Gã đốt than
Truyện ngắn của Trọng Bảo
Lên đến tỉnh gã được ông cán bộ coi bố gã là ân sư bố trí cho một công việc khá phù hợp. Đó là làm việc ở ban tuyên truyền. Nghề của gã là chuyên "đóng đinh leo thang". Nghĩa là chuyên đi treo dán khẩu hiệu hô hào cổ động cho các phong trào hành động cách mạng của tỉnh.
Gã thích nhất là những kỳ đại hội của các ban ngành. Ban ngành nào cũng cần đến bộ phận của gã giúp việc tô vẽ, cắt dán khẩu hiệu, trang trí hội trường, xây dựng kịch bản các chương trình giao lưu ca nhạc. Tiệc tùng, thù lao bồi dưỡng đều đều. Gã ghét nhất là mùa mưa, khẩu hiệu vừa treo lên rất hoành tráng gặp mưa ướt hết. Nguy nhất là nó bị rơi mất nét, mất dấu chữ không dán kịp thành trò cười cho người qua đường lại còn bị lãnh đạo quở trách.
Làm được vài năm trông gã có vẻ ra dáng cán bộ. Mặt mũi đỡ đen đủi hơn. Mỗi lần gã về quê không ai còn nhận ra gã đốt than nữa. Cũng trong vài năm ấy, gã kịp hoàn thiện được các loại bằng cấp cần thiết. Gã lại còn lăm le vào hội văn học nghệ thuật của tỉnh nữa. Chả gì gã cũng đã in được một tập thơ mỏng với số lượng hai trăm bản rồi còn gì. Nhờ sự trợ giúp của "ân công" là ông cán bộ coi bố gã là "ân sư" ấy, gã đánh bật được ông trưởng ban tuyên truyền để kế luôn chức vụ của ông ta. Mọi việc rất đơn giản. Hôm ấy cơ quan gã tổ chức một hội nghị quan trọng. Gã khôn khéo nói có giỗ xin nghỉ về quê. Ông trưởng ban phải trực tiếp làm công việc trang trí hội trường. Chả biết ông ta treo bảng chữ thế nào mà giữa lúc hội nghị làm lễ chào cờ đang hát vang "lanh-téc-na-xi-o-na-lơ" thì cái bảng chữ bất ngờ tuột dây lao rầm ngay xuống. Điện chập toé lửa loằng ngoằng. Khói um. Khét lẹt. Cả hội trường nhốn nháo. Ông thủ trưởng đang đứng chủ lễ chào cờ hoảng quá co giò lao ngay ra khỏi hội trường. Mấy vị đại biểu cấp trên cũng nhanh chóng nhảy qua bàn xô đổ vỡ cả lọ hoa để thoát ra ngoài. Anh trưởng ban tổ chức đứng gần bị cái bảng chữ văng trúng sứt đầu máu chảy be bét.
Sau buổi hôm ấy ông trưởng ban tuyên truyền bị kỷ luật và phải nghỉ hưu non. Cho đến lúc vai túi đeo, tay xách gói về quê ông này vẫn không hiểu tại sao cái bảng chữ lại bị đứt dây giữa lúc quan trọng ấy. Ông đâu có biết là do gã tối hôm trước khi nối các mối dây thép chuẩn bị cho ông ta hôm sau treo bảng chữ đã giở tiểu sảo hại ông. Lẽ ra sau khi soắn chặt mối nối thì phải bẻ quặt hai đầu dây thép lại dùng kìm bóp chặt để khi treo cái bảng chữ nặng không bị tuột thì gã lại chỉ vặn các mối nối xoắn thẳng, hai đầu dây không bẻ quặt lại. Bảng chữ nặng treo lâu kéo mối dây thép dần dần ruỗi thẳng ra và nó rơi xuống là tất nhiên. Nó rơi trước lúc khai mạc hội nghị thì chỉ mất công treo lại. Điều không may là nó rơi đúng lúc đang chào cờ làm mất hết không khí thiêng liêng. Mà nó rơi trong khi đang họp cũng chết.
Thế là chỉ với một mối dây xoắn hờ mà gã đã loại được ông trưởng ban. Dĩ nhiên gã là người kế tục. Việc này "ân công" đã định trước. Chức trưởng ban tuy chỉ là điếu đóm nhưng gã thấy cũng rất oai. Chả gì gã cũng được ngồi ngang hàng với các ban ngành khác giao ban hội ý hàng tuần. Gã đặt đóng một cuốn sổ thật đẹp, để ghi chép những lời huấn thị, phân công công việc của cấp trên đem về phổ biến quán triệt cho nhân viên trong ban. Khi ông cán bộ đầu ngành được bầu giữ chức chủ tịch tỉnh gã tiếp tục được ông nâng đỡ. Sau mấy lần loại dần các cán bộ không ăn cánh, gã được bổ nhiệm chức đứng đầu ngành văn hoá tỉnh. Cái chức giám đốc sở thật oai phong và lắm màu mỡ. Nhiều người bắt đầu đến cầu cạnh, dấm dút đút lót cho gã. Những cặp mắt bắt đầu nhìn gã vẻ nể trọng, nịnh nọt.
Ngồi trên cái ghế có bánh xe quay tròn được gã vẫn bàng hoàng không tin là từ một thằng đốt than hôm nào lại có lúc chễm chệ trên cái ghế đầy quyền lực và nhiều bổng lộc như thế này. Lời tiên đoán của lão ăn mày dạo trước quả không sai. Nhưng gã không tin ở thiên định. Gã chỉ biết ơn sâu sắc ông chủ tịch tỉnh. Chính vì thế gã ra sức trợ giúp, hầu hạ ông ta. Đấy mới là định số của gã. Không có ông ta thì đời gã mãi mãi vẫn chỉ là một thằng đốt than đen nhem nhẻm mà thôi.
Chức quyền sinh ra bổng lộc. Có tiền mua tiên cũng được. Gã bắt đầu hưởng thụ. Bổng lộc, hưởng thụ cứ tự nhiên có người mang đến cống nạp. Gã là thủ trưởng cơ quan nhưng ai cũng hiểu gã còn là thân tín của vị quan đầu tỉnh. Ai có việc mà biết "qua cầu" của gã hoá ra lại dễ dàng. Gã là cầu nối quan trọng để tiếp cận ông chủ tịch tỉnh.
Ông chủ tịch luôn coi gã là đệ tử số một. Ông ta nghiệm ra một điều là mọi thủ đoạn để chống lại nhau, loại bỏ nhau không có thủ đoạn nào ghê gớm, thâm hiểm hơn thủ đoạn dùng văn hoá làm phương tiện. Văn hoá bao giờ cũng là nền tảng của sự phát triển, là báo hiệu của sự suy tàn. Ai biết lợi dụng nó sẽ tạo nên sức mạnh lớn lao. Một cái đơn tố cáo nặc danh, theo luật là không được xem xét. Nếu thanh tra có dựa vào đó để lần ra khuyết điểm thì đưa về xử lý nội bộ, rồi "phê bình nghiêm khắc" là xong. Nhưng một tác phẩm văn nghệ đăng báo, nhân vật hao hao giống đối thủ đang cạnh tranh chức vụ với mình thì lại có tác dụng hơn hẳn hàng chục cái đơn thư nặc danh hoặc kể cả đơn không nặc danh. Chuyện ám vào ai thì khó mà gột rửa hết tiếng ong ve xì xào. Chuyện văn nghệ biết thực hư thế nào. Rõ ràng là hư cấu nhưng nhiều người vẫn tin là thật. Nhà văn hư cấu thì cũng phải dựa trên hiện thực chú! Dân gian vẫn bảo "không có lửa làm sao có khói". Chuyện bán tín bán nghi biết đâu mà giải thích. Uy tín người hao hao giống nhân vật trong truyện tự dưng giảm dần, đúng kỳ đại hội mà kém phiếu hoặc trượt vỏ chuối thì coi như xong.
Gã nhớ hồi năm ngoái khi vị "ân công" còn đang là phó chủ tịch tỉnh kiêm giám đốc sở. Một hôm ông ta gọi gã đến bảo:
- Có hai người là ứng viên chức chủ tịch. Giúp tao loại bỏ đối thủ nhé!
- Em sẽ cố gắng... nhưng không biết sẽ làm thế nào ạ?
- Mày có quen tay nào viết lách gì không?
- Để viết đơn thư tố cáo ạ?
- Không! Viết truyện... Viết một truyện ngắn hoặc tiểu phẩm!
- Viết truyện để làm gì ạ?
- Để đăng báo chứ còn làm gì nữa?
Gã ngơ ngác không hiểu. Vị "ân công" thì thào:
- Viết một truyện ngắn nội dung sát sàn sạt hoàn cảnh, quê quán, tính cách của vị phó kia, phịa thêm vài tình tiết như gái gú, ăn của đút, hống hách, nhất là cái chuyện đối xử nhạt nhẽo với bố mẹ, vợ con, láng giềng, anh em cơ quan...
- Vâng! Em quen một tay nhà văn cấp huyện. Tay này chuyên viết diễn văn và điếu văn thuê. Em sẽ đặt nó viết ngay một truyện theo đúng ý kiến chỉ đạo của anh.
- Nhớ là phải tìm thằng nào gioi giỏi một chút để văn vẻ có tính nghệ thuật và sâu sắc. Ứng trước cho nó vài triệu nhuận bút để nó hăng hái. Nhớ khi nó viết xong đưa tao xem lại rồi hẵng gửi cho tờ báo Văn nghệ của tỉnh đăng.
- Nhưng liệu toà báo họ có đăng cho không ạ?
- Việc ấy mày không phải lo. Nhớ là khi báo đã ra có in truyện ngắn ấy thì mua thêm lấy vài trăm tờ đưa bộ phận phát hành gửi cho tất cả các ban ngành, các huyện trong tỉnh nhé!
Quả nhiên "đòn văn nghệ" này thật hiểm. Tờ báo văn nghệ được truyền tay nhau đọc đến nhàu nát. Nhiều người còn phôtôcopy ra để cho nhiều người được đọc. Chuyện thực hư chả ai rõ, nó cứ rầm rì lan truyền khắp tỉnh. Nghi án văn chương không có ai thẩm tra kết luận. Nhưng khi bầu cử thì ông phó kia mất phiếu. Vị "ân công" của gã đương nhiên nhậm chức với tín nhiệm cao. Sau chuyện này gã cũng mát mặt. Mấy triệu đồng "ân công" đưa làm nhuận bút ứng trước gã chỉ chi cho thằng viết thuê có tám trăm. Như thế cũng đã gấp bốn lần nhuận bút rồi mà nhuận bút của báo nó vẫn có. Không những thế thằng viết thuê còn sướng lâng lâng cả tháng trời vì tác phẩm của mình được đăng báo cả tỉnh đều biết. Cầm nắm tiền bớt lại trong tay gã lẩm bẩm: "Mẹ kiếp! Bằng cả mấy cái lò than ở quê". Gã vẫn có thói quen hay so sánh. Sau này lên giám đốc sở, mỗi lần ai biếu quà, đưa tiền gã đều so sánh với giá trị của cái lò than. Có lần nhận một cái phong bì mở ra gã ngẩn người khi quy đổi ra nó bằng cả hai trăm cái lò than của bố con gã ngày xưa. Gã cũng thấy xót của khi một lần bao một em út qua đêm trong chuyến đi công cán mất mẹ nó gần hai chục lò than mà lại không sướng bằng cái buổi chiều mưa trong lều với con mẹ chủ quán cơm phố chợ dạo nào. Tự dưng gã thấy nhớ chị ta quá. Nhất định hôm nào về quê gã sẽ ghé quán ăn phố chợ một lần.
Làm quan muốn ăn thường sinh thủ đoạn. Gã thường vỗ vai các cán bộ trong cơ quan bảo:
- Vị trí trưởng phòng A đang khuyết, tớ muốn đề bạt cậu nhưng thật tiếc là cậu "chưa đủ độ" để đảm nhiệm!
- Vâng! Em sẽ cố gắng... mong anh lưu tâm giúp đỡ ạ!
Anh cán bộ được vỗ vai ấy hiểu. Thủ trưởng nói vậy không phải là anh chưa đủ trình độ để đảm nhiệm chức vụ mà là chưa đủ "đô" (đô-la) đưa cho sếp. Hai vợ chồng anh liền mua gói bánh choopie đến thăm thủ trưởng thế là ổn. Bởi trong gói bánh ấy có đủ số "đô" cần thiết.
Vị "ân công" của gã được điều về trung ương nhận trọng trách mới. Ông bảo: "Chờ tao yên vị sẽ tìm cách kéo chú mày lên sau!". Gã yên tâm chờ. Nhưng tình thế lại không đợi. Vây cánh đối lập với vị chủ tịch cũ bắt đầu nổi lên. Tân chủ tịch cũng không ưa gì cựu đồng chức nên bắt đầu sàng lọc cán bộ. Gã lâm vào cảnh bơ vơ không người che chở. Gã thu mình nhẫn nhịn. Nhưng ai để cho gã thu mình. Những người đã từng bị gã trù úm, dằn mặt, bòn rút bắt đầu nổi lên dương dương tự đắc. Họ lần lần moi ra những khuất tất của gã. Đầu tiên là cái "dự án sưu tầm và bảo tồn vốn dân ca cổ vùng trung du". Mấy trăm triệu đồng khai khống để sưu tầm, bảo tồn, nâng cấp. Những nghệ sĩ dân gian ông kèo, bà cột vẫn ký vào giấy biên nhận tiền ở các vùng quê xa xôi đều là giả mạo. Gã bị tố cáo, vạch mặt chỉ tên. Gã vội nhao lên trung ương tìm vị "ân công". Nhưng nước xa không cứu được lửa gần. Vị "ân công" bảo gã:
- Chú mày liệu mà che chắn! Dù có tình huống nào xảy ra cũng phải nhớ là không được để ảnh hưởng, liên quan đến tao đấy!
Gã hiểu. Thế là vị "ân công" đã phủi tay. Thực ra vị "ân công" cũng khó mà làm gì được hơn khi lực quyền chưa đủ. Trên đường từ thủ đô về tỉnh qua chỗ cửa rừng ngày xưa vẫn vào núi đốt than gã bảo lái xe dừng lại. Cây đa đầu lối mòn chỗ lão ăn mày ngày xưa ngồi vẫn còn. Gã chợt nhớ tới lời dặn của lão. Có lẽ gã không tránh khỏi chuyện "cáo chết..." mà lão ăn mày đã đoán định ngày ấy chăng! Gã bảo anh lái xe đánh xe về cơ quan trước còn mình đi bộ về hướng phố chợ.
Phải một lúc chị chủ quán mới nhận ra gã. Gã không còn lầm than, đen đúa, bẩn thỉu như bữa nằm bên cái lò than giữa rừng dạo nào. Gã ăn mặc bảnh bao, com lê đắt tiền thẳng nếp nhưng cái mặt đen sạm của một thằng đốt than thì không thể lẫn. Chị nhà hàng bưng các món ăn ra cho gã. Gã vừa ăn vừa liếc nhìn người đàn bà. Chị ta vẫn đẹp, da dẻ trắng trẻo như hồi nào. Gã nuốt ực một cái khi nhớ đến cái buổi chiều mưa trong rừng xa xôi ấy. Chị chủ nhà hàng rót rượu cho gã. Cái liếc mắt đưa đẩy. Gã thấy người rạo rực lâng lâng sau vài chén rượu ngâm "ngọc dương" hạ thổ vừa mới đào lên.
Một chiếc xe tắc-xi ghé vào hông nhà hàng phố núi. Chiếc xe chở gã chạy lòng vòng qua khu du lịch sinh thái rồi phóng vút lên hướng thị xã ghé vào một nhà nghỉ ven đô. Không cần hỏi han gì anh chàng lễ tân đã dẫn gã lên phòng 303. Gã hé cửa bước vào rồi bấm chốt. Gã tiến đến chiếc giường giữa phòng. Khi gã lật tấm chăn mỏng lên, vị nữ nhà hàng phố chợ đã khoả thân nằm ruỗi thẳng chân chờ đợi. Ngoài hai điểm đen là mái tóc và... thì nước da của chị còn trắng hơn cả tấm ga trải gường...
Hà Nội, đầu mùa Hạ 2010
(còn nữa)Một chiếc xe tắc-xi ghé vào hông nhà hàng phố núi. Chiếc xe chở gã chạy lòng vòng qua khu du lịch sinh thái rồi phóng vút lên hướng thị xã ghé vào một nhà nghỉ ven đô. Không cần hỏi han gì anh chàng lễ tân đã dẫn gã lên phòng 303. Gã hé cửa bước vào rồi bấm chốt. Gã tiến đến chiếc giường giữa phòng. Khi gã lật tấm chăn mỏng lên, vị nữ nhà hàng phố chợ đã khoả thân nằm ruỗi thẳng chân chờ đợi. Ngoài hai điểm đen là mái tóc và... thì nước da của chị còn trắng hơn cả tấm ga trải gường...
Hà Nội, đầu mùa Hạ 2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét