Truyện ngắn của Trọng Bảo
Gã vừa đi vừa lẩm bẩm: “Ta là một kẻ độc hành… ta chính là một kẻ độc hành… ta…”. Đôi chân gã líu díu. Mấy chén rượu ngô của con mẹ ở cái quán cóc đầu dốc vào nông trường làm gã hơi chếnh choáng. Gã không say. Đối với gã vài chén rượu không thể say. Chỉ vì gã đang đói. Từ tối hôm qua đến trưa nay gã chưa có hột cơm nào vào bụng. Lại sợ không kịp gặp được con bé Duyên, tâm trạng thấp thỏm nên gã mới như thế.
Gã định dừng lại nghỉ một lát nhưng lại thôi. Gã phải đi ngay mới kịp. Đôi chân gã hình như có thêm chút sức lực. Con đường nhỏ xẻ qua vùng đất bằng phẳng nhất của nông trường thẳng như kẻ chỉ. Màu đất đỏ au đến nhức mắt. Đang giữa trưa mùa hè nóng bỏng, không một bóng người, bóng xe. Gã là kẻ độc hành. Một mình gã lầm lũi bước trên đường. Cái lưng hơi gù khiến mặt gã luôn úp xuống mặt đất.
Ba mươi năm rồi gã mới lại đi trên con đường này. Gã chợt sửng sốt nhận ra một quãng thời gian dài đến kinh khủng ấy. Gã cũng thật không ngờ mình lại có thể tồn tại đến tận bây giờ. Đường đời thăm thẳm… hình như gã đọc được câu này ở đâu rồi thì phải.
Con đường thăm thẳm của đời gã bắt đầu từ ba mươi năm trước. Ngày ấy gã là một chàng trai trẻ hăm hở, khoẻ mạnh, một bí thư chi đoàn năng nổ, xông xáo. Đất nước hoà bình, đơn vị gã chuyển sang làm kinh tế. Họ hạ trại giữa rừng khai khẩn đất đai hoang hóa làm nông trường. Nhiều công nhân được tuyển thêm, phần đông là nữ. Những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi, căng tràn sức trẻ. Họ sống giữa rừng bao khó khăn thiếu thốn nhưng suốt ngày ca hát ồn ào. Nhưng chính cuộc sống cách biệt giữa rừng, nam nữ đều ứ tràn nhựa sống ấy không tránh khỏi những mối quan hệ mà ngày ấy vẫn gọi là “bất chính”. Hết buổi phát cây, cuốc đất, con gái, con trai cùng ào xuống suối tắm cách nhau chỉ một gộp đá, chả quần chả áo gì, màu đen, màu trắng loang loáng trong làn nước trong xanh. Buổi tối sinh hoạt, đèn đóm nhập nhoạng, nam nữ tay chạm tay, ngực chạm ngực thật khó ngăn cản, chế ngự được cái ham muốn vốn là bản năng của con người.
Cái chi đoàn do gã làm bí thư mấy lần phải biểu quyết khai trừ những đoàn viên hủ hoá, vi phạm đạo đức, phẩm chất. Nhưng rồi thì chính gã cũng bị vướng vào cái vòng luẩn quẩn ái tình ấy. Chỉ khốn nạn là gã chả được xơ múi gì mà tự dưng bị cái họa “người ăn ốc, kẻ đổ vỏ”. Đấy là chuyện của gã với cô Nhân. Cô Nhân đẹp nhất đám con gái nông trường. Nước da cô trắng hồng. Ông phó giám đốc phụ trách công tác quần chúng “thanh-phụ-công” (thanh niên, phụ nữ, công đoàn) đã có vợ con ở quê hay trưng dụng cô lên phụ giúp việc ghi chép sổ sách. Cô đỡ được một buổi phải trằn mặt phơi nắng cuốc đất, đào gốc cây ngoài thung lũng đầy gió nóng. Rồi việc giúp ghi chép sổ sách, phục vụ nước nôi ban giám đốc của cô Nhân thường xuyên hơn.
Thế rồi một hôm cô Nhân thấy tháng chậm và hay nôn oẹ. Cô vội tìm ông phó giám đốc báo tin. Ông ta mặt mũi tái nhợt đi vì sợ. Chuyện đời vẫn vậy, lúc vui vẻ thì thích thế nhưng khi hậu quả xảy ra thì lại sợ đến thế. Ông ta thừ người đi một lúc, tim đập loạn xạ. Nhưng vốn bản tính ti tiện ông ta nghĩ ngay ra một kế hoạch đổ vấy cho người khác để khỏi ảnh hưởng đến con đường công danh và cái ghế giám đốc đang đến rất gần. Cô Nhân nghe lời ngon ngọt, hứa sẽ cho đi học trung cấp kế toán đã đồng ý với phương án do ông vạch ra.
Tối hôm đó nông trường có buổi chiếu phim. Gã tranh thủ cái loa của đội chiếu bóng mấy phút phổ biến cho chi đoàn tình hình thời sự. Gã nói về âm mưu của bọn phản động quốc tế đối với nước ta. Gã hô hào đoàn viên thanh niên vừa phải hăng hái lao động sản xuất xây dựng các công trình xã hội chủ nghĩa vừa phải sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới lãnh thổ. Trước khi ngừng lời gã còn hát một bài hát ca ngợi tuổi trẻ được đám thanh niên vỗ tay ầm ầm tung hô tán thưởng. Khi phim vừa chiếu được hai cuốn thì có một ai đó gọi báo tin cho gã biết cô Nhân ốm nặng cần đưa đi viện. Gã vội vàng bỏ buổi xem phim đi về phía khu nhà tập thể. Gã là bí thư chi đoàn, đoàn viên bị ốm gã phải có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc.
Khu tập thể vắng ngắt. Mọi người đều kéo nhau đi xem vì cả tháng mới có một buổi chiếu bóng. Gã đến ngay phòng cô Nhân. Trong nhà đèn còn sáng. Nghe tiếng gã gõ cửa, cô Nhân ra mở. Gã rụt rè bước vào phòng. Cô Nhân đang mặc một cái áo lót trắng mỏng. Cặp vú của cô hiện rõ mồn một, cong vênh lên sau lần vải mỏng tang. Gã lúng túng đỏ mặt. Gã phải ý tứ nhìn tránh đi chỗ khác. Gã vừa kịp hỏi han vài câu về bệnh tình của Nhân thì cái bóng điện đỏ nòng nọc như mắt cú mèo vụt tắt. Gã hốt hoảng bật dậy định chạy ra ngoài. Cô Nhân rú lên: “Ma… ma…” và nhào đến ôm chặt lấy gã. Cặp vú nóng hổi nây nẩy của cô áp chặt vào cánh tay gã. Gã đang lúng túng gỡ cánh tay cô gái ra thì có tiếng hô “Bắt… bắt… lấy… nó…”. Tiếng đạp cửa. Nhiều ánh đèn pin quét thẳng vào phòng. Cô Nhân vẫn ôm chặt gã. Điện bật sáng. Gã sửng sốt nhận ra ông phó giám đốc “thanh-phụ-công” cùng mấy anh bảo vệ, có cả bà cán bộ phụ nữ và ông đại diện công đoàn ập vào phòng. Lúc này gã cũng mới nhận ra cô Nhân đã lột cái áo lót ra từ lúc nào. Cả nửa phần trên thân thể cô trắng mịn như thạch cao. Cô Nhân vội buông gã bưng lấy ngực. Hai bàn tay nhỏ không che hết bộ ngực đã nở to.
Chả phải nói thêm cũng biết điều gì sẽ xảy ra. Đám người ấy lập tức lập biên bản bắt quả tang gã và cô Nhân hủ hóa, quan hệ bất chính. Gã không chịu ký. Cô Nhân thì ký ngay. Cũng chả cần thiết. Gã không ký vào biên bản cũng chẳng sao vì đã bắt quả tang, có sự chứng kiến của đủ các thành phần rồi. Các cuộc kiểm điểm gã bắt đầu liên miên hàng tối. Cuộc đời gã bước sang trang mới từ ấy. Người ta thải hồi gã khỏi cái nông trường xã hội chủ nghĩa mà gã từng nghĩ mình sẽ tâm huyết, gắn bó. Gã quyết định trở về quê mặc dù bố gã biết tin đã nhắn lên: “Đừng có vác mặt về làng, nhục lắm con ơi!”. Bố mẹ gã đều là nhà giáo, cả đời gõ đầu trẻ dạy luân lý đạo đức. Hai ông bà không chịu nổi nỗi nhục lớn thế này.
Gã đeo cái ba lô lộn ra ga. Ga xép ít tàu dừng lại đón khách. Ngồi chờ tàu gã ngủ gà ngủ gật. Đã bao đêm gã mất ngủ vì sự việc vừa qua. Khi gã vừa chợp mắt thì bỗng có tiếng ai đó gào lên thất thanh: “Kẻ cắp… kẻ cắp… nó lấy hết tiền của tôi rồi… ối trời ơi là trời…”. Gã bật dậy. Cái ba lô gã gối đầu lên để ngủ cũng đã biến mất. Đầu gã đang gối lên một cục gạch cứng ngắc. Gã hốt hoảng vì mất đồ. Thực ra gã cũng chẳng có gì đáng giá nhưng cái tâm trạng bị mất cắp cứ làm cho gã bàng hoàng, thảng thốt. Gã vội lao theo những người đuổi bắt kẻ trộm. Phía bên ngoài nhà ga ánh đèn nhập nhoạng. Gã áp sát một cái bóng đen đang lủi nhanh vào khu vườn tối. Chợt có ai quét mạnh ngang ống chân. Người gã lao chúi về phía trước chới với rồi ngã sấp xuống.
- Định chạy hả! Quân chuyên nghề trộm đạo này ghê thật…
- Không… không… phải… tôi… không phải…
- Không phải à! Ăn cắp còn già mồm hả?
Gã bị khoá tay và lôi đứng dậy. Mọi người xúm quanh. Gã nhận ra người đã đốn ngã và khoá tay gã là một anh công an. “Bắt… bắt được trộm rồi…” - Tiếng nhiều người lao xao. Có một thanh niên lao đến tống vào ngực gã một thụi làm gã lảo đảo. Anh công an phải huýt còi ré lên liên hồi mới ngăn được đám người đang bị kích động. Có ai còn cố ném một cục gạch vào bụng gã đau điếng. Gã được dẫn vào trạm công an nhà ga.
Gã ra sức thanh minh nhưng không ai chịu tin hắn. Anh công an yêu cầu gã xuất trình giấy tờ. Nhưng tất cả giấy tờ gã để trong cái ba lô bị mất cắp. Công an kiểm tra người gã chỉ thu được một bản tự kiểm điểm tại nông trường. Tờ giấy gã vô tình nhét vào túi áo ngực cái hôm họp chi đoàn xét kỷ luật gã. Vì thế họ càng nghi ngờ. Gã bị tạm giữ để người ta thẩm tra nhân thân. Việc điều tra chỉ thêm bất lợi cho gã. Gã bị tạm giam mấy tháng. Nhưng rồi không có thêm bằng chứng gì ngoài những thông tin thu thập được ở nông trường nơi gã vừa bị đuổi việc người ta đành thả gã. Gã lại ra ga. Nhưng gã chả biết sẽ đi đâu. Không có tiền gã vật vờ ở nhà ga mấy hôm. May có một kíp thợ chuyên đào giếng thuê cần người gã liền đi theo họ. Từ thợ đào giếng gã chuyển sang làm dân đào đãi vàng. Gã lăn lộn ở các mỏ vàng nơi rừng sâu núi thẳm. Gã bị bóc lột sức lực đến cạn kiệt, bị bọn chủ bưởng, bọn bảo kê ăn chặn cướp từng nhúm cám vàng chắt chiu để giành mong làm lại cuộc đời. Con giun xéo mãi phải quằn, bị dồn đến chân tường gã đâm ra liều. Từ hôm gã đâm trọng thương thằng thủ lĩnh bảo kê mỏ vàng thì bọn tay chân lau nhau của nó khiếp sợ. Bọn chúng quay ra suy tôn gã làm đại ca. Gã gom tiền vàng cho bọn tay chân đưa thằng cầm đầu bị trọng thương về tận quê chạy chữa.
Từ ấy gã càng ngày càng nổi tiếng. Nhưng cũng từ đó gã càng cô độc hơn, không tin bất cứ ai. Khi thức tai gã luôn lắng từng tiếng động. Lúc ngủ gã cũng chỉ dám nhắm một mắt, dao kiếm gối đầu giường. Các ông chủ mỏ vàng nem nép. Gã sẵn sàng dẫn quân đi đâm thuê, chém mướn khắp vùng. Công an truy quét. Bị bắt gã đi tù. Ra tù gã lại tập hợp bọn tay chân, lại đánh chém, lại bảo kê mỏ vàng. bảo vệ bọn buôn lậu gùi hàng qua biên giới. Sau lần dẫn quân tập kích vào trạm kiểm soát biên phòng, cướp hàng buôn lậu, đánh trọng thương một chiến sĩ thì gã và đồng bọn bị truy lùng ráo riết. Gã bị bắt khi đang tìm cách vượt biên. Khám xét trong người gã công an còn thu được cả mấy tép hêrôin nữa. Thế là gã lại vào tù. Ba lần vào tù gã quen với cảnh gông cùm lắm rồi. Cái án bảy năm tù đối với gã chẳng dài, chẳng ngắn. Cuộc đời gã ở ngoài xã hội lăn lộn giang hồ cũng dài lê thê mà ở trong tù cũng vậy. Bố mẹ gã đều đã chết. Quê hương, cái vùng quê đồng chiêm chũng quanh năm ngập nước Ninh Bình đối với gã chỉ còn trong trí nhớ lờ mờ. Mấy chục năm rồi gã không về quê. Cả những khi kiếm được tiền gã cũng không muốn về quê. Cái buổi lễ lên đường tưng bừng gã được lên phát biểu giữa một biển người hứa sẽ phát huy truyền thống anh hùng của quê hương ra sức phấn đấu lập nhiều thành tích làm rạng danh non sông đất nước vẫn còn ám ảnh gã. Gã tính toán nếu không được ân xá, đặc xá thì khi ra tù gã sẽ tròn ba nhăm năm xa quê, kể từ buổi giơ cánh tay tuổi trẻ lên xin thề trước biển người ngày ấy.
Gã chợt nhớ tới cánh tay tuổi trẻ của mình ngày ấy sao mà căng đầy sức sống. Bất giác gã vén tay áo lên nhìn. Cánh tay của gã bây giờ chằng chịt những hình xăm cổ quái, dày vết sẹo và dấu kim tiêm. Da thịt trên cánh tay gã đã nhăn nhúm. Bàn tay phải của gã sau lần bị một nhát chém thấu xương cứ mỗi khi trái gió trở trời lại đau nhức. Lưng gã cũng càng ngày càng gù xuống sau bữa bị sập hầm vàng, đất đá đè lên người. May mà gã thoát chết. Gã chợt thấy buồn. Hoá ra mấy chục năm đường đời gã vẫn chỉ là một kẻ cô đơn, độc hành.
Một buổi sáng chủ nhật gã đang cùng đám phạm nhân vun xới mấy luống hoa ở sân trại thì anh giám thị gọi:
- Phạm nhân Trần Văn Thủy ra có người nhà lên thăm nuôi!
Gã giật mình ngẩng đầu lên rồi lại cúi xuống nhổ cỏ. Người giám thị phải gọi lại một lần nữa. Gã ngạc nhiên lập cập đứng dậy. Gã làm gì còn ai là người thân nữa đâu. Gã theo người giám thị ra nhà khách. Gã ngơ ngác lần đầu tiên bước vào căn phòng giành cho phạm nhân và người nhà tiếp xúc trò chuyện khi đến thăm nuôi. Có mấy đôi vợ chồng, bố con đang ngồi nói chuyện, mấy người đang ngồi chờ. Gã không trông thấy ai là người quen cả.
Người giám thị dẫn gã đến trước mặt một cô gái rồi bảo:
- Hai bố con anh chỉ có có một tiếng thôi nhé!
Gã ngỡ ngàng. Còn người con gái thì chăm chú nhìn gã rồi kêu lên nghẹn ngào:
- Bố ơi! Đúng là bố rồi…
Gã càng ngạc nhiên. Ú ớ một lúc gã mới hỏi lại được một câu:
- Sao… sao cháu lại gọi ta là bố…?
- Con là Duyên… con của bố đây mà…
Gã toát mồ hôi và càng không hiểu đầu đuôi ra sao. Trong đầu gã nhớ nhanh những mối quan hệ với những người đàn bà trong đời. Nhưng chưa có trường hợp nào có thể có con cả. Cô gái cũng lập cập, nước mắt giàn giụa. Lúng túng mãi cô mới mở được cái túi lôi ra đủ các loại bánh kẹo và mấy hộp bia vừa khóc vừa bảo: “Bố ăn đi… bố ăn đi…”. Gã cố trấn tĩnh. Cô gái cũng đã bình tĩnh lại. Cô nói:
- Đã bao nhiêu năm nay con đi tìm bố… không ngờ đời bố lại khổ thế…
Cô bé kể lại chuyện của cô và của mẹ mình. Nghe kể gã mới hiểu ngọn ngành. Thì ra sau khi gã bị đuổi khỏi nông trường hơn nửa năm thì cô Nhân sinh con. Cô đặt tên con là Duyên. Chiến tranh biên giới nổ ra cả cô Nhân và ông phó giám đốc “thanh-phụ-công” cùng rất nhiều người nữa bị giặc bắn chết. Nông trường bị đốt phá. Bé Duyên được ông bà ngoại đưa về quê nuôi. Lớn lên cô bé xin làm công nhân nông trường của mẹ ngày trước. Nó quyết tìm hiểu rõ gốc gác của mình. Có người còn nhớ lại chuyện hai mươi năm trước đã kể cho cô bé nghe. Duyên tìm lại hồ sơ của cơ quan. Cơ quan nông trường bộ bị đốt phá, các loại tài liệu, giấy tờ bị cháy, bị mất rất nhiều. Người ta chỉ còn tìm thấy cái biên bản bắt quả tang, cái quyết định kỷ luật, một tấm ảnh chụp chung chi đoàn của mẹ… Thế là cô bé quyết đi tìm gã vì nghĩ đó chính là bố đẻ ra mình. Cuộc hành trình đi tìm cha của cô thật li kỳ và khó khăn. Nhưng nó đã bị lệch hướng, sai ngay từ đầu.
Biết có sự nhầm lẫn nhưng gã thấy thật khó giải thích rõ ràng. Mà biết giải thích thế nào bây giờ. Ngày ấy người ta đã đổ riệt cho gã rồi. Gã từng cãi mãi mà chẳng ai thèm nghe. Bây giờ nhân chứng, vật chứng đều không còn, quá khứ đã mù mờ. Trong khi đó cô gái thì rạng rỡ trong niềm vui gặp được bố. Không quan tâm nhiều lắm chuyện bố đang là phạm nhân phải ngồi tù, nó nắm tay gã bảo: “Hàng tháng con sẽ đến thăm bố. Từ nông trường đến đây cũng không xa lắm bố ạ…”. Con bé giữ đúng lời hứa. Nó thường xuyên đến thăm gã. Lần nào gã cũng định phải nói thật rõ ràng cho nó biết mọi chuyện nhưng cứ nhìn thấy nét mặt vui vẻ của con bé là gã lại không nói được. Mà có nói thì chắc gì nó đã tin.
Kể từ khi gặp con bé, gã bắt đầu có sự thay đổi. Gã chấp hành nội quy của trại tốt hơn, làm việc chăm chỉ, cải tạo tốt hơn. Gã cũng không hiểu từ lúc nào mình lại dễ xúc động và mềm yếu hẳn đi. Hàng tháng gã tự dưng bồn chồn hay ngong ngóng con bé lên thăm.
Một hôm cái Duyên đến thăm gã. Nhìn nét mặt nó có vẻ buồn gã thấy lo lo. Gã chưa kịp hỏi thì con bé đã oà khóc. Gã hoảng hốt nghĩ hay là nó đã biết hết mọi chuyện rồi. Gã tự trách mình là tại sao không nói rõ ràng mọi chuyện ngay từ đầu. Cái Duyên chùi nước mắt bảo:
- Bố ơi! Thế là con không còn đến thăm bố được nữa rồi…
- Sao thế?
Gã buột miệng vẻ hốt hoảng. Con bé ngập ngừng mãi mới nói tiếp:
- Con… con… vừa được cử đi học thêm ở nước ngoài. Con sắp phải đi rồi bố ạ!
Gã cố nén thở phào nhẹ nhõm. Gã hỏi:
- Bao giờ con đi?
- Khoảng hơn hai tháng nữa bố ạ! Con phải chuẩn bị các tài liệu cần thiết để sang bên đó còn làm luận án. Nhưng con sẽ cố bố trí để lên thăm bố một lần nữa…
- Không phải lên thăm nữa đâu. Tập trung vào việc chuẩn bị đi học cho chu đáo con ạ! - Gã bảo.
Cái Duyên không đến thăm gã như đã hứa. Chắc nó quá bận. Hôm gã nhận được thư của nó cũng là hôm gã được đặc xá. Gã vội vàng bắt xe về cái nông trường ngày xưa từng làm việc. Gã mong gặp ngay cái Duyên. Gã dự định sẽ nói hết mọi chuyện cho nó biết, cho dù nó có tin hay không. Gã về đến nông trường thì đã quá trưa. Ở đây chả ai biết gã nữa. Lớp cán bộ, công nhân bây giờ mới cả. Hỏi thăm gã mới biết cái Duyên đã về Hà Nội để ngày mai lên máy bay. Mọi người khuyên gã nên về ngay Hà Nội còn kịp ra sân bay tiễn con. Thế là đang giữa trưa nắng gã đã cuốc bộ dọc con đường đất đỏ ra ga kịp chuyến tàu chợ xuôi lúc chập tối.
Gã cắm cúi rảo bước. Vừa đi gã vừa lẩm bẩm: “Ta là kẻ độc hành… ta mãi là kẻ độc hành…”. Chợt có một cơn gió thổi ào ào qua thung lũng nông trường. Không gian bớt hẳn sự oi nóng. Con đường độc đạo phía trước mặt gã hình như ngắn lại đôi chút.
Hà Nội, tháng 2-2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét