Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Truyện dài CHUYỆN ĐỜI HẮN (phần 17)

              
        
Chuyện đời hắn
Truyện của Trọng Bảo

          Mất hơn hai ngày vừa đi bộ vừa đi nhờ xe chở gỗ của lâm nghiêp hắn và chú Cần mới về đến ga Lào Cai. Hai anh em tìm cách trèo lên một toa chuyến tàu hàng chở Apatít về xuôi để đỡ mất tiền vé đi tàu chợ. Nhưng chuyến tàu hàng chỉ về đến ga Yên Viên.
          Hắn và chú Cần chui rào ra cổng nhà ga. Chú Cần tìm cách bắt xe về Hà Nam hoặc sang ga Hà Nội bắt tàu về Hà Nam. Còn hắn thì chưa biết sẽ đi đâu, làm gì. Chú Cần do dự một lúc rồi bảo:
          - Hay anh về quê Hà Nam với tôi. Anh có sức khỏe có thể đi làm thuê đóng gạch hoặc vác đất đào ao, vượt nền nhà!
          Hắn lắc đầu:
          - Thôi chú cứ về quê đi! Anh em ta chia tay nhau ở đây nhé!
          Chú Cần khoác cái túi lên vai lầm lũi đi ra phía cổng nhà ga. Hắn chợt nhớ và gọi giật lại. Hắn lục túi tìm mãi trong các túi mới thấy mấy tờ giấy bạc nhàu nát. Hắn đưa cho chú Cần tờ một trăm đồng dặn:
          - Chú về đến quê thì mua giúp thẻ hương sang nhà thằng Lân thắp vài nén trên bàn thờ nó giúp tôi. Chắc là nó đã về đến nhà trước cả anh em mình rồi đấy! 
          Chú Cần cầm tờ giấy bạc dụi mắt quay đi. Trời bắt đầu nổ cơn giông. Gió cuốn lá khô bay lên loạn xạ khắp sân ga. Cái dáng gầy yếu của chú Cần liêu xiêu đi trong gió bụi. Chú Cần đi rồi hắn lững thững đi vào trong nhà chờ. Hắn chợt nhó hôm nào ở chính cái nhà ga này “bè lũ bốn tên” hăm hở ngược lên rừng tìm vàng mong sẽ đổi đời, bây giờ chỉ còn hai thằng lủi thủi trong ngày trở về. Thằng Lân thì vùi xác nơi rừng thẳm. Thằng Bất hiền lành trở thành một tên nghiện ngập, lưu manh. Chú Cần thì ốm yếu trắng tay trở về quê. Còn hắn thì cũng chả khá hơn, tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Thôi số kiếp nó là thế. Hắn tự an ủi mình. May mà hắn còn có sức khoẻ. Có sức khoẻ là còn có cơ làm việc, kiếm tiền và hy vọng sẽ có sự đổi đời. Thôi cứ vào trong nhà ga tìm chỗ nào ngả lưng cái đã. Suốt đêm qua nằm trên cái toa tàu chở đất đá chạy ầm ầm ngủ cũng chẳng yên.
          Hắn vào nhà chờ, các ghế đều có người ngồi nên không thể nằm. Hắn đành ngồi xuống cái ghế trống cho đỡ mỏi chân. Nhà ga ồn ào. Ngồi đối diện với hắn ở băng ghế trước mặt có hai ông có vẻ là cán bộ nhà nước. Họ mặc quần áo com-lê tuy không sang trọng nhưng sạch sẽ thẳng nếp. Hai người sôi nổi trao đổi, trò chuyện với nhau. Qua câu chuyện của họ hắn biết họ đang chờ tàu lên Vĩnh Phú tham dự một cuộc hội thảo về “đổi mới” cách làm ăn. Câu chuyện của họ nghe thật khó hiểu. Họ nói về những “hạch toán kinh tế”, những “hộp đen”, “khoán hộ, khoán sản phẩm trong nông nghiệp”. Hắn nghe ù cả tai, nhưng hắn hiểu lõm bõm là cách làm ăn cũ không còn phù hợp nữa. Hai ông này chê bai cách quản lý của hợp tác xã nông nghiệp, phê phán về cung cách làm ăn mà cái thời còn ở quê hắn từng biết. Hắn vô cùng sửng sốt, nói như hai ông này nếu ở quê hắn thì đi tù là cái chắc. Nhưng tại sao giữa chốn đông người thế này, lại có cả mấy anh công an, mấy ông phòng thuế, quản lý thị trường nữa mà chẳng ai nói gì. Có mấy anh bộ đội, một anh công an còn ngồi sán lại nghe hai ông này nói chuyện. Một ông đạp xích lô ngồi cạnh hắn chợt hỏi:
          - Chú là người đi kiếm việc làm thuê à?
          - Vâng!
          - Thế thì chú nên về quê đi! Về nhận lấy vài sào ruộng mà làm khoán, vượt mức khoán thì ăn, đỡ phải làm thuê, làm mướn cho khổ!
          - Nhưng ruộng là của hợp tác xã cơ mà! Ai người ta giao cho mình?
          - Chú chả hiểu gì cả! Bây giờ hợp tác xã giao ruộng cho xã viên rồi! Ai làm năng xuất cao thì được hưởng!
          - Giống địa chủ ngày xưa “phát canh thu tô” phải không ạ?
          - Không hẳn thế! Đây là khoán, hợp tác xã khoán cho nông dân, nông dân làm chủ ruộng đất, thoải mái cày cấy, chăm sóc cây lúa, hoa màu…
          Hắn nghe cũng lờ mờ hiểu. Hắn thấy thinh thích. Nhưng hắn cũng không có ý định về quê. Vì hắn có về thì cũng chả ai giao ruộng đất cho hắn cả. Hắn là thằng tù thì ai tin chứ. Nhớ lại vẻ mặt của ông phó chủ tịch xã hôm đám tang thằng Đang hắn lại càng không muốn về làng. Hai ông cán bộ còn nói thêm về “mở cửa”, “hội nhập kinh tế”. Hắn không hiểu lắm nhưng ông đạp xích lô thì có vẻ hiểu. Ông bảo: “Nếu chú không về quê thì lên biên giới mà kiếm việc làm. Khi mở cửa biên giới, tự do thông thương, buôn bán thì thiếu gì việc làm”. Nghĩ đến việc đào giếng và kiếm củi dạo trước, hắn lại thấy do dự. Hắn ngồi gục đầu vào thành ghế nhưng không ngủ nghe hết mọi chuyện và bình luận của mọi người xung quanh. Hai ông cán bộ đã ra ga lên tàu đi Vĩnh Phúc. Mấy người ngồi trong nhà ga vẫn sôi nổi bàn chuyện “đổi mới”. Một bà nói với anh bộ đội đeo quân hàm thượng uý:
          - Nói chú đừng giận nhá! Ở làng tôi bọn trẻ con vẫn hát nghêu ngao: “một gạch ba sao không bằng một sào ruộng khoán” đấy… hí hí hí…
          - Đúng thế! - Anh sĩ quan nói: - Có lẽ cháu cũng phải xin phục viên về quê làm ruộng thôi bà ạ!
          Hắn cảm thấy hơi bức bối. Mẹ kiếp! Lính tráng đánh nhau bục mặt, sống chết chẳng sợ, đối mặt hòn tên, mũi đạn mất mạng như chơi thế mà hoà bình đeo quân hàm sĩ quan hẳn hoi đời sống quá khó khăn, vợ con nheo nhóc, lương bổng không bằng một sào lúa thì ai còn muốn đi bộ đội để nhận phần chịu chết, chịu thiệt thòi cơ chứ! Hắn chợt bùi ngùi nhớ đến thằng Đang, thằng Lân - những thằng lính chiến số phận thật hầm hiu, chúng nó đã không chết nơi trận mạc mà bỏ xác ở rừng sâu vì miếng cơm, manh áo. Hoá ra để tồn tại còn khó khăn hơn là cái chết. Tuy vậy con người vẫn phải vật lộn bằng mọi cách để tồn tại chứ không phải bó tay chịu chết. Hắn chợt nhớ cái bận cắt tai thằng “đại ca quản lý thị trường” bị tuyên thêm hai năm tù và chuyển sang một trại cải tạo khác ở Phú Thọ. Tại đây hắn lại bị bọn “đại bàng” khống chế. Vẫn lại chuyện “tù cũ bắt nạt tù mới”. Bọn chúng đổ cả phân, nước giải vào mặt hắn, bắt hắn khom lưng làm ghế cho thằng đầu gấu ngồi. Hắn nghiến răng chịu nhục. Một hôm bọn tù đi làm trong thung lũng, đào hố trồng cây. Lừa khi thằng đầu gấu đứng đái cạnh một gốc cây không đề phòng, hắn gí luôn cái thuổng vào hai ngón chân của nó ấn thật mạnh. Hai ngón chân của nó đứt rời. Nó rú lên kinh hoàng. Hắn nén một tiếng gầm trong cổ họng bảo:
          - Mày mà khai ra tao thì không những hai ngón chứ mười ngón chân, mười ngón tay của mày cũng không còn một ngón…
          Thằng đầu gấu vẫn kêu nhưng khi quản giáo và bọn tù xô đến thì nó ấp úng nói là sơ ý đâm xẻng vào chân làm đứt hai ngón. Nó được băng bó, cầm máu và đưa vào trạm xã trại tù tiêm phòng uốn ván. Hắn luôn đề phòng, nhưng sau lần ấy không thấy thằng này có hành động gì. Hắn cũng đỡ bị bọn tù ức hiếp, đày ải. Nhưng hắn vẫn luôn cảnh giác. May sau đó hắn được chuyển sang buồng giam khác. Từ chuyện này hắn rút ra một điều rằng “phải ác với cái ác thì mới mong tồn tại được ở chốn giang hồ”. Hắn chỉ lấy làm tiếc là không giằn mặt được thằng Ông Cụt ở bãi vàng thêm một lần nữa.
          Ông đạp xích lô lại hỏi:
          - Thế chú có định về quê nhận ruộng khoán không?
          - Nhưng tôi có là xã viên của hợp tác xã đâu mà họ giao ruộng!
          - Thế à! Vậy thì nếu chú không muốn về quê làm ruộng thì ngày mai đi theo tôi!
          - Theo bác làm việc gì được, tôi có xích lô đâu mà đi đón khách?
          - Theo tôi xuống chỗ bờ sông Đuống! Ở đấy tôi quen một ông chủ chuyên cung cấp than tổ ong cho dân trong thành phố. Ông ấy đang cần nhân công, tôi đưa chú đến giới thiệu với ông ấy!
          - Thế thì may quá! Cám ơn bác!
          - Cám ơn gì, cùng bọn dân đen với nhau cả…
          Hắn đắn đo khi quyết định trở thành một tên đóng than tổ ong. Vì không biết cuộc đời hắn rồi có sáng sủa hơn những viên than đen sì kia không. Nhưng, biết đâu than thì đen mà cuộc đời thì đỏ. Hắn chợt nhớ đến câu chuyện về “Gã đốt than” mà hắn đọc được khi xem nhờ tờ báo văn nghệ của bà bán xôi sáng. Câu chuyện ấy hắn nhớ mãi. Cái gã đốt than ấy tên là Hoàng Đại Ngu, cũng là đồng hương với hắn.
           Chuyện rằng: Gã Đại Ngu vốn xuất thân từ một gia đình ba đời làm nghề đốt than. Quê gã ngày xưa là một miền rừng núi nhiều cây cối. Những cây gỗ lim, gỗ de, gỗ rùa mấy người ôm không xuể. Thời Pháp thuộc khi làm con đường tàu hoả lên Lao Cai người ta về quê gã khai thác gỗ làm tà vẹt. Họ chỉ lấy những đoạn gỗ thẳng còn bìa ván và cành cây vứt ngổn ngang. Ông nội và bố gã cưa cắt những đoạn cành cây ấy rồi đốt lấy than bán cho các lò rèn chuyên làm nông cụ, giáo mác ở chợ. Nghe nói ông nội gã từng được cụ Đề Thám ban khen, tặng cho một cái áo lụa vì có công cung cấp than cho các lò rèn vũ khí khi nghĩa quân Yên Thế về lập căn cứ tại khu vực núi Sáng, núi Tam Đảo đánh Pháp.
           Bố gã Đại Ngu ngày ấy thường ăn ngủ luôn trên rừng bên cạnh lò than. Đốt than cũng không phải là việc đơn giản. Gỗ dùng để đốt than phải là thứ gỗ tốt, rắn, khi cháy thành than rồi vẫn còn chứa một hàm lượng các-bon cao để tiếp tục cho nhiệt lượng khi dùng đốt nung sắt thép. Lò đốt than chính là một cái hố vuông đào sâu độ một mét. Những cành cây cưa cắt ngắn được xếp xuống hố chụm khít vào nhau vồng lên khỏi mặt đất. Sau khi nổi lửa đốt than là phải luôn luôn canh chừng. Lúc những khúc gỗ vừa cháy hết phải tưới nước và lấp lò lại ngay. Đốt lò rồi mà lỡ mà ngủ quên than cháy tàn thành tro hết. Bố gã kể lại có một lần những khúc gỗ vừa cháy hết ông định rẩy nước để lấp lò thì nghe có tiếng động lạ và mùi hôi hám xộc tới. Ông ngó ra xung quanh. Trong ánh lửa nhập nhoạng ông nhìn thấy một con hổ to lớn đang lởn vởn xung quanh, đôi mắt sáng rực của nó trừng trừng nhìn mình. Ông sợ hãi lùi lại ngồi sát vào lò than. Lửa bỏng rát cả lưng nhưng ông không dám lấp lò. Vì nếu để lửa tàn thì ông cũng mất mạng ngay. Con hổ không dám lao vào ông vì nó còn sợ đống lửa cháy rần rật. Nó ngồi phục đến sáng bạch mới chịu bỏ đi. Lần ấy ông mất đứt một lò than to sau mấy ngày cắt cành cây, đào hố, đốt lò.
           Gã Đại Ngu mới mười tuổi đã theo bố lên rừng đốt than. Có phải vì thế nên gã có nước da đen nhẻm như than hay không. Gã giúp bố khuân những khúc gỗ xếp xuống lò, chặt lá tươi để ủ lên khi lấp đất om than. Lớn hơn một chút gã có thể ngồi kéo cưa cắt cành cây với bố. Gã lớn lên trong rừng. Học hành bữa đực bữa cái. Khi thành một thằng thanh niên to lộc ngộc gã bỏ học suốt ngày hì hục bên cái lò than.
           Lúc gã Đại Ngu một mình tự đảm nhiệm được việc đốt lò than thì bố gã đã già yếu. Ông không làm được những việc nặng nhọc nữa. Một đời làm nghề đốt than, cái vất vả, khói than đã làm cho ông xuống sức nhanh. Nhiều bữa lên rừng ông chỉ ngồi thở dốc nhìn con làm. Tuy vậy làm nghề đốt than cũng có lúc nhàn. Đó là khi lò đã lấp kín chờ than nguội. Những lúc ấy, ông lại lôi từ cái bao tải rách ra một cuốn sách để đọc. Ông rất thích đọc truyện kiếm hiệp, truyện cổ tích. Mấy cuốn sách truyện của Trung Quốc đóng bìa cứng ông đã mua được trên phố bằng tiền bán than. Những cuốn sách ấy đã theo ông bao năm trên rừng, làm bạn với ông khi nằm canh chờ lấy than. Những trang sách nhọ nhem màu than củi. Ông đọc mấy cuốn truyện Tàu gần như thuộc làu. Ông thích nhất là chuyện "Ngu công rời núi".
           Có lẽ vì mê câu chuyện cổ tích này của Tàu nên ông bố đặt tên cho bốn đứa con là: "Ngu-Công-Rời-Núi". Gã con cả tên là Ngu. Lớn lên chỉ có mình gã Đại Ngu nối nghiệp đốt than của ông nội và của bố. Thằng Công em kế gã vào bộ đội, con Rời đi làm công nhân đào đất vá đường. Thằng Núi là em út gã đang học trường cao đẳng sư phạm tỉnh. Thằng em út được học hành đến nơi đến chốn cũng là nhờ những gánh than của bố và anh nó. Gã là thằng thua thiệt nhất nhà. Nhưng gã không ganh tỵ với các em. Gã Đại Ngu này nghĩ mình là anh cả thì phải chịu hy sinh, thiệt thòi. Có lẽ đời gã sẽ vĩnh viễn là một thằng đốt than.
          Một hôm, gã Đại Ngu từ lò than về đến nhà thì trời đã tối. Từ ngoài sân gã ấy đã nghe thấy tiếng nói chuyện hể hả trong nhà. Nhà đang có khách. Gã vừa định đi luôn xuống bếp xem cơm nước thế nào thì bố gã gọi giật lại:
          - Thằng Ngu vào đây tao bảo!
          Gã Đại Ngu bước vào nhà. Một ông khách vẻ bệ vệ đang ngồi đối diện nói chuyện với bố gã. Gã chào ông khách. Bố gã nói:
          - Nó là thằng Ngu đấy bác ạ!
          - Sao lại là thằng Ngu?
          - Ấy quên chưa nói với bác, tôi có bốn đứa con, ba trai, một gái. Tôi đặt tên theo đầu đề câu chuyện cổ tích của Trung Quốc là "Ngu công rời núi". Con Rời thoát ly đi làm công nhân đổi tên là Tuyết Lan, làm khổ tôi một lần lên thăm nó hỏi đến hết cả hơi mãi chả ai biết con Rời là ai. Thằng này ở nhà theo bố làm nghề đốt than nên vẫn gọi là thằng Ngu.
           - Nó theo tôi cũng phải đổi tên khác! À... đúng rồi, chỉ cần thêm một dấu ngã là xong. Tên là Ngũ, Hoàng Đại Ngũ, hay lắm.
           - Vâng! Bác cho thằng Ngu nó đi theo hầu bác chứ làm nghề đốt than như ông và bố nó thì muôn đời cũng chả khá lên được đâu.
           - Ông cứ chuẩn bị đi, tuần sau tôi sẽ cho người về đón nó đi.
           - Vâng, trăm sự nhờ bác! Có cái gì mà phải chuẩn bị đâu ạ! Bác gọi là thằng Ngu nó đi luôn!
           Gã Đại Ngu nghe mà không hiểu. Suốt bữa cơm hôm ấy gã ngồi tiếp thức ăn, chạy đi mua thêm rượu cho hai người. Nghe họ chuyện trò gã mới dần dần hiểu rõ ngọn ngành. Thì ra là chuyện từ thời kháng chiến chống Pháp. Hôm ấy mẹ gã đi chợ bán than bố gã đưa gã theo lên rừng. Khi đó gã mới lẫm chẫm biết đi. Vừa vào đến nơi gã ngáp ngủ. Ông đặt gã nằm ngủ trên manh chiếu rách trong lều rồi chuẩn bị nhóm lửa đốt lò than. Đang hì hục làm thì nghe có tiếng súng nổ ngoài bìa rừng. Một lúc sau lại nghe có tiếng người kêu rên đâu đây gần chỗ lò than. Bố gã vội bỏ lò than tìm đến chỗ có tiếng người kêu. Nhận ra đó là một anh cán bộ bị thương đang cố lết đi. Anh bị bọn địch phục kích bắn bị thương. Anh chạy thoát được vào rừng. Không thể đưa anh lên chỗ lò than sợ bọn địch ập đến, ông vội cõng anh chạy vào tận một khe sâu trong núi. Ông băng bó cho anh và để anh ở đó. Khi ông quay lại chỗ lò than tìm con thì gã đã thức giấc. Không thấy bố đâu, gã chui ra khỏi lều vừa đi tìm bố vừa khóc. Bố gã tìm mãi mới thấy gã ở gần bờ suối. May mà gã không ngã xuống nước và không gặp thú dữ. Anh cán bộ được bố gã chăm sóc tiếp tế khỏi vết thương tìm đường trở về đơn vị. Bây giờ anh đã là một ông cán bộ đầu ngành của tỉnh. Nhớ lại chuyện ngày xưa, ông tìm hỏi mãi mới lần ra nhà người đốt than đã cứu mạng mình trong chiển tranh. Biết gia cảnh người đốt than, ông ta muốn đưa gã đi theo làm cán bộ. Thế là nhờ­ có quý nhân phù trợ­, cuộc đời gã Đại Ngu thay đổi từ ngày ấy. Sau này gã còn làm đến chức giám đốc sở Văn hoá thông tin tỉnh, tiền bạc đầy túi, muốn gái là có gái, muốn nhà thì có nhà, chả thiếu thứ gì…
           Nhớ lại câu chuyện về gã đồng hương Hoàng Đại Ngu hắn quyết định theo ông đạp xích lô đến xưởng làm than tổ ong bên bờ con sông Đuống.

           (hết phần 17)                                                            Hà Nội, tháng 2-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét