Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Tản văn Măng đắng Hà Giang

              
    
Măng đắng Hà Giang
Tản văn của Trọng Bảo

          Ngày ấy ở Hà Giang chúng tôi thường bảo nhau: “Ăn một miếng măng đắng ba ngày sau miệng vẫn còn thấy đắng”. Bây giờ nhớ lại cái thời gian khổ “măng đắng” ấy lòng tôi cứ thấy nao nao.
           Đó là những tháng năm sau chiến tranh chống Mỹ, đất nước bước vào xây dựng hàn gắn vết thương sau bao năm bom đạn. Những người lính bước ra từ chiến tranh bước vào công trường. Tiếng reo vui chiến thắng của mùa Xuân năm 1975 còn chưa lắng xuống thì quân dân ta đã phải đối mặt với nguy cơ nghèo đói. Những đoàn quân chưa kịp buông vũ khí đã cầm ngay dụng cụ lao động. Trung đoàn 246 của chúng tôi ngược lên vùng cao Hà Giang. Chúng tôi đi về phía thượng nguồn con sông Lô lịch sử phá núi làm đường. Giữa những lau lách, tre nứa ngút ngàn tôi mới hiểu thế nào là chiến khu xưa với ngọn măng, quả trám nuôi quân kháng chiến.
           Hôm đầu tiên hành quân lên Hà Giang tiểu đội tôi ở trong một nhà dân tộc Dao giữa rừng sâu. Bữa cơm độn ngô cánh lính ngồi ăn cùng gia đình. Gắp một miếng măng đắng đưa lên miệng tôi nhăn mặt vì vị đắng đến kinh người. Suýt nữa thì tôi nhổ ra vì đắng quá. Đắng như chưa bao giờ mình bị đắng đến thế. Lưỡi quằn lên vì đắng. Suốt bữa, tôi sợ không dám đụng đũa đến món măng trên mâm. Măng đắng ấy là loại măng của cây vầu. Loại vầu này to như cây tre mai ở quê tôi. Dọc tuyến đường chúng tôi đang thi công là những rừng vầu bạt ngàn. Những cây vầu ken nhau vươn thẳng lên trời cao, trùng trùng điệp điệp một vùng rừng núi huyện Bắc Quang.
           Chúng tôi chặt cây vầu để xây dựng doanh trại dã chiến giữa rừng, làm lán trại ở tạm thi công theo dọc tuyến con đường mới mở. Những thân vầu để nguyên là cột, chẻ ra làm mè, làm rui, làm sạp nằm của lính công binh. Tôi nhớ bài thơ ngày ấy mình viết về cây vầu có câu: “Một thân không quả, không hoa/Để nguyên là cột, chẻ ra làm mè”. Những gốc vầu già chuốt đi làm đũa lên vân màu đỏ sậm. Nhưng thích nhất là măng vầu. Vì ở giữa chốn rừng sâu măng vầu trở thành một thứ thực phẩm rất quan trọng. Mùa măng lên vào trong rừng vầu thật thích. Những ngọn măng chĩa lên trời xanh tua tủa như một bãi chông, như một rừng giáo mác trùng điệp. Vị đắng của măng rồi cũng quen dần trong bữa ăn của người lính. Chút mỡ hoá học, măng đắng sào với mắm tôm. Măng đắng nấu cùng con cá câu ngoài suối giúp bọn lính chúng tôi vượt qua cơn đói cồn cào của những ngày gian khổ ấy. Tôi nhớ có lần vào rừng đào măng đắng, gặp mấy cô gái người dân tộc cũng đang đi hái măng. Tôi trêu liền đọc mấy câu thơ:
           “Măng rừng sao đắng thế
            Mà người thì vẫn xinh?”
            Một cô tủm tỉm cười ứng đối ngay:
            “Cũng tại rừng cay đắng
             Nên xanh lại càng xanh…”.
            Sau này khi viết truyện ngắn Mưa rừng về miền đất Hà Giang mình từng sống và lao động những ngày gian lao ấy tôi lại nhớ đến hình ảnh của hai cô gái trong rừng vầu măng đắng bao la bên bờ con sông Bạc bữa nào. Ngày 30-6, chúng tôi sẽ gặp mặt nhau ở Phú Thọ để kỷ niệm 64 năm thành lập Trung đoàn 246. Đồng đội tôi có ai còn nhớ tới vị măng đắng Hà Giang ngày nào?
            Bây giờ cuộc sống không còn phải lo đói ăn, đứt bữa như ngày xưa nữa nhưng nhớ lại một thời gian khổ ấy sao mà tôi lại thấy thèm một vị đắng của măng vầu và thấy nhớ Hà Giang đến thế…
                                                                                       Hà Nội, 29-6-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét