Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Truyện ngắn NGỌN GIÓ SÂN CHÙA

                   
                    Ngọn gió sân chùa
                    Truyện ngắn của Trọng Bảo
                                
     Từ khi chuyển đổi cơ chế, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân khá hơn. Cứ nghĩ lại cái thời bao cấp sau chiến tranh ai cũng vẫn còn thấy sởn gai ốc. Ngày ấy, có được miếng thịt là may. Cầm tem phiếu đi mua thịt, chỉ mong cô bán hàng thực phẩm cắt cho miếng có tý mỡ để còn rán sào được cả tuần, cả tháng.
       Bây giờ thì khác. Ai cũng ngán ăn nhiều thịt sợ coletron, máu nhiễm mỡ, khó tiêu hoá. Ngày xưa còn có cả loại “phở không người lái” (không thịt). Còn bây giờ thì nhan nhản những nhà hàng đặc sản. Quỹ  phúc lợi cũng tăng lên. Vì vậy, năm nào cơ quan tôi cũng tổ chức cho công nhân viên chức đi du lịch tham quan danh lam thắng cảnh. Thôi thì Chùa Hương, Tam Cốc, Bích Động, Hạ Long, Yên Tử đủ cả.
      - Năm nay cơ quan ta sẽ đi thăm Huế! - Ông cán bộ công đoàn tuyên bố: - Thế nhưng phải tổ chức bình xét cẩn thật. Ưu tiên các cá nhân là chiến sĩ thi đua, bằng khen, giấy khen trước đã...
      - Tôi đề nghị thế này! - Thằng Hùng nêu ý kiến: - Chúng tôi chẳng là cá nhân tiên tiến, xuất sắc, chiến sĩ thi đua gì cả nhưng xin cơ quan cứ cho đi. Chúng tôi xin nộp một trăm phần trăm chi  phí, cho cả vợ con đi luôn.
      - Đồ hợm của, cậy tiền... - Thằng Quang ghé tai tôi nói nhỏ: - Nó cậy có tay nghề cao, chân ngoài dài hơn chân trong, kiếm tiền như nước đấy anh ạ!
      - Thây kệ nó kẻo mất đoàn kết. - Tôi bảo. Thằng Quang im lặng nhưng vẫn hậm hực.
     Thế là chuyến đi Huế được tổ chức. Chúng tôi sẽ vừa đi, vừa tham quan dọc đường vào, cũng như lúc quay ra. Khi đến Ninh Bình, thằng Hùng chợt bảo:
      - Ở đây có một ngôi chùa đẹp và linh thiêng lắm nhé, ta vào thắp hương cầu cho thượng lộ bình an...
      Cũng đã tới lúc nghỉ ăn trưa nên ông trưởng đoàn đồng ý dừng lại. Chúng tôi theo Hùng vào một khu cây cối um tùm, thấp thoáng những mái cong của am tự.
      - Mô Phật! Thí chủ vào nơi cửa thiền xin chớ nói to.
       Một vị sư nữ ra đón và nhắc vì thằng Hùng cứ oang oang khi đã vào tới sân chùa. Tôi nhìn nhà sư và giật mình những nét quen quen trên khuôn mặt. Nhà sư quay đi và dẫn đoàn vào chùa chính. Tôi len lên phía trước cố đến gần để nhìn kỹ nhà sư. Nhưng trong chùa ánh nến mờ ảo, khói nhang nghi ngút, nhà sư lại trùm khăn, chỉ hở khuôn mặt thật khó nhận ra là có phải người quen không.
      Cắm nén nhang trước Phật đài, tôi cũng chắp tay thầm khấn cho vạn sự như ý. Khi cả đoàn kéo đi tham quan hang động, tôi nấn ná chờ. Lúc nhà sư bước ra tiễn khách, dưới ánh sáng tự nhiên, tôi bật lên thảng thốt: “Đúng là Thảo rồi!”.
      - Thảo! Có  phải là Thảo không?
      - Mô Phật...
      Tiếng niệm Phật như một tiếng thở dài của gió tan biến vào không gian tĩnh mịch của cõi thiền.
       Lưỡng lự vài giây, nhà sư quay lại mặt hơi cúi xuống khẽ nói:
      - Anh Trung!
      - Sao Thảo lại ở đây? - Tôi hấp tấp, muốn biết ngay mọi việc, tôi nói thêm: - Lâm vẫn đi tìm thảo đấy!
      - Bây giờ Thảo đã là người của nhà chùa rồi!
      - Vì sao lại như vậy! Lâm đã mấy lần về Thái Bình tìm Thảo, lặn lội cả lên đơn vị cũ ở tận Tây Nguyên nữa.
       Nén một tiếng thở dài nhè nhẹ, Thảo bảo:
      - Tìm làm chi, chuyện cũ bây giờ còn gì đâu.
      - Nhưng... nhưng... - Tôi cố giãi bày khi nét mặt và đôi mắt của Thảo như đã trở về với cõi hư không của một thế giới tâm linh: - Nhưng Lâm vẫn đi tìm và đợi Thảo đấy!
      - Mô Phật! Nhờ anh Trung nhắn với anh Lâm là Thảo bây giờ không còn là... Thảo của ngày trước nữa. Lâm đừng tìm, đừng chờ đợi vô ích, hãy quên Thảo đi mà lo chuyện của riêng mình.
       Nói xong, Thảo lui vào phía sau những pho tượng phật đang trầm tư trên bệ. Tôi định đi theo để hỏi cho rõ mọi chuyện thì mọi người gọi ra xe vì cả đoàn đang chờ.
       Bất ngờ gặp Thảo nên tôi đột ngột quyết định bỏ dở chuyến đi quay về Hà Nội tìm Lâm. Lúc leo lên chiếc xe khách để quay lại, tôi còn nghe tiếng thằng Hùng léo nhéo: "Hâm... hâm... mấy ông cựu binh là hâm bỏ mẹ".
*

       Về đến cơ quan, tôi vứt vội đồ đạc vào phòng rồi vớ xe phóng đi tìm Lâm. Leo lên tận tầng năm mệt bở hơi tai mà phòng cậu ta lại khoá ngoài im ỉm. Tôi đến chỗ Lâm làm việc, gặp bác thường trực thì biết cậu ta đang cùng đoàn khảo sát thực tế để thiết kế cây cầu ở Phú Thọ, ngày mai mới về Hà Nội.
       Đành quay về. Đêm ấy, tôi trằn trọc mãi không sao ngủ được, mong cho trời mau sáng và Lâm trở về nhanh để đi tìm Thảo. Tôi nghĩ đến cảnh họ gặp lại nhau mà thấy lo lo. Không hiểu họ sẽ ra sao khi bây giờ Thảo và Lâm đã ở hai thế giới khác nhau. Bất giác tôi nhớ lại cái đêm trăng non mờ ảo ấy khi chiếc xe của chúng tôi vượt qua ngầm Ma Trơi gập ghềnh, nước xiết.
       Không hiểu từ bao giờ cánh lái xe vận tải quân sự vượt Trường Sơn ngày ấy lại gọi đó là cái ngầm “Ma Trơi”. Lần đầu tiên chạy tuyến đường này, tôi ghì chặt vô lăng và bảo Lâm:
      - Này! Cẩn thận, sắp đến ngầm Ma Trơi rồi đấy.
      - Sao lại gọi là ngầm Ma Trơi hả anh?
      - Chả biết! Chắc là có ma...
      - Úi trời! - Lâm khẽ kêu và ngồi thu lại. Cậu ta còn rất trẻ, vừa học mấy tháng lái xe là vào Trường Sơn ngay. Làm phụ lái cho tôi, Lâm rất chịu khó, chỉ phải cái hơi dát. Có hôm xe bị sa lầy cạnh bãi tha ma giữa cánh đồng, tôi bảo cậu ta chạy vào xóm nhờ dân quân ra giúp. Lâm sợ không dám đi. Bảo cậu ta coi xe để tôi đi thì cậu ta càng hoảng vì một mình ở cạnh bãi tha ma. Bực quá, tôi phải quát lên cậu ta mới dám ù chạy vào xóm tìm người.
       Đến ngầm Ma Trơi, tôi cho xe chạy chậm lại. Dưới ánh tăng non mờ ảo, tôi nhận ra những cô gái thanh niên xung phong mặc áo lót trắng đứng thành hàng làm cọc tiêu sống cho xe qua ngầm.
      Gần vượt qua ngầm thì bị bom. Lâm nhoài người ra cửa xe rồi kêu lên:
      - Anh Trung ơi dừng lại đi! Có một cô thanh niên xung phong bị nước cuốn trôi rồi! 
      Tôi quát:
      - Không dừng lại được! Xe đạn trúng bom nổ chết hết bây giờ, cậu nhảy xuống cứu cô ấy, nhanh lên.
      - Vâng! - Lâm đáp rồi mở cửa xe lao xuống dòng nước.
      Tôi cho xe vượt lên tạt vào vị trí an toàn. Kiểm tra xe, ngụy trang cẩn thận rồi tôi chạy quay lại. Đến lưng dốc thì gặp Lâm đang chạy lên. Tôi hỏi:
      - Cô ấy thế nào rồi?
      - Cô...cô...cô...cô...
      - Cô cô cái gì ? - Tôi quát: - Làm gì mà lập bà lập bập run như cầy sấy thế hả?
      - Cô... cô... - Lâm vẫn chưa trấn tĩnh lại được. Tôi cáu:
      - Cô ấy chết rồi à?
      - Không ạ! Chỉ bị thương thôi anh ạ!
      - Đồ hèn! Mới thế mà đã khiếp sợ rồi hả?
      - Không  phải thế mà... mà là vì... cô bị... trôi hết cả quần áo...
      Tôi phá lên cười:
      - Có thế mà đã sợ! Tưởng là ma hay đười ươi chứ gì?
       Lâm vẫn chưa hết run. Cậu ta lập bập kể:
      - Em nhìn thấy cô ấy bị bắn tung lên rồi bị nước cuốn đi. Biết cô ấy bị bom. Em nhảy xuống lao theo. Lúc ôm được cô ấy, em mới biết là cô ấy chẳng mặc gì trên người cả. Em sợ quá nhưng thấy cô ấy còn thở nên...
      - Thế bị thương có nặng không?
      - Chỉ bị sức ép nhẹ, choáng chút thôi. Khi em đưa được cô ấy lên bờ, chị em thanh niên xung phong ào đến đưa đi cấp cứu rồi.
      - Thế là ổn rồi! Thôi ta đi tiếp. Tưởng cậu sợ vì bom thì tớ tống cổ về phía sau ngay, còn sợ ma thì được.
       Lâm làu bàu:
      - Chỉ tại bà em đấy, hồi em bé cứ hay kể chuyện ma biến thành con gái đẹp lừa người nên mới sợ.
       Lúc đã ngồi yên trong ca bin rồi Lâm lại hỏi:
      - Sao cô ấy lại không mặc gì nhỉ?
      - Thì...có khi cô ấy đang tắm thì thấy xe qua nên lao ra làm “cọc tiêu sống” hoặc quần áo bị nước cuốn trôi... Mà lần đầu tiên nhìn thấy con gái khoả thân hả?
       Lâm gật đầu. 
*
 
   
    Sau cái lần bế nàng E-va từ suối lên ấy, Lâm đỡ nhát hơn, lại hay tủm tỉm cười một mình. Một lần dừng lại nghỉ ở gần ngầm Ma Trơi, chúng tôi đang nấu cơm thì có một cô gái xách mấy ngọn măng rừng đến. Lâm ấp úng giới thiệu:
      - Đây là Thảo... cô gái bị bom ở ngầm Ma Trơi...
      - A! Ghê thật... đã quen nhau rồi cơ à?
      Cô gái bẽn lẽn. Tôi trêu:
      - Hay là hôm ấy giả vờ thế để được người ta cứu đấy!
      Thảo đỏ bừng mặt, liếc nhanh về phía Lâm. Cô gái dáng mảnh mai, khuôn mặt trái xoan xinh đẹp. Lâm và Thảo thật đẹp đôi. Từ ấy mỗi lần qua khu vực đơn vị thanh niên xung phong của Thảo, tôi đều viện lý do dừng lại để hai người có dịp gặp nhau. Tình yêu đến với họ trong sáng và vô tư quá. Chắc là hai người đã hò hẹn với nhau nhiều chuyện của ngày mai.
       Chiến tranh vẫn diễn ra tàn khốc. Máy bay B52 của Mỹ rải thảm triệt hạ những cánh rừng già dọc tuyến được ra trận. Một đêm sau khi trả hàng xong, chúng tôi quay ra thì cả khu vực ngầm Ma Trơi chỉ còn là một bãi đất đá lẫn cây cối hoang tàn. ánh lửa còn cháy trên những thân cây lập loè như những bóng ma. Lâm hốt hoảng sục sạo khắp mọi chỗ nơi đơn vị thanh niên xung phong trú quân để tìm kiếm. Tịnh không có một bóng người. Chỉ có những hố bom sâu hút vào lòng đất. Một cái áo lót con gái vương trên cành cây máu vẫn chưa khô. Tôi bảo Lâm:
      - Tìm nữa cũng vô ích. Ta cứ đi tiếp, biết đâu họ đã lùi về phía sau rồi.
      Lâm thẫn thờ bước lên xe. Vừa chạy được một đoạn thì có tiếng người quát:
      - Dừng lại! Có bom nổ chậm đấy!
      Tôi nhảy xuống hỏi:
      - Ai đấy ?
      Vẫn tiếng người lúc nãy:
      - Chúng tôi là lính đơn vị công binh...
      - Thế đơn vị nữ thanh niên xung phong ở đây đâu rồi?
      - Hình như họ hy sinh hết trong trận bom lúc chiều rồi. Đơn vị chúng tôi được điều đến để thông đường.
      - Hy sinh hết rồi à? - Tiếng Lâm thảng thốt:
      - Có mấy người bị thương nặng đã được chuyển về phía sau cứu chữa rồi.
      - Nhưng đường còn đi được không? - Tôi hỏi.
      - Vẫn đi được nhưng chưa tìm hết bom nổ chậm!
      - Thế thì cứ cho chúng tôi qua.
      - Cẩn thận đấy! Đến đoạn cua trước mặt phải bám vào phía núi kẻo lăn xuống vực!
      Tôi và Lâm thay nhau lái xe quay về phía hậu cứ. Gặp xe nào đi vào cũng hỏi thăm. Nhưng chẳng ai biết về số phận những cô gái thanh niên xung phong ở ngầm Ma Trơi cả.
       Những chuyến tiếp theo, mỗi lần qua khu vực ngầm Ma Trơi, chúng tôi đều dừng lại tìm kiếm, dò hỏi nhưng cũng chẳng ai biết gì hơn. Khi bọn Mỹ rút đi, ngầm Ma Trơi được gia cố, bắc cầu phao cho xe pháo ra trận chuẩn bị tổng tiến công, không còn những hàng “cọc tiêu sống” nữa.
       Chiến tranh kết thúc, tôi và Lâm đều chuyển ngành. Lâm vào học tiếp đại học giao thông vận tải tốt nghiệp thành kỹ sư thiết kế cầu đường. Cậu ta vẫn không ngừng tìm kiếm, nhiều lần tìm về quê Thảo nghe ngóng tin tức. Gặp nhau lần nào, Lâm cũng bảo:
       - Em vẫn tin là Thảo không thể chết. Cô ấy có địa chỉ của em nhất định cô ấy sẽ tìm em.
       Tôi an ủi Lâm vài câu chứ cũng không tin lắm.
       Lâm là một kỹ sư giỏi, được đề bạt làm trưởng phòng. Nhiều cô gái sắc nước, hương trời tìm đến nhưng cậu ta cứ dửng dưng. Có một cô sinh viên thực tập do cậu ta giúp làm luận án tốt nghiệp rất thuỳ mị, luôn quan tâm chăm sóc, thầm yêu nhưng Lâm chỉ coi như bạn, thậm chí chỉ coi như là em gái khiến cô ta giận lắm. Vợ tôi cũng giở trò mai mối, hết đám này đến đám khác nhưng Lâm chỉ ậm ừ cho qua chuyện... 

*

       Mãi xế chiều hôm sau, Lâm mới về đến Hà Nội. Nghe bác thường trực cơ quan nhắn, Lâm bổ đến tìm tôi. Nghe tôi thuật lại việc bất ngờ gặp Thảo, Lâm há hốc mồm vừa mừng, vừa lo. Tôi bảo:
      - Sáng mai mình sẽ đưa cậu vào gặp cô ấy!
      - Sao lại sáng mai! Đi ngay bây giờ anh ạ.
      - Trời tối đến nơi rồi, mà mãi tận Ninh Bình cơ mà!
      - Tối cũng đi! Ngày xưa anh em mình lái xe vượt Trường Sơn toàn đi ban đêm đấy thôi, hay anh sợ?
       Nói đoạn, Lâm dắt chiếc xe máy cọc cạch ra cổng. Thì đi. Tôi cũng nổ máy. Ra khỏi Hà Nội thì trời mưa tầm tã. Lâm tạt vào một quán ven đường mua hai cái áo ni lông mỏng tang đưa cho tôi một chiếc.
       Trời sụp tối. Lạc đường loanh quanh mãi, gần chín giờ đêm chúng tôi mới tìm được ngôi chùa định đến.
       Đêm vùng quê cô tịch, chỉ có tiếng côn trùng rỉ rả. Tạnh mưa, đom đóm bay ra lập loè. Tiếng mõ niệm kinh đều đều như tiền định khắc vào không gian.
       Nghe tiếng đập cổng, chú tiểu ra mở cửa rồi dẫn chúng tôi vào gặp sư cụ. Sau khi nghe chúng tôi trình bày mọi chuyện, sư cụ chắp tay:
      - Mô Phật! Các thí chủ đến chậm mất rồi!
      - Sao thế ạ?
       Sư cụ không trả lời. Người với tay mở cái hộp lấy ra một phong thư đưa cho chúng tôi.
       Lâm lập cập mãi mới mở được và ghé vào ngọn nến đọc. Càng đọc, nét mặt cậu ta càng tái đi vẻ thất vọng... Lâm đưa bức thư cho tôi.
      Thảo viết: “Anh Lâm! Thảo biết thế nào rồi anh và anh Trung sẽ đến tìm nên để lại bức thư này trước lúc ra đi. Xin anh Lâm tha thứ cho Thảo bởi những lời ước hẹn khi xưa. Thảo cũng đã đi tìm và biết anh Lâm đã học hành thành đạt, lại có nhiều người con gái khác mong muốn thành thân. Vậy là Thảo mừng. Thảo bây giờ không thể gặp anh Lâm được nữa, bởi vì Thảo đã là người của nhà chùa, thoát khỏi cõi trần tục rồi. Thảo chỉ xin các anh đừng đi tìm nữa, hãy làm việc và sống hạnh phúc. Đó cũng là điều mà Thảo mong muốn và mãn nguyện lắm rồi”.

       Nhìn những dòng chữ xiêu xiêu và nhòe ướt, tôi hiểu Thảo đã khóc khi viết bức thư này. Lâm thẫn thờ nhìn ngọn nến leo lét cháy, trực tắt mỗi khi có gió. Sư cụ vừa lần tràng hạt vừa chậm rãi kể:
      - Sư Thảo bị bom Mỹ ở Trường Sơn phải cắt bỏ dạ con, mất cả chức năng của con người do tạo hoá ban cho nên không muốn gặp lại con vì không thể làm vợ, làm mẹ được nữa. Khi về quê lại chẳng còn họ hàng thân thích nên đã xuống tóc vào chùa đi tu. Sư Thảo cũng đã nhiều lần tìm và dõi con từ xa, biết con công thành, danh toại nên yên lòng lắm.
      - Thế sư cụ có biết bây giờ cô ấy đi đâu không?
      - Khi rời chùa này ra đi, sư Thảo có đến lạy ta và nói: “Lần này con xin đức trụ trì xá tội, con không thể nói sẽ đi đâu vì con biết người có tấm lòng đại đức, đại bi sẽ động tâm khi họ hỏi”. Vì thế, ta cũng không rõ sư Thảo đã đi về phương nào!

      Lâm vẻ bức bối, thất vọng:
      - Giá như em không la cà ăn uống với mấy thằng bạn ở Việt Trì mà về ngay Hà Nội từ hôm qua có phải kịp đến gặp Thảo không?
      Tôi bảo:
      - Thảo đã quyết như vậy rồi dù có gặp được cũng thế thôi.
      - Nhất định em sẽ tiếp tục đi tìm bằng được cô ấy!
      Tôi lắc đầu nhìn Lâm. Ngoài sân có tiếng lá khô lăn nhè nhẹ như tiếng bước chân người. Một ngọn gió cô đơn nào đã thổi qua sân chùa...
                                                  
                                                                       Mùa Đông 2002           



1 nhận xét:

  1. Chuyện tình Thảo Lâm hay quá. Chi tiết Lâm nhảy cứu vớt Thảo khi Thảo bị bom bắn tung hất xuống sông chẳng còn quần áo đọc sướng thật. Tay Lâm anh để cho hắn run quá thấy buồn cười. Dí dỏm lắm.
    Cảm ơn anh về thông tin giới thiệu sách XT trên báo Văn nghệ. XT chưa nhận được báo nên chưa biết gì. Sẽ gửi tặng anh một cuốn để tra tấn đọc nha. Báo Phú Thọ cuối tuần in truyện của anh mà thèm.

    Trả lờiXóa