Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Tản văn CÂY SẮN TRUNG DU

 

                                       
            Cây sắn trung du
           Tản văn của Trọng Bảo

          Miền trung du quê tôi ngày ấy sao mà nghèo đến thế. Quanh năm đói kém. Ngày nào cũng đi làm ngoài đồng mà vẫn không đủ ăn. Lúa gặt về ngồn ngộn sân kho nhưng sau khi phơi khô, quạt sạch phần lớn gánh ra kho thóc của nhà nước để giao nộp. Nào là thuế nông nghiệp, là thóc nghĩa vụ nộp vào kho nhà nước để xay xát thành gạo cung cấp cho cán bộ cơ quan, lực lượng vũ trang, chuyển ra chi viện cho tiền tuyến. Phần còn lại ít ỏi thì hợp tác xã cân đối giữa các đội sản xuất. Đội sản xuất căn cứ công điểm của từng hộ gia đình để xác định định mức giá trị một ngày công, trên cơ sở đó chia thóc cho xã viên. Thường là mỗi một công được khoảng bảy tám lạng thóc. Năm nào được một cân là khá lắm rồi. Một vụ mỗi gia đình hai lao động chính, hai lao động phụ được khoảng 400 công. Trừ công dân công, công xã hội còn lại khoảng 350 công, nhân với 7 lạng thóc thì được hơn hai tạ thóc. Hơn hai tạ thóc cho bốn năm miệng ăn trong sáu tháng trời làm sao đủ được. Vì thế quê tôi ngày ấy đói quanh năm là thế.
          Đói thì phải đào đất, lật cỏ mà kiếm cái gì ăn được. Quê tôi là vùng trung du, có nhiều đồi đất thấp. Ngoài thời gian lao động theo sự phân công của đội sản xuất nhiều nhà tranh thủ phạt cây cỏ vỡ hoang lấy một khoảnh đất làm nương trồng sắn. Mỗi nhà trồng độ vài ba trăm gốc sắn. Nhờ chăm sóc phân bón cẩn thận nên nhà nào cũng có thu hoạch. Sắn tươi luộc ăn. Sắn độn cơm, một hạt cơm cõng hai miếng sắn. Sắn nấu nhừ làm canh. Sắn thái lát, phơi khô để lúc giáp hạt tháng tám, ngày ba giã lọc lấy bột làm bánh ăn thay cơm. Tôi nhớ ngày ấy bố tôi thường nhào bột sắn làm bánh. Bột được nắm lại to bằng quả trứng ngỗng. Quá trình nặn bánh thì cho ngón tay chỏ vào giữa làm "nhân". Khi cái bánh được vo tròn thì rút ngón tay ra tạo thành một cái lỗ để khi hấp bánh chóng chín gọi là "bánh hỗng" (bánh rỗng). Bánh bột sắn ăn trừ bữa thay cơm ruột gan nóng cồn cào nhưng mà cũng đỡ được cơn đói.
         Song cũng không phải lúc nào người dân quê tôi cũng có sắn tươi, sắn khô để làm lương ăn. Tôi nhớ một lần tôi và bố đang dọn dẹp nương sắn chuẩn bị cuốc lên đánh luống để trồng vụ mới thì ông đội trưởng đội sản xuất đến bảo:
         - Từ năm nay gia đình ta không được trồng sắn nữa!
         - Tại sao thế!
         Bố tôi ngạc nhiên hỏi lại. Ông đội trưởng giải thích:
         - Trên có chủ trương công hữu tất cả các tràn nương để hợp tác xã trồng sắn cung cấp cho nhà máy tinh bột...
         - Thế sao không để chúng tôi trồng. Thu hoạch được khá chúng tôi sẽ bán cho nhà máy...
         - Không được cụ ơi! - Ông đội trưởng giải thích: - Chúng ta đang tiến lên chủ nghĩa xã hội, của cải, tài sản đều phải công hữu, thóc lúa, khoai sắn làm ra sau khi nộp thuế, làm nghĩa vụ với nhà nước còn lại thì sẽ chia đều cho bà con. Nếu nhà nào cũng có cái nương trồng sắn riêng tức là đã làm ăn tư hữu, là đang từng bước dần dần tiến lên tư bản chủ nghĩa đấy cụ ạ!
         Ông bố tôi là người thật thà. Nghe thấy mình đang dần dần tiến lên tư bản chủ nghĩa thì phát hoảng. Bởi như thế là trái lại với chủ trương, đường lối đã được thường xuyên nghe phổ biến, quán triệt. Ông bảo tôi thôi dọn dẹp cái nương trồng sắn để chuyển cho hợp tác xã lấy làm tài sản chung. Kể từ sau khi nghe ông đội trưởng sản xuất thông báo, chả nhà nào còn dám tự đốt nương trồng sắn nữa. Tất cả các nương sắn họ đã mất công khai hoang, cải tạo đất, chăm bón đều giao cho hợp tác xã. Vẫn nương ấy, đất ấy từng nhà trồng thì sắn tốt bời bời, cây to, củ nhiều, hợp tác xã trồng thì cây chỉ to bằng cái đũa, lúc thu hoạch nhổ lên được một hai củ sắn ngắn tũn, bé tí, đem bán nhà máy không nhận đưa về chia cho bà con đến vụ trừ vào thóc. Năm cân sắn tính bằng một cân thóc. Câu nói "quy ra thóc" là có từ thời bao cấp, chính là chuyện sắn, ngô, khoai... khi hợp tác xã chia cho xã viên đều được "quy ra thóc" như vậy. Không còn cái nương trồng sắn, cái đói khi giáp hạt ở quê tôi ngày ấy càng trầm trọng hơn.
         Bây giờ nhớ lại chuyện ngày xưa thấy buồn cho một thời ấu trĩ. Nhiều người là xã viên hợp tác xã từng lo trồng mấy gốc sắn sẽ "tiến lên tư bản chủ nghĩa" như bố tôi, như ông đội trưởng đội sản xuất nay không còn nữa. Các cụ không biết là con đường tiến lên chủ nghĩa tư bản không bao giờ đi qua những cái nương sắn của quê tôi ngày ấy. Riêng tôi có những buổi tối phóng xe trên đường phố Hà Nội gặp một cái xe đẩy bán sắn luộc thơm phưng phức là lại bùi ngùi nhớ về cây sắn của miền trung du quê mình một thời nghèo khó. 
                                                     Vĩnh Phúc, 13/7/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét