Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2010

Truyện ngắn ĐÁY VỰC (phần II)

 
Đáy vực 
Truyện ngắn của Trọng Bảo 
                  
2- Dòng sông dòng đời                    
         Đó cũng lại là một buổi sáng tinh mơ. Dân làng Vực bị đánh thức bởi tiếng kêu thất thanh từ ngoài bến sông. Tiếng kêu cứu có người bị chết đuối khiến người ta nghi ngờ. Bây giờ đang là mùa khô, nước sông Đáy rất cạn làm sao có người lại bị chết đuối được chứ.
          Mọi người hớt hải chạy ra bến sông, đổ dồn về  chỗ xoáy Vực. Mùa cạn. Dòng nước chảy lờ đờ như ngái ngủ, mất hết vẻ hoành tráng gầm gào như khi mùa mưa lũ lớn. Khi tôi chạy đến nơi thì mọi người đã đứng đen đặc trên bờ sông. Trời lạnh chưa ai nhảy xuống sông vớt xác người. Tôi túm lấy một thằng bé con đang chạy ngược từ bến sông lên hỏi:
          - Ai bị chết đuối thế?
          - Cháu không biết! Ông này trông lạ lắm... 
               Dòng sông dòng đời

          Đã lâu lắm rồi không có người bị chết đuối ở xoáy Vực. Sao bây giờ lại có người bị chết ở đây. Hay là con ma nữ ở đáy Vực lại nổi hứng bắt người về làm quân hầu? Nhưng con ma ấy hình như đã bị anh Thú nổ một quả bộc phá lớn nên tan hết linh khí và đã về cõi niết bàn để đầu thai kiếp khác như người ta vẫn đồn đại rồi cơ mà. 
          Tôi xuống sát mép nước. Mấy anh dân quân đã dùng sào khều cái xác đang lập lờ vào gần bờ. Người chết đã nổi chứng tỏ đã nằm dưới đáy xoáy Vực từ tối hôm trước. Xác chết nằm úp. Đó là một người đàn ông. Hắn ta mặc một bộ com lê màu sẫm vào loại đắt tiền. Khi cái xác được lật ngửa lên, tôi buột miệng kêu: "Thằng Hiến!". Đúng rồi, nó là thằng Hiến - bạn học với tôi thời phổ thông. Tôi lại càng ngạc nhiên và băn khoăn bởi vì hắn là người từ nhỏ vẫn rất giỏi bơi lội. Hắn từng đoạt giải nhất cuộc thi bơi tại đại hội thể dục thể thao học sinh phổ thông trung học toàn tỉnh. Hắn vẫn dạy chúng tôi tập bơi. Chúng tôi vẫn gọi hắn là con rái cá. Mùa lũ, xoáy Vực như một cái chảo khổng lồ sôi sùng sục, hắn vẫn dám phóng xuống tắm. Thế mà hắn lại chết đuối khi mùa nước cạn, xoáy Vực lặng sóng như một cái bể bơi trong nhà. Dân làng đồn đại lắm chuyện. Có người bảo hắn chết do tự tử, người thì nói bị thánh vật, người lại nói hắn uống rượu say đi lạc ra sông trượt chân ngã xuống xoáy Vực. Chẳng biết đúng sai thế nào.
          Tôi thì lại nghĩ có lẽ không phải nó chết do dòng nước mà chết bởi dòng đời.
Tôi nhớ ngày vừa học hết phổ thông, tôi lên đường nhập ngũ thì thằng Hiến cũng đi học ở nước ngoài. Nó có chú ruột làm quan chức trên tỉnh nên được ông thu xếp cho một xuất du học không phải thi. Ngày ấy, học giỏi chưa chắc đã được học tiếp lên đại học. Xã tôi có một ông bưu tá. Ông này bị lãnh đạo xã quản lý rất chặt chẽ. Thư từ, công văn gì gửi cho dân trong xã đều phải vào sổ và báo cho ông chủ tịch biết. Theo chỉ đạo của lãnh đạo xã, các loại giấy gọi đi học phải có lệnh mới được chuyển. Thường là sau khi hoàn thành các đợt tuyển quân mới chuyển những giấy gọi đi học của đám học sinh vừa thi đại học, cao đẳng xong. Thành thử khi chúng tôi đã yên ổn vào biên chế ở đơn vị quân đội rồi thì giấy báo vào đại học, cao đẳng mới được gửi đến nhà. Thằng Hiến thì lại khác. Khi đang học năm cuối cấp ba, một hôm nó ghé tai tôi bảo: "Tao chả cần phải học hành thi cử khốn khổ như bọn chúng mày. Hết lớp 10 (hồi ấy lớp 10 là cuối cấp ba) là tao sẽ đi học ở Liên Xô". Nghe hắn nói tôi không tin. Nhưng sự thật lại đúng như vậy.
Trước hôm lên đường nhập ngũ, mẹ tôi bảo:
- Mấy đứa nhớ bảo nhau vào đền Vực thắp hương cầu thần, khấn phật để các ngài phù hộ cho "đi đủ về đủ, tránh được hòn tên, mũi đạn nơi mặt trận". Đền Vực là thiêng lắm đấy!
Găp chúng tôi đang mua hương hoa ngoài chợ, thằng Hiến cười nhạo:
- Bọn chúng mày ngu lắm. Chả có thần phật nào hết! Mà thần phật đ... là cái gì cả. Cứ có ô to là xong tất.
- Mày không được nói bậy!
Tôi mắng. Hắn phẩy tay vẻ lếu láo:
- Chúng mày có cúng vái suốt ngày thì có thằng cũng sẽ "sinh Bắc, tử Nam" cho mà coi...
Thằng Hiệp đưa bó hương cho tôi định xông tới tống cho nó một quả đấm vào mõm. Tôi vội can:
- Thôi chấp làm gì cái thằng hãnh tiến!
Thằng Hiến biết hơi quá lời, nó vội đạp xe đi thẳng.
Chúng tôi vào bộ đội. Năm thằng đi, chỉ có ba trở về. Thằng Hiệp bị thương rất nặng. Hôm tôi đến thăm nó ở bệnh viện quân y dã chiến nó đã nguy lắm rồi. Lúc hơi tỉnh táo, nó cố thều thào dặn tôi:
- Nếu tao không trở về được, mày nhớ đến đền Vực thắp một nén hương cầu thần phật phù hộ cho mẹ tao luôn mạnh khoẻ. Mẹ tao năm nay chắc là đã già yếu lắm rồi...
          Hiệp hy sinh, mới đây hài cốt nó được đưa về quê. Mẹ nó làm lễ đưa linh vị nó lên đền thờ. Thằng Đoan cũng nằm lại mặt trận, mộ nó đến giờ vẫn chưa tìm thấy. Chỉ còn tôi và hai người bạn nữa trở về, người còn trong quân ngũ, người đã chuyển ngành. Hội đền làng Vực năm nào chúng tôi cũng hẹn nhau về.
          Lại nói về chuyện thằng Hiến. Sau mấy năm đào tạo tại Liên Xô, rồi ở lại  làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Hắn về nước khi chiến tranh đã kết thúc, lại đúng khi ông chú hắn được bổ nhiệm đứng đầu một bộ. Thế nên đời hắn cứ như diều gặp gió. Hắn được bổ nhiệm chức vụ phó chưa ngồi nóng chỗ đã chuyển sang phòng vụ trưởng, được vài năm đã là cấp cục. Tài năng chả biết, công lao cống hiến chẳng rõ đã có gì ghê gớm chưa nhưng cứ mỗi năm về gặp mặt đồng môn lại thấy hắn đi một cái xe ô tô khác, cái năm sau xịn hơn cái năm trước. Trong khi đó chúng tôi năm nào về chỉ có cái xe máy là may, khác là cái xe ngày càng tã tượi hơn.
          Hắn giàu nhưng keo kiệt. Chưa thấy bao giờ hắn đóng góp nhiều hơn anh em khác. Khi chúng tôi bàn việc ủng hộ các bạn học, hay giúp đỡ các thầy cô gặp hoàn cảnh khó khăn hắn không tham gia, nói là có việc bận, gọi lái xe đi mất.
*
          Mấy năm trước, khi đào đất ở gần đền Vực, người ta tìm được một tấm bia đá. Những dòng chữ Hán khắc trên bia còn tương đối rõ. Dân làng cử người về viện Hán nôm ở tận thủ đô Hà Nội thuê họ lên dịch văn bia. Đó là tấm bia ghi chép về việc xây dựng đền Vực. Mới biết đền là nơi thờ một vị nữ tướng thời Hai Bà Trưng. Người đã có công tích rất lẫm liệt trong cuộc khởi nghĩa của hai bà. Khi cuộc kháng chiến chống giặc phương Bắc của Hai Bà thất bại, vị nữ tướng thua trận nhảy xuống xoáy Vực tự vẫn, giữ tròn khí tiết. Tôi đã viết một bài báo về sự tích ngôi đền thờ vị liệt nữ anh hùng.
          Trước sự tích của đền Vực và công tích của vị nữ tướng, dân làng Vực bàn bạc và quyết định phải trùng tu ngôi đền. Những người dân làng Vực bắt đầu thực hiện việc quyên góp. Họ phôtô bản dịch văn bia và cả bài báo của tôi viết về vị nữ tướng mang đi khắp nước. Nghe ở đâu có người làng Vực sinh sống là họ tìm đến quyên tiền. Quả là một cuộc hành trình vĩ đại của những người nông dân thành tâm hướng về tiên tổ. Có những bà, những chị chưa một lần ra khỏi làng cũng cứ khăn gói lên đường. Ai ủng hộ dù đấu gạo, vài nghìn họ cũng cảm tạ, ghi chép cẩn thận vào sổ công đức và cấp giấy chứng nhận cho người đóng góp.
          Vì thế có chuyện buổi sáng nọ, tại một công sở của một cơ quan kinh tế có hai người đàn bà lam lũ xin vào gặp ông thủ trưởng. Mấy anh bảo vệ ùa ra xua đuổi quầy quậy. Cơ quan đang chuẩn bị đón ông bộ trưởng xuống thăm. Cờ hoa, biểu ngữ đã chăng từ hôm trước. Đám nhân viên nữ áo dài thướt tha, ôm hoa đang đứng chờ sẵn.
          Trong khi đó, hai người đàn bà quê mùa lại cứ nài nỉ, luẩn quẩn ở cổng, đuổi mãi không chịu đi. Mấy anh bảo vệ đã nổi cáu. Nhưng khi một người đàn bà nói chính là thím họ của ông thủ trưởng cơ quan này và việc đến đây thì máu Trương Phi của họ nguội hẳn. Họ vội cấp báo cho ông trưởng ban hành chính. Ông trưởng ban báo lên ông vụ trưởng. Ông vụ trưởng vã mồ hôi hột lật đật chạy lên phòng thủ trưởng.
Thủ trưởng đang đứng trước gương ngắm nghía dung nhan và tập trước mấy lời thưa gửi cấp trên cho xuôi chảy, khỏi ấp úng, lúng túng. Nghe tiếng gõ cửa, ông ta sẵng giọng:
          - Có việc gì thế?
          - Dạ! Báo cáo... báo cáo... - Ông vụ trưởng vừa mở cửa vào vừa nói.
          - Báo... báo... cái gì! Nói ngay đi, bộ trưởng đến rồi à?
          - Dạ chưa ạ! Mà là có thím của thủ trưởng từ quê lên ạ!
          - Thím... có đúng không! Mà lên có việc gì?
          - Bà ấy nói gặp thủ trưởng để quyên góp trùng tu đền... đền...
          - Đ... ề... n... V... ự.... c!
Thủ trưởng nhắc. Ông vụ trưởng thở phào:
          - Vâng... vâng... đúng rồi ạ! Họ nói có cả bài báo viết về ngôi đền xin gửi thủ trưởng xem để quyết định đóng góp ạ.
          - Báo với chí gì, vứt đi, chỉ viết láo. Thôi quẳng cho họ mấy đồng để họ đi đi. Bộ trưởng sắp đến rồi đấy.
          - Thưa anh bao nhiêu ạ?
          - Hai triệu... À thôi, cho hẳn năm triệu...
Ông vụ trưởng vừa đi ra đã vội quay lại. Ông chưa kịp báo cáo thêm thì thủ trưởng đã hất hàm:
          - Lại còn việc gì nữa?
          - Dạ! Nhưng người đàn bà nói là xin gặp anh để anh ký vào bảng vàng công đức và đưa tận tay giấy chứng nhận đã ủng hộ xây dựng đền ạ!
          - Thôi dẹp dẹp! Vớ vẩn, không cần, bảo họ đi ngay đi!
Thủ trưởng xua xua tay. Ông bực mình lẩm bẩm: "Đền với điếc, tày cái lỗ mũi! Ông sẽ về quê xây một cái đền to gấp ba gấp bốn cho mà biết!".
          Chả phải nói tên, bạn đọc cũng đã biết vị thủ trưởng đó là ai rồi. Đó là thằng Hiến bạn học thời phổ thông của tôi. Hắn đã về quê mua một khu đất khá rộng. Trong khu đất ấy hắn xây một cái biệt thự sang trọng để nghỉ ngơi, thư giãn cuối tuần. Hắn xây một ngôi nhà thờ tổ họ khá to trong khuôn viên. Có lần tôi đi qua còn nghe thấy cả tiếng chuông ngân nga, tiếng mõ lốc cốc nữa.
          Nhưng rồi mọi việc biến thiên. Trời đất xoay vần, chả ai lường trước được. Hắn đang lên như diều, bỗng bị đứt phựt một cái. Từ một việc rất nhỏ là cái cốt tre trong cột tiêu giao thông, bộc lộ vụ tham nhũng, rút ruột công trình rất lớn. Mà tác giả chỉ đạo và thu lợi chính là hắn. Mọi việc vỡ lở, bung bét cả ra. Ông chú cấp cao ô lớn cũng đành bó tay, không cứu nổi. Mới đang ở giai đoạn điều tra, chưa công bố kết luận cuối cùng, nhưng hắn đã hiểu thế là hết.
          Và gần đến ngày hội đền làng Vực hắn trở về quê.
          Chập tối hôm trước người làng thấy hắn đi bộ ra chợ. Hắn mua một thẻ hương rồi đi về phía đền Vực. Hắn đã vào thắp hương tạ lỗi với thần phật, tổ tiên tại đền. Cụ thủ từ coi giữ đền Vực lầm rầm khấn giúp cho hắn. Nhưng cầu xin mấy lần mà vẫn không gieo được quẻ. Hai đồng xu không chịu sấp ngửa theo mong muốn. Cụ thủ từ đành an ủi hắn: "Thôi thì nhất sự tại dương, vạn sự tại âm. Xin thí chủ cứ tĩnh tâm...".
          Sáng hôm sau, khi nghe có tiếng người kêu cứu dưới bến sông, cụ thủ từ vội nhỏm dậy. Cụ lật đật vào điện thờ châm ba nén hương chắp tay khấn rồi cắm vào bát nhang. Ba đốm lửa bỗng cháy rực lên rồi phụt tắt tựa như có ai vừa hắt một gáo nước lạnh vào những nén hương đang cháy.
                                            Hà Nội, tháng 7-2008

          (Hết phần 2)            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét