Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

Truyện ngắn THẦY ƠI


Thầy ơi
Truyện ngắn của Trọng Bảo
Trời đã về khuya. Gió bắc thổi mạnh. Cái lạnh nơi biên ải như càng lạnh lẽo hơn trong đêm chiến tranh đầy bom đạn và chết chóc. Tiếng pháo của bọn giặc thỉnh thoảng lại nổ oành oành vọng vào vách đá tạo thành âm thanh man dại nối dài không dứt. Những đốm lửa bùng lên chỗ đầu đạn rơi tạo nên những ánh sáng chập chờn, ma quái.
Số các chiến sĩ mới được bổ sung về trung đội tôi đã có mặt tập kết ở tràn ruộng phía sau mỏm núi đá. Tôi phải lần đi hết hàng quân để nhận mặt từng chiến sĩ mới. Tôi chợt giật mình ngạc nhiên nhận ra một người trong số tân binh đang đứng trước mặt mình. Tôi khẽ kêu lên:
- Thầy Thám! Sao thầy lại ở đây?
- Ơ... - Thầy Thám cũng ngạc nhiên: - Tôi... tôi hiện đang là quân nhân mà!
- Thầy nhập ngũ từ bao giờ, mà sao lại lên tận đây?
- Tôi nhập ngũ ngay sau khi có lệnh tổng động viên...
Tôi chợt hiểu. Gần tháng trời nay khi chiến tranh nổ ra, chúng tôi lăn lộn chiến đấu trong vòng vây hãm của quân thù. Cái sống, cái chết cận kề. Ngày giữ chốt, đêm đi phản kích giành lại điểm tựa hoặc lần mò xuống các bản làng tìm lương thực, lấy nước, thông tin chúng tôi mù mờ chả rõ ràng gì ngoài mệnh lệnh chiến đấu. Trung đội bị tổn thất, cầm cự mãi nhiều khi tưởng không giữ nổi trận địa nữa. Ở tuyến trước chúng tôi không biết ngay sau khi nổ ra chiến tranh đã có lệnh tổng động viên. Nhưng người như thầy Thám được gọi nhập ngũ, huấn luyện sơ sài rồi được đưa ngay lên tuyến trước bổ sung vào các đơn vị chiến đấu đã bị hao hụt quân số. Tôi hỏi:
- Thầy đã biết sử dụng những loại súng nào?
- Chỉ biết mỗi súng AK, đã được bắn bài 1, ba viên trúng bia được hai viên, đủ điểm đạt yêu cầu...
Có tiếng cười khùng khục trong hàng quân.
- Thôi được rồi! - Tôi nói với thầy và số anh em mới được điều về đơn vị:
          - Các đồng chí yên tâm, anh em chiến sĩ cũ sẽ hướng dẫn thêm cho các đồng chí sử dụng các loại vũ khí trang bị khác, nhất là các loại hỏa lực đơn vị ta được trang bị như cối 60, trung liên, đại liên, B40, B41...
Sau khi đọc biên chế số anh em chiến sĩ mới về các tiểu đội, tôi gặp lại thầy Thám và dặn:
- Thầy nhớ phải thật cẩn thận nhé!
- Trung đội trưởng cứ yên tâm...
Nghe thầy nói như vậy nhưng tôi vẫn không yên lòng. Nhìn cặp kính cận dày cộp trên mắt thầy tôi cứ thấy lo lo cho thầy. Từ ngày lâm trận rồi tôi mới hiểu, chiến tranh khác hẳn những miêu tả trong những bài thơ ca viết về nó mà thầy từng giảng cho chúng tôi nghe ngày còn đi học.
Đó là năm cuối cùng tôi học cấp 3. Thầy Thám về trường tôi công tác. Thầy còn rất trẻ, có lẽ chỉ hơn cánh học sinh cuối cấp chúng tôi vài tuổi. Là giáo viên mới ra trường, thầy Thám được phân công dạy các lớp dưới. Nhưng thầy vốn là một học sinh giỏi văn, từng đoạt giải nhì môn văn toàn miền Bắc nên thầy được hiệu trưởng phân công kèm cặp, phụ đạo thêm cho nhóm học sinh giỏi môn văn của khối lớp 10 chúng tôi. Thầy giảng văn rất hay. Thầy sinh hoạt cùng chi đoàn lớp tôi. Giữa tôi và thầy có nhiều kỷ niệm vui buồn. Thầy giúp tôi rất nhiều trong quá trình học tập và tiếp cận với văn học. Nhiều bài văn, bài thơ của tôi được thầy góp ý để sửa chữa, có bài được đăng báo từ ngày ấy. Nhưng cũng có một chuyện buồn nho nhỏ mà tôi thầm oán trách thầy mãi.
Lần  vào khoảng cuối mùa đông năm 1973. Hôm đó chi đoàn lớp tôi tổ chức lao động lấy tiền mua sách vở giúp các bạn nghèo và mua sổ tay, giấy pơ-luya, tem thư tặng các bạn sắp lên đường nhập ngũ. Chúng tôi tiến hành đào đãi sỏi ở dưới sông Phó Đáy đem lên bán cho công trường khai thác cát sỏi. Thấy việc đãi cát ở giữa dòng sông cạn rất vất vả và năng xuất thấp, tôi và mấy bạn nữa vào sát bờ sông phía bên lở để moi sỏi. Ở những chỗ ấy sỏi nhiều, chả phải đãi lâu mất thời gian, chỉ việc cào sỏi vào rổ sảo khua khua qua nước cho sạch đất là gánh lên bờ. Giữa lúc chúng tôi đang mải mê làm thì thầy Thám hết tiết dạy buổi chiều ra sông tham gia cùng lao động với chúng tôi. Thấy cách mà chúng tôi lấy sỏi thầy hốt hoảng kêu lên:
- Dừng lại ngay, các bạn khai thác sỏi kiểu này rất nguy hiểm!
- Không việc gì đâu thầy ơi!
- Không là thế nào! Cứ moi sâu vào bờ thành một cái hầm ếch như thế này, bờ sông bất ngờ sụp xuống nguy hiểm lắm!
- Thầy yên tâm! Khi nào bờ sông sắp sập thì nó phải kêu răng rắc chứ, lúc đó chạy vẫn kịp.
Nhưng đất sập thì làm gì có chuyện kêu "răng rắc" như cây sắp gãy, nhà sắp đổ. Giữa lúc tôi và thầy còn đang tranh luận thì bờ sông sụp xuống thật. Thấy đất vụn đột  nhiên rơi lả tả tôi hét to:
- Đất sập đấy... chạy... chạy... ngay...
Tôi và mấy bạn nữa vội lao ra ngoài hầm ếch khai thác sỏi. Riêng cô bé Lương đang mải mê moi sỏi thì không để ý. Thầy Thám vội lao vào kéo Lương ra khỏi hầm ếch. Một tảng đất to ụp xuống. Lương bị đất đè chẹn ngang người, mặt úp xuống mặt sông cạn. Tôi nhào đến cố nâng đầu Lương lên cho khỏi bị ngạt nước. Trong khi đó thì thầy Thám và các bạn khác ra sức moi đất để lôi cô bé ra khỏi nơi nguy hiểm. Khi chúng tôi đưa được cô bé Lương chạy ra xa thì cả một đoạn bờ sông đổ sập xuống. Thật hú vía. Không ai việc gì nhưng tất cả bị một phen sợ hãi. Buổi lao động phải bỏ dở chừng vì gần như toàn bộ quang gánh, cuốc xẻng đều bị đất sập vùi lấp hết.
Buổi sinh hoạt chi đoàn sau đó tôi bị thầy Thám phê bình rất gay gắt vì tổ chức cho đoàn viên lao động mất an tòan. Cũng kể từ đó tôi không ưa gì thầy Thám nữa. Khi tôi lên đường nhập ngũ thì thầy cũng được chuyển về trường chuyên của tỉnh. Không ngờ hôm nay tôi gặp lại thầy ở nơi biên giới xa xôi này.

*
         Nhận chiến sĩ mới bổ sung xong, đơn vị chúng tôi lại tiếp tục lên trấn giữ điểm chốt ngăn chặn quân giặc từ phía biên giới tràn xuống thị trấn Sóc Giang. Tình hình chiến sự ngày càng ác liệt. Trong số chiến sĩ mới bổ sung về đơn vị có người chưa đủ một ngày có tên trong biên chế của trung đội thì đã hy sinh. Thầy Thám qua mấy trận vẫn bình yên. Một lần gặp tôi thầy khoe: "Tôi đã biết cách sử dụng súng M79 và súng chống tăng B41 rồi đấy!". Tôi dặn: "Thầy phải cẩn thận, nhớ lấy đoạn dây dù buộc cặp kính cận đeo vào cổ cho chắc kẻo đạn pháo nổ gần văng mất kính coi như bị mù đấy!". Thầy Thám cười bắt tay tôi rồi rẽ vào một ngách chiến hào. Nhìn theo hút thầy tôi chợt nghĩ: "Sau trận này về thầy mà giảng về văn học chiến tranh sẽ còn hay hơn nữa...".
          Chúng tôi nhận được lệnh bỏ điểm chốt rút lui về phía sau khi mà cả đại đội không thể giữ vững được trận địa trước lực lượng đông đảo và sức tấn công rất mạnh mẽ, ác liệt của bọn giặc. Để rút lui được sang dãy núi bên kia cánh đồng cũng là cả một sự khó khăn. Chúng tôi tổ chức cho một bộ phận đưa anh em thương binh đi trước. Một bộ phận gồm những người khỏe mạnh, nhanh nhẹn sẽ vừa đánh chặn bọn giặc vừa rút lui theo. Gặp thầy Thám tôi bảo:
          - Thầy sẽ đi cùng bộ phận anh em thương binh nhẹ rút sang sườn núi trước!
          Thầy Thám nói ngay:
          - Cho tôi đi với bộ phận khóa đuôi phía sau!
          - Thầy nên đi trước, đi phía sau nguy hiểm lắm...
          - Anh đừng lo cho tôi! Tôi sẽ không sao đâu!
          Tôi định cố khuyên thầy thì chiến sĩ liên lạc của đại đội gọi truyền đạt mệnh lệnh mới.
          Thêm nhiều chiến sĩ nữa hy sinh khi rút lui. Nhưng đơn vị chúng tôi cũng đã vượt qua được cánh đồng bám trụ được vào chân núi đá để chuẩn bị vượt lên núi. Hình như  đã phát hiện ra được việc lui quân của đơn vị chúng tôi bọn địch lập tức tập trung hỏa lực bắn chặn và tổ chức bộ binh đuổi theo. Chúng tôi tổ chức một bộ phận triển khai trận địa ở ngay chân núi đá đánh chặn kìm chân địch cho đơn vị rút lên trên núi cao. Và trong số người ở lại phía sau chặn quân địch ấy có thầy Thám.
          Khi chúng tôi đã rút lên được lưng chừng dãy núi đá khá an tòan rồi thì trận đánh chặn quân giặc truy kích của các chiến sĩ đi sau vẫn diễn ra rất ác liệt. Địch tập trung xe tăng, bộ binh tràn qua cánh đồng áp sát trận địa của những người ở lại. Từ trên núi chúng tôi nhìn rất rõ những người lính không có công sự, họ nằm phơi trên mặt đất, nấp sau những mô đá chiến đấu với kẻ thù đông gấp bội. Trận dánh cuối cùng của họ diễn ra ngay trước mắt những người vừa rút lên núi trước đó. Chúng tôi nhìn thấy những người lính đã bị trúng đạn và hy sinh như thế nào. Nhìn thấy cả người lính bị thương giẫy giụa vì đau đớn. Và cũng chính người lính ấy đã rút chốt quả lựu đạn cuối cùng chết cùng bọn giặc khi chúng ập đến.
Nghe tiếng súng thưa dần, tiếng reo hò của bọn giặc ầm ĩ chúng tôi biết những đồng đội của mình đã hết đạn và tàn kiệt sức chiến đấu. Khi chuẩn bị rời vị trí để tiếp tục rút lên cao trên dãy núi thì tôi nghe tiếng một chiến sĩ nằm bên cạnh kêu lên:
          - Thầy Thám...
          Tôi vội nhìn xuống chân dốc. Đúng là thầy Thám rồi. Thầy Thám đang bò lết ở phía sau một mô đá. Phía trước mô đá ấy là một chiếc xe tăng và lúc nhúc bộ binh địch đang hò hét tiến vào. Tôi chăm chú theo dõi hành động của thầy. Thầy Thám cố thu người nép vào mô đá để tránh địch phát hiện. Đột nhiên thầy nhổm dậy. Thầy quỳ sau mô đá và đặt khẩu súng chống tăng B41 lên vai. Tôi hốt hoảng thốt lên: "Không được! Không được bắn thầy ơi!". Bởi lẽ đuôi khẩu B41 của thầy đang kề sát vách núi đá dựng đứng. Khi thầy bắn luồng lửa phụt ra ở đuôi khẩu súng chống tăng sẽ không có đường thoát. Với luồng lửa cả ngàn độ bật trở lại thầy sẽ chết cháy trước khi viên đạn bay tới mục tiêu.
          Tôi hét to:
          - Thầy không được bắn!
          Từ trên sườn núi đá cũng có nhiều tiếng kêu lên như thế. Tiếng gào của chúng tôi chìm trong tiếng súng, không biết thầy có nghe được không! Thầy đã biết cách sử dụng súng chống tăng B41 rồi sao lại định bắn trong tư thế ấy. Tôi nín thở nhìn thấy, lòng đầy sợ hãi, lo lắng. Thầy Thám vẫn lặng lẽ chỉnh đường ngắm vào chiếc xe tăng đang chồm tới. Rồi thầy đưa tay lau mặt và sửa lại cặp kính cận.
          Một vầng lửa bùng lên ở khe núi trước khi một vầng lửa khác bùng lên trên chiếc xe tăng quân giặc. Thầy Thám đã bắn quả đạn B41 trong tư thế ấy. Thầy đã hy sinh trước khi nhìn thấy mục tiêu bị tiêu diệt. Chắc chắn thầy đã hiểu điều này trước khi bình tĩnh xiết cò.
Nhìn quầng lửa vẫn còn đang bùng lên nơi thầy vừa bắn quả đạn B41, tôi bật lên tiếng gọi: "Thầy ơi!".                                 
                                                                        Ngày 20/11/2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét