Hương rừng
Truyện ngắn của Trọng Bảo
Thời ấy, tàu xe đi lại khó khăn. Cảnh người nằm, người ngồi, chờ đợi lộn xộn, dúm dó ở các bến tàu, bến xe trở thành quen mắt. ở những nơi có đủ các loại người ấy xảy ra đủ chuyện. ồn ào, nhốn nháo. Tiếng người kêu khóc mất trộm, tiếng chân rầm rập đuổi bắt kẻ gian chưa kịp lắng xuống thì tiếng rao của những người bán hàng rong, tiếng còi tàu lại rộ lên lảnh lót. Người đang ngủ gà, ngủ gật vùng dậy chạy ra tàu. Người từ ngoài sân ga xô đẩy nhau qua cửa soát vé. Suốt đêm, suốt ngày nhốn nháo, dập dềnh không dứt.
Giữa quang cảnh ấy, tôi chợt nhận ra nàng. Cũng như tôi, để giết thòi gian lúc chờ tàu, nàng chen vào đám đông xem mấy người diễn trò ảo thuật bán thuốc dạo. Nàng chẳng có gì nổi bật so với những người con gái khác đang đứng trên sân ga. Nhưng tôi chú ý đến nàng bởi nàng đang xách theo một cái làn khá đặc biệt, khác với mọi người. Cái làn to ấy chứa đầy những loại cây giống. Những cây bưởi, cây ổi, cây hoa hồng. Cũng là vô tình, nàng len đến đứng cạnh tôi. Vừa chú ý giữ cho cái làn cây khỏi quyệt vào mọi người, nàng vừa nghển cổ xem ảo thuật. Nhờ thời cơ ấy, tôi nhìn nàng được kỹ hơn. Nàng không thật đẹp rực rõ nhưng có khuôn mặt thật dễ thương. Đôi môi nàng tô son hơn đậm, vẻ vụng về. Nàng mặc một chiếc áo sơ mi màu hồng bó sát lấy người làm hẳn lên khuôn ngực tròn đầy. Một cơn gió lạnh chợt ào qua khiến nàng hơi co người lại, vai nàng chạm vào cánh tay tôi.
Bất chợt nàng quay sang phía tôi. Tôi bối rối khi chạm phải ánh mắt nàng. Hình như không nhận ra sự lúng túng của người đang nhìn trộm mình, nàng hỏi:
- Làm sao mà người ta lại có thể lồng hai cái vòng thép kín vào với nhau được anh nhỉ ?
- À... - Tôi ấp úng: - Trò ảo thuật ấy mà!
- Thế còn những quả bóng bàn... Họ nuốt vào miệng lại lấy ra được từ tai?
- Thì... thì... - Tôi đang tìm cách giải thích quấy quá cho xong thì lại có tàu vào ga. Cánh cổng sắt mở loảng xoảng. Mọi người xô đẩy chen lấn nhau vào cửa. Đôi quang gánh cồng kềnh của một bà buôn tách tôi và nàng mỗi người sang một bên. Khi dòng người vào ga lên tàu xuôi đã dứt, tôi đưa mắt tìm nàng. Tôi nhận ra nàng giữa đám đông nhốn nháo trên sân ga nhờ cái làn đựng đầy cây xanh. Nàng đang cầm một que kem vừa ăn vừa đưa mắt nhìn quanh như tìm kiếm ai. Và, thật bất ngờ, ánh mắt chúng tôi gặp nhau. Tôi khẽ gật đầu với nàng. Không ngờ cái gật đầu tưởng như vô tình ấy đã kéo nàng đến với tôi. Nàng len lỏi qua đám người đang đứng ngồi ngổn ngang trên sân ga đến chỗ tôi. Đặt chiếc làn xuống, nàng hỏi:
- Anh chờ tàu về đâu?
- Về Thái Nguyên, cô bé ạ!
- Em cũng về Thái... - Nàng vui mừng reo lên. Tôi bảo:
- Trên ấy thiếu gì cây mà lại đem gỗ về rừng thế này?
Nàng nói:
- Loại hoa hồng này là của chú em cho, giống quý lắm. Còn đây là giống ổi Bo và mấy cây bưởi đường, giống lai. Trên quê em không có đâu!
Tôi cười trêu:
- Cây quý thế mà cô chủ nỡ để nó chịu khát trong khi mình ăn kem. Lẽ ra phải bỏ mấy que kem vào gốc cho nó mát chứ.
Nàng cười khúc khích, hồn nhiên. Nàng lại hỏi:
- Hình như anh đóng quân ở gần nhà em phải không?
Chưa kịp để tôi trả lời, nàng đã tíu tít kể chuyện, gần trường đại học - nơi mẹ nàng dạy - có một đơn vị bộ đội đóng quân. Khi còn bé, nàng hay theo mẹ nàng vào đơn vị ấy giúp đội văn nghệ tập nhạc, mẹ nàng là giáo viên dạy nhạc. Đúng là tôi có đóng quân ở Thái Nguyên một dạo. Hồi ấy, tôi mười tám tuổi, là lính mới nhập ngũ. Tôi hỏi: "Thế cô bé bao nhiêu tuổi?". Nàng đáp: "Mười tám!". Tôi trêu: "Có khai gian không đấy! Giỏi lắm thì cũng chỉ mười sáu rưỡi là cùng!". Nàng cố cãi: "Chỉ ba tháng nữa là tròn mười tám đấy nhé. Đừng có mà bắt nạt!". Tôi lại tìm cách phản công: "Ừ... thôi cứ cho là mười tám! Nhưng anh đóng quân gần nhà em từ gần mười năm trước. Tính ra lúc ấy em mới có bảy tuổi... À! Thôi đúng rồi! Anh nhớ có lần gặp em đi học lớp mẫu giáo, bị bạn trêu cứ kêu khóc mãi, cô giáo dỗ không chịu nín". Nàng làm bộ giận dỗi bảo: "Đã thế, từ giờ cứ gọi là chú cho biết!". Đoạn nàng dài giọng:
- C... h...ú... coi đồ giúp cháu! Cháu đi mua đôi dép nhé!
Nàng bỏ mặc tôi với một loạt các loại ba lô túi xách, làn đựng cây giống đi ra phía cổng nhà ga. Trời đã tối hắn. ánh điện thành phố hắt lên bầu trời những quần sáng lấp lánh. Nàng đi khá lâu. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi sao lại có một cô gái dễ tin người đến thế nhỉ? Tôi và nàng còn chưa biết tên nhau cơ mà. Sắp đến giờ lên tàu. Tôi sốt ruột ngóng ra phía cổng nhà ga. Những người đi tàu ngược Thái Nguyên đã rậm rịch nhích dần đến gần cửa soát vé. Tôi rút cuốn sổ cài ở cóc cái ba lô buộc của nàng ra xem có ghi tên, địa chỉ gì không. Trang đầu cuốn sổ chỉ gọn lỏn có hai chữ "Hương Lan". Chẳng biết đó có phải là tên của nàng hay không. Cuốn sổ chép đầy những bản nhạc. Chắc là nàng đang học nhạc. Một tấm ảnh rơi ra. Tôi nhặt lên xem. Nàng đứng giữa đám bạn bè trông trẻ con nhất.
Lại có một con tàu nữa vào ga đón khách. Dòng người dồn dịch khiến tôi phải tay xách nách mang lùi vào sát tường. Giữa lúc đó thì nàng quay lại. Vẻ mặt nàng hơi dớn dác đôi chút khi không nhìn thấy tôi ở chỗ cũ. Tôi giơ tay vẫy. Trông thấy tôi, nàng nhoẻn miệng cười, ào đến. Nàng đưa tôi xem đôi dép mới mua, hồn nhiên khoe: "Gót cao phải đến năm phân đấy nhé!". Tôi trêu: "Trẻ con muốn làm người lớn, đi dép này cho cao lên chứ gì?". Nàng lại làm ra vẻ tự ái vờ quay mặt đi. Tôi liều mạng giơ tay véo một cái vào cái má bầu bĩnh rất trẻ con của nàng. Nàng đe:
- Này! Đã là người lớn thì phải rất nghiêm túc đấy nhé!
Giữa lúc đó thì có tiếng loa rè rè thông báo khách đi Thái Nguyên vào ga lên tàu. Nàng đứng dậy nhét vạt áo vào trong quần bò và bảo: "Phải thế này mới được chú ạ! Nếu không lúc chen lên tàu bọn con trai nó nghịch kéo tung hết áo".
Hồi ấy, con gái chưa hay bỏ áo trong quần như bây giờ. Nàng bỏ áo vào trong quần cũng làm nổi lên bộ ngực tròn trịa, kiêu hãnh. Rất tự nhiên nàng nắm lấy tay tôi nói như ra lệnh: "Đi thôi!". Tôi và nàng len lỏi giữa dòng người hối hả vào ga. Biên cương đang có chiến sự, sân ga xanh màu áo lính. Chúng tôi lựa bước đi giữa những ba lô, bao gạo ngổn ngang. Chợt có tiếng gọi to:
- Việt... có phải là Việt đấy không?
Tôi giật mình quay lại. Nhận ra anh bạn thời cùng học trường sỹ quan. Anh nhào đến bắt tay tôi. Anh hỏi rối rít: "Khoẻ không! Vợ con gì chưa?". "Chưa!". Tôi đáp và hỏi lại: "Thế còn ông?". Anh lắc đầu: "Cũng chưa! Nào đã kịp gì đâu, hết mặt trận phía Tây Nam lại ra phía Bắc. Sau trận này cái đã!". Tôi và anh chỉ kịp hỏi han nhau vài câu vì tàu sắp chạy. Anh về hướng Vị Xuyên, Hà Giang, tôi lên Cao Bằng. Chúng tôi chia tay nhau cũng vội vã.
Tàu thưa khách. Chúng tôi tìm được chỗ ngồi ở cuối toa. Tôi thận trọng xếp làn cây giống của nàng lên giá. Con tàu từ từ rời ga. Nàng ngồi sát cửa sổ để ngắm cảnh phố xá. Nhưng chỉ một lúc sau, con tàu đã trườn vào màn đêm mênh mông. Qua cầu Long Biên, gió sông Hồng lùa vào lành lạnh. Khi chẳng còn gì để nhìn ngắm nữa, nàng quay lại hỏi chuyện tôi:
- Chú Việt chưa có vợ thật à?
Nàng đã biết tên tôi và đã nghe được chuyện của tôi và anh bạn lúc ở sân ga. Tôi lắc đầu:
- Chưa... đang tìm!
- C...h...ư...a...! - Nàng nhại lại vẻ diễu cợt. Môi nàng dẩu ra rất trẻ con: - Đừng có mà nói dối nhé!
- Thế bé con đã có người yêu chưa?
- Có rồi! Sắp cưới nữa là đằng khác!
- Định cưới tảo hôn à? - Tôi trêu và hỏi: - Thế anh chàng ấy làm gì?
- Hắn đang học đại học sư phạm. Là sinh viên lớp mẹ cháu làm chủ nhiệm đấy. Cũng mới đang khởi đầu giai đoạn tìm hiểu thôi, chưa sắp cưới đâu. Mà hắn buồn cười lắm chú nhé!
- Sao lại buồn cười?
- Thì... khi ngồi nói chuyện với nhau, hắn chỉ biết hết đếm sao trời, lại vặt cỏ dưới đất, chả biết gì hơn... - Nàng bật cười khe khẽ rồi kể tiếp: - Hôm hắn đến nhà chơi, mẹ đi vắng, cháu thì bận nấu nướng, bảo hắn ra chợ mua rau. Thế là hắn đem về một rổ su hào... Người đâu mà ngốc ơi là ngốc.
Tôi bênh chàng trai:
- Thế vẫn còn khá đấy! Có lần, cũng tình huống tương tự, anh còn mua về một rổ ớt nữa là...
- Phịa... chỉ toàn là chuyện phịa! Mà này...- Nàng cảnh cáo: - Phải xưng là "chú" chứ!
Nàng bật cười vẻ thích thú rồi che miệng kêu buồn ngủ. Nàng dặn tôi coi hành lý rồi dựa đầu vào vai tôi tin cậy nhắm mắt lại. Một lát, hơi thở của nàng đã đều đều. Con tàu vẫn lắc lư, lầm lũi đi trong đêm. Đã khuya. Trong toa lắng tiếng người. Thời gian cũng chầm chậm trôi. Một cơn gió lạnh chợt lùa qua cửa sổ. Nàng khẽ rùng mình thu người lại trông càng nhỏ nhoi. Tôi quờ chân khều cái ba lô của mình lấy một cái áo khe khẽ đắp cho nàng.
Con tàu chậm chạp bò về hướng núi. Tiếng còi tàu báo chuẩn bị vào ga chợt vang lên làm nàng tỉnh giấc. Nàng hỏi:
- Đến ga nào rồi chú nhỉ?
- Sắp đến ga Phúc Yên!
- Chú không ngủ à?
- Không! Bộ đội thức đêm quen rồi em bé ạ!
Như nhớ ra điều gì, nàng nhoài người ngó ra cửa sổ và bảo:
- Núi Đôi ở phía kia kìa!
- Ừ...
- Chú có thuộc bài thơ Núi Đôi không?
Tôi không trả lời câu hỏi mà ghé vào tai nàng khe khẽ đọc: "Bảy năm về trước em mười bảy/ Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng/ Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa/ Bữa thì em tới, bữa anh sang. Lối ta đi giữa hai sườn núi/ Đôi ngọn nên làng gọi Núi Đôi...". Thấy tôi dừng lại, nàng liền đọc tiếp: "Em vẫn đùa anh sao khéo thế. Núi chồng, núi vợ đứng song đôi".
Nàng chợt buồn:
- Tình yêu của họ đẹp thế mà kết thúc lại buồn quá chú nhỉ?
- Chiến tranh mà lại!
- Em ghét chiến tranh! - Nàng đột ngột đổi cách xưng hô và giọng nói thì nghiêm túc hẳn: - Chiến tranh đã đưa anh trai em đi không về. Anh ấy còn trẻ lắm, chưa có người yêu, chưa một lần được cầm tay con gái!
Ngừng một lát, nàng dặn:
- Anh ra mặt trận lần này phải thật cẩn thận nhé!
Tôi lặng im, không dám trêu nàng nữa. Sắp đến ga Thái Nguyên. Sắp phải chia tay nàng rồi. Nàng xuống tàu còn tôi đi tiếp lên ga Quán Triều. Có xe của đơn vị về nhận quân trang và hẹn đón chúng tôi ở đó.
Tiếng còi tàu hụ lên, chầm chậm vào ga. Mọi người đều lục tục đứng dậy tìm hành lý. Tôi định nhỏm dậy lấy đồ giúp nàng thì nàng kéo tôi ngồi xuống. Một hành khách vác chiếc bao tải che khuất ánh sáng của chiếc đèn dầu tù mù mà người soát vé treo ở đầu toa. Lợi dụng bóng tối, nàng bất ngờ hôn lên má tôi một cái. Tôi quá bất ngờ, chưa biết phản ứng ra sao thì nàng kéo bàn tay tôi đặt lên ngực mình giữ chặt. Ngực nàng dềnh lên như có sóng. Tôi cảm nhận được con tim của nàng đang đập nhoi nhói...
Nàng đã xuống dưới sân ga. Tôi chuyển các loại ba lô, túi xách, làn đựng cây giống qua cửa sổ cho nàng. Nàng lưu luyến nắm chặt tay tôi. Con tàu hộc lên từ từ chuyển bánh. Những người xuống tàu đã ra hết. Chỉ còn một mình nàng đứng lại trên sân ga giơ tay vẫy. Trông nàng sao thật nhỏ nhoi. Tôi chợt nhớ là tôi và nàng đã quên không ghi địa chỉ cho nhau.
*
Đại đội tôi làm nhiệm vụ phòng ngự trên điểm cao hơn sáu trăm mét. Mỗi lần lên, xuống thị trấn nhận gạo, hay về sở chỉ huy tiểu đoàn họp phải mất nửa ngày đường. Cuộc sống sinh hoạt nơi tuyến trước khó khăn, thiếu thốn, hiểm nguy nhưng những người lính vẫn kiên gan giữ đất. Bởi phía sau chúng tôi là hậu phương, là bao kỷ niệm của làng quê thân thiết.
Tôi nhớ, một lần lên trung đoàn họp. Cuộc họp triển khai nhiệm vụ kéo dài những hai ngày. Khi tôi vừa về đến đơn vị, đồng chí phó đại đội trưởng nói ngay:
- Hôm qua anh đi vắng, có đoàn đại biểu của thanh niên thành phố Thái Nguyên lên thăm đơn vị. Họ tổ chức đêm giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ đại đội ta, vui lắm anh ạ. Đoàn có hai cô gái. Anh đi vắng, tôi bố trí cho các cô ấy nghỉ ở phòng của anh. À... hình như có một cô biết anh đấy. Cô ấy cứ hỏi thăm anh mãi. Tiếc quá! Anh về chậm họ vừa mới đi sáng nay rồi.
Tôi băn khoăn không hiểu là ai. Tôi về phòng mình. Chăn màn được gấp gọn ghẽ. Duy chỉ có cái gối là lại bị lật ngược đặt ở trên. Tôi lật cái gối lên và giật mình nhìn thấy một dấu môi son in đậm giữa gối. Tôi ngó nhìn quanh quất và tìm thấy một mảnh giấy gấp rất nhỏ gài dưới chiếc cốc thuỷ tinh để bàn chải đánh răng. Tôi vội mở mảnh giấy. Nét chữ con gái viết vội xiêu vẹo: "Anh ơi! Em nhận ra anh nhờ tấm ảnh anh chụp cùng các chiến sĩ treo ở nhà chỉ huy. Biết anh vẫn khoẻ em mừng. Em cầu mong cho anh luôn bình an. Hôn anh! Em Hương Lan". Thì ra là nàng. Tôi tiếc vì đã không được gặp nàng. Sau chuyến tàu đêm ấy đã một năm rồi, chắc nàng đã lớn hơn cô bé trên sân ga hôm nào... Tôi bâng khuâng và mỉm cười một mình khi nghĩ đến một cô bé rất hay lý sự. Sực nhớ, tôi vội giở mảnh giấy nàng để lại ra xem. Nàng cũng không ghi lại địa chỉ của mình. Có thể nàng đã quên. Cũng có thể là nàng chủ định như thế.
Sau lần ấy, mỗi lần có dịp đi qua thành phố Thái Nguyên, tôi lại nhớ về một kỷ niệm của ngày trên đường lên biên giới.
*
Tôi được mời tham gia ban giám khảo hội diễn văn nghệ quần chúng của lực lượng vũ trang và học sinh sinh viên trên địa bàn quân khu Một. Bận việc, sắp giờ khai mạc đêm hội diễn tôi mới có mặt. Tôi vội vàng ngồi vào ghế dành cho mình. Hết chương trình biểu diễn của đơn vị đầu tiên, đèn hội trường bật sáng. Tôi ngả người ra ghế và quay sang hỏi chuyện vị giám khảo bên cạnh. Đó là một phụ nữ. Cả hai chúng tôi đều giật nảy mình khi ánh mắt chạm nhau. Tôi nhận ra nàng. Nàng cũng nhận ra tôi. Nàng đưa tay định cầm tay tôi. Nhưng chợt nhớ là đang ở chỗ đông người, nàng rụt ngay tay lại. Nàng khe khẽ hỏi: "Anh có còn nhớ em không?". Tôi gật đầu: "Quên thế nào được!".
Suốt buổi tối ấy, tôi không thể tập trung được vào các chương trình biểu diễn. Hình như tất cả các tiết mục tôi đều cho điểm cao. Nàng ngồi bên cạnh, đôi mắt chăm chăm nhìn lên sân khấu. Nhưng tôi biết nàng cũng đang có tâm trạng như mình.
Tan buổi khai mạc hội diễn, ban giám khảo còn ở lại hội ý một lát. Khi tôi và nàng ra đến cửa hội trường thì một cô bé ào đến túm lấy tay nàng. Tôi ngỡ ngàng. Đúng là một bản sao của nàng mười bảy năm về trước. Nàng bảo: "Con gái em đấy, nó ở đội văn nghệ sinh viên trường sư phạm". Tôi nhận xét:
- Hai mẹ con thế này mà đi với nhau thì dễ bị nhầm là hai chị em...
- Anh lại bắt đầu rồi đấy... - Nàng lại lên giọng đe, tựa như câu chuyện của tôi với nàng vừa mới hôm qua chứ không phải là đã mười bảy năm rồi. Bé Linh - con gái nàng biết tôi là thành viên ban giám khảo thì dặn: "Tối mai tụi con mới biểu diễn. Bác nhớ là phải cho các tiết mục của trường sư phạm điểm thật cao nhé!". Tôi cười bảo: "Mẹ cũng là giám khảo. Con hát mẹ khen hay, lo gì". Bé Linh lắc đầu: "Không trông chờ ở mẹ được đâu bác ơi! Mẹ con chúa là khắt khe". Con bé bật cười khanh khách rồi kéo mẹ đi.
Đêm đầu thu chợt lạnh. Đường phố đã thưa vắng ánh đèn xe. Tiếng còi tàu chợt văng vẳng phía xa xa. Có mùi hương hoa thơm dìu dịu. Tôi không nhận ra hương của loài hoa gì. Phải chăng đó là hương của rừng thoảng bay.
Thái Nguyên 3-2004
Hà Nội 4-2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét