Họa văn chương
Truyện ngắn của Trọng Bảo
7- Buổi sáng "khi bình minh đang lên hồng chân mây" như lời trong một bài hát thì sếp xách cặp ra xe đến cơ quan. Anh lái xe vội buông tờ báo đang đọc nhanh nhẹn mở cửa xe và đỡ cái cặp cho sếp.
Vừa ngồi vào ghế, sếp đã hỏi:
- Sang này! Có tình hình gì mới không?
- Thưa có ạ! Hôm qua, cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên bắn thử liên tục năm quả tên lửa tầm trung. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc phản ứng rất quyết liệt, Nga và Trung Quốc có thái độ vừa phải. Còn Iran đang lắp ráp thêm hai nghìn máy gia tốc có khả năng làm giàu uranium. IAEA đang đòi thanh sát các cơ sở hạt nhân của Iran...
- Tình hình trong nước có gì mới không?
- Dạ! Xuất khẩu cà phê của ta tụt xuống hàng thứ ba. Xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn do việc một số nước nhập khẩu đòi giảm giá do chất lượng gạo của ta không cao.
- Còn có gì nữa không?
- Thưa, còn sự cố Vịnh Hạ Long bị tổ chức New open World đưa ra khỏi danh sách bình chọn bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới do ta vi phạm thể thức bình chọn ạ.
- Hừ... cái gì nóng vội, không theo nguyên tắc là sai ngay. Thế còn tình hình trong tỉnh.
- Trong tỉnh thì... thì... cũng có nhiều sự kiện hay ạ!
- Sự kiện gì?
- Ví dụ như tỉnh ta vừa hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị công nhận đền Thánh Hoá, nơi thờ tự vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ạ.
- Việc ấy phải nhắc nhở sở văn hoá thông tin mãi đấy.
- Ngành văn hoá, văn nghệ tỉnh ta cũng có nhiều hoạt động sôi nổi đấy ạ! Nhưng...
- Nhưng cái gì?
Lái xe Sang đánh vô lăng khéo léo tránh một cái ổ gà rồi nói tiếp:
- Có nhiều người vẫn giữ lối nhìn nhận và quan điểm cũ kỹ về văn hoá, văn học nghệ thuật sếp ạ!
- Thế là thế nào?
- Thì... như việc họ đánh giá về văn học ấy!
- Cụ thể xem nào?
- Ví dụ như vụ truyện ngắn "Cánh đồng thao thức" chẳng hạn. Theo em đây là một tác phẩm văn học hay.
- Sao mấy tay bên sở kế hoạch đầu tư và sở công nghiệp lại báo cáo đó là một bài viết rất xấu, rất độc hại, đi ngược lại chủ trương của tỉnh trong phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất và lại còn có ý ám chỉ, nói xấu cán bộ lãnh đạo tỉnh nữa?
- Không phải thế đâu ạ! Em đọc rồi. Truyện này ca ngợi sự đổi mới, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh ta, nhất là trong việc phát triển kinh tế, công nghiệp hoá nhưng vẫn luôn lo lắng gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc. Tất nhiên cũng có sự phê phán, cảnh báo...
- Phải phê phán, phải cảnh báo chứ... nếu không lại làm bừa, làm ẩu, sai phạm hết cả lũ à!
- Vâng... vâng đúng thế ạ!
- Cậu có tờ báo đăng truyện ngắn ấy không?
- Dạ! Chồng báo để trên bàn thủ trưởng có đủ các loại báo chí đấy ạ!
- Thì có thời gian đâu mà đọc... tý nữa khi tôi vào họp, cậu vòng xe về lấy ngay tờ báo có đăng truyện ấy cho tôi. Giờ nghỉ trưa nay tôi sẽ tranh thủ xem.
Lái xe Sang mở cốp rút ra một tờ báo nói:
- Em cũng có số báo ấy đây ạ!
Sếp cầm tờ báo cất vào cặp.
Buổi chiều, lái xe Sang đang ngồi chơi "phỏm" sát phạt cùng cánh lái xe của các sếp thì điện thoại di động nảy lên bần bật trong túi quần. Sếp gọi lên ngay có việc gấp. Sang vừa đến phòng làm việc của lãnh đạo thì sếp cũng vừa viết xong. Một chữ ký phóng khoáng hất lên. Sếp đưa cho Sang tờ giấy vừa viết và bảo:
- Đưa ngay sang hội văn nghệ tỉnh!
Sang nhận tờ giấy vọt ra cửa. Anh liếc nhanh mấy dòng chữ viết rất bay bướm của sếp: "Gửi Hội Văn học nghệ thuật: Tôi đã đọc truyện ngắn "Cánh đồng thao thức" đăng trên số báo ngày... Đây là một truyện ngắn hay, mạnh dạn, có cách nhìn nhận mới, rất đáng được trân trọng, biểu dương. Ký tên...".
Và thế là số phận của truyện ngắn "Cánh đồng thao thức" đã được định đoạt. Anh giáo trẻ Lê Thi thoát nạn nhờ vậy.
Câu chuyện của tôi định dừng lại ở đây thì có người hỏi: "Vậy số phận của ông Diêu thế nào?". Tôi cũng ớ người ra rồi tự hỏi: "Ừ nhỉ! Ông Diêu, ông ấy bây giờ thế nào rồi nhỉ?".
8- Ông Diêu tỉnh lại sau mấy ngày hôn mê. Ông đưa mắt nhìn xung quanh. Phòng bệnh có đến sáu bảy bệnh nhân đang nằm ngủ. Người nhà đi theo chăm nuôi nằm lăn lóc dưới đất. Bây giờ có lẽ mới chỉ mới ba bốn giờ sáng. Ông thấy chợt thấy vô cùng hứng khởi. Đột nhiên ông cất cao tiếng hát:
"Cuộc đời chúng ta
Gian khổ xông pha, hy sinh không nề hà.
Cuộc đời chúng ta
Hết chiến trường gần, lại chiến trường xa,
Đối mặt quân thù
Chiến đấu không lui..."
Gian khổ xông pha, hy sinh không nề hà.
Cuộc đời chúng ta
Hết chiến trường gần, lại chiến trường xa,
Đối mặt quân thù
Chiến đấu không lui..."
Mọi người trong phòng bệnh giật mình tình giấc. Họ trố mắt nhìn ông Diêu. Ông Diêu vẫn cất cao tiếng hát một cách vô tư. Đây là bài hát mà ông đã sáng tác từ thời chiến tranh. Ông hát một cách vô cùng hào hứng, say sưa. Đám y sĩ, hộ lý rồi các bác sĩ trực đêm nghe tiếng ồn ào ở phòng bệnh nhân cũng chạy đến. Nhìn cảnh ấy có người thốt lên: "Thôi chết! Ông này bị rối lọan thần kinh mất rồi!". Họ đỡ ông nằm xuống nhưng ông lại bật ngồi dậy, còn toan đứng lên nữa nếu không vướng các loại dây rợ chằng chịt trên người. Ông vẫn hát:
"Cuộc đời chúng ta
Gian khổ xông pha, hy sinh không nề hà..."
Gian khổ xông pha, hy sinh không nề hà..."
Bà vợ và con gái ông Diêu mãi mới đến. Cô con gái nhìn thấy bố như vậy òa khóc. Bà vợ ông thì dậm chân thình thịch:
- Ông điên mất rồi! Ông không để cho ai yên à. Hay ông lại muốn tất cả đều điên hết như ông.
Anh bác sĩ khuyên bà bình tĩnh. Anh lựa lời xoa dịu cơn hưng phấn bột phát đột ngột của ông Diêu. Nhưng ông vẫn bừng bừng một khí thế như đang đứng trên trận địa nghi ngút khói lửa cất cao "tiếng hát át tiếng bom" như ngày nào. Cuối cùng họ phải tiêm cho ông một mũi an thần ông mới dịu đi. Ông nhắm mắt như đang ngủ. Từ khóe mắt của ông có giọt lệ tràn ra lăn xuống gò má.
Trời chưa sáng hẳn. Mà ở bệnh viện thì có việc gì đâu mà người ta cần dậy sớm. Mọi người lại thiu thiu ngủ.
"Cuộc đời chúng ta
Gian khổ xông pha, hy sinh không nề hà.
Cuộc đời chúng ta
Hết chiến trường gần, lại chiến trường xa,
Đối mặt quân thù
Chiến đấu không lui..."
Gian khổ xông pha, hy sinh không nề hà.
Cuộc đời chúng ta
Hết chiến trường gần, lại chiến trường xa,
Đối mặt quân thù
Chiến đấu không lui..."
Cả phòng bệnh lại bật dậy bởi tiếng hát ầm ầm của ông Diêu. Trong số các bệnh nhân, người nhà ở cùng phòng có người thì thở dài, có kẻ thì cáu cẳn vì mất giấc ngủ: "Lão này điên thật rồi, đề nghị đưa ngay sang khoa thần kinh!". Đám y tá bác sĩ trực lại lao đến. Sau khi xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện và trao đổi với bà vợ ông Diêu, họ chuyển ông sang một căn phòng nhỏ khác. Từ ấy, người ta vẫn nghe tiếng hát của ông vang vẳng trong bệnh viện bất cứ lúc nào, sáng sớm, buổi chiều hay cả lúc nửa đêm thanh vắng. Giọng ông hình như mỗi ngày một tha thiết và hay hơn:
"Cuộc đời chúng ta
Gian khổ xông pha, hy sinh không nề hà.
Cuộc đời chúng ta
Hết chiến trường gần, lại chiến trường xa,
Đối mặt quân thù
Chiến đấu không lui..."
Gian khổ xông pha, hy sinh không nề hà.
Cuộc đời chúng ta
Hết chiến trường gần, lại chiến trường xa,
Đối mặt quân thù
Chiến đấu không lui..."
9- Buổi lễ trao giải thưởng hàng năm của tỉnh dành cho văn học, nghệ thuật diễn ra khá trọng thể. Lãnh đạo cao nhất của tỉnh đến dự trự tiếp trao thưởng và phát biểu ý kiến.
Truyện ngắn "Cánh đồng thao thức" được trao giải chính thức cao nhất về văn học. Báo văn nghệ tỉnh đăng lại truyện ngắn và cả bài phê bình của ông Diêu để làm quà tặng cho các đại biểu dự lễ. Thực ra bài phê bình giới thiệu truyện ngắn "Cánh đồng thao thức" chính là phần hai bản kiểm điểm của ông Diêu dạo trước.
Lê Thi rất bất ngờ và xúc động khi biết tin "Cánh đồng thao thức" được tặng thưởng. Anh lúng túng khi nhận bằng khen và phong bì tiền thưởng do ông lãnh đạo tỉnh trực tiếp trao cho. Anh được mời phát biểu cảm tưởng. Trong lời phát biểu của mình, Lê Thi không quên nhắc tới ông Diêu là người đã biên tập và cho đăng truyện ngắn này trên tờ báo văn nghệ tỉnh. Giọng anh nghe thật bùi ngùi, xa xót.
Kết thúc buổi lễ, vừa ra khỏi hội trường Lê Thi gặp ông hiệu phó nhà trường đang đứng đợi ở tiền sảnh. Ông ta dúi vào tay anh một bó hoa đã héo rũ và nói:
- Hiệu trưởng dặn cậu nhận xong giải thưởng là về trường ngay. Cả ban giám hiệu đang chờ đón mừng cậu. Ngay chiều nay, nhà trường sẽ tổ chức một buổi gặp gỡ giao lưu gồm tòan thể giáo viên và các em học sinh giỏi văn các khối lớp để nghe cậu nói về tác phẩm "Cánh đồng thao thức" và về giải thưởng cao quý này. Đây cũng là vinh dự, niềm vui chung của cả trường ta đấy. Tôi được giao nhiệm vụ lên tận đây để chúc mừng và đón cậu cùng về trường luôn.
Lê Thi nhăn mặt. Nhưng rồi anh kịp định tâm, anh bảo:
- Thầy hiệu phó cứ về trước đi! Tôi còn có việc bận phải đi!
Nói xong anh dắt cái xe máy Tàu đạp nổ bành bạch rồi phóng đi luôn, bỏ mặc ông hiệu phó đứng chưng hửng ở trước cửa nhà hội trường.
Lê Thi phóng xe vào bệnh viện tỉnh. Anh tìm đến phòng bệnh của ông Diêu. Thấy một người mặc áo bệnh nhân đang đi đi lại lại giữa phòng, anh nhận ngay ra đó là ông Diêu. Anh chào:
- Bác ạ!
Ông Diêu quay phắt lại hỏi:
- Đồng chí ở bộ phận nào thể!
- Thưa bác... cháu là... là...
- Là ai hả! Là ai mà đang lúc chiến đấu ác liệt, lúc khó khăn gian khổ lại quay về đây hả! Định đào ngũ, thoái lui phải không?
- Bác ơi!
- Bác ơi cái gì! Tiến lên. Thanh niên là phải dũng cảm tiến lên, dù khó khăn gian khổ, hiểm nguy đến mấy cũng vẫn phải hăng hái tiến lên. Hiểu không?
Lê Thi tiến lại gần nắm tay ông Diêu nhưng ông giằng ra hô to:
- Đồng chí! Về ngay vị trí chiến đấu... rõ chưa...
Lê Thi lúng túng không biết làm thế nào bây giờ. Giữa lúc đó thì cô con gái ông Diêu bước vào. Anh hỏi thăm cô về bệnh tình của ông. Anh rút trong túi ra cái phong bì có hai triệu tiền thưởng vừa nhận lúc nãy đưa cho cô và nói:
- Nhờ em mua quà cho bác!
Lê Thi chào ông Diêu và cô con gái rồi ra về. Anh bước đi mà lòng nặng chĩu. Chốc chốc Lê Thi lại ngoái lại nhìn căn phòng nơi góc bệnh viện mà ông Diêu đang ở để điều trị bệnh. Ra đến gần cổng bệnh viện rồi anh mà vẫn nghe văng vẳng tiếng hát của ông:
"Cuộc đời chúng ta
Gian khổ xông pha, hy sinh không nề hà.
Cuộc đời chúng ta
Hết chiến trường gần, lại chiến trường xa,
Đối mặt quân thù
Chiến đấu không lui..."
Hà Nội, ngày bão số 10, năm 2009
Gian khổ xông pha, hy sinh không nề hà.
Cuộc đời chúng ta
Hết chiến trường gần, lại chiến trường xa,
Đối mặt quân thù
Chiến đấu không lui..."
Hà Nội, ngày bão số 10, năm 2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét