Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Truyện ngắn ĐỒNG TIỀN LÁ ĐA

Đồng tiền lá đa
Truyện ngắn của Trọng Bảo
Diễm xách cái túi lẻn ra cửa sau.
          Cô để lại cho bố năm mươi nghìn đồng trước khi bỏ đi. Ông Diện đang rửa mặt ở ngoài hè. Ông vừa ở quê ra tìm con gái bởi làng đang có việc. Đấy cũng chính là lý do khiến Diễm phải bỏ đi. Diễm biết bố sẽ giận lắm khi quay vào nhà thì con gái đã biến mất. Bất giác Diễm nhìn cái túi đang xách trên tay. Trong túi là mấy chục triệu đồng. Bố lặn lội từ quê lên, tàu xe vất vả cả ngày đường chỉ để xin con có một triệu đồng mà Diễm không dám đưa. Hay nói cách khác là Diễm không thể đưa cho bố thứ tiền này. Bất chợt Diễm ứa nước mắt khi nghĩ đến năm mươi nghìn để lại chỉ đủ cho bố ăn một bữa cơm và mua cái vé xe khách quay về làng. 
          Làng của Diễm nằm ở ven sông. Mấy chục nóc nhà xây bằng gạch đá ong. Bến sông làng có một cây đa cổ thụ. Rễ cây rủ loà xoà xuống mặt nước. Trên bến sông là đền thờ một nữ tướng thời Hai Bà Trưng. Tương truyền đó là một võ tướng tài hoa, xinh đẹp. Người con gái thôn quê ấy giỏi nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa nhưng cũng rất ham luyện côn quyền, võ thuật. Có lần, một bọn sơn tràng thả bè gỗ xuôi sông. Qua làng Đông, nghe tiếng hát mê hồn lại thấy bóng hồng lẻ loi trên bãi dâu, một thằng nhảy xuống sông bơi vào trêu ghẹo, sàm sỡ. Nhưng bàn tay chuyên cầm dao, cầm búa của nó chưa chạm được vào dải yếm của nàng thì đã bị một cú đá móc. Nó lộn mấy vòng bật ra tận mép nước. Hoảng hốt, nó vùng dậy ôm bụng lảo đảo nhào xuống sông bơi về bè gỗ. Câu chuyện nữ tướng nương dâu đồn xa. Làng bên sông bớt sự nhiễu nhương. Nhiều kẻ giang hồ cũng kiềng đất võ.
          Khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, mưu dẹp giặc cứu nước, người con gái làng Đông giỏi võ ấy nửa đêm đeo mã tấu bơi qua sông tìm về Mê Linh tòng quân đuổi giặc. Nàng trở thành tướng tiền quân của nhị vị nữ vương. Cuộc đời trận mạc trên lưng ngựa xông pha đâu quản hòn tên, mũi đạn. Nhưng rồi cuộc khởi nghiệp của Hai Bà Trưng gặp cơn nguy khốn bởi thế giặc mạnh, lực ta còn non yếu. Hai bà thua trận, bị giặc truy đuổi, cùng đường, phải trẫm mình xuống dòng Hát giang. Vị nữ tướng làng Đông dẫn bản quân lui về trang Lập Thạch tổ chức phòng ngự mấy năm ròng, đánh thắng thêm nhiều trận. Khi giặc mạnh thì họ lui, dựa thế sông, thế núi hiểm trở để cầm cự. Khi giặc sơ hở thì họ phản công, tiêu hao sinh lực của chúng. Họ diệt đường chuyển lương tiếp viện, làm cho lũ giặc mạnh cũng phải suy yếu, lâm vào thế lúng túng, thua đau.
          Trận huyết chiến xảy ra ở bến Then. Binh mã giặc Mã Viện rơi vào ổ phục kích của đội quân nữ tướng làng Đông. Chúng bị đánh thua đau, thất thế tan tác phải tháo chạy tơi bời. Lúc mà hàng ngàn người ngựa của chúng đã bị dồn ra tận mép nước, sắp sửa bị nhấn chìm xuống dòng sông đang cuồn cuộn sóng thì đột nhiên xảy ra một chuyện. Tướng giặc phát hiện ra người đang chỉ huy đội quân nước Nam là một phụ nữ. Quân sĩ cũng toàn là con gái. Những nữ chiến binh mười tám, đôi mươi, tay cầm gươm, cầm giáo, khí thế xung thiên như nước vỡ bờ. Trong phút kịch nguy, sắp bị hất xuống dòng sông thì tướng giặc chợt nảy ra một kế hiểm. Nó gào thét lệnh cho đám bại quân lập tức cởi hết quần áo, giáp trụ ra để uy hiếp các nữ chiến binh. Hàng nghìn tên giặc mình trần như nhộng, thân mình lông lá, khua gươm, múa giáo đứng chật cả bãi sông.
          Đoàn chiến mã của vị nữ tướng làng Đông chợt khựng lại ở trên bờ sông. Những bàn tay cầm gươm, cầm giáo bỗng trở nên ngập ngừng, lúng túng. Những ánh mắt bối rối, nét mặt họ tái đi. Rồi họ cứ lùi dần, lùi dần. Vó ngựa lộn xộn. Thế trận bỗng chốc trở nên rối ren. Giặc từ thế thua, thế bị động trở thành chủ động. Cái chết cận kề, cơ may sống sót mỏng manh khiến chúng trở nên hung hãn hơn. Chúng điên cuồng lao lên bờ sông. Tiếng hú hét dâm loạn của bầy sói thật man rợ. Có lẽ từ thuở sơ khai của chiến tranh, có lẽ chưa có tình huống nào như vậy.
          Các nữ chiến binh trinh tiết trẻ trung, dũng cảm phải lui quân. Họ cứ lùi mãi, lùi mãi. Họ không thể xông vào chém giết một bầy giặc trần truồng như súc vật. Tính tự trọng, sự kinh tởm và sự xấu hổ, hay nói cách khác là bản tính nữ nhi là nguyên nhân dẫn đến thất bại của họ. Khi thế trận đột ngột bị phá vỡ thì khí thế ỉ dốc cũng bị suy nhanh. Các chiến binh của vị nữ tướng làng Đông bị giặc phản công đánh tan tác. Vị nữ tướng phải gieo mình xuống dòng sông Phó Đáy tuẫn tiết. Lạ thay, xác của vị nữ tướng trinh tiết ấy lại trôi về đúng bến sông làng mình thì vướng lại.
          Dân làng Đông nhận ra nàng. Họ khâm liệm và mai táng vị nữ tướng anh hùng của làng mình ngay trên bến sông. Đời sau dựng đền thờ phụng, tôn sùng nàng là thành hoàng của làng. Nàng cũng chính là danh nhân của đất nước. 
          Khi còn bé, Diễm hay cùng đám bạn bè lê la ở sân đền thờ bà nữ tướng chơi trò nhảy dây, ô ăn quan. Diễm và lũ trẻ con rất thích nhặt những cái lá đa làm giả tiền đi chợ. Tính Diễm tham lam thường là cố tranh giành thật nhiều lá đa để mua được nhiều “hàng” của các bạn. Đó là những củ khoai nướng, bắp ngô luộc và đôi khi cả những cái kẹp tóc ba lá. Một hôm, chợt ngửa mặt nhìn lên tán cây đa, Diễm bảo các bạn:
          - Lớn lên nhất định tớ phải có nhiều tiền hơn tất cả những cái lá trên cây đa này!
          Những đồng tiền lá đa ấy đã đi qua thời ấu thơ của Diễm. Đến tuổi dậy thì, Diễm phổng phao hẳn lên. Cơ thể cô phát triển nhanh hơn các bạn gái cùng trang lứa. Diễm đẹp. Cái đẹp của một sơn nữ hơi hoang dại nhưng đầy sức hút. Sắc đẹp ấy dù có gói bọc trong cái nghèo, cái rách vẫn phát lộ. Diễm lớn lên trong sự khát khao. Nhà nghèo, cô không dám đua đòi chúng bạn, nhưng sao vẫn cứ cảm thấy sự bất công của tạo hoá. Diễm mong có một bộ quần áo đẹp, một chiếc váy, vài thứ đồ trang sức đắt tiền. Mọi ước mơ của Diễm đều như rất xa xôi và bất thành hiện thực. Mỗi lần lên phố huyện, hay đi qua thị xã, mắt của Diễm cứ dán chặt vào các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm. Giá như, Diễm có một vài thứ đang bày trong cái tủ kính sang trọng kia thì nhất định cô sẽ rực rỡ nhất làng.
          Tốt nghiệp phổ thông vào loại trung bình, Diễm cũng đi thi đại học. Cả hai lần thi Diễm đều trượt vỏ chuối. Diễm ở nhà giúp bố mẹ làm ruộng. Nhưng thời kinh tế thị trường nhiều ngành nghề mở ra, hàng hoá nhiều hơn, việc kiếm tiền dễ hơn. Sự tự do thông thương tạo nên sức bật cho nền kinh tế, đồng thời nó cũng làm réo sôi dòng máu làm giàu trong con người ta. Ra đường không có xe máy đắt tiền, không cầm điện thoại di động đa năng tự nhiên cảm thấy yếu thế. Chẳng rõ có phải đã đến lúc công phát, nông suy hay không mà ở nông thôn bây giờ nhiều người chẳng còn muốn làm ruộng nữa. Khoán 10, chia ruộng vừa mới hôm nào là động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo nên khí thế hồ hởi khắp làng quê, ngõ xóm bây giờ không còn sức nữa hấp dẫn nữa. Nhiều người bắt đầu bỏ ruộng ra thành phố kiếm tiền. Thì ra, câu nói “Giàu nhà quê chẳng bằng ngồi lê xó chợ” thời nào cũng đúng. Diễm cám cảnh làng quê chân lấm tay bùn mà quanh năm nghèo vẫn hoàn nghèo. Cô muốn vươn lên đoạn tuyệt với những cám bã, bùn lầy của chốn quê mùa.
          Diễm theo các bạn ra phố. Họ tìm việc làm ở chốn đô hội. Một tháng làm “ô-sin” cũng được ba bốn trăm ngàn đồng, hơn hẳn suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời ở quê. Diễm được một bà chủ tiệm thời trang, mỹ phẩm thuê giúp việc buôn bán. Công việc của cô cũng không đến nỗi vất vả. Diễm chỉ là người hướng dẫn, bao gói hàng, xách đồ ra xe cho khách. Giá cả, mua bán thì đã có bà chủ. Khách của cửa hàng chủ yếu là các cô gái trẻ con nhà giàu, lắm tiền. Hoặc thi thoảng cũng có các bà, các chị, thuộc loại mệnh phụ phu nhân lăm le “cưa sừng làm nghé” đến cửa hàng ném tiền để cố mua lấy những cái không thể mua. Diễm nghĩ, loại này ở quê thì đã vào hội người cao tuổi rồi. Thế mà ở phố phường vẫn cứ phấn son, váy áo loè loẹt mong kéo dài cái tuổi hồi xuân để hưởng thụ.
          Một bữa, lúc cửa hàng đã nghỉ, bà chủ ra ngoài, Diễm lau chùi sắp xếp lại các tủ quần áo thời trang. Cầm xem một chiếc váy mốt mới, không cưỡng lại được, Diễm liền mặc thử. Giữa lúc Diễm đang đứng ngắm nghía mình trước gương thì bà chủ đột ngột bước vào. Diễm hốt hoảng:
- Cha…áu… cháu… chỉ định thử một tý… Cháu xin lỗi cô… 
- Bà chủ vốn là người khó tính. Kẻ ăn, người ở giúp việc mà chạm tới các thứ hàng hoá, mỹ phẩm hoặc có thái độ không tốt với khách là bị cúp lương ngay, nặng thì đuổi việc. Bà nhìn Diễm chằm chằm. Diễm càng hoảng, chân muốn khụy xuống. Nhưng nét mặt bà chủ chợt rãn ra, giọng đầy vẻ ngạc nhiên:
- Cháu cứ đứng yên để cô ngắm tý chút! Thật tuyệt! Mặc cái váy này trong cháu đẹp lộng lẫy, quyến rũ hẳn lên.
Diễm vẫn chưa hoàn hồn, không hiểu ý bà chủ ra sao. Bà lại bảo: 
- Đẹp thế này thì phải biết tận dụng cháu ạ! Phải bắt sắc đẹp đẻ ra thật nhiều tiền cháu ạ!
          Sau này, Diễm mới hiểu hết câu nói đó. Là chủ một cửa hàng thời trang lớn, nơi có nhiều con gái đẹp hay lui đến, bà ta chính là đầu mối của đường dây chuyên dắt gái cung cấp cho các loại “khách đặc biệt”. Một đường dây kín đáo, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng.
Từ bữa ấy, Diễm được bà chủ cho đứng phục vụ tại quầy, làm các công việc nhẹ nhàng hơn. Nhiều loại thời trang, mỹ phẩm mới, bà chủ đều cho Diễm mặc thử, dùng thử trước. Diễm trở thành một người mẫu bán chuyên nghiệp. Bà chủ chăm chút, tỉa tót cho Diễm với một mưu đồ “dùng vào việc lớn”. Diễm là một món hàng đặc biệt trong tay bà ta dành để làm kinh ngạc giới ăn chơi. Sự nâng niu và miếng bả xa hoa dần dần biến Diễm trở thành một người thích được chiều chuộng, hưởng thụ. Đối với Diễm mọi việc chẳng có gì còn quan trọng hơn khi những điều ngày nào còn mơ ước nay bỗng trở thành sự thật. Diễm cũng hiểu tất cả đều là sự trao đổi. Nhưng Diễm sẵn sàng chấp nhận đánh đổi để bứt xa cái nghèo, cái khổ đã chịu đựng suốt thời thơ ấu.
Biết điều ấy trước sau cũng sẽ đến nhưng Diễm vẫn thấy hơi bàng hoàng, nuối tiếc khi bà chủ bảo Diễm trang điểm, ăn vận thật đẹp để tối nay “có việc”. Diễm thẫn thờ khoả thân trước gương. Diễm nhìn chăm chăm vào hình ảnh của mình qua tấm gương phản chiếu mà nghĩ ngợi. Tối nay, ai sẽ là người chiếm hữu tấm thân nguyên trinh này. Nhưng sự xao xuyến của Diễm chỉ kịp thoáng qua. Bà chủ giục Diễm khẩn trương vì sắp có xe đến đón.
Bữa tiệc ở một khách sạn sang trọng. Lần đầu tiên Diễm uống rượu. Một ly nhỏ rượu Tây càng làm tăng thêm vẻ đẹp quyến rũ hơi hoang dại của người con gái trung du. Suốt bữa, Diễm có vẻ hơi dớn dác, lo lắng bởi ngồi giữa toàn những người không quen biết, ngoài bà chủ. ánh điện nhà hàng lúc sáng, lúc tối. Những mặt người lúc rõ, lúc mờ. Tiếng nói cười lúc ồn ào, khi thì lắng xuống. Chỉ có tiếng nhạc thì cứ đều đều êm ái như ru người ta đi dần vào cõi mê cung.
Tàn bữa, bà chủ dẫn Diễm lên một căn phòng sang trọng. Bà chủ dặn Diễm ngồi đợi đừng lo lắng gì cả rồi khép cửa quay ra, nhanh như một bóng ma. Diễm chợt thấy hoảng sợ. Cô ngồi co ro bó gối trên giường. Hình như có tiếng xả nước trong nhà vệ sinh. Cánh cửa bật mở. Một người đàn ông bước ra, chiếc khăn tắm quấn ngang bụng. Diễm không dám nhìn kỹ ông ta. Nhưng nhác trông thì ông ta cùng gần ngang tuổi bố ở nhà. Diễm lập cập:
- Bác…bác… 
          - Anh chứ sao lại là… bác?
Người đàn ông vừa nói vừa ngồi xuống cạnh Diễm. Ông ta gỡ cái chăn Diễm đang ôm chặt trước bụng rồi chậm rãi cởi đồ của cô. Ông ta đặt Diễm nằm xuống giường khi trên người cô không còn một mảnh vải. Diễm thấy hơi buồn nôn khi nhìn cái đầu ông ta tròn như một quả bí ngô hói nhẵn chỉ còn lơ thơ vài sợi tóc. Hai bàn tay ông ta như hai nải chuối mắn, đốt ngón tay ngắn chùn chùn, mềm nhẽo, trắng nhởn như những con sâu gỗ cứ bò đi, bò lại, sục sạo khắp thân thể Diễm. Diễm nhắm mắt lại cố quên đi những hình dung kinh sợ ấy. Diễm như mê đi vì sợ. Diễm cảm thấy sức nặng của ông ta trước một sự đau đớn, phá hủy thâm nhập, lan toả khắp thân thể mình.
          Sau lần ấy, Diễm được bà chủ đưa cho năm triệu đồng. Lần đầu tiên được cầm một số tiền lớn như thế khiến Diễm cứ ngơ ngác, bàng hoàng. Diễm đâu có biết người đàn ông đã lấy đi đời con gái của mình đêm ấy là một vị giám đốc một doanh nghiệp lớn. Ông ta đang có sự trục trặc trong việc làm ăn muốn tìm gái trinh để xả sui. Ông ta đã đưa trước cho bà chủ của Diễm một nghìn đô-la.
Việc kiếm tiền của Diễm trở nên dễ dàng. Bà chủ là người tổ chức mọi chuyện. Đôi khi Diễm còn được đi theo phục vụ những đại gia lên tận Sa Pa, Tam Đảo, sân gôn Hoà Lạc, hay ra mãi Đồ Sơn, Hạ Long. Diễm bắt đầu dày dạn dần trong mánh khoé moi tiền của những vị tỷ phú thời nay. Có tiền Diễm bắt đầu mua sắm, hưởng thụ. Diễm muốn gom góp thật nhiều tiền mong mở được một cửa hàng thời trang, mỹ phẩm nho nhỏ khi nhan sắc tàn phai. Diễm gửi tiền cho bố sửa chữa, lợp ngói thay lá cọ mái nhà và mua một cái ti vi, đỡ phải vội vã cơm nước sớm để đi xem nhờ chương trình thời sự.
          Mọi sự tưởng thuận chèo, mát mái thì bố từ quê ra tìm. Từ lâu bố mẹ và bà con chòm xóm vẫn chỉ biết Diễm ra phố bán hàng. Bố tìm thấy Diễm ở nhà trọ. Nơi Diễm được một vị đại gia ở phía Nam vung tiền ra thuê cho để mỗi khi ra Bắc công tác về ở chung với cô như vợ chồng. Bố bảo: “Làng ta năm nay được mùa, bà con có bát ăn, bát để nên quyết định góp tiền của để trùng tu đền thờ vị nữ tướng”. Ông hỏi xin Diễm một triệu đồng để góp với làng, vừa là vì hai ông bà già ở nhà ruộng ít, xấu, thóc kém, vừa vì muốn thể hiện tấm lòng thơm thảo của đứa con đang đi làm ăn xa quê.
Diễm thục tay vào túi xách. Khi vừa chạm vào những cọc tiền còn mới cứng cô bỗng rụt tay lại. Diễm nghĩ, không thể mang những đồng tiền này về sửa sang nơi thờ tự, đắp điếm lăng mộ cho vị nữ tướng trinh tiết của làng mình được. Đền thờ bà nổi tiếng là linh thiêng. Khối kẻ phàm phu tục tử đi qua đền vẫn quen thói chửi thể, nói bậy về nhà bị cảm giật méo cả mồm, chạy chữa mãi không khỏi. Diễm bần thần nhìn bố. Diễm thương bố lặn lội từ quê lên đường xa vất vả. Diễm đưa cho bố cái khăn mặt. Khi ông đang rửa mặt ngoài thềm thì cô xách túi lẻn cửa sau bỏ đi.
                                      *    
   
       Hoà vào dòng người trên phố, Diễm vẫn chưa hiểu mình sẽ đi đâu. Diễm thấy thương bố mẹ và nhớ quê quá. Cô nhớ kỷ niệm tuổi thơ nơi bến sông làng với những đồng tiền lá đa ở sân đền thờ vị nữ tướng. Chợt nghĩ tới mình cô thấy ghê sợ những gì đã làm. Ghê sợ những đêm truy hoan rượu thịt tràn trề, phấn son ngập ngụa, tiền tiêu không đếm. Đã có cả mấy chục triệu cầm tay mà đến lúc cần Diễm lại không có nổi một đồng như lúc này…
Diễm cứ đi như bị thôi miên. Cô bước lên một chiếc xe buýt. Khi xe dừng ở bến cuối là thị trấn Đông Anh, Diễm mới bừng tỉnh. Diễm chợt nhớ tới Liên - một người bạn cùng làm ở cửa hàng thời trang, mỹ phẩm chán cảnh bán thân đã trốn sang Đông Anh làm thuê trồng hoa, cắt cỏ, nuôi cá cho một trang trại du lịch sinh thái. Diễm vội mở máy điện thoại di động tìm số của bạn. Hai người gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Liên dẫn Diễm về trang trại. Người mà họ gặp đầu tiên là một chàng trai đang hướng dẫn mấy người trồng cây ven hồ nước. Liên giới thiệu:
- Đây là anh Tùng, kỹ sư nông nghiệp, người ở phố Hàng Gai, phụ trách tổ làm vườn của bọn mình đấy!  Giới thiệu với anh Tùng đây là Diễm, bạn em.
          Tùng gật đầu chào Diễm. Khi biết cô có ý định xin việc làm ở trang trại, anh vui vẻ bảo:
          - Tổ làm vườn đang thiếu mấy người, tôi sẽ nói với ông chủ giúp cho. Chắc là ổn. Chỉ sợ cô không chịu được khổ thôi!
- Em chịu được! - Diễm nói.
Trong cô đã có một quyết tâm phải làm việc bằng chính sức lao động của mình để có những đồng tiền chân chính gửi về quê góp với làng trùng tu đền thờ người nữ tướng.
          Những ngày đầu làm việc nặng nhọc, bàn tay Diễm phồng rộp lên, vỡ ra rớm máu, bỏng rát. Diễm cầm cái liềm cắt cỏ trên tay như cầm một thanh sắt nung nóng. Cô cắn răng chịu đựng. “Nhất định không được bỏ cuộc. Phải kiếm đủ một triệu đồng để gửi về quê” - Diễm tự nhủ. Kỹ sư Tùng ngạc nhiên. Bởi một cô gái xinh đẹp, trắng trẻo, có lẽ chỉ quen sống trong nhà mà lại có ý chí lao động, chịu đựng vất vả mưa nắng đến thế. Cả tháng Diễm không nghỉ việc ngày nào. Cô quen dần với công việc nặng nhọc, vất vả. Bản tính nông dân trong con người Diễm vẫn chưa mất. Sau một tháng, trừ tiền ăn, Diễm còn được nhận ba trăm nghìn đồng. Diễm gói những đồng tiền quý báu ấy vào chiếc khăn tay mới. Một bữa ăn cơm ngoài quán cơm bình dân biết nhà hàng thiếu người làm, Diễm nhận thêm chân rửa bát. Thế là đến giờ nghỉ trưa, Diễm có mặt ở quán cơm nhận phần việc của mình. Mỗi ngày cô có thêm năm nghìn đồng nữa.
Kỹ sư Tùng thêm một sự ngạc nhiên khi thấy Diễm làm việc như một con thiêu thân. Mấy lần anh rủ Diễm đi chơi nhưng cô đều từ chối. Anh để ý tìm hiểu và biết ngoài thời gian làm trang trại, Diễm còn làm ở quán cơm bình dân. Anh lựa lời hỏi thì Diễm chỉ đáp gọn lỏn: “Em cần tiền!”. Tùng có ý định giúp Diễm chuyện tiền bạc, như cho vay chẳng hạn, nhưng cô lắc đầu không nhận. Anh không hiểu vì sao Diễm lại cần tiền đến thế. Tùng cũng không muốn đi sâu vào chuyện riêng của Diễm nhưng anh luôn quan tâm đến cô. Là một kỹ sư giỏi, Tùng được ông chủ trang trại tin cậy muốn trao cho anh việc quản lý khu du lịch sinh thái và còn có ý định gả con gái cho nữa. Nhưng anh không mặn mà chuyện ấy. Anh ghét cô con gái ông chủ hay đỏng đảnh, lười biếng. Qua thời gian làm việc cùng nhau, từ cảm mến Tùng đem lòng thầm yêu Diễm. Mấy lần, Tùng tìm cách tỏ tình nhưng Diễm đều lảng tránh. Diễm chỉ thắc mắc:
- Sao anh Tùng là người Hà Nội gốc mà lại thích nghề nông nhỉ?
- Vì anh yêu thiên nhiên, cây cỏ, đồng quê… - Tùng bảo. Anh cố nói thêm:
          - Và, bây giờ thì còn yêu cả người quê nữa đấy!
Diễm mỉm cười lảng ngay sang chuyện khác
*
          Diễm chuẩn bị về quê. Cô mở gói tiền ra đếm lại. Ba tháng làm việc ở trang trại và quán cơm, Diễm đã gom góp được hơn một triệu đồng. Diễm vuốt lại từng tờ giấy bạc. Có nhiều đồng tiền lẻ. Giữa lúc đó thì Tùng bước vào. Anh hỏi:
- Em về quê hôm nào lại lên?
- Em xin nghỉ ba hôm.
- Anh mua cho em ít hoa quả làm quà!
- Vâng! Để em gọt một quả táo cho anh ăn, em cũng đang thèm đây.
Diễm nói. Cô buộc gói tiền lại đi tìm con dao gọt táo. Tùng ngồi xuống cái ghế thấp. Anh tò mò lật xem mấy cuốn sách Diễm để trên bàn. Toàn là truyện tranh thiếu nhi.
          - Em mua làm quà cho thằng cháu đấy… Ối! Em bị đứt tay rồi.
Diễm buông con dao. Tùng lúng túng ngó quanh tìm kiếm cái gì có thể băng vết thương cho Diễm. Diễm nắm chặt ngón tay đang chảy máu bảo: “Cái túi xách em để trong tủ, có bông băng đấy!”. Tùng vội mở cái tủ gỗ nhỏ ở đầu giường lôi ra một cái túi xách. Anh kéo khoá thọc tay vào túi. “Ôi trời! Gì vậy!” - Tùng giật mình. Anh lôi trong túi ra ba bốn xấp tiền. Toàn là loại năm mươi, một trăm ngàn đồng mới cứng. Diễm cũng giật mình hoảng sợ. Nhưng rồi cô trấn tĩnh lại được. Diễm bảo: 
- Bông băng em để dưới đáy túi! Anh lấy băng tạm cho em đã. Em sẽ nói chuyện với anh sau.
          Tùng vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh nghĩ, không hiểu vì sao một người con gái có cả đống tiền thế này mà lại cam chịu lao động vất vả, ăn uống kham khổ, cóp nhặt từng đồng bạc lẻ.
- Nhanh lên anh!
Diễm giục. Tùng lập cập bới đống tiền tìm bông băng buộc vết thương cho Diễm. Diễm bảo anh ngồi xuống ghế. Hai người ngồi đối diện nhau. Diễm nhìn thẳng vào mắt Tùng bắt đầu nói, giọng cô hơi run run... Kể xong chuyện của đời mình, Diễm cúi xuống. Ngón tay cô di di trên mặt bàn. Tùng ngồi im lặng suốt thời gian Diễm nói. Trong anh bao nhiêu tình cảm ập đến bất ngờ, xáo trộn. Một không gian im lặng nhưng tâm hồn của hai người trẻ tuổi thì cuộn sóng. Ngoài trời gió bỗng thổi mạnh hơn. Cái lạnh đầu mùa ùa vào căn phòng nhỏ bé. Diễm chợt rùng mình. Ngập ngừng mãi, cô mới hỏi:
- Biết chuyện của em vậy anh có coi thường em không?
     Tùng lắc đầu. Anh nắm thật chặt bàn tay nhỏ bé nổi sần những vết chai của Diễm. Diễm để yên tay mình trong tay anh. Một lúc lâu, Tùng mở ví lấy ra ba trăm nghìn đồng đưa cho Diễm. Cô nhìn anh ngạc nhiên. Tùng bảo:
- Em cầm lấy đi! Đây là tiền lương tháng này của anh. Anh gửi về xin được góp với bà con tu sửa đền thờ vị nữ tướng làng mình.
                                               Hà Nội, mùa Đông 2004
                                                                                           

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét