Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Truyện ngắn Người đầu gỗ

Người đầu gỗ
 Truyện ngắn của Trọng Bảo
 
           Trẻ con hát:
                Người là người
                Là xương là thịt
                Là mắt là môi
                Người là hổ
                Sao đầu người bằng gỗ
                Tiếng gầm thét rung trời
                Máu chảy tơi bời
                Lửa rừng rực lửa...
Người lớn than:
                Thủ lĩnh Bách Bung
                Lực kiệt, thế cùng
                Núi Sáng thành tăm tối
                Trận cuối cùng dữ dội
                Xác giặc đầy khe
                Khói phủ mây che
                Lòng người vẫn tỏ
                Chết dù mang đầu gỗ
                Giặc vẫn mãi kinh hoàng.
          Nghe tiếng hát, tiếng than của nhân thế các bậc cao niên bàng hoàng. Họ hướng về phía Bắc vái lạy. Họ hiểu thế là hết. Vị thủ lĩnh áo nâu, con hùm xám Yên Thế đã không còn. Hơn ba năm rồi họ chờ đợi một sự trỗi dậy của nghĩa quân với khí thế chẻ tre thuở nào. Nhưng đường trời hình như đã tận.
Còn nhớ chuyện từ hơn ba năm trước. Vào một buổi chiều, trời bỗng kéo mây đen, một tiếng sét nổ vang giữa rừng. Tiếng cây đổ ầm ầm trên núi Sáng. Mưa. Gió lốc mịt mù. Cơn mưa sầm sập đổ xuống trắng cả non ngàn. Mưa như gào, như thét. Mưa như đảo đất hất lên trời như ghìm mây trên trời xuống đất.
Dân làng Đồng Quế rụng rời chân tay khi nghe từ hướng núi tiếng súng cứ thưa dần. Nghĩa quân đang đánh trận huyết chiến cuối cùng. Trận đánh sinh tử giữa những người nông dân áo vải với bọn thực dân và lũ tay sai. Cụ Cả Nhân từ rừng về gọi con cháu đến giọng run rẩy bảo:
- Mang hết số ván canh ra bào nhẵn đi...
- Làm gì hả bố?
Anh con cả ngạc nhiên hỏi. Cụ vừa mở kho ván gỗ vừa chùi mắt:
- Đóng quan tài...
Tiếng cụ nghẹn ngào. Đám con cháu mặt mũi tái nhợt đi vì sợ. Cụ lại bảo:
- Gọi vài kíp thợ đóng mới kịp, nhanh lên đi...
Nghe cụ giục, anh con cả cố trấn tĩnh hỏi lại:
- Bố còn khoẻ thế mà sao sao đã vội...
- Không phải đóng quan tài cho tao... - Cụ gắt: - Tao còn lâu mới chết... mà là đóng quan tài để lên rừng nhặt xác anh em nghĩa quân...
Nói đến đây cụ không nén nổi nữa mà bật thành tiếng khóc. Tiếng khóc não nùng. Nước mắt cụ ròng ròng trong nước mưa:
- Các con ơi! Anh em nghĩa quân chết hết cả rồi!
Con cháu của cụ Cả và dân làng giờ mới tin là đã hết. Họ khóc. Tiếng khóc lan từ làng này sang làng khác. Nỗi đau nối dài từ tổng này sang tổng nọ. Niềm hy vọng vụt tắt trên những khuôn mặt dân quê hiền lành, lam lũ.
Mưa vẫn mưa. Tiếng súng trên núi cứ thưa thớt dần rồi tắt hẳn. Tiếng đục đẽo dưới các làng dày thêm. Nghĩa quân Yên Thế đã bị đánh tan. Trận chiến cuối cùng bi hùng tại núi Sáng những người nghĩa binh lần lượt ngã xuống. Khu đại bản doanh Bách Bung trên núi tan hoang. Nhưng vị thủ lĩnh không chết. Những cận vệ võ nghệ song toàn đã đưa được thủ lĩnh của mình vượt thoát khỏi vòng vây, khỏi cái chết trong gang tấc. Toán tinh binh của nghĩa quân quần áo tả tơi đỏ máu và bùn đất mở một con đường huyết hướng lên phía bắc bỏ lại phía sau chiến địa khói lửa ngút trời cùng bao đồng chí từng nếm mật nằm gai thân xác rải đầy chiến luỹ. Họ mong sẽ có ngày trở về báo thù trả hận cho anh em.
Xác của những nghĩa quân đã được dân các làng xung quanh núi Sáng tìm kiếm mai táng.
Bọn lê dương, khố xanh, khố đỏ ngó nhìn, kiểm tra từng cái xác. Nhưng chúng không thấy điều chúng mong muốn.
*
          Hắn tên là Kỳ, họ Lương, một tay chuyên buôn bán thuốc phiện. Con đường thuốc phiện của hắn là tuyến Bắc Giang - Quảng Đông, Trung Quốc. Hắn phải tập hợp một đoàn quân đảm bảo cho công việc khó khăn và nguy hiểm này. Đoàn tuỳ tùng, vệ sĩ của hắn vừa là người vừa là ma. Bọn chúng xây dựng và đảm bảo con đường thuốc phiện an toàn, hoạt động thông suốt. Người ta gọi hắn và đồng bọn là lũ "song tử". Chữ tử ở đây mang nghĩa xấu đó là cái chết. Cái chết bằng đao kiếm và cái chết bằng thuốc phiện. Bọn chúng đi đến đâu đem theo cái chết tới những hai lần.
          Hắn là một đứa con lạc loài. Chả ai biết hắn sinh ra từ đâu, chỉ biết hắn từ đâu đến và mang theo cái gì. Con đường thuốc phiện của hắn xuyên rừng, vượt qua vách núi cao theo lối đi của loài sói. Tuy vậy do làm nghề bất hợp pháp nên hắn hiểu muốn tồn tại phải biết làm người hai mặt. Hắn kết thân với nghĩa quân Đề Thám, ủng hộ tiền bạc, lương thực, thuốc phiện để có lối đi giữa rừng. Hắn bí mật đầu hàng câu kết làm tay sai cho bọn thực dân làm kế bảo toàn và thị trường cho việc buôn bán hàng quốc cấm.
          Một bữa hắn vừa từ Chợ Chu về tới Bắc Giang thì có xe của phủ toàn quyền lên đón. Chiếc xe hòm kín mít chạy qua cầu Long Biên đưa hắn vào nội thành Hà Nội. Toàn quyền Đu-me tiếp hắn trong trong một căn phòng nhỏ kín đáo trong dinh.
          Đu-me hỏi thăm về gia cảnh của hắn cố tạo không khí cho có vẻ thân mật. Thực ra tên thực dân cáo già này đâu có quan tâm gì đến lũ tay sai bản xứ ngoài sự lợi dụng. Mọi sự xã giao cuối cùng cũng quay về chủ đề chính. Đu-me thăm dò:
- Ông Hoàng đã bị giết ở khu rừng cách chợ Gồ hai cây số. Một tên đem nộp thủ cấp lấy hai vạn đồng tiền thưởng rồi.
Lương Kỳ không biểu lộ thái độ gì trước tin ấy. Đu-me đành ngửa bài:
- Nhưng lại có tin đấy là đầu ông sư chùa Leo ở gần đó. Vị sư này có khuôn mặt rất giống Hoàng Hoa Thám, chưa phân biệt được. Vậy theo ông thì thế nào?
          Lúc này Lương Kỳ mới tỏ thái độ. Hắn biết rằng mình sẽ có vai trò quan trọng trong việc này nên đắc chí cười:
          - Thưa quan lớn! Ngộ biết đó không phải là đầu của Hoàng Hoa Thám. Nếu đúng thì ngộ đã đến vuốt mắt cho ông ta. Đằng nào chả là bạn hữu...
          Đu-me dấn thêm:
          - Tôi biết là hai vị đã có một thời bằng hữu mật thiết với nhau. Nhưng ngài thì sớm quay đầu, tỉnh ngộ, còn ông Hoàng thì cứ kiêu dũng mãi. Kể từ khi ông ta trốn khỏi núi Sáng tới nay là ba năm rưỡi, chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi chiêu hồi. Chúng tôi bắt được bà vợ ông ta là Ba Cẩn và con gái út sáu tuổi Nước Hai, Cao Bằng. Nhưng trên đường đưa sang Pháp bà ấy đã nhảy xuống biển tự tử. Cô con gái út ông ấy được đưa về Pa-ri nuôi nấng cho học hành tử tế thế mà ông ấy vẫn không hề thay đổi ý chí. Chúng tôi phải tiêu diệt ông ta thôi.
Lương Kỳ nói:
- Thưa quan toàn quyền, ngộ biết Hoàng Hoa Thám còn sống. Ông ấy vẫn nhờ vào nguồn tiếp tế tiền bạc, thuốc phiện của ngộ mà.
- Ngài có thể giúp người Pháp chấm dứt mối lo ngại lâu dài được không?
- Ồ không... không! - Lương Kỳ làm bộ chối đây đẩy: -  Ngộ và ông ấy là bạn hữu hảo mà...
          Đu-me đã nhìn thấu tâm địa của tên con buôn tham lam này. Vì lợi lộc thì mả cha nó cũng dám đào chứ bạn bè kết nghĩa đã là gì. Cái chính là mở cho nó một lối để giữ cái danh dự hão là được.
          - Tôi biết người Á đông các ngài vốn coi trọng tín nghĩa, danh dự. Nhưng chữ tín cũng có nhiều cách viết phải không thưa ngài?
          Lương Kỳ thấy yên lòng hơn. Một chút nhân tâm sắp tàn lụi hết được xoa dịu. Đu-me gợi ý hắn mượn tay người khác giúp việc sát hại Đề Thám để tránh cho mình cái điều còn phân vân, do dự. Tuy nhiên trong lòng Lương Kỳ vẫn thấy hơi hổ thẹn khi nhận hai vạn đồng tiền thưởng để giết Hoàng Hoa Thám. Hắn nói lí nhí trong mồm câu gì đó làm cho tên thông ngôn phải ghé sát tai mà không nghe thấy gì để dịch.
          Toàn quyền Đu-me cười nhạt, hắn biết Lương Kỳ còn định vòi vĩnh thêm. Y nói thêm:
          - Tôi đặt niềm tin cậy vào ngài. Vì vậy xin giao trước cho ngài một vạn đồng. Các việc khác sau này khi mọi sự đã thành ngài cứ yên tâm...
          Lương Kỳ trở về bàn việc với một người tin cẩn là Ma Văn Sang. Sang là con nuôi của Kỳ. Sang đang làm bang tá đồn lính dõng châu Sơn Dương. Sang có sức khoẻ và võ nghệ rất cao, tay không dám vật nhau quật chết được cả gấu. Lương Kỳ yêu quý nhận Sang làm con nuôi để bảo vệ cho con đường thuộc phiện của mình. Kỳ đầu hàng Pháp được cho làm chủ vùng chợ Chu, Bắc Cạn, vừa cai trị, bóc lột dân bản địa vừa độc quyền chuyện buôn bán thuốc phiện. Hắn giầu có, sống sa hoa nhất vùng. Tuy vậy, Kỳ vẫn giữ quan hệ với Đề Thám, cung cấp hậu cần cho nghĩa quân ở núi Sáng. Sang là người đảm nhận đường dây liên lạc giữa Lương Kỳ và Hoàng Hoa Thám. Số phận của vị thủ lĩnh áo nâu đã được hai cha con tên bội phản bàn bạc với nhau ngay bên bàn đèn thuốc phiện. Chúng tính toán kín kẽ mọi nhẽ để tiếp cận và hạ sát được Đề Thám.
          Có tài liệu ghi chép lại rằng:
          Đề Thám và hơn chục thủ hạ ẩn náu bí mật trong các hang đá tại khu rừng thông Thanh La Kim Trận, thượng lưu sông Đáy thuộc châu Sơn Dương. Họ mong có cơ hội phục binh lấy lại cơ đồ, quyết không hàng phục, chiêu hồi. Lối vào hang của cụ Đề Thám được bố trí ba chặng gác. Bất kỳ ai muốn vào cũng phải được cụ cho phép và phải bỏ hết vũ khí ở bên ngoài.
          Ma Văn Sang và một tên tuỳ tùng dắt theo hai con ngựa thồ. Như mọi lần, họ đem muối, thuốc lào, thuốc phiện và bạc trắng tiếp tế cho tàn quân của Đề Thám.
          Khi họ xuất hiện ở khu rừng được canh phòng cẩn mật, người gác chặng thứ nhất vào báo trạm thứ hai, trạm thứ hai báo vào trạm thứ ba, trạm thứ ba báo vào để cụ Đề Thám biết. Nghe tin có Ma Văn Sang đến, Đề Thám cho lệnh đón vào ngay. Bọn Sang cởi súng để lại, chỉ mang theo túi đựng bạc trắng và hai hộp thuốc phiện. Tên tuỳ tùng cởi thồ hàng lấy các bao muối, thuốc lào giao cho nghĩa quân và ở lại đợi ở trạm ngoài.
          Đề Thám đón Sang từ cửa hang, ra hiệu cho người nghĩa binh dẫn đường quay lại. Hai bên tay bắt mặt mừng. Sang đặt túi bạc cái xuống cái sạp làm bằng phên nứa. Tiếp theo móc túi lấy ra hai hộp thuốc phiện kính cẩn đưa biếu Đề Thám.
          Sang thưa:
          - Cha nuôi sai tôi mang đến cho thúc phụ năm trăm đồng bạc trắng, bốn lạng tây thuốc, hai chục cân muối và năm chục bánh thuốc lào Vĩnh Bảo.
Đề Thám cảm động nói:
          - Ông về chuyển giúp tôi lời đa tạ tấm lòng của Lương huynh.
          Hai người ngả bàn đèn. Sang bảo:
          - Mời thúc phụ cứ hút cho thoả thích, để tôi tiêm hầu cho.
          Đề Thám sắp hết thuốc phải hút dè đã mấy hôm nay. Được lời mời của Sang, cụ bằng lòng ngay. Đề Thám duỗi hai chân nằm nghiêng gối đầu lên chiếc gối gỗ vuông, ngậm tẩu rít thuốc. Ống nhĩ kêu ro ro, khói thuốc phả ra thơm lựng. Mấy con tắc kè trên nóc hang quen ngửi khói bò từ trong kẽ đá bò ra.
          Đề Thám say thuốc, mắt lờ đờ rồi nhằm nghiền, buông rơi cán tẩu.
          Ma Văn Sang gọi thăm dò:
          - Thưa thúc phụ! Thưa thủ lĩnh...
          Không có tiếng trả lời, chỉ có tiếng ngáy khò khò của người say phê thuốc. Sang lấm lét quan sát xung quanh. Không có ai. Hắn rút chiếc búa đinh giấu trong túi bạc trắng, nhằm thái dương Đề Thám nện thật mạnh. Đề Thám ngất xỉu ngay không kêu được tiếng nào, chân tay giẫy giụa bành bạch. Hắn nện tiếp mấy nhát búa nữa vào đầu Đề Thám. Sau một lát giẫy giụa, Đề Thám nằm yên tắt thở. Sang nhanh chóng lấy dao cắt lấy thủ cấp giấu trong áo đi ra.
          Theo mưu kế đã định, Lương Văn Phê - tên tuỳ tùng cùng đi - gửi lại cả hai khẩu súng, xin phép đem ngựa vào đợi ở trạm trong cùng để kịp về. Anh em nghĩa binh vui vẻ cho đi. Tên Phê ngồi ở trạm ngoài chuyện vãn với người lính gác. Hán biếu anh ta mười đồng bạc trắng và một bánh thuốc lào để làm thân. Nhác thấy Sang đã ra gần tới nơi, tên Phê bèn xin phép người gác cho dẫn ngựa vào đón chủ. Người lính gác bằng lòng. Con ngựa trông thấy chủ chạy xộc ngay tới. Sang nhảy ngay lên ngựa giục đi nhanh. Qua chỗ người gác hắn còn vẫy chào. Sang và tên tuỳ tùng qua khỏi ba chặng gác, bỏ lại luôn hai khẩu súng, thúc ngựa phi nước đại.
          Thấy hai người của Lương Kỳ bỏ cả súng đạn để đi vẻ hốt hoảng vội vã như chạy trốn, các nghĩa quân nghi ngờ. Họ vội đổ xô vào hang của thủ lĩnh. Thì hỡi ôi mọi việc đã hỏng cả. Xác vị thủ lĩnh của họ nằm trên sạp nứa không đầu, máu chảy đỏ loang cả nền hang.
          Hơn chục nghĩa sĩ can trường chỉ còn biết nghiến răng trợn mắt. Họ đánh chịu bất lực vì không có ngựa để đuổi theo hai tên sát thủ. Họ ngồi khóc thủ lĩnh của mình mà lòng đau đớn, căm hận. Họ bàn bạc việc mai táng cho vị thủ lĩnh của mình. Họ hạ một cây gỗ hương đẽo một cái đầu bằng gỗ rồi tiến hành khâm niệm. Cái đầu gỗ vừa đặt vào thân xác của Đề Thám thì lạ thay máu ở cổ ngừng chảy. Chỗ hốc mắt của cái đầu gỗ ứa ra một dòng nước như là lệ. Các nghĩa binh đào nền hang đặt thi hài Đề Thám xuống lấp lại, khoả bằng để không ai phát hiện ra nơi chôn cất vị thủ lĩnh.
          Nghe nói sau khi cúng bái đủ ba ngày cho thủ lĩnh, họ lấy đá lấp kín cửa hang. Rồi họ chia tay nhau mỗi người đi một ngả, biệt tăm tích.
          Sự tích về người đầu gỗ được ghi chép lại là như vậy.
            Vĩ thanh
               1- Sau khi hạ sát được Đề Thám, Lương Kỳ được người Pháp hết sức trọng dụng. Hắn được cai quản, làm chủ một vùng. Hắn đi đến đâu có thổ ti, bang tá phục dịch, bảo vệ đến đấy. Hắn vẫn nghĩ mình sẽ an toàn tuyệt đối, dù những nghĩa binh của Đề Thám còn sống sót trong dân gian muốn báo thù cũng không thể có cơ hội.
           Nhưng chuyện kể lại rằng, một hôm hắn cưỡi ngựa qua sông. Sông Đáy mùa cạn trơ cả sỏi đá. Hắn lỏng chân cương giong ngựa qua sông. Toán tuỳ tùng lũ lượt đi trước đi sau và kèm hai bên hộ vệ. Con ngựa quý của hắn đang đi bỗng hí lên hoảng hốt chồm dựng ngược lên. Do không phòng bị nên Lương Kỳ bị hất tung lên lao cắm đầu xuống dòng sông cạn. Đám tuỳ tùng vội xô đến cứu. Bọn chúng vô cùng kinh hãi thấy đầu của Luơng Kỳ vỡ toác khi đập vào một gốc cây khô cưa cắt nham nhở chìm dưới dòng nước nông. Đó là một gốc cây bị nước lũ cuốn từ đâu về. Có người sau này biết chuyện thì dứt khoát bảo đó chính là gốc cây gù hương mà các nghĩa binh đã chặt để đẽo cái đầu gỗ cho Đề Thám. Chuyện thật giả chả biết thế nào...
           2- Đã từ lâu tôi nghe kể về một trận đánh kinh hoàng trên núi Sáng. Với tài trí của mình, cụ Đề Thám đã khéo léo chỉ huy nghĩa quân lừa cho bọn địch bắn nhau một trận chí tử, bị thiệt hại rất lớn. Tôi rất muốn viết về vị thủ lĩnh áo nâu, con hùm xám Yên Thế, người đã chọn núi Sáng quê tôi làm căn cứ địa thứ hai cho cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược.
           Cuối tháng hai vừa qua, tôi bất ngờ nhận được điện của ông Đỗ Văn Tường, nguyên bí thư huyện uỷ Lập Thạch nói có một tài liệu về Hoàng Hoa Thám ở núi Sáng. Ông đã cung cấp để tôi viết truyện ngắn này. Đây chỉ là một truyện dã sử, có thể nhiều tư liệu còn phải nghiên cứu, hiệu chuẩn lại. Với truyện ngắn này tôi xin làm một nén nhang để tưởng nhớ vị thủ lĩnh và những nghĩa quân trên núi Sáng.
                                                                             Hà Nội, tháng 3-2009               
                  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét