Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Truyện ngắn Bông hồng không gai

    
Bông hồng không gai
Truyện ngắn của Trọng Bảo
          Nàng là người rụt rè, nhút nhát. Đó chính là bản tính của nàng. Khi còn đi học, nàng thường chọn chỗ ngồi ở góc lớp. Trong giờ học, bài toán nào nàng cũng giải được nhưng không dám giơ tay lên bảng. Giờ ra chơi, nàng thường đứng nép mình ở gốc bàng nhìn lũ bạn tung tăng chạy nhảy, nô đùa. Thấy nàng hiền lành, yếu ớt, lũ bạn thường hay bắt nạt. Đi học mười ngày thì chín ngày nàng trở về nhà với đôi mắt sưng húp, nước mắt vòng quanh, quần áo lấm lem bùn đất.
          Nhà nàng ở phía sau làng, hơi xa hàng xóm. Trước cửa nhà có một con kênh nhỏ. Mỗi khi người ta đóng cánh cửa cống phía thượng nguồn, con kênh cạn nước, nàng thường bì bõm bắt những con cua, con cá nhỏ. Đoạn đường rẽ vào nhà nàng phải đi qua một bãi tha ma. Mỗi lần đi học, mẹ nàng thường phải đưa ra tận con đường lớn.
          Mẹ nàng không phải là người vùng này.
Một buổi kia, có một người đàn bà nằm gục ở bến sông. Dân làng xúm vào cứu chữa. Thì ra, chị bị đói nên kiệt sức. Cái thai to vượt mặt sắp đến tháng sinh. Chị được ông lão quét chợ cho ở nhờ. Người ta chỉ biết loáng thoáng hình như chị bị một thằng Sở Khanh nào đó lừa. Tuyệt vọng, chị bỏ thành phố lên rừng. Tại túp lều nhỏ của ông lão quét chợ nàng đã chào đời. Ông lão quét chợ chết, mẹ nàng bỗng nhiên trở thành người quét chợ. Cái vất vả, lam lũ, cuộc sống khốn khó nơi thôn quê cũng không làm tàn phai được vẻ đẹp của mẹ nàng. “Gái một con trông mòn còn mắt”. Dù mẹ nàng có mặc quần áo vá chằng vá đụp, đội nón mê, chân tay, mặt mũi lấm lem cũng không giấu nổi những nét đẹp kiêu sa của người con gái thị thành. Nàng nhớ như in cảnh đêm đêm, những gã đàn ông quê mùa, cục súc, dâm dục say rượu lượn lờ quanh ngôi nhà của mẹ con nàng, buông những lời ve vãn tục tĩu. Rồi những mụ đàn bà quần xắn móng lợn, tay cầm dao bầu, hết gào thét, chửi bới mẹ con nàng hút hồn chồng họ và lùa những ông chồng chạy tả tơi lên sườn đồi.
          Những lúc ấy mẹ thường im lặng, chốt chặt cửa, ôm chặt lấy nàng. Hai mẹ con ngồi im trong bóng tối. Trong tâm trí nàng ngày ấy luôn có cái cảm giác sợ hãi, khiếp đảm. Nàng hay nghĩ đến những câu truyện cổ tích có những lão phù thuỷ, những mụ yêu tinh rình rập để ăn thịt người. Mẹ nàng nhẫn nhịn để sống và nuôi con. Cũng có người tử tế đến, nhưng duyên chẳng thành.
          Nàng lớn lên trong tình thương, che chở của mẹ.
Bản tính rụt rè của nàng có thể bắt nguồn từ đấy.
          Khi nàng vào đại học vẫn cái tính rụt rè, nhút nhát như thế. Chính nàng cũng nhiều lần tự nhủ phải vượt lên chính mình để hoà đồng với bè bạn. Nhưng không hiểu sao ý chí không thắng nổi tình cảm trong nàng. Nàng nhút nhát, yếu đuối nhưng xinh đẹp. Cái đẹp ngày càng lồ lộ ra không giấu nổi. Mặc dù nhà nghèo, so với đám chúng bạn cùng lớp thì nàng quá kém cỏi. Vài bộ quần áo lỗi mốt, một chiếc xe đạp cũ kỹ tróc sơn cũng không làm cho nàng xấu đi được.
Nàng như một bông hồng chớm nở mà càng ngắm nhìn càng thích. Bạn bè cùng khoá thường trêu gọi nàng là “bông hồng không gai”.
          Không chú ý đến sắc đẹp của mình, nàng chỉ chuyên tâm vào việc học hành. Mẹ nàng tần tảo ở quê nhặt nhạnh từng đồng, nhịn ăn, nhịn mặc gửi cho con ăn học. Mỗi lần nhận gói tiền phần nhiều là những đồng lẻ mẹ gửi bác lái xe ca từ quê ra, nàng lại rưng rưng nước mắt. Thương mẹ, nàng chăm chỉ hơn. Rồi nàng tự vượt lên sự rụt rè, nhút nhát xin đi dạy kèm tiếng Anh cho trẻ em kiếm tiền ăn học.
          Thằng bé mà nàng dạy kèm là con nhà giàu. Một hôm nàng đang luyện phát âm cho nó thì có tiếng cười nhạo:
          - Ê! Nói tiếng Anh như thế có mà... Tây nó nghe được à!
          Nàng quay phắt lại sững sờ. Một anh chàng cao to, điển trai, vai khoác ba lô đang đứng ở cửa phòng. Thằng bé reo lên:
          - A! Chú Bân... - Chợt nhận ra sự lúng túng của cô giáo dạy kèm, nó liến thoắng: - Đây là cô giáo tiếng Anh của con. Mà con cũng đang học là để nói cho... Tây nghe đấy chú ạ!
          Anh chàng lúng túng: “Xin... xin lỗi cô giáo! Tôi... tôi cứ ngỡ là hai đứa trẻ nhà này...”. Vẻ lúng túng của Bân khiến nàng lấy lại sự tự tin sau câu nói vừa rồi của anh. Anh ta chính là em trai của chị chủ nhà, mới du học ở Ôxtrâylia về. Hiện anh đang làm trưởng đại diện cho một công ty nước ngoài ở thành phố Hồ Chí Minh. Anh ra Hà Nội làm việc và ghé thăm chị gái. Cuộc gặp gỡ bất ngờ tưởng như một trận gió thoảng qua đâu ngờ lại là bước ngoặt của đời nàng. Mà nàng cũng chẳng thể nào biết cuộc đời mình sẽ được dẫn đi đến tận đâu sau khúc ngoặt bất ngờ ấy.
          Chuyện tình cờ thường khó tránh. Nàng và Bân hay chạm gặp nhau. Khi Bân được cử ra thành lập phòng giao dịch ở Hà Nội thì hai người đã “bén” nhau. Cái vẻ kẻ cả ga lăng, che chở của Bân đối với một cô gái yếu đuối như nàng, khiến lũ bạn bè của nàng bất bình. Cái Thu đe: “Không được để hắn bắt nạt nghe!”. Cái Hà thì lại nói: “Hắn mà giở trò gì thì liệu hồn với bọn này”. Cái Dung thì cảnh cáo: “Không khéo ở gần hắn mày bị “cớm nắng” mất”. Ấy là lũ bạn thời sinh viên ồn ào, lắm chuyện. Ngày mãn khóa, mỗi đứa một nơi. Nàng được Bân xin cho dạy tại một trường nội ô. Những buổi hẹn hò, đón đưa, tình yêu với nàng như một giấc mơ, cái gì cũng đẹp. Trong vầng hào quang ấy con người nàng mụ mị, khó mà nhìn xa được.
          Đám cưới của nàng với Bân tổ chức ở một khách sạn sang trọng. Người dự chủ yếu là các ông chủ và đối tác của Bân, còn lũ bạn bè “me sấu” thời sinh viên của nàng thì vắng cả. Đám cưới sang trọng nhưng lạnh. Mùa đông năm ấy trời lạnh lắm. Nàng run rẩy trong bộ váy cưới mỏng tang khi ra ngoài tiền sảnh để chụp ảnh. Cái cảm giác lạnh lẽo ấy theo nàng vào phòng tân hôn. Nhất là khi nàng lần đầu tiên được cầm những tờ 100 đô-la lành lạnh trong đống phong bì mừng. Đêm tân hôn, sau khi đã thoả mãn, Bân lăn ra ngủ, miệng há ra ngáy khò khò. Còn nàng thì thao thức mãi. Mắt nàng mở to chong chong nhìn lên trần nhà suốt đêm. Ngọn đèn ngủ đỏ nọc, độc nhãn chăm chăm soi xuống ngực nàng. Bất giác, nàng úp hai bàn tay che lên cặp vú tròn vo và chợt thảng thốt bởi sự trần trụi, không một sự chở che tự vệ của mình.
          Cuộc sống của nàng bình lặng trôi đi. Một bé gái ra đời. Tiếng khóc oe oe của nó chỉ xao động đôi chút sự bình lặng ấy. Bân thì vẫn ồn ào, lúc ở trong Nam, khi bay ra Bắc. Cuộc vật lộn tranh giành trên thương trường quyết liệt, tính toán từng giây, từng phút. Bân được bổ nhiệm làm giám đốc chi nhánh công ty tại Hà Nội. Bân thường xuyên vắng nhà. Anh ăn ở nhà hàng, dự chiêu đãi nhiều hơn là số bữa ngỗi ăn chung với vợ con. Nàng cảm thấy căn hộ sang trọng của nàng và Bân ngày càng lạnh hơn.
          Một hôm, Bân bảo:
          - Hết năm học này, em xin nghỉ việc đi. Có con cái rồi nghỉ lo việc nhà.
          - Nhưng...
          - Không nhưng gì hết! - Bân nói vẻ kẻ cả: - Lương của em vài trăm nghìn đồng, chả đủ tiền ăn sáng.
          Thế là nàng nghỉ dạy học. Suốt ngày nàng quanh quẩn trong nhà, lo cơm nước, giặt giũ. Tiền Bân xếp trong ngăn tủ, cứ lấy mà tiêu. Tiêu chưa hết đã có bổ sung. Nàng an phận, coi như một lẽ thường tình. Giang sơn của nàng bây giờ gói gọn trong căn hộ. Nàng như một cái cây đặt trong bóng râm lâu ngày, cớm nắng. Xã hội mà nàng tiếp xúc chủ yếu là cái chợ nhỏ gần nhà. Nơi hàng ngày, nàng vẫn ra đó mua thức ăn, nghe vài câu chuyện của các bà hàng tôm, hàng cá.
          Cuộc sống phẳng lặng của nàng tưởng cứ thế mãi trôi đi. Nhưng sóng ngầm thường xuất hiện khi trời trong, biển lặng. Dân đi biển gọi đó là sóng lừng. Nó thường bất ngờ từ lòng biển trỗi lên lật úp con thuyền. Một buổi sáng, nàng vừa đi chợ về thì gặp một người đàn bà đứng chờ trước cổng. Một trận đòn bất ngờ xảy ra khiến thịt, bún, rau trong cái làn của nàng đổ vãi tung toé. Nàng chẳng hiểu vì sao và không chống đỡ nổi những cái tát nảy lửa của mụ đàn bà. Khi những người đi đường xô vào can ngăn, kéo mỗi người ra một góc, mụ đàn bà gào lên, mọi việc giờ mới tỏ.
          Thì ra khi còn du học ở nước ngoài, Bân và mụ ta đã sống với nhau như vợ chồng, tuy chẳng cưới hỏi gì. Họ đã có một đứa con trai, thề non hẹn bể với nhau khi về nước sẽ tổ chức đám cưới thật linh đình. Nhưng rỗi Bân về nước trước không một lần hồi âm. Mụ ta về nước sau đó vài năm. Mụ ta truy tìm Bân khắp Sài Gòn nhưng không thấy. Tình cờ qua một quảng cáo trên báo có đăng cả ảnh Bân, thế là mụ ta bay ngay ra Bắc. Một trận đòn ghen ngược. Bởi vì mụ ta dù danh nghĩa nào cũng đâu phải là vợ của Bân. Thế nhưng sự đời vẫn vậy. Những kẻ trơ chẽn, tráo trở nhiều khi lại được thế. Nhất là đối với một người như nàng thì ai bắt nạt chả được. Mụ ta suốt ngày lởn vởn trước cửa nhà nàng như một bóng ma ám ảnh. Mụ ta không gây gổ, gào thét thêm nữa chỉ chặn đường trừng trừng nhìn nàng mỗi khi nàng ra cổng. Rồi Bân về, họ gặp lại nhau. Không hiểu Bân và mụ ta nói gì với nhau mà từ hôm ấy, nàng không còn thấy mụ lượn lờ trước cổng nhà mình nữa.
          Cũng từ ấy, nàng nhận thấy sự lạnh nhạt của Bân đối với mình. Trước kia, mỗi lần gặp nhau, nhất là khi đi công tác xa về là Bân xô ngay lại với nàng. Bất kể ban ngày, hay đêm Bân đều bế xốc nàng lên phòng ngủ bóc quần áo khỏi người nàng như bóc một cái bánh mà tận hưởng. Nhiều khi vội thì chuyện ấy diễn ra ngay ở cổng, trong nhà bếp, buồng tắm, kể cả tại phòng khách. Nàng đáp ứng lại sự cuồng nhiệt của Bân một cách cam chịu, nhẫn nhịn.
          Bây giờ thì khác. Bân thường về nhà muộn và mệt mỏi. Có khi chẳng kịp ăn đã lăn ra ngủ. Suốt đêm Bân nằm im thẳng đuột như một xác chết, để mặc nàng thao thức, đợi chờ...
          Chuyện chẳng dừng lại đó. Khi nàng biết được Bân và mụ đàn bà kia đã mua một căn hộ riêng sống với nhau thì cũng là lúc Bân đưa cho nàng một lá đơn xin ly hôn. Nàng không bất ngờ. Từ nhiều tháng nay, nàng mơ hồ nhận thấy việc này rồi sẽ xảy ra. Nàng cầm bút ký vào đơn như một việc phải làm, không suy nghĩ gì thêm.
          Không thèm nhận một phần căn hộ được toà án chia cho, nàng thu gom mấy cuốn giáo án cũ, gói ghém quần áo rồi đưa con về quê. Thực ra cũng chẳng phải là cố hương. Nàng nào biết quê gốc của mình ở đâu. Nàng đưa con về lại nơi ngày xưa mẹ con nàng đã ở.
          Vẫn bến sông xưa, nơi con đò cũ kỹ đón khách sang sông.
*
          Hoà một tý vôi vào xô nước, khoắng đều, nàng tìm nắm rơm bó làm cái chổi quét lại bức tường căn nhà ẩm mốc. Từ ngày mẹ nàng mất, căn nhà trở thành nơi tụ tập của lũ trẻ chăn trâu. Cánh cửa mọt chi chít những chữ a, chữ ơ viết bằng than.
          - Mẹ ơi! Có một thằng bé điên...
          Tiếng gọi thảng thốt của con gái làm nàng giật mình. Nàng vội chạy ra. Con bé từ trên đồi chạy ào xuống! Một thằng bé khoảng hơn mười tuổi, tay cầm một bó hoa mua đuổi theo, miệng: “Huơ... huơ...” không ngớt.
          Con bé núp vào sau lưng làng. Thằng bé như chẳng sợ ai. Nó tiến đến gần, tay cầm bó hoa rừng vẫy vẫy. Rồi nó đứng lại nhìn nàng, nhoẻn miệng cười. Một chú bé xinh xắn nhưng nét mặt và nụ cười thì ngây ngô.
          - Cháu tên là gì? - Nàng hỏi.
          - Tên... tên... là... gì...- Nó lắp bắp nhắc lại.
          Một người đàn ông mặc bộ quần áo bộ đội bạc màu hớt hải đi vào. Anh nói:
          - Cô và cháu đừng sợ. Nó hiền lắm, nó chỉ muồn tặng hoa cho cô và cháu thôi.
          - Anh là...
          - Tôi là bố nó! Cô có phải là con gái bà Thùy?
          - Vâng!
          - Thế thì tôi là hàng xóm đấy!- Đoạn anh chỉ sang bên kia mương nước, nơi có mấy ngôi nhà lợp ngói xỉn màu. Con bé không còn sợ thằng bé điên nữa. Mà nó đâu có điên, chắc chỉ thiểu năng não. Hai đứa “huơ...huơ” nói chuyện với nhau, cười như nắc nẻ.
          - Cô để tôi làm giúp cho!
Anh láng giềng bảo. Chẳng đợi nàng đồng ý, anh xách xô vôi và cái chổi vào nhà. Nàng cầm cái giẻ ướt lau cánh cửa. Vừa làm họ vừa nói chuyện với nhau. Nàng biết anh tên là Đông. Anh là con của một người lính, bản thân cũng là bộ đội. Hết nghĩa vụ quân sự, Đông về quê cưới vợ. Đứa con đầu lòng của họ bụ bẫm, đẹp như  tranh vẽ. Nhưng nó càng lớn lên càng ngây ngô và không biết nói chỉ huơ... huơ hoặc nhắc lại vài từ khi người ta hỏi nó. Chữa chạy mãi không khỏi. Đó là di chứng của chất độc da cam từ đời ông nội nó là bộ đội Trường Sơn truyền lại.
          - Cô về đây dạy học à? - Anh hỏi.
          - Em đang xin dạy hợp đồng tại trường trung học phổ thông cơ sở xã...
          - Nếu được... tôi nhờ cô dạy cho thằng bé nhà tôi...
          - Nhưng...
          - Nó không nói được nhưng nhìn bạn cũng biết bắt chước viết được vài chữ đấy.
          Nàng nhận thằng bé vào lớp học. Nó là trường hợp đặc biệt nên ông hiệu trưởng cũng đồng ý. Nàng xếp cho nó ngồi cuối lớp. Khi cả lớp làm toán lớp 5 thì nàng dạy nó tập viết, tập đánh vần. Con gái nàng cũng rất thích được thay mẹ làm “cô giáo” cho thằng bé hàng xóm.
          Một lần, nàng dẫn học sinh đi dã ngoại, lên rừng tìm hiểu thiên nhiên cây cỏ. Lúc về, nàng và tốp học sinh đều thấm mệt. Chiếc xe đạp cọc cạch của nàng bị tuột xích. Lúc sửa được xe nàng vội đuổi theo các em học sinh. Đến chỗ cua đường vắng, nàng giật mình nghe tiếng học sinh kêu cứu. Một gã đàn ông mặt mũi dữ tộn đầu óc bù xù đang giằng chiếc xe mi-ni Nhật của một em học sinh. Hắn là một tên nghiện hút, đói thuốc làm liều. Nàng buông vội chiếc xe đạp của mình xuống mặt đường lao đến. Nàng vật lộn giằng lại chiếc xe đạp trong tay tên cướp. Hắn khoẻ hơn nàng. Nàng cắn mạnh vào cánh tay hắn. Tên cướp buông chiếc xe đạp. Hắn vả một cái đánh “bốp” vào mặt nàng. Nàng giật lại được chiếc xe và gạt đám học sinh ra phía sau mình. Hai tay nàng giang ra che chở cho các em. Mắt nàng long lên, đầu óc rũ rượi. Trông nàng như một chị gà mái xù lông che chở cho đàn gà con trước móng vuốt của mụ diều hâu hung dữ.
Lũ trẻ sợ đến tái người. Mặt đứa nào đứa ấy cắt không còn giọt máu. Tuy chỉ cò thằng bé con Đông là chẳng sợ sệt gì. Nhìn cảnh giằng xé nó lại cứ tưởng là trò chơi rồng rắn. Nó túm lấy áo nấp sau lưng nàng, ngó bên này, nghiêng bên kia, miệng huơ... huơ không ngớt vẻ rất thích thú.
          Tên cướp vừa nắm chỗ tay đang cháy máu vừa gườm gườm nhìn nàng. Đoạn hắn rút lưỡi lê ra. Nàng gạt mái tóc rũ rượi ra sẵn sàng đối phó. Chợt tên cướp sững lại Hắn bối rối lùi lại rồi quay đầu chạy và lẩn nhanh vào rừng. Nàng nghĩ có lẽ hắn nghe thấy tiếng xe máy dưới chân dốc nên bỏ chạy. Nàng đâu biết hắn đã nhận ra nàng là bạn học cũ từ thời cấp I. Hắn chính là đứa hay bắt nạt nàng, bôi bẩn lên áo nàng, làm nàng khóc hết nước mắt ngày còn thơ bé. Ngày ấy hắn là con nhà giàu, học ít, chơi nhiều. Lớn lên vẫn quen thói chơi nhiều, làm ít, sa vào nghiện ngập nên hắn trở thành kẻ cướp.
Tên cướp chạy rồi, nàng mới thấy sợ. Nàng cùng đám học sinh rúm ró, nhớn nhác đạp xe loạng quạng về trường.
          Chỉ hôm sau, cả trường, cả xã đều biết và ca ngợi sự dũng cảm dám đương dầu, đối diện với cái ác để bảo vệ học sinh của nàng. Còn nàng thì rất ngại mỗi khi có ai hỏi han, khen ngợi mình. Nàng chỉ chuyên tâm vào công việc dạy dỗ học sinh, luôn là giáo viên dạy giỏi. Cuối năm học, nàng được nhận vào biên chế là giáo viên chính thức của trường.
          Riêng Đông thì rất biết ơn hai mẹ con nàng. Thằng bé con anh suốt ngày nếu không ở lớp thì lại ở nhà nàng. Gặp bữa nó ăn cơm luôn với mẹ con nàng. Con bé rất thích khi nhìn nó ăn ỏn ẻn như con gái. Mẹ thằng bé đã bỏ bố con nó đi mất tích ngay sau khi biết đứa con bị nhiễm chất độc da cam. Nghe nói chị ta sang tận Trung Quốc lấy chồng.
          Nàng và Đông từ chỗ láng giềng thành thân nhau. Hình như số phận đã làm họ xích lại gần nhau. Những lần thằng bé ốm, nàng thức suốt đêm cùng anh chăm sóc nó ở bệnh viện. Lần nhà nàng bị trúng luồng gió xoáy, anh dầm mưa trèo lên nóc che lợp, chằng buộc. Tình yêu đích thực nhiều khi đến rất chậm chạp, chớ trêu. Hai cuộc đời như đã thuộc về nhau từ trước nhưng bây giờ mới gặp. Họ định ngày báo cáo gia đình và tổ chức, kiếm mâm cơm cúng gia tiên chứng giám cho về sum họp một nhà.
          Hôm ấy trời quang mây tạnh, nàng lên thị trấn may một cái áo mới, định dành cho ngày vui. Quần áo của nàng đã cũ hết rồi. Nàng vừa về đến gần nhà thì nghe tiếng người kêu cứu lao xao. Người ta mở cánh cống phía thượng nguồn con kênh. Con gái nàng và thắng bé hàng xóm đang bì bõm mò cua thì nước dâng lên quá nhanh, chảy xiết. Thành kênh dẫn nước người ta láng xi măng, rêu trơn nên thằng bé cứ bò lên lại bị tụt xuống. Con bé đã trèo lên được bờ rồi lại chạy xuống kéo em. Cả hai đứa bị trượt chân ngã nhào xuống dòng nước xiết.
Đang rẫy cỏ gần đấy nghe tiếng kêu cứu, Đông vội chạy đến. Anh lao về phía cửa cống ngầm. Đông nhào xuống kênh túm được hai đứa bé đẩy chúng rạt vào bờ. Nước xiết, anh phải vật lộn cố hết sức mình mới đẩy được hai đứa trồi lên khỏi luồng nước mạnh. Kiệt sức, anh vẫn cố vùng vẫy một lúc rồi mới chịu bất lực để mặc cho dòng nước xiết cuốn vào miệng cái cống ngầm đen ngòm.
          Dòng nước cuốn ngay lấy anh nhồi đẩy sang bên kia cửa cống ngầm. Mất hồi lâu mọi người mới đưa được anh lên bờ. Người Đông bầm dập, thâm tím, quần áo rách tướp.
          Nàng xô lại ôm lấy hai đứa bé. Thằng bé con Đông như chả biết sợ là gì, cũng không hiểu rằng bố nó đã chết, cứ huơ... huơ... luôn miệng. Nàng thảng thốt quỳ xuống trước thi thể Đông. Đôi mắt tròn to của nàng cụp xuống. Ánh sáng trong mắt nàng vụt tắt. Hai bàn tay nàng bải hoải, tuột rời khỏi vai hai đứa trẻ, thõng xuống. Một ai đó nói:
          - Đưa chú ấy về nhà đi!
          Đám người khênh Đông về làng. Nàng nắm chặt tay kéo hai đứa trẻ chới với bước theo. Họ đi xa dần con kênh đang sôi ùng ục...
                                             Hà Nội, 7-2002

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét