Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Tản văn CƠM NẮM MO CAU

Tản văn này đăng trên báo Quân đội nhân dân số 18342 ra ngày Chủ nhật (6/5/2012) http://baoin.qdnd.vn/

Cơm nắm mo cau
Tản văn của Trọng Bảo

          Có lẽ đã có từ rất lâu ở các vùng cư dân trồng lúa nước. Đó là một cách chế biến lương thực đơn giản nhất. Nắm cơm làm lương ăn cho người đi xa. Ở quê tôi ngày trước hay làm món "cơm nắm". Cũng là bởi cái thời bao cấp xa xưa ấy, không có nhiều hàng quán như bây giờ. Một huyện cũng có một hai cái cửa hàng ăn uống, giải khát. Tại các trung tâm huyện cũng có các cửa hàng lương thực bán bánh mỳ. Nhưng những người nông dân chúng tôi làm gì có tiền để vào cửa hàng ăn uống, lấy đâu ra tem phiếu mà mua bánh mỳ. Cho nên lương ăn cho những người lỡ bữa xa nhà chủ yếu vẫn là cơm nắm. Nắm cơm ở vùng quê nghèo như quê tôi ngày ấy có khi còn độn lẫn cả ngô, cả sắn, cắt ra chấm muối ăn mà lòng cứ rưng rưng.

 

                     

         Tôi còn nhớ, mẹ tôi thường nhặt những cái mo cau, lột mỏng đi để gói cơm nắm. Thường là ngày mai có ai đi quá bữa như lên rừng lấy măng, chặt củi, chúng tôi đi cắm trại, huấn luyện quân sự... thì hôm trước mẹ cũng nấu thêm cơm. Cơn dùng để nắm thường nấu dẻo, nhão hơn một chút. Cơm dẻo thì nắm sẽ rền, khi cắt ra thành lát, hạt cơm nhào mịn vào nhau như miếng bánh. Kèm thêm nắm cơm là gói muối vừng, muối lạc. Nhà nào nghèo không có vừng lạc thì muối trắng rang mỡ. Cơm nắm cắt từng miếng chấm muối vừng ăn thật ngọt. Nhà nào khá lắm thì có thêm quả trứng luộc cắt đôi chia nhau. Những năm tháng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, sáng ra bố mẹ đi làm, đi trực chiến bắn máy bay địch bằng súng bộ binh, những em bé đeo túi cứu thương, tay ôm một mo cơm nắm lên rừng vào nơi sơ tán.
          Khi vào bộ đội, những ngày hành quân dã ngoại, chúng tôi được anh nuôi quân phát cho khi thì một nắm cơm, khi thì vài phong lương khô. Cơm nắm tập thể kèm theo cả một miếng thịt lợn nhưng ăn không thấy ngon bằng cơm nắm mo cau chấm muối vừng của mẹ. Mỗi lần về phép lên đơn vị thì trong cóc ba lô thường có nắm cơm nếp thơm lừng mẹ dậy sớm gói cho. Nhưng có lẽ đã quá lâu rồi tôi không được ăn miếng cơm nắm nữa. Tôi còn nhớ lần cuối ăn cơm nắm là trước một trận đánh ác liệt nơi biên giới. Hôm đó mới tang tảng sáng, anh nuôi đã đưa cơm lên trận địa. Mỗi người chúng tôi được phát một nắm cơm và một miếng thịt ướp muối. Người chiến sĩ nuôi quân đưa nắm cơm cho tôi rồi nói:
- Đây là bữa cơm cuối cùng chúng em nấu cho các anh đấy!
Tôi giật mình hỏi lại:
- Sao lại là bữa cơm cuối cùng?
Người chiến sĩ nuôi quân vừa chia cơm nắm cho mọi người vừa nói tiếp:
- Sau khi phát cơm nắm cho đơn vị xong, tổ nuôi quân chúng em sẽ được biên chế về các bộ phận trực tiếp tham gia chiến đấu!
Nghe người chiến sĩ nuôi quân nói, tôi hiểu trận chiến sắp diễn ra sẽ vô cùng ác liệt. Tất cả các bộ phận đều phải cầm súng ra chiến hào trực tiếp chặn giặc. Trong trận đánh ác liệt ngày hôm đó người chiến sĩ nuôi quân ấy cũng đã hi sinh anh dũng. Hết đạn, anh đã dùng lưỡi lê, dùng báng súng đánh trả bọn giặc tràn lên trận địa. Trước lúc hy sinh, hai bàn tay từng nắm cơm của anh còn xiết chặt cổ một tên giặc.
         Bây giờ người ta không ăn cơm nắm nữa. Ra đường là đã có đủ các loại dịch vụ rồi. Mà cũng chả cần ra đường, ngồi trong văn phòng nhấc máy điện thoại lên là cơm hộp đã mang đến tận nơi. Trẻ em đi pic-nic, đi cắm trại, đi dã ngoại thì đã có bánh mỳ kẹp thịt, bánh gối, bánh bao. Rồi đủ loại mì tôm, cháo, miến, phở ăn liền. Chả ai còn phải lo nắm cơm ăn đường nữa. Nắm cơm ngàn đời của cha ông vẫn đem theo làm lương ăn đi lao động, đi đánh giặc, nắm cơm gói bằng mo cau dần dần mai một trong tâm trí của con người.
 Lớp trẻ ngày nay không thể biết cơm nắm như thế nào. Họ quen với những thứ ăn nhanh cao cấp rồi. Tuy thế, nghe nói ở Hà Nội bây giờ có một cửa hàng gói cơm nắm chấm muối vừng khá đông khách. Cũng có thể nhiều người chán các thứ cao lương mỹ vị muốn tìm về những món ăn dân giã. Cũng có người muốn để nhớ về quá khứ qua một món ăn quê mùa. Riêng tôi nhớ đến nắm cơm muối vừng như luôn nhớ về đất nước một thời gian khó, đất nước trồng cây lúa nước, đất nước từ nông nghiệp đi lên để có hôm nay thoát khỏi đói nghèo, đến với hiện đại, văn minh.
                                                                    Hà Nội, 3-2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét