếu xa nhưng vẫn thấy rõ có vệt sánh nước rẽ ra như ai đang bơi về phía bên kia bờ. Tôi tự nhủ hay đúng là chị Sinh vừa mới ngồi ở cái cầu ao này như cái đêm năm nào trước ngày nhập ngũ.
           Hôm sau, tôi bảo thằng em làm một mâm cơm cúng đem ra chỗ cầu ao. Mâm cơm này tôi muốn dành để cúng chị Sinh. Tôi thầm khấn gọi chị về mà ăn lấy một bữa cho no. Bố mẹ chị đều đã mất cả rồi. Nhà chị chỉ còn một cô em gái lấy chồng xa. Mộ của chị thì vẫn ở một nghĩa trang mãi trên miền biên ải. Có lẽ chị Sinh đang là một con ma đói giống như khi còn sống mà phải nằm chết đói, chết khát trong chốn hang sâu.
            Chẳng biết chuyện ma quỷ có thật hay không. Lúc mấy nén nhang cháy hết thằng em tôi bưng mâm cỗ vào nhà. Một cơn gió mạnh bỗng thổi ào qua làm một cây chuối đang mang buồng đổ gục xuống ao. Sóng nước mặt ao dềnh lên. Thằng em tôi giật mình trượt chân, đĩa xôi và con gà trên mâm rơi tõm luôn xuống ao. Nó liền nhảy ngay xuống mò tìm mãi nhưng không thấy. Chả lẽ cá dưới ao đã kịp đớp mất hay đúng là chị Sinh đã nhận và đem lễ cúng đi rồi…

           (hết)                                                                      Hà Nội, 25/11/2015


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét