Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Ba bài thơ cho một người con gái

           
           Ba bài thơ cho một người con gái
          Tạp văn của Trọng Bảo

          Em sinh ra ở Yên Phong, Bắc Ninh, bên dòng sông Cầu lơ thơ nước chảy. Quê em có chợ Chờ, chợ Núi, có những xóm làng xanh mát lũy tre xanh, mùa hè đến âm vọng tiếng sáo diều vi vu. Trên những triền đê có những đàn bò thẩn thơ gặm cỏ trong tiếng cười nô đùa của đám trẻ mục đồng. Đặc biệt là quê em có làn điệu dân ca qua họ mượt mà, thiết tha, xao động lòng người.         
         Từ miền quê thanh bình ấy em lên đường, trở thành một người chiến sĩ. Chiếc áo chiến binh màu xanh em khoác lên mình thay cho màu áo trắng sinh viên. Tôi quen biết em tình cờ trong một lần lên trung đoàn bộ nhận pin và ác-quy máy thông tin. Từ đơn vị tôi lên trung đoàn bộ gần ba mươi cây số. Tôi xuống bếp thanh toán gạo và thực phẩm bữa trưa để nấu ăn dọc đường. Đi bộ từ sáng sớm đến gần trưa tôi mới đến trung đoàn bộ. Nhận xong các loại vật tư, tôi đeo ba lô ra bờ con suối nhỏ. Tôi dự định nấu cơm ăn xong sẽ trở về đơn vị. Khi tôi đang lúi húi chụm bếp bắc cái nồi nhỏ nấu cơm bên bờ suối thì có một nữ chiến sĩ từ nơi trú quân của cơ quan trung đoàn đi đến. Giờ nghỉ trưa, cô bé bưng một chậu quần áo ra suối giặt. Khi đi qua nhìn cái nồi tôi vừa đặt lên cái bếp kê bằng ba hòn đá cô bé bảo tôi:
          - Có ít gạo mà anh cho nhiều nước thế thì cơm nhão mất!
          Tôi lúng túng. Cô bé dừng lại giúp tôi gạn bớt nước trong nồi cơm. Rồi vừa vò quần áo cô bé vừa trông chừng nồi cơm giúp tôi. Cùng là lính tráng nơi biên giới nên chúng tôi làm quen với nhau rất nhanh. Tôi biết quê quán và tên nữ chiến sĩ ấy là M. Cô bé là văn thư bảo mật của trung đoàn. Sau này cô bé chính là nguyên mẫu nhân vật Mai trong truyện dài Dốc núi của tôi. M. giúp tôi nấu cơm, xào tý thịt lợn. Tôi đùa:
          - Hay hai anh em mình đổi công! Em nấu cơm giúp anh, anh sẽ giặt quần áo cho em?
          - Nhưng đồ của con gái có thứ anh không giặt được đâu! Hì…
          Cô bé cười rất tươi. Sau bận ấy mỗi lần lên trung đoàn bộ nhận trang bị, vũ khí tôi đều tìm cách gặp M. Có lần M. dẫn tôi vào chỗ trú quân rồi lấy cơm nhà bếp về mời tôi cùng ăn với hai chị em bộ phận văn thư luôn. Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 2-1979 xảy ra. Cơ quan trung đoàn bộ bị quân địch tập kích bất ngờ và đánh phá dữ dội. Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ cơ quan trung đoàn bộ đã hy sinh. Hai cô gái bộ phận văn thư trung đoàn đã chiến đấu vô cùng dũng cảm. Họ đã huỷ được hết các tài liệu quan trọng, không để rơi vào tay quân giặc. Hai người đã bắn đến viên đạn cuối cùng và hy sinh anh dũng. Hôm đó là một ngày đầu tháng ba. Khi nghe tin M. hy sinh tôi đã viết bài thơ “Tiếng gọi”.

Tiếng gọi
Trước lúc hy sinh em cố gọi: "Mẹ ơi!"
Tiếng gọi chìm trong tiếng súng.
Tiếng gọi tắt nửa trên môi.
Người em gái tuổi chớm đôi mươi
Chưa một lần hò hẹn
Chưa biết đến nụ hôn
Em mang cả trinh nguyên về với đất.
Trái tim em đạn thù găm nát
Nỗi đau từ đó vỡ ra,
Tình yêu từ đó vỡ oà
Em gửi lại cho những người ở lại.
Chúng tôi đứng sát bên nhau
Nòng súng vươn cao lặng lẽ cúi đầu
Phút cuối cùng tiễn đưa người em gái.
Đặt một cành lá xanh
Trên nấm mộ gió mưa tê tái
Tôi chợt nghe như em vẫn còn gọi mãi:
"Mẹ... mẹ ơi!".
        
            Cuối tháng 7 năm 1979, tôi có quyết định về tập trung tại trường văn hóa quân khu để ôn thi đại học. Trước khi rời Cao bằng về xuôi, tôi và một người bạn của M. đến thăm nơi em đang yên nghỉ. Tôi đã viết cho em bài thơ "Thôi em ở lại" để thay lời tạm biệt người con gái ấy.
            Quỳ trước mộ người con gái Kinh Bắc, tôi đọc bài thơ thứ hai này cho em nghe.

Thôi em ở lại
Vậy thôi em ở lại,
Bọn anh ngày mai về xuôi.
Hôm lên chúng mình có ba người
Một mình em con gái
Quê em ở bến sông Cầu.
Em nói ngày ra quân năm sau
Đưa bọn anh về làng Lim đi hội
Nghe quan họ hát thâu đêm...
Thế mà bây giờ chỉ một mình em
Ở lại đây với núi rừng biên giới.
Trận đánh ấy vô cùng dữ dội
Giữa vòng vây quân giặc trùng trùng
Quả lựu đạn cuối cùng
Trên tay em chớp lửa
Quân thù kinh hoàng, tơi tả,
Em hoá thân vào trời đất bao la,
Nên ngày về xuôi chẳng còn đủ ba
Khuyết mất người em gái nhỏ.
Hai đứa anh ngồi bên nấm mộ
Bùi ngùi dặn em trước lúc chia tay:
"Thôi em ở lại đây
Với chập trùng núi đá
Với bạt ngàn hoa lau,
Để mùa Xuân trên bến sông Cầu
Thiếu một người đội nón quai thao đi hội...".
 
          Đọc xong, tôi liền châm lửa đốt tờ giấy chép bài thơ thay một nén nhang tưởng nhớ và từ biệt người liệt nữ. Bài thơ cháy bỏng trên tay tôi, tàn tro rắc rơi trên cỏ.
          Một năm sau, tôi về học tại một trường sĩ quan ở Bắc Ninh. Lần đầu tiên đi Hội Lim, giữa dòng người trẩy hội đông nghẹt, tôi lại nhớ đến M. Tôi cứ nghĩ là em đang đưa tôi đi xem hội, nghe hát quan họ. Em vẫn ở đâu đó quanh đây, giấu khuôn mặt xinh đẹp sau vành nón nhỏ và sẽ bất ngờ xuất hiện ngay bên cạnh tôi với ánh mắt sáng long lanh, nụ cười tinh nghịch trên môi...
          Và, tôi đã viết cho em bài thơ thứ ba này.

Hội Lim tôi lại đi tìm
Hội Lim tôi lại đi tìm
Mong sao gặp ánh mắt em hôm nào,
Trốn sau vành nón quai thao 
Thoảng nghe tiếng gọi ngọt ngào: "Người ơi..."
Hội đông, người chạm vai người
Không em tôi vẫn lẻ loi một mình
Cô đơn khóm trúc đầu đình
Buồn trông liền chị, liền anh dập dìu
Đêm cho câu hát liêu xiêu       
Tay nâng vạt áo bao nhiêu hẹn hò.
Riêng tôi mong sự bất ngờ
Biết đâu hội tự bao giờ đã tan...?.
 
          Cả ba bài thơ trên có trong phần 6 của truyện dài Dốc núi đăng trên blog này. Và cả ba bài thơ ấy đều dành cho một cô gái, một người chiến sĩ quê miền quan họ Bắc Ninh, một người đồng đội dũng cảm của tôi.
          Viết thêm: Riêng bài thơ “Hội Lim tôi lại đi tìm” đã được đăng trên Báo Giáo dục & Đào tạo và số Tết báo Pháp luật Việt Nam.
                                                                      
                                                                           Hà Nội, 8-3-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét