Họa văn chương
Truyện ngắn của Trọng Bảo
4- Anh giáo viên trẻ Lê Thi đang đứng trên lớp thao thao giảng bài phân tích về cảnh Thuý Kiều bán mình chuộc cha thì ông hiệu trưởng xuất hiện. Ông thập thò ở cửa lớp ra hiệu cho anh ra ngoài và bảo:
- Cậu cho học sinh tự học rồi theo tôi lên phòng làm việc của ban giám hiệu ngay!
- Có chuyện gì thế ạ?
- Cứ theo tôi khắc biết!
Lê Thi gọi em lớp trưởng dặn dò xong rồi theo hiệu trưởng lên phòng giám hiệu. Có một người lạ mặc thường phục đang ngồi đợi. Sau này Lê Thi mới biết đó là cán bộ an ninh văn hoá. Anh ta đưa tờ báo văn nghệ của tỉnh ra hỏi:
- Có phải anh viết bài này phải không?
Lê Thi vồ ngay lấy tờ báo và reo lên:
- Ôi... đúng rồi... truyện ngắn của tôi đã được đăng báo rồi...
Vô cùng hứng khởi, Lê Thi giơ tay ra định nắm tay người mặc thường phục có ý cảm ơn đã đem tặng báo. Lê Thi nghĩ anh ta là cán bộ của toà soạn. Nhưng anh này rụt tay lại và nghiêm nét mặt:
- Anh có biết là anh đã phạm tội gì không?
Lê Thi ngơ ngác:
- Tội... tội... tôi phạm... phạm vào cái gì ạ?
- Anh phạm tội đã viết bài đăng báo vu khống lãnh đạo tỉnh!
Lê Thi trố mắt ngạc nhiên:
- Bài nào ạ?
- Thì... chính là cái bài đăng ở tờ báo anh đang cầm trên tay đấy!
- Đây... đây... là một truyện ngắn, một tác phẩm văn học đấy chứ!
- Văn học gì gì tôi không biết... - Anh ta nuốt nước bọt: - Trong bài có nhiều chỗ công kích lãnh đạo, phê phán chủ trương phát triển kinh tế và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.
- Anh hiểu sai rồi... đây là văn học, văn học có quyền hư cấu, mà tôi có viết gì về tỉnh ta đâu. Truyện ngắn này tôi viết từ khi còn là sinh viên cách đây mấy năm khi đi thực tập ở mãi tỉnh Hải Dương, bây giờ mới đăng đấy chứ. Có phải là chuyện mới viết đâu! Có cả ngày tháng ghi cuối truyện đây này!
- Hư cấu, hư kiếc gì, viết từ khi nào tôi không cần biết! Chỉ biết là bây giờ đăng trên tờ báo của tỉnh ta là anh phải chịu trách nhiệm.
Mặc cho Lê Thi giải thích, anh cán bộ an ninh văn hoá vẫn không nghe. Anh ta chỉ biết là đã xác định đúng người viết bài. Sau khi trao đổi thêm với ông hiệu trưởng, anh ta ra xe khách để kịp chuyến cuối cùng từ huyện vùng sâu về tỉnh lỵ.
5- Cuộc kiểm điểm anh giáo Lê Thi diễn ra không xuôi chảy. Lê Thi dứt khoát không nhận là trong truyện ngắn của mình có động cơ phê phán chủ trương của tỉnh, vu cáo, nói xấu lãnh đạo tỉnh. Ông hiệu trưởng chấp hành chỉ thị của trên nhiều lần gặp gỡ thuyết phục Lê Thi "nhận rõ sai lầm khuyết điểm để sửa chữa, tiến bộ". Mặc cho ông hiệu trưởng thuyết phục, chi đoàn rồi tổ bộ môn họp lên, họp xuống mấy lần, Lê Thi vẫn kiên quyết không nhận đã phạm "khuyết điểm nghiêm trọng" mà người ta muốn gán cho anh.
Lê Thi bị đình chỉ đứng lớp để chờ ý kiến chỉ đạo xử lý của trên. Anh thấy hụt hẫng vô cùng. Nhất là khi các bạn đồng nghiệp và đám học trò nhìn anh với vẻ nghi ngại. Họ tránh tiếp xúc với anh, sợ bị liên lụy. Riêng ông hiệu trưởng thì vô cùng tức tối. Nhà trường bao nhiêu năm là một trường kiểu mẫu, trường điểm, điển hình tiên tiến của tỉnh, đang đề nghị tặng huân chương thế mà chỉ vì một "bài viết phản động" đăng báo này mà bao nhiêu công lao đổ hết xuống sông xuống biển.
Lê Thi vì "mất dạy" được tạm giao trông coi phòng thí nghiệm của nhà trường. Nghe tin có khả năng buộc thôi việc anh buồn lắm. Cô bạn gái vốn là con út một ông cán bộ huyện từ bữa nghe tin "sự cố văn chương" liên quan đến anh cũng mất hút luôn. Gọi điện thì không có người nghe máy.
Hết giờ, nhà trường vắng hoe. Nhà ở của giáo viên độc thân còn mỗi một mình Lê Thi. Buồn quá, anh lững thững cuốc bộ ra thị trấn. Qua cổng, ông bảo vệ nhìn thấy anh liền ló đầu ra khỏi phòng thường trực nhắc nhở:
- Mười giờ đêm là tôi đóng cổng đấy! Liệu mà về...
Lê Thi qua khỏi cổng một đoạn còn nghe thấy tiếng ông ta lẩm bẩm:
- Mất cả ngủ vì quân phản động!
Thị trấn miền núi lưa thưa hàng quán. Thỉnh thỏang tiếng xe máy lại rú lên vì bọn choai choai phóng nhanh, đánh võng. Lê Thi đi như vô định trên con đường loang lổ, khấp khểnh những ổ gà. Chợt có tiếng gọi:
- Này, ông văn sĩ...
Không nghĩ là ai gọi mình, Lê Thi vẫn bước đi không buồn ngoái lại. Một gã đầu tóc bù xù, râu ria lởm chởm từ cái quán "cháo lòng tiết canh" bên đường nhô ra túm tay Lê Thì giữ lại:
- Vào đây làm chén rượu cho ấm bụng đã ông nhà văn Lê Thi!
- Ơ... sao bác biết tên tôi ạ?
- Thầy nổi tiếng thế, cả huyện, cả tỉnh đều biết chứ riêng gì tôi. Nhà văn cứ vào đây đã...
Lê Thi theo gã vào quán. Gã vẫy tay, một người đàn bà bưng mâm ra. Thì ra chính gã là chủ quán "cháo lòng tiết canh" này. Gã rót rượu ra hai cái chén rồi bảo:
- Làm một chén đi cho khuây khoả rồi tôi sẽ giúp...
- Bác giúp gì ạ?
- Bác... bác... quái gì. Tôi chỉ hơn thầy vài tuổi thôi. Tôi số khổ nên mới trông già khú, xấu như ma thế này đấy!
Vừa nói, gã vừa cởi cái áo ném lên chõng. Người gã chằng chịt những vết săm hình thù quái dị. Lê Thi tợp một ngụm rượu nhỏ. Anh nhăn mặt vì rượu nặng quá. Gã chủ quán ngửa cổ "ực" một cái hết luôn chén rượu đầy có ngọn. Nhặt khúc dồi cho vào miệng vừa nhai, gã vừa bảo:
- Nhờ thầy mà thằng con tôi đã biết chăm chỉ học hành, về nhà biết giúp đỡ bố mẹ. Đời tôi tứ chiếng giang hồ, lấy được nhà tôi là cái may, có được thằng con thì nó chơi bời, lêu lổng, học hành lười nhác. May có thầy kèm cặp mà nó mới dần dần chuyển tâm, đổi ý ngoan ngoãn như bây giờ.
- Là em nào vậy?
- Thì cái thằng láo lửng nhất lớp của thầy ngày thầy mới về trường này công tác ấy!
- A... - Lê Thi kêu lên. Anh nhớ ngay tới một cậu học trò cá biệt của lớp 8B mà mình làm chủ nhiệm ngày mới về trường. Nhớ lại những trò nghịch ngợm, bậy bạ của nó, rồi việc mình đã phải vất vả khốn khổ thế nào để giúp nó trở thành một học trò giỏi, ngoan. Anh hỏi:
- Thế em Tài hôm nay có ở nhà không ạ?
- Nó vừa sang nhà bà ngoại. Hôm nọ nó đi học về kể lại chuyện của thầy. Tôi liền đi lùng mua bằng được tờ báo văn nghệ của tỉnh. Tôi đã đọc rất kỹ truyện ngắn của thầy rồi. Tôi sẽ có cách giúp thầy...
Lê Thi cười buồn:
- Giúp bằng cách nào được. Số tôi nó thế, là người yêu thích văn chương, tập tọe viết lách chưa đâu vào đâu nhưng có lẽ phen này lại lâm vào cái "hoạ văn chương" mất thôi.
- Thầy cứ yên tâm! Chiều mai thầy ra quán này, tôi sẽ giới thiệu thầy với một người.
- Để làm gì ạ?
- Thì thầy cứ ra khắc biết.
6- Lê Thi không tin gì gã chủ quán cháo lòng tiết canh. Nhưng vốn tò mò, chiều hôm sau anh lại ra quán của gã. Quán thưa khách. Lê Thi nhìn thấy gã chủ quán đang ngồi cùng một thanh niên trạc tuổi anh. Vừa trông thấy Lê Thi gã chủ quán đã ầm ầm gọi:
- Vào đây... vào đây...
Lê Thi ngồi xuống ghế cạnh hai người. Anh ngạc nhiên vì thấy người thanh niên đang chăm chú đọc tờ báo có đăng truyện ngắn "Cánh đồng thao thức" của anh. Khi anh ta vừa đọc xong thì gã chủ quán hỏi ngay:
- Có đúng như tôi đã phân tích không?
- Đúng! Đây là một truyện ngắn hay, nói lên được những khó khăn, trăn trở trên con đường đổi mới, phát triển của một vùng quê vốn dĩ thuần nông giống như tỉnh ta. Được rồi, các anh cứ yên tâm...
Lúc này gã chủ quán "cháo lòng tiết canh" mới giới thiệu:
- Đây là chú Sang, em kết nghĩa của tôi. Còn đây là thầy Lê Thi, giáo viên trường...
- Em biết rồi, chuyện của thầy em cũng đã nghe nói. Bây giờ em có việc phải đi đã.
Nói xong anh ta đứng dậy bắt tay gã chủ quán và Lê Thi. Khi anh ta đi rồi, gã "cháo lòng tiết canh" vỗ bộp vào vai Lê Thi vẻ hỉ hả:
- Thế là xong!
- Xong cái gì ạ?
- Là xong chuyện của thầy đấy!
- Xong thế nào ạ?
Gã cười hề hề:
- Truyện ngắn "Cánh đồng thao thức" của thầy sẽ trở thành một tác phẩm văn học hay của tỉnh ta...
Thấy Lê Thi chưa hiểu, gã "cháo lòng tiết canh" giải thích:
- Thằng Sang là lái xe của sếp đứng đầu tỉnh ta. Hôm nay được nghỉ nó về quê chơi. Tôi và nó đã bàn cách cứu thầy rồi... He he... nào bây tôi và thầy nâng cốc chúc mừng thắng lợi.
- Anh chỉ được cái đùa dai và khéo động viên an ủi người khác.
Lê Thi nói vậy nhưng anh vẫn cầm chén rượu lên làm một hơi. Anh không biết là giữa gã "cháo lòng tiết canh" và lái xe Sang có một mối quan hệ rất đặc biệt. Chính gã "cháo lòng tiết canh" là người trên đường từ trại cải tạo được tha tù về đã cứu Sang khỏi chết đuối trong một trận lũ ống kinh hoàng. Sang đã nhận gã làm anh kết nghĩa, cả đời biết ơn cứu mạng của gã. Còn việc anh lái xe Sang sẽ cứu Lê Thi thế nào thì đến hồi sau mới rõ.
Hà Nội, ngày bão số 10, năm 2009
(Hết phần 2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét