Họa văn chương
Truyện ngắn của Trọng Bảo
1- Báo ra. Cả hội vui như tết. Thế là bao nhiêu năm lận đận, chạy ngược, chạy xuôi, ông Diêu, chủ tịch hội văn học nghệ thuật tỉnh cũng hoàn thành tâm nguyện cuả mình trước khi về hưu. Đó là xuất bản được tờ báo văn chương, tiếng nói, diễn đàn văn học của hội và của những người yêu văn chương trong tỉnh.
Tiếng là hội văn học nghệ thuật tỉnh nghe oai thực ra chỉ có vài ba chục người. Nhưng cái tỉnh miền núi heo hút này cũng lạ. Nghèo thì nghèo đấy nhưng lại lắm người thích văn chương. Khi chia tách tái lập tỉnh, cánh văn nghệ sĩ có tiếng, văn chương có hơi hướng chuyên nghiệp một tý là đều tìm cách chạy về Hà Nội. Số còn lại đều văn vẻ èng èng. Phần đa là các ông chủ doanh nghiệp có tiền, mỗi năm xuất bản đến hai ba tập thơ, đọc một bài biết cả trăm bài. Cũng có một số cựu chiến binh thích viết văn, làm thơ ôn lại một thời trận mạc đọc lên cứ nghe như là quán triệt nghị quyết trước trận đánh, có đủ mục tiêu, nội dung, quyết tâm và biện pháp. Văn, truyện thì bao giờ cũng có mở đầu, thân bài, kết luận đầy đủ và dứt khoát là tuân thủ theo nguyên tắc "ta thắng, địch thua" rõ ràng.
Ông Diêu vốn là dân âm nhạc. Khi còn thanh niên ông ở đội văn nghệ xung kích ôm đàn hát trên trận địa động viên bộ đội, dân quân trực chiến ngẩng cao đầu nhằm thẳng máy bay giặc Mỹ mà nhả đạn. Mèo mù vớ cá rán thế nào trong lúc hứng khởi ông lại xuất thần sáng tác được một bài hát "Quê hương xanh" khá hay về tỉnh nhà. Bài hát của ông được phổ biến nhờ đám văn công không chuyên hát ra rả khi biểu diễn phục vụ nhân dân, bộ đội, nghe mãi cũng hay hay, lãnh đạo tỉnh rất thích. Nhạc của bài hát được chọn làm nhạc hiệu của chương trình phát thanh rồi sau này là cả truyền hình tỉnh. Thế là ông được điều về làm thành viên sáng lập hội văn học nghệ thuật của tỉnh. Ông giữ chức phó rồi chủ tịch hội từ ngày thành lập đến nay.
Cầm tờ báo còn thơm sực mùi mực in trên tay ông Diêu đọc lại truyện ngắn "Cánh đồng thao thức". Truyện ngắn này ông đã đọc đi, đọc lại nhiều lần khi biên tập nhưng ông vẫn thích. Quả là một truyện ngắn hay, tác phẩm khá nhất của số báo đầu tiên. Tác giả nó là một giáo viên cấp ba. Ông vẫn còn nhớ vẻ mặt anh ta khi đến gặp ông để gửi bài. Đó là một anh chàng còn rất trẻ, vẻ bẽn lẽn rụt rè:
- Thưa bác! Cháu là giáo viên, cũng chỉ tập viết văn, cháu xin gửi...
- Gửi bài đăng báo hả?
- Dạ...
Cậu ta gãi đầu, gãi tai vì ngượng ngùng. Tay cầm tập bản thảo cuốn tròn trong tay. Ông Diêu phải động viên anh ta mới dám đưa tập bản thảo cho ông. Để tỏ ra là quan tâm đến tác giả, ông mở ra đọc ngay. Cũng chỉ định là lướt qua để cậu ta yên tâm nhưng càng đọc, ông càng bị cuốn hút vào câu chuyện của cậu ta. Ông quên cả cái ấm đã đổ chè để trên bàn.
Trong khi đó anh giáo trẻ chăm chú theo dõi nét mặt của ông chủ tịch hội văn nghệ tỉnh, vẻ hết sức hồi hộp. Đọc một mạch xong cái truyện ngắn dài độ sáu trang vi tính, ông Diêu đặt xuống bàn, mặt thừ ra. Anh giáo trẻ lo lắng nghĩ: "Chắc là dở quá rồi!". Anh giơ tay qua mặt bàn:
- Bác cho cháu xin lại! Cháu đem về sửa chữa thêm...
- Ơ... ơ... - Ông Diêu giật mình: - Sao lại xin lại...
- Cháu... cháu...
- Cháu cái gì... truyện ngắn này rất khá... sẽ cho đăng ngay trong số báo đầu tiên của hội.
- Thế...
- Truyện của cậu viết được lắm! "Dân" tổng hợp văn à?
- Dạ vâng, cháu học đại học văn.
- Nghiệp văn chương là bạc bẽo lắm... - Chợt nhận ra là lỡ lời, không nên nói như vậy với một người đang ngấp nghé bước vào con đường văn chương, ông vội động viên: - Nhưng thôi! Đã mang cái nghiệp vào thân thì cố mà theo cho đến cùng nhé. Cậu cứ mạnh dạn viết đi, cách viết như truyện này là tốt... tốt lắm...
- Vâng ạ...
Anh giáo trẻ sung sướng đáp. Ông Diêu có điện thoại. Anh giáo đứng dậy xin phép ra về. Ông Diêu gật gật đầu, tay phất phất xuống như bảo cậu ta cứ yên tâm. Anh giáo đi rồi ông mới chợt nhớ là quên chưa pha trà mời tác giả và cũng quên chưa hỏi xem cậu ta đang dạy ở trường nào. Ông giở trang cuối tập bản thảo, chỉ thấy ghi "tác giả Lê Thi". Cũng chẳng sao, khi truyện đăng lên báo, tác giả sẽ xuất hiện thôi. Ông nghĩ.
Bây giờ cầm tờ báo mới trên tay, ông Diêu lại nghĩ đến vẻ rụt rè ngượng nghịu của anh giáo trẻ lần đầu bước chân vào cõi văn chương. Ông thấy vui vui khi nghĩ đến cảnh cậu ta nhảy cẫng lên khi tác phẩm đầu tay của mình xuất hiện trên trang nhất của tờ báo văn chương của tỉnh. Ông Diêu gọi cô thư ký toà soạn đem lên năm tờ báo, đóng dấu "kính biếu" cẩn thận để vào trong ngăn bàn. Ông có ý để dành tặng thêm cho tác giả.
2- Một ngày sau khi số báo đầu tiên của hội văn nghệ tỉnh phát hành thì có tin "sét đánh" từ uỷ ban nhân dân tỉnh dội xuống. Truyện ngắn "Cánh đồng thao thức" có vấn đề. Ông Diêu sửng sốt: "Có vấn đề là vấn đề gì! Đây là một truyện ngắn hay sao lại có "vấn đề" gì được chứ?". Ông Diêu đứng ngồi không yên. Đến chiều thì anh thư ký chi hội văn học phụ trách biên tập phần văn xuôi của báo hớt hải chạy về tìm ông. Anh này có ông chú làm ở văn phòng tỉnh uỷ. Anh kéo ông Diêu vào phòng khép cửa lại thì thào:
- Bác ạ! Bên tỉnh có ý kiến cho rằng truyện ngắn "Cánh đồng thao thức" đăng trên báo ta mang tư tưởng xấu, chống lại chủ trương công nghiệp hoá, hiện đại hóa của tỉnh.
- Chống là chống ở chỗ nào?
- Thì họ bảo những lời tâm sự của cánh đồng trồng lúa bao đời nay trong cái đêm thao thức trước khi bị san lấp trở thành khu chế xuất đó là tư tưởng phản kháng, bất ủng hộ chủ trương, nghị quyết của tỉnh. Họ lại còn nói trong truyện ngắn tác giả còn bêu riếu, nói xấu cán bộ tỉnh...
- Vô lý... hết sức vô lý...! - Ông Diêu bức xức: - Truyện ngắn này tôi đọc đi, đọc lại mấy lần, thấy có đoạn nào như vậy đâu! Tác giả phê phán việc thu hồi đất nông nghiệp tuỳ tiện, tràn lan, lập nhiều dự án treo bỏ hoang nhiều chân chuyên cấy lúa hai ba vụ "bờ xôi, ruộng mật" là một việc tốt chứ...
- Chính là ở chỗ đó đấy bác ơi! - Anh thư ký chi hội văn học lau mồ hôi trán: - Nguy nhất là ở chỗ truyện viết về việc thu hồi đất nông nghiệp, san ủi nói là xây chợ nhưng lại chia lô bán cho cán bộ... họ bảo viết thế là ám chỉ một số cán bộ đầu ngành trong tỉnh ta.
- Chuyện này xảy ra khắp nước, chỗ nào chả có. Mà "Cánh đồng thao thức" là tác phẩm văn học, là hư cấu, có chỉ đích danh là chuyện xảy ra ở nơi nào đâu, sao họ lại nhập nhằng hiểu sai lệch một cách nghiêm trọng thế nhỉ?
- Bác ơi! Họ có hiểu đâu là văn học, là hư cấu... mà truyện đăng ở báo của hội tỉnh ta thì họ hiểu nhất định là viết về tỉnh ta... ai mà giải thích khác được.
- Thôi ai nghĩ thế nào mặc họ...
- Nhưng... ngày mai sẽ có chỉ đạo chính thức ạ!
- Chỉ đạo cái gì?
- Chỉ đạo hội văn nghệ và toà soạn báo tiến hành kiểm điểm, xác định trách nhiệm và hình thức kỷ luật...
Ông Diêu sửng sốt:
- Đến nước ấy cơ à? Tưởng chuyện văn chương hư cấu rút kinh nghiệm là xong thôi chứ...
Anh trưởng thư ký chi hội văn học nhìn ông Diêu lắc đầu. Anh se sẽ thở dài. Ông Diêu thấy choáng váng. Đầu óc ông căng lên. Hình như ông không còn nghe được anh thư ký chi hội văn học nói gì thêm nữa. Ông lập cập cầm ấm nước rót mà không trúng cái chén nhỏ. Nước chè tràn đổ tóe loe ra bàn. Ông vốn là người hiền lành. Gần hết cuộc đời hoạt động trong ngành văn hoá không mắc phải khuyết điểm gì, không để lại một tỳ vết gì trong lý lịch. Thế mà nay sắp đến lúc nghỉ hưu lại xảy ra một sự cố văn chương thế này.
Hôm sau có ý kiến chính thức từ bên uỷ ban thông báo sang hội văn nghệ tỉnh tiến hành kiểm điểm, xác định trách nhiệm xem ai là người quyết định cho đăng truyện ngắn "Cánh đồng thao thức", động cơ của việc này thế nào. Nói là ý kiến chỉ đạo như thế nhưng cũng không rõ là ý kiến của đồng chí lãnh đạo nào, chỉ thấy ông phó chánh văn phòng uỷ ban thông báo là "ý kiến của cấp trên", thế thôi.
3- Cuộc họp kiểm điểm trách nhiệm của hội văn nghệ và ban biên tập báo tưởng là căng thẳng nhưng lại không phải. Ông Diêu nhận hết trách nhiệm về mình. Ông viết một bản kiểm điểm khá dài dòng. Sau khi sẵn sàng nhận hình thức kỷ luật ông chuyển hướng đi sâu phân tích truyện ngắn "Cánh đồng thao thức". Nội dung bản kiểm điểm phần sau trái ngược hẳn phần đầu. Nó trở thành một bài phê bình văn học khá hoàn chỉnh về truyện ngắn "Cánh đồng thao thức". Nó phủ nhận hoàn toàn những điều đơm đặt không đúng mà người ta đã gán cho truyện ngắn này.
Tội của ông Diêu vì thế thêm nặng. Có ý kiến khuyên ông nên từ chức trước khi bị cách chức. Ông bị nhìn nhận như một người có tư tưởng xấu, chống đối lại chủ trương chính sách. Ông Diêu cũng không ngờ là tình hình lại đi xa đến thế. Bà vợ ông là cán bộ cơ quan tổ chức biết chuyện gầm lên:
- Ông già lõi đời rồi mà còn dại, mắc mưu một thằng trẻ ranh, đăng giúp nó một bài viết phản động lên báo...
- Bà thì biết gì về văn học mà nói...
- Ông thì biết à! Cả đời ông là kẻ "xướng ca vô loài", hát hò vớ vẩn có làm nên trò trống gì không?
- Bà câm ngay đi!
Ông Diêu quát. Bà vợ quát lại:
- Ông câm đi thì có! Ông có biết nếu không có tôi thì ông có ngồi vào được cái ghế chủ tịch hội ấy không hả... Đúng là đồ bám váy đàn bà... Ông làm mất uy tín của tôi, tôi sắp được đề bạt... thế mà...
- Bà... bà...
Ông Diêu đứng vụt dậy giơ tay lên định tát cho bà vợ một cái. Nhưng ông bỗng chới với đổ ụp xuống nền nhà như một thân cây chuối bị đột ngột phạt ngang. Đầu ông va mạnh vào góc bàn. Ông có tiền sử bệnh huyết áp cao. Bà vợ ông hốt hoảng ú ớ mãi mới gọi được người đến cứu. Họ đưa ông vào bệnh viện tỉnh. Ông nằm im bất động trên giường bệnh mặc cho các bác sĩ muốn làm gì mình thì làm...
Hà Nội, ngày bão số 10 năm 2009
(Hết phần 1)
Hà Nội, ngày bão số 10 năm 2009
(Hết phần 1)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét