Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

Truyện ngắn ĐÁY VỰC (phần III)


Đáy Vực
Truyện ngắn của Trọng Bảo

          3- Lòng người thăm thẳm
          Hội làng Vực năm nay buồn. Bởi lẽ trước ngày khai hội lại có người chết ở Xoáy Vực. Thằng Hiến được người nhà đưa về mai táng sau khi công an đã khám nghiệm tử thi mất nửa ngày.
Hôm đưa đám, lũ bạn đồng môn chúng tôi cũng có nhiều đứa đến. Có đứa chả ưa gì nó nhưng nghĩa tử là nghĩa tận, ai còn chấp nê người chết làm gì. Cơ quan nó cũng có một đoàn kéo về. Toàn ô tô xịn. Mấy chục vòng hoa bọc giấy bóng kính, nghe nói mỗi vòng cả trăm nghìn đồng khiến dân làng Vực lác mắt. Bởi đám ma ở quê giỏi lắm thì chỉ có vài vòng hoa tự làm tròn như cái vành nón, buộc lơ thơ mấy bông hoa dâm bụt héo rũ.
Đáy vực

      Thả một hòn đất xuống huyệt rồi tôi lùi ra cho đám thanh niên lấp huyệt và đắp nấm. Tôi đang chen ra khỏi đám đông nhốn nháo kẻ xúc đất, người kêu khóc thì có một bàn tay vỗ bộp vào vai. Tôi giật mình ngoảnh lại nhận ra anh Thưởng. Trông anh có vẻ gầy gùa, khuôn mặt vêu vao không còn vẻ sung sức như hồi mới về phục viên. Anh bảo:
- Ra nhà tao chơi đi! Hôm nay con Sương cũng về, nó mua được mớ cá tươi, đang rán. Ra làm chén rượu cho ấm bụng...
- Vâng... nhưng để em ngó xem thằng cháu nó đứng chỗ nào nhắn là trưa không về để vợ em khỏi chờ cơm.
Dặn thằng cháu xong, tôi theo anh Thưởng ra bến sông. Căn nhà của anh ngày xưa chơ trọi trên bờ sông bây giờ ngập lút giữa những ngôi nhà cao tầng ngất ngưởng. Kinh tế phát triển, bãi sông trở thành dãy phố. Nhờ mấy lần được trợ cấp, được hỗ trợ tiền sửa nhà tình nghĩa nên anh cũng xây được tường gạch, lợp mái ngói. Ba gian nhà ngoài còn lát được gạch hoa. Thứ gạch hoa nội do địa phương sản xuất, nét hoa văn nhoè nhoẹt.
Vừa cùng tôi ngồi xuống ghế, anh đã lên tiếng gọi cái Sương. Từ sau bếp cái Sương lật đật chạy lên. Tay nó còn cầm đôi đũa. Con bé lớn quá. Mới đấy mà đã chục năm. Hôm nó vào nhà tôi xin báo bọc sách để đi học lớp 1 còn bé tý. Thế mà bây giờ nó đã học đại học năm thứ hai. Trông nó phổng phao, xinh đẹp. Hôm trước nghe vợ tôi kể nó học giỏi lắm. Vừa học đại học ở Hà Nội nó vừa đi làm thêm kiếm tiền gửi về cho bố. Anh Thưởng vài năm nay ốm đau luôn. Di chứng chiến tranh trong người anh bắt đầu phát tác.
Cái Sương chào tôi rồi xin phép xuống bếp vì đang rán dở mấy khúc cá.
Anh Thưởng rót hai chén rượu. Bé Sương đã bày cho chúng tôi một vài món để nhâm nhi trước. Anh Thưởng nâng chén rượu lên làm một ngụm rồi bỗng rằn mạnh cái chén xuống bàn. Giọng anh nghẹn đắng:
- Khốn nạn! Thật khốn nạn...
Tôi ngạc nhiên:
- Có chuyện gì vậy anh?
Anh Thưởng cũng như chợt bừng tỉnh. Anh lúng túng nhìn xuống bếp. Nét mặt anh tái dại đi nhưng giọng anh thì nhỏ hẳn lại, chùng xuống. Có lẽ anh sợ cái Sương nghe thấy.
- Thì chính là chuyện của cái Sương. Suýt nữa thì nó sa vào cạm bẫy của bọn vô nhân ấy...
- Bọn nào vậy anh?
- Bọn... bọn... bọn... - Anh cầm chén rượu ngửa cổ uống cạn. Nét mặt anh nhăn nhúm không rõ vì rượu đắng hay vì nỗi bức bối trong lòng. Tôi không hỏi thêm. Vì tôi biết những lúc như thế này hãy lặng yên để nhân vật tự bộc lộ là phương án tốt nhất. Nếu cố gặng hỏi có thể họ sẽ chôn sâu luôn vào lòng mình tất cả những gì ta muốn biết.
Anh Thưởng ngồi thừ người. Rồi lại rót rượu, lại uống. Uống cạn. Lại rót. Hình như rượu lại làm cho anh bình tâm hơn. Khi cái Sương xin phép đi thăm bạn dắt xe ra khỏi nhà anh mới bắt đầu kể.
*
Bé Sương thi đỗ đại học với số điểm rất cao làm cả làng Vực ngạc nhiên. Bởi từ lâu lắm làng mới có người thi đỗ đại học. Bọn học sinh làng này có đứa học chưa hết phổ thông trung học đã bỏ học về Hà Nội làm ô-sin hoặc lên biên giới làm cửu vạn gánh hàng thuê qua biên giới. Đứa nào cố lắm thì cũng chỉ thi đỗ vào trung cấp hoặc cao đẳng là cùng.
Cái Sương học đại học ngành công nghệ thông tin. Nó học giỏi được học bổng nên anh Thưởng cũng đỡ một khoản tiền chu cấp hàng tháng. Mấy trăm tiền trợ cấp thương tật của anh mua rau chả đủ nói chi học phí đại học của con. Năm học thứ hai cái Sưong đã tìm được việc làm tại một công ty có vốn đầu tư nước ngoài nhờ nó rất giỏi ngoại ngữ và vi tính. Tuy làm hợp đồng nửa buổi vì còn phải học nhưng lương tháng của nó cũng vài triệu. Nó tiết kiệm dành chút ít gửi về thêm cho bố chữa bệnh. Anh Thưởng thì hết thường trú ở bệnh viện này đến bệnh viện khác. Con đò rách cũng chả còn ai chèo chống. Bây giờ đời sống khá lên họ toàn đi ô tô, xe máy nên chẳng còn mấy ai đi đò. Anh Thưởng vỡ hoang được bãi đất ven sông. Mùa khô anh trồng ngô hoặc mía. Mùa mưa anh cất vó, cất tôm cũng qua bữa. Đám đất trống xung quanh nhà anh đều được người ta mua làm nhà cao bốn năm tầng. Thành thử căn nhà của anh bị quây bốn phía. Đứng ở sân mà như đứng dưới đáy giếng.
Cái Sương vừa học vừa đi làm thêm. Vợ chồng ông chủ công ty nọ cũng là người gốc Việt. Bà vợ ông ta thỉnh thoảng mới về Việt Nam. Họ mua một ngôi biệt thư cao cấp ở khu đô thị mới vừa làm trụ sở, vừa làm nơi ăn nghỉ.
Một bữa, ông chủ bảo có tài liệu cần sử lý gấp bảo cái Sương ở lại làm thêm. Bà vợ ông chủ cũng vừa sang Việt Nam. Họ hứa sẽ cho cái Sương cùng đi nước ngoài một chuyến. Mọi thủ tục đã xong. Cái Sương thích lắm. Nó lập tức gọi điện về nhờ báo tin cho bố biết.
Dịch xong mấy thứ tài liệu ông chủ đưa cho thì đã muộn. Ông chủ pha cho Sương một cốc sữa rồi quay ra. Có điện thoại. Uống được một ngụm nhỏ cái Sương đặt cốc vội vàng mở túi tìm điện thoại. Lúng túng nó làm đổ cốc sữa. Vừa lau xong chỗ sữa đổ ra sàn thì ông chủ bước vào với một bộ đồ ngủ. Đôi mắt ông ta rừng rực lửa. Cái Sương hốt hoảng lùi lại. Ông ta lao lại phía Sương. Cái Sương kêu cứu nhưng căn phòng làm việc kín chả ai nghe tiếng. Cái Sương chống cự quyết liệt khiến ông chủ hơi ngạc nhiên. Cốc sữa lúc nãy ông ta pha là một liều thuốc kích thích cực mạnh. Tại sao con bé này vẫn kháng cự quyết liệt thế. Ông ta lại lao đến. Nhưng sức lực của một thằng say rượu và say thuốc kích dục không thể làm gì được cái Sương. Hắn bị nó đẩy ngã dập đầu vào cạnh bàn choáng váng. Cái Sương mở cửa lao ra sân.
Ông bảo vệ đã đóng cổng. Ông vừa mở cái hăng-gô cơm định ăn thì nghe tiếng đập cửa. Ông ta vội lao ra. Nhìn thấy cái Sương quần áo rách tả tơi, đầu tóc rũ rượi. ông như đoán được mọi việc. Ông vội vớ cái áo bông cũ khoác lên người nó, mở cổng đẩy nó thoát ra ngoài. Ông kịp nhét vào tay cái Sương một tờ giấy bạc năm mươi nghìn và dặn cứ chạy thẳng về phía nhà ga có đồn công an...
- Chuyện là như vậy! - Anh Thưởng bảo: - Hôm đó, từ lúc nghe cái Sương gọi điện về máy điện thoại nhà chú Tuấn bên cạnh nhờ nhắn lại là nó được đi Thái Lan một tuần công tác cùng ông bà chủ tự nhiên tao cứ thấy bất yên trong lòng. Suốt đêm tao cứ trằn trọc mãi. Gần sáng tao vừa chợp mắt thì mơ thấy cô gái bị chết trôi năm nào, lại nghe tiếng khóc và tiếng kêu cứu. Tao bật dậy, mồ hôi vã ra đầm đìa mặc dù đã cuối thu trời bắt đầu lạnh. Tao nằm xuống định ngủ tiếp nhưng chợt đến lời mẹ dặn không được để người qua sông ban đêm lỡ đò tội lắm. Tao tìm cây gậy chống lần xuống sông. Con thuyền nhỏ vẫn buộc ở gốc tre sát mặt nước. Tao chống thuyền ra đến giữa sông. Mặt nước vỡ ra dưới ánh trăng thượng tuần lờ mờ. Định quay thuyền về thì tao chợt nhác thấy hình như bờ sông bên có bóng người ngồi gục gần mép nước. Tao vội chống thuyền áp ngay vào. Đúng là người thật. Tao nhảy xuống gọi. Người ngồi đó vẫn im không động đậy. Khi tao lay nhẹ người đó mới choàng tỉnh. Cái áo choàng trên người rơi xuống. Tao hốt hoảng kêu lên: "Sương... Sương mày đấy hả con!". Đúng là cái Sương. Nhận ra bố nó bật khóc nức nở. Thì ra nó đã đi suốt đêm để về nhà. May có năm mươi nghìn ông bảo vệ công ty đưa cho mà nó có tiền mua vé tàu về quê. Túi sách, đồ dùng của nó còn bỏ lại phòng giám đốc công ty.
- Thế bây giờ nó vẫn tiếp tục đi học chứ?
Tôi hỏi. Anh Thưởng bảo:
- Phải đến mấy tuần sau nó mới hoàn hồn. May mà chưa có việc gì xảy ra. Tao đưa nó lên trường để nó tiếp tục đi học. Cấm nó từ nay không được làm thêm nữa. Tao bán bớt nửa mảnh đất vỡ hoang ven sông cho họ làm nhà hàng ngắm sông lấy tiền cho nó ăn học.
          - Thế thì mọi việc tốt rồi!
          - Tốt gì mà tốt! Mày chưa biết đấy thôi...  
          - Còn chuyện gì nữa anh?
          Tợp một ngụm rượu, anh nói, giọng khàn đi vì giận:
          - Khốn nạn là ở chỗ đó. Sau khi cái Sương chạy thoát khỏi phòng thằng giám đốc mất dạy đó thì vợ nó về. Thì ra việc định cưỡng bức cái Sương có sự đồng tình của vợ nó. Hoá ra cái công ty này là một đường dây chuyên đưa người, nhất là phụ nữ ra nước ngoài trái phép để gả bán và kể cả làm nghề bán dâm nữa. Vợ chồng nó lục lọi, kiểm tra cái túi của con bé bỏ lại. Mày biết thế nào không? Qua giấy tờ trong túi của nó, người đàn bà, vợ thằng giám đốc kia mới nhận ra cái Sương chính là con đẻ của mình...
          Tôi giật mình sửng sốt trước bất ngờ của câu chuyện. Tôi hỏi:
          - Thế cái Sương đã biết chuyện này chưa! Mà sao anh lại biết?
          - Thì... chính con mẹ nó về đây mà. Cái Sương về nhà được mấy hôm thì mẹ nó cũng tìm về. May mà hôm ấy cái Sương đi vắng. Mẹ nó đã quỳ ở chỗ này này... - Anh hắt toẹt chén rượu đang uống dở xuống chỗ góc cửa: - Mẹ nó quỳ để xin tao tha thứ. Chuyện phụ tình thì tao không kể đến làm chi. Thời chiến tranh có đi, không về, tao chả trách. Chuyện bỏ con là có tội với con, tuy phải gánh chịu nhưng tao cũng không trách cứ gì. Thôi thì tao vất vả, gian khổ nhưng lại có được một đứa con ngoan ngoãn, hiếu thảo. Nhưng cái chuyện suýt làm hại con thì tao không thể tha thứ. Thế mà lại còn dám mở miệng xin nhận con nữa đấy...
          Anh Thưởng đột ngột im lặng. Mãi chả thấy anh nói gì thêm. Tôi sốt ruột quá buột miệng:
          - Chuyện sau đó thế nào hả anh?
          - Thế nào à? Tao rút con dao lê ném lên bàn bảo: "Nếu cô còn có một chút lòng tự trọng của con người thì hãy ra Xoáy Vực đâm đầu xuống đấy mà chết. Người làng Vực sẽ làm ma cho cô, không để cô phải nằm chết thối dưới đáy sông đâu. Còn nếu cô dám hé miệng ra nhận con thì tôi sẽ đâm cô chết ngay tại đây!". Thấy tao quyết liệt thế cô ta hoảng sợ vội vã bỏ đi. Nhưng tao vẫn rất lo. Tao rất muốn cái Sương có mẹ. Nhưng nó không thể có một người mẹ như thế. Nó phải được sống trong sáng hiểu không!
          Giọng anh Thưởng có vẻ rất xúc động. Anh nói:
          - Cuộc đời đúng là khốn nạn mày ạ! Hôm trước đưa cái Sương xuống trường, tao đã tìm đến cái công ty nó đã làm thuê...
         - Anh định trả thù cho cái Sương à?
         - Không! Là tao muốn tìm ông bảo vệ để cảm ơn ông ấy một câu. Nhưng tìm đến nơi hỏi thì mới biết ông ấy đã bị đuổi việc vì đã mở cổng cho cái Sương chạy thoát. Dò hỏi mãi tao mới tìm được nhà ông ấy. Hoá ra ông ấy cũng từng là một thằng lính như bọn mình. Ông ấy cùng ở mặt trận B3 với tao. Nhà ông ấy còn mẹ già, vợ không có việc làm và hai đứa con nhiễm chất độc da cam, người chả ra người, ngợm chả ra ngợm. Tất cả chỉ trông vào đồng lương của ông ấy. Thế mà... Thấy tao tỏ ý băn khoăn, xin lỗi mãi ông ấy nổi cáu: "Anh hay nhỉ! Con anh cũng như con tôi, nó bị hại thì phải cứu chứ. Mất việc thì mất tôi cũng cóc cần! Hôm đó mà biết thằng giám đốc giở trò khốn với con bé thì tôi đã đạp cửa xông vào đâm luôn cho nó một nhát rồi!". Ông ấy nói vậy nhưng tao vẫn cứ ái ngại cho hoàn cảnh của ông ấy quá...
          Anh Thưởng trở nên buồn bã, suy tư. Lại rót. Lại uống.
          Câu chuyện của anh Thưởng khiến tôi cứ trăn trở mãi. Và, phần tiếp theo của truyện ngắn Đáy vực là thế.
                                                            
                                        Hà Nội, cuối năm 2008         
Truyện ngắn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét