Thứ Tư, 22 tháng 12, 2010

Truyện ngắn Nấm mộ không mã số


Nấm mộ không mã số
Truyện ngắn của Trọng Bảo
     
        Hoa sim
        Chuẩn bị thi đại học thì chúng tôi nhận lệnh nhập ngũ. Tôi tống luôn những tập sách giáo khoa và những cuốn vở viết dở cho con em họ đang học lớp dưới. Con bé mừng hú, năm học tới nó có sẵn sách giáo khoa và tha hồ xé những trang vở tôi viết dở làm giấy kiểm tra 15 phút và làm nháp.
        Hôm lên huyện tập trung để làm lễ giao nhận quân tôi chỉ có một bộ quần áo mặc trên người và cái túi đựng cuốn sổ ghi lưu bút của bạn bè. Trong khi đó thằng Đan đeo một cái bọc to kềnh càng sau lưng. Tôi hỏi:
        - Mày mang theo đồ đạc gì mà nhiều thế?
        - Tao mang theo sách vở để lúc nào rỗi thì học thêm! Hoàn thành nghĩa vụ trở về tao lại thi đại học.
- Mày viển vông quá! Đang chiến tranh thế này biết bao giờ mới trở về đi học được?
- Chiến tranh rồi cũng phải kết thúc chứ!
        - Nhưng hành quân súng đạn gạo củi nặng bỏ mẹ mày còn đeo thêm sách vở  thế nào được.
        - Tao sẽ cố...
        - Thôi mặc xác mày!
         Nhận quân trang xong, lại được cấp thêm 7 ki-lô-gam gạo nữa nên ba lô của chúng tôi căng phồng. Tôi cứ tưởng là sẽ leo ngay lên ô tô rầm rập phóng ra mặt trận ngay. Nhưng không, chúng tôi được biên chế vào một đơn vị thuộc tỉnh đội. Và việc đầu tiên là hành quân bộ vượt sông Lô sang huyện Lâm Thao huấn luyện. Đoạn đường năm mươi cây số không xa nhưng lần đầu tiên cuốc bộ lại không quen với đôi dép cao su mới phát nên chân tôi chầy chật rớm máu. Tôi để ý thấy thằng Đan vẫn lặng lẽ bước đi phía trước. Trong nó vóc dáng đã bé nhỏ nên như bị cái ba lô đè gập người xuống. Tôi nghĩ: "Cứ đà này thì qua phà nó ném bọc sách vở cho trôi sông luôn!". 
         Nhưng Đan vẫn đeo được bọc sách vở về đến đơn vị. Suốt thời gian huấn luyện chiến sĩ mới thời gian được nghỉ tôi thường thấy Đan chúi đầu vào mấy cuốn sách. Mặc cho tôi và mấy thằng cùng tiểu đội khích bác nhưng Đan vẫn bỏ ngoài tai. Nhiều lần gặp tôi nó khoe vừa giải được một bài toán khó trong tuyển tập đề thi đại học. Tôi bảo:
        - Biết bao giờ mới được ra quân mà thi, mày học làm gì cho tốn công tốn sức?
        - Thì rồi cũng phải ra quân chứ! Chiến tranh chống Mỹ kết thúc rồi, họ sẽ cho tụi mình về thôi!
        Nhưng chúng tôi không được xuất ngũ như Đan nói. Đơn vị chúng tôi nhận lệnh hành quân lên Hà Giang làm kinh tế. Chúng tôi nhận nhiệm vụ mở con đường lâm nghiệp giữa rừng sâu. Đó là những ngày gian khổ nhất của cuộc đời chiến sĩ chúng tôi. Sống giữa rừng sâu ăn uống thiếu thốn, làm việc vất vả. Tôi và Đan mỗi người về một đơn vị khác nhau. Hôm đi công tác qua tiểu đoàn 1, tạt vào thăm Đan, tôi vẫn thấy trên giá ba lô chỗ nó nằm những cuốn sách ôn thi địa học đã sờn gáy. Thì ra nó vẫn không quên việc học tập. Hình như đối với nó học là một niềm vui, hy vọng của cuộc sống.
        Niềm hy vọng vào đại học của thằng Đan lại không thể thực hiện được. Chiến tranh biên giới đang có nguy cơ nổ ra bất cứ lúc nào. Khi đơn vị biên chế lại, từ đội hình làm kinh tế sang đội hình chiến đấu thì tôi và Đan lại về cùng một trung đội thông tin. Từ những người lính chuyên cuốc đất, đặt mìn phá đá mở đường, chúng tôi quay về nghề cũ từ ngày mới nhập ngũ là lính thông tin. Tôi là tiểu đội trưởng tiểu đội vô tuyến 2W còn Đan là tiểu đội trưởng tiểu đội truyền đạt của trung đội thông tin tiểu đoàn. 
         Đơn vị chúng tôi lật cánh sang hướng Cao Bằng. Hôm gặp nhau ở vùng đồi núi cỏ tranh thuộc huyện Ngân Sơn để cùng dự lớp tập huấn cán bộ tiểu đội tôi vẫn thấy Đan đeo một cái ba lô đầy sách vở. Sau gần một tháng tập huấn, đại đội tập huấn thông tin gồm toàn những cán bộ tiểu đội, trung đội chúng tôi được lệnh hành quân bộ lên biên giới để nhận quân. Vốn toàn là lính cũ nên việc hành quân bộ đường dài đối với chúng tôi là chuyện bình thường. Chúng tôi vượt qua đèo Mây, đèo Cao Bắc, dốc Sìn Hồ về Hoà An. Con đường gập ghềnh dốc cao hun hút. Tôi còn nhớ mãi chuyện anh Lộc, đại đội trưởng vốn là một giáo viên vừa ở trường về có lẽ chưa quen đi bộ nên hai chân anh bị phỏng rộp chảy máu ròng ròng, thấm đẫm ra cả lớp băng trắng. Thế mà anh ấy vẫn luôn luôn đi trước hàng quân. Tôi để ý thấy Đan vẫn lặng lẽ đi ở phía sau hàng quân. Tôi biết trong cái ba lô nặng trĩu của nó vẫn có những cuốn sách giáo khoa.
        Tới Hoà An, đại đội tập huấn của chúng tôi giải thể. Mỗi người về một hướng. Tôi và Đan cùng nhau lên Hà Quảng. Trung đội thông tin lúc này đang đóng quân trong nhà dân ở sát đường biên giới. Chiến tranh chắc chắn sẽ nổ ra. Mọi công tác chuẩn bị cho cuộc chiến diễn ra rất khẩn trương. Dọc con đường độc đạo từ biên giới xuống thị trấn huyện lỵ nằm chênh vênh trên miệng vực đơn vị xây dựng các trận địa chặn giặc. Chúng tôi đào các hố tại các vị trí mà có thể đổ hàng trăm cân thuốc nổ đánh sập cả đoạn đường xuống vực sâu khi cần thiết để chặn xe tăng và bộ binh địch. 
        Một buổi tối tôi đang nằm nghỉ sau một ngày đào hầm, xây dựng trận địa thì Đan ở đâu về đưa cho tôi hơn chục miếng bìa cứng có những ký hiệu bằng chữ và số, được ép platstic cẩn thận bảo:
        - Đây là mã số của từng người trong tiểu đội của ông. Nhớ dặn mọi người luôn luôn để trong túi ngực, phòng khi...
        Nghe Đan nói, tôi hiểu. Đây là mã số của từng người để khi ai hy sinh thì chôn theo sau này còn biết danh tính liệt sĩ. (Nếu tôi nhớ không nhầm thì mã số của tôi ngày ấy là JA-301).
        Đưa cho tôi những miếng mã số để đánh dấu mộ chí khi cần thiết xong, Đan thần mặt ra một lúc rồi hỏi:
        - Không biết sau trận này mình có được ra quân về đi học tiếp không nhỉ?
        - Chắc chắn rồi! Cứ yên tâm...
        Nói vậy nhưng tôi cũng không tin lời mình lắm. Đan cũng lặng lẽ không nói gì thêm. Hai đứa cùng nhìn ra ngoài trời. Ánh trăng mờ nhạt trong hơi sương lạnh lẽo. Rừng núi âm u. Cuộc chiến tranh vẫn lẩn khuất ở đâu đó bên kia biên giới.
*
        Tôi cũng thấy ngạc nhiên là khi chiến tranh nổ ra mình lại bình tĩnh thế. Chập tối có lệnh triển khai các tổ đài về các vị trí đảm bảo liên lạc đến hơn 12 giờ đêm mới xong. Tôi vừa chợp mắt thì nghe tiếng súng nổ. Giật mình giấc, nghĩ là bọn địch đánh bộc phá lấy đá làm công sự như mọi bữa, tôi kéo chăn kín đầu định ngủ tiếp thì nghe tiếng trung đội trưởng quát:
        - Tất cả ra hang chỉ huy của tiểu đoàn ngay! Bọn địch bắt đầu tấn công rồi đấy!
        Tôi bật ngay dậy vớ khẩu súng AK và chiếc ba lô lao ra ngoài sàn nhà. Bầu trời sáng rực những luồng đạn pháo của bọn giặc từ bên kia biên giới bắn sang. Tôi nhảy xuống đất. Mấy anh em trong tiểu đội chạy theo. Chúng tôi men theo chiến hào chạy ra vị trí chỉ huy của tiểu đoàn. 
        Chạy ra đến giữa cánh đồng thì đạn địch bắn vào bản. Tiếng đạn pháo va vào vách đá nổ chát chúa, lộng óc. Những ánh lửa bùng lên. Chớp đạn lằng nhằng như sấm sét dọc ngang trên bầu trời. Khói bụi mù mịt. Ngôi nhà sàn tôi vừa ở lửa cháy bùng lên. Trong bản tiếng người kêu khóc, trâu bò rống, tiếng gà vịt, tiếng chó sủa hoảng loạn. Đạn súng 12li7 của bọn địch từ trên cao quét sàn sạt xuống mặt ruộng. Chúng tôi phải bò ép người sau những bờ ruộng cao để tránh đạn. Đến gần sở chỉ huy của tiểu đoàn thì tôi gặp Đan đang chạy ngược trở lại. Nhận ra tôi, nó bảo:
        - Lên ngay hang đi, pháo bọn địch sắp bắn tới đây đấy!
        - Thế mày còn đi đâu đấy?
        - Đường dây hữu tuyến lên 11 đứt rồi, tao lên truyền đạt mệnh lệnh của tiểu đoàn trưởng.
        Nói xong nó lao đi về phía súng đang nổ dữ dội. Lên đến vị trí chỉ huy của tiểu đoàn, chúng tôi nhanh chóng mắc ăng-ten máy vô tuyến điện, nối thông liên lạc. Mệnh lệnh chiến đấu được truyền đi thông suốt, chỉ huy tiểu đoàn bớt gào thét, quát mắng. Lúc này tôi mới nghĩ đến chiến tranh. Thế là nó đã xảy ra thật rồi. Và thế là mình cũng được chứng kiến giờ phút đầu tiên một cuộc chiến tranh đã nổ ra như thế nào, còn sự ác liệt, sự chết chóc và nỗi kinh hoàng của nó thì những ngày sau tôi mới hiểu hết. 
        Tảng sáng, xe tăng và bộ binh địch bắt đầu tấn công. Cuộc chiến đấu ở điểm tựa cây đa sát cửa khẩu rất ác liệt. Sau một ngày chặn địch, 11 tổn hao gần hết quân số, điểm chốt khó có thể trụ thêm một ngày nữa. Sang ngày thứ hai, tiểu đoàn trưởng quyết định chặt đứt đoạn đường phía bên trái chốt cây đa để chặn xe tăng quân giặc tràn về phía sau. Trung đội thông tin chúng tôi nhận được lệnh chi viện cho tổ công binh phá đường. Đã gần sáng. Anh nuôi vừa đem cơm nắm lên. Đang ăn thì có lệnh, Đan vội đưa cho tôi nắm cơm vừa cắn được một miếng bảo:
        - Cầm lấy cất cho tao, lát nữa về ăn! Tao nhận được lệnh dẫn mấy anh em gùi thuốc nổ lên cho công binh phá đường chặn địch.
        - Nhớ thật cẩn thận nhé!
        Đan đi rồi, tôi nhét nắm cơm ăn dở vào cóc ba lô để nó về còn có cái mà ăn. Cả ngày chiến đấu có khi chỉ có mỗi một nắm cơm nhỏ này thôi. Đan đi được một lúc thì tôi cũng nhận được lệnh dẫn một tổ lên chi viện cho bộ phận phá đường. Chúng tôi đeo trên lưng mỗi người hơn ba mươi ki-lô-gam thuốc nổ và mấy hộp kíp mìn. Khi chạy, lúc bò dưới làn đạn địch tôi cũng hơi hoảng. Lỡ mà đạn địch bắn trúng khối thuốc nổ trên lưng thì... Tuy vậy, chúng tôi cũng đem được thuốc nổ đến vị trí đặt bộc phá. Hơn hai trăm cân thuốc nổ mạnh cùng hàng trăm cái kíp kích nổ được nhồi xuống một cái hố đã đào sẵn. Việc chắp nối dây cháy chậm và khối bộc phá được bộ phận công binh hoàn thành nhanh gọn. Trời đã sáng hẳn. Đạn pháo của bọn giặc bắn dữ dội. Xe tăng và bộ binh địch đánh lướt qua trận địa của 11 tràn xuống phía thị trấn. Anh Tâm - tiểu đội trưởng tiểu đội công binh giật chiếc nụ xoè lắp ở đầu một đoạn dây cháy chậm khá dài để điểm hoả khối thuốc nổ. Chúng tôi đã rút được về phía sau an toàn. 
        Nhưng mãi không thấy tiếng nổ, anh Tâm lấy ông nhòm quan sát rồi kêu lên:
       - Hỏng rồi! Có lẽ mảnh pháo địch cắt đứt mất dây cháy chậm rồi.
       Anh Tâm lăn ngay xuống vệ đường tiến lên phía trước tiếp cận khối bộc phá để kiểm tra. Nhưng anh vừa nhô lên khỏi rãnh nước ven đường thì gục xuống. Tôi lo lắng nhìn mãi không thấy anh động đậy gì. Có lẽ anh ấy trúng đạn hy sinh rồi. Đan đang nằm ép bên cạnh tôi nói:
        - Để tôi lên kiểm tra lại khối thuốc nổ.
        Nói xong, Nó lăn xuống con mương toài người bò lên phía trước. Tôi hồi hộp nhìn theo Đan. Một chiếc xe tăng của địch đã nhô ra ở quãng đường ngoặt, cách khối bộc phá không xa. Đạn bắn thẳng của bọn địch cày trên mặt đường. Đan vẫn theo con mương bên đường bò lên. Khi Đan chỉ còn cách khối bộc phá vài mét thì chới với ngã sấp xuống lòng mương cạn. Một quả đạn pháo nổ gần chỗ chúng tôi đang nằm, khói bụi mù mịt. Tôi vẫn cố căng mắt quan sát, vẫn không thấy Đan động đậy. Khi chúng tôi chuẩn bị lên tiếp ứng thì thấy Đan nhỏm dậy lết lên phía trước. Qua ống nhòm, tôi thấy một bên chân anh đẫm máu và hình như không còn cử động được nữa. Chiếc xe tăng của bọn đich chồm tới rất nhanh trong khi Đan vẫn nhích lên từng đoạn một. Khi Đan đến được chỗ đặt khối bộc phá thì chiếc xe tăng địch chỉ cách nó một đoạn. Chiếc xe tăng dừng lại rê nòng pháo bắn thẳng vào vách núi chỗ chúng tôi đang ém quân. Tôi vẫn quan sát Đan. Đan nằm nghiêng người rút dao găm ra kê đoạn dây cháy chậm lên báng súng xiết mạnh. Khi thấy anh lắp nụ xoè vào đoạn dây cháy chậm ngay phía trên khối thuốc nổ hàng trăm cân, tôi chợt hiểu và thấy lạnh cả xương sống. Đan định cho khối thuốc nổ nổ tức thì. Đúng như tôi dự đoán. Sau khi lắp xong nụ xoè, Đan nằm im như chết dưới lòng con mương bên đường.
        Khi chiếc xe tăng và bộ binh địch tiến sát khối thuốc nổ thì Đan nhỏm dậy. Nó nhoài người dậy nằm đè lên phía trên khối thuốc nổ và giật nụ xoè, điểm hoả. Gần như đồng thời với hành động của Đan là một tiếng nổ rung trời chuyển đất dội tới. Cả một đoạn đường mù mịt khói bụi, đất đá văng rào rào. Tiếng súng của ta và địch đều lặng đi. Khi khói lửa dần tan tôi nhìn thấy cả một một đoạn đường đã bị hất xuống vực. Chiếc xe tăng và những tên lính giặc hung hăng biến mất.
*
         Chúng tôi đắp cho Đan một nấm mộ ở ven rừng trước khi rút lui khỏi thị trấn. Nấm mộ không có hài cốt. Hình hài và hồn phách của Đan đã tan hoà cùng sông núi. Tôi đặt xuống xuống lòng cái hố đào vội nông choèn nắm cơm Đan cắn dở và một cuốn sách giáo khoa nó vẫn đem theo từ ngày mới nhập ngũ. Nấm mộ nơi biên ải không có mã số nhưng mãi mãi sẽ chẳng vô danh.
                         Hà Nội, 22-12-2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét