Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Truyện dài TRĂNG LẠNH (phần 1)

                     


            TRĂNG LẠNH
              Truyện dài của Trọng Bảo

           Đã cuối mùa thu.
           Trăng cuối tháng vẹt lõm như một chiếc liềm cùn cũ kỹ.
           Cánh đồng làng Hạ đẫm ướt sương đêm. Sắp sáng rồi. Tiếng gã gáy đổ dồn trong xóm nhỏ. Phía đông chân trời đã hừng lên màu sáng nhạt. Một trận gió lạnh ùa về trên cánh đồng làng. Sương mù ẩm ướt bay tạt qua mặt người. Chị Nhân quấn lại chiếc khăn voan mỏng quanh cổ. Đoạn chị cúi xuống sắn cao ống quần. Có tiếng chân người bước nhẹ phía sau. Không ngoảnh lại nhưng chị biết chắc đó là thằng Thứ. Sáng nay theo sự phân công của bí thư chi đoàn nó và chị sẽ cùng đi chăm sóc mấy ruộng thả bèo hoa dâu. Chiều hôm trước những ruộng bèo hoa dâu được bón bằng một lớp tro bếp. Sáng hôm sau phải dùng sào nứa dập cho tro bếp trên cánh bèo rơi xuống nước thì bèo mới sống được. Chị Nhân đang định quặc thằng Thứ về việc ra ruộng muộn thì nó đã đến sát ngay sau lưng. Khi chị Nhân chưa kịp đứng thẳng người lên thì thằng Thứ đã áp sát ngay bên. Hơi thở nó gấp gáp, hổn hển. Chị Nhân vừa định hỏi thì thằng Thứ đã vòng tay qua lưng ôm lấy hai bầu vú của chị bóp chặt. Chị Nhân giật mình hoảng hốt đứng thẳng người dậy. Thằng Thứ vẫn ôm chặt lấy ngực chị. Chị Nhân lúng túng vừa gỡ bàn tay chắc khỏe của thằng Thứ vừa hét lên:
           - Đồ khốn nạn! Mày làm cái trò gì thế?
           - Chị ơi… em… em…
           - Mày… mày…
           Chị Nhân thấy tức nghẹn ở cổ. Chị không dám quát mắng thằng Thứ ầm ĩ nữa vì phía trên con đường ra cánh đồng đã thấp thoáng có bóng mấy người đang vác cày bừa đi làm sớm. Chuyện tày đình thế này mà ai nhìn thấy, nghe thấy thì chết. Chị bức bối vớ cái sào nứa rồi lội ào ào xuống ruộng bèo hoa dâu. Thằng Thứ cũng vội vàng nhặt cây sào bước xuống ruộng để dập bèo. Vừa làm nó vừa ấp úng nói:
           - Em.. em xin lỗi chị… Sáng nay em phải lên đường nhập ngũ rồi… Chị… chị đừng báo cáo với chi đoàn chuyện lúc nãy nhé. Em cầu xin chị đấy!
            Chị Nhân vẫn chưa hết cơn bàng hoàng thảng thốt vì hành động táo tợn, bất ngờ của thằng Thứ. Chị càng thêm bất ngờ vì tin thằng Thứ đi bộ đội gấp thế. Hóa ra nó được gọi bổ sung nhập ngũ vì đợt giao quân hôm qua trong xã có một thằng trốn đi lính và hai thằng khi lên đến huyện đội tập trung khám lại sức khỏe thì bị loại. Miền nam đang chuẩn bị cho đợt tổng tiến công vào đầu mùa Xuân năm tới cho nên cần nhiều binh lực. Vì thế, các địa phương miền Bắc ra sức thi đua “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Xã nào thiếu người khi giao quân hoặc có người bị loại thì lập tức gọi người khác thay thế ngay. Những thanh niên gọi nhập ngũ bổ sung thường là gấp gáp như thế, gia đình nhiều khi chẳng kịp liên hoan, chi đoàn chẳng kịp trao tặng phẩm cho họ trước lúc lên đường. Thằng Thứ ở cùng làng lại sinh hoạt cùng chi đoàn thanh niên với chị Nhân. Nó kém chị gần hai tuổi và học sau một lớp. Tối hôm qua, nó mới được ông xã đội trưởng đem lệnh gọi hỏa tốc đến thông báo hôm nay lên đường nhập ngũ. Vậy mà nó vẫn đi làm bèo hoa dâu với chị Nhân sáng sớm hôm nay.
            Hai người dập hết mấy sào bèo hoa dâu thì trời sáng hẳn. Chị Nhân và thằng Thứ rửa chân rồi bước lên bờ ruộng. Thằng Thứ len lén nhìn chị Nhân rồi ấp úng nói:
           - Em về để chuẩn bị lên huyện tập trung…
           - Ừ… - Chị Nhân gượng gạo trả lời. Thằng Thứ lại nói:
           - Chị tha lỗi… bỏ qua cho em nhé!
           - Ừ…
            Chị Nhân cũng lúng túng. Mặt chị nóng phừng phừng khi nhớ lại chuyện lúc nãy. Thằng Thứ vẫn chưa yên lòng. Nó ngắc ngứ mãi rồi mới nói tiếp:
            - Chị ơi! Em ra đi lần này là có đi mà không có về nữa đâu chị ạ!
            Chị Nhân giật mình:
            - Tại sao lại như thế?
            - Vì… vì… dì em đi xem bói họ nói số em rồi sẽ… sẽ… “sinh bắc-tử nam”…
            - Chỉ mê tín vớ vẩn…
            - Đúng như thế chị ạ! - Thằng Thứ nói. Mặt nó buồn rười rượi. Ánh mắt nó nhìn xa xăm về phía chân trời. Mãi sau nó lại nói tiếp, giọng vẻ bùi ngùi: - Bọn bạn cùng xóm còn nói đời em sẽ không… không… biết… biết đàn bà là thế nào… nên lúc nãy em mới liều lĩnh như thế… em biết lỗi rồi, chị tha cho em nhé!
             Nói xong thằng Thứ bật khóc. Nói giơ bàn tay còn lấm bùn lên chùi mắt. Chị Nhân cũng phát hoảng. Tự dưng chị chỉ còn thấy ái ngại mà không còn giận thằng Thứ nữa. Nhưng chị cũng không biết nói thế nào để an ủi thằng Thứ. Tâm trí chị vẫn chưa thể quên được chuyện vừa xảy ra lúc nãy. Đây là chuyện lần đầu xảy ra đối với chị. Giữa lúc ấy thì phía trên con đường trồng bạch đàn có tiếng người quát rất to:
            - Những đứa nào kia! Giữa cánh đồng trống hơ trống hoác mà ăn mặc quần áo trắng toát lại không đeo vòng lá ngụy trang như thế hả. Máy bay Mỹ nó trông thấy quẳng xuống cho vài quả bom thì chết hết cả nút bây giờ…
            Đó là tiếng ông đội trưởng sản xuất làng Hạ. Thằng Thứ vội bảo chị Nhân:
            - Thôi em về trước để kịp lên trên huyện tập trung đây! Chị ở lại mạnh khỏe nhé…
            Nói xong nó liền ném cái sào nứa  dùng dập bèo hoa dâu xuống bờ ruộng rồi co giò chạy về phía làng. Chị Nhân vội gọi với theo:
            - Thứ ơi! Nếu có vào trong Nam chiến đấu mà gặp anh Luận nhớ nói là chị vẫn…
            - Vâng! Em nhớ rồi ạ.
            Tiếng thằng Thứ từ trên đường vọng xuống cánh đồng. Nghe giọng nó vang lảnh lói nhưng có vẻ phấn chấn hơn. Mặt nước ruộng rung rinh. Chị Nhân bước dọc bờ con mương nước nhỏ. Chị chợt rùng mình vì những cơn gió lạnh đầu mùa. Chị nhìn xuống ngực và giật mình khi thấy dấu bàn tay của thằng Thứ còn hằn trên màu áo trắng. Chị vội lội xuống mương vốc bùi quệt lên áo. Chị đi làm đồng quần áo vấy bẩn bùn là bình thường còn để thế này mà về làng ai nhìn thấy thì dễ sinh lắm chuyện. Chị Nhân là một người con gái đẹp vào loại nhất nhì của làng Hạ. Gần hai mươi tuổi rồi chị chưa một lần đụng chạm với đàn ông. Khi anh Luận người yêu của chị lên đường nhập ngũ hai người cũng chỉ dám cầm tay nhau thôi. Vậy mà lúc nãy thằng Thứ dám bóp ngực chị thật chặt, thật mạnh. Nó liều lĩnh quá, bậy quá. Nghĩ vậy nhưng chị không còn thấy ghét nó nữa. Chị thấy thương nó. Biết đâu lời nó nói đúng. Nó sẽ không trở về và chị cũng không còn gặp lại nó nữa. Chị chợt nhớ tới anh Luận. Năm ngoái cũng vào một đêm về sáng cuối mùa thu như năm nay chị và anh Luận cùng ra đồng chăm sóc ruộng bèo hoa dâu của chi đoàn. Chị cố tình đi sát bên anh, chạm vào vai anh. Khi cúi xuống dùng sào dập lên mặt ruộng bèo hoa dâu chị nhiều lần quay sang phía anh cố ý để ngực áo trễ xuống, thấp thoáng phô khuôn ngực trắng hồng tròn trịa nở nang. Vậy mà anh không dám một lần liều lĩnh, mạnh mẽ như thằng Thứ hôm nay. Đêm trước khi anh Luận lên đường nhập ngũ, hai người đã ngồi bên nhau trên đồi sim sau nhà. Trăng cuối tháng trắng xanh và lạnh. Chị ngả đầu vào vai anh, nghe được cả tiếng hơi thở của anh dồn dập. Vậy mà anh cũng chỉ dám cầm tay chị. Hôm sau anh lên đường rồi, chị mong chờ một điều gì đó xa xôi. Chiến tranh chẳng biết thế nào, người ra đi thì nhiều, người trở về thì ít. Mà người về thì cụt què, tàn tạ. Có anh thương binh trở về làng đám con gái vây quanh nhưng cú thờ ơ không màng đến. Hình như chiến tranh đã cướp mất chức năng đàn ông của anh ấy rồi. Nhiều người làng rỉ tai nhau nói thế. Năm tháng chiến tranh, làng vắng bóng đàn ông. Đám con gái, đàn bà phây phây, tràn đầy sinh lực suốt ngày đi cày, đi cấy, gánh phân, đổ ải, tối đến túm tụm ngồi ở sân kho hợp tác xã hò hát, ngắm trăng suông, khuya mới về ngủ, sáng mai lại ra đồng. Làm lụng vất vả, ăn uống kham khổ nhưng họ vẫn cứ nảy nở, tròn đầy. Trong những câu chuyện của họ giữa đêm trăng lạnh có bao nỗi ước ao, bao điều thèm muốn, mong chờ những điều bí ẩn.
            Chị Nhân về đến nhà thì nghe tiếng kêu trời, gọi đất thất thanh, tiếng khóc ời ời ở phía cuối xóm. Chị chạy vào buồng thay vội cái áo trắng có dấu bàn tay của thằng Thứ. Chị tìm miếng xà phòng 702 xát qua quýt đoạn cho vào cái chậu thau ngâm rồi chạy ra cổng. Tiếng người làng nháo nhác bảo nhau: “Xã vừa xuống báo tử anh Nghĩa đấy!”. Đúng là tiếng kêu khóc là từ phía nhà anh Nghĩa ở cuối làng. Chị Nhân thấy hơi run run. Anh Nghĩa cùng đi bộ đội với anh Luận, người yêu của chị. Mới tròn một năm đi xa vậy mà anh ấy đã thành liệt sĩ rồi.
            Chị Nhân bước thập thõm trên con đường làng đầy vết chân trâu. Chị đi về phía cuối làng Hạ. Người làng cũng đang kéo nhau đi về phía ấy. Mọi người đến để an ủi, xẻ chia nỗi đau với người thân anh Nghĩa. Đó là một việc vẫn thường diễn ra trong làng những năm tháng chiến tranh.
             Gió lạnh tiếp tục tràn về xóa nốt những ngày ấm áp cuối mùa thu…
                                                            
            (còn nữa)                                              Hà Nội, 11-2014
          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét