Mỹ nhân xóm trại
Truyện ngắn của Trọng Bảo
Một cô gái xuống xe đò hỏi đường về xóm Trại. Lão Tộ đang be bờ tát bắt cá ở rãnh mương ven đường há hốc mồm kinh ngạc. Chưa bao giờ thấy có một người con gái đẹp đến thế vào cái xóm ven rừng này. Lão hơi gượng gập khoác cái áo bộ đội cũ lên che cái thân hình đen đúa trơ xương sườn của mình. Cô gái hỏi nhà bà Nhâm. Bà Nhâm chính là hàng xóm của lão. Bà này mới về ở xóm trại được độ hơn hai năm, là cư dân mới nhất xóm.
Lão Tộ cố nghiêng nghiêng người để khỏi lộ cái quần đùi rộng thùng thình và đôi chân đen đúa của mình.
- Cô cứ đi đến chân dốc kia thì rẽ trái, rồi lại rẽ trái thêm một lần nữa là vào cổng nhà bà Nhâm!
- Vâng! Em cảm ơn bác ạ!
- Ôi chết! - Lão Tộ giật mình. Cô bé này sao lại xưng em với lão. Lão thấy hơi ngường ngượng. Mặt lão nóng bừng đỏ lên. May mà mặt mũi lão lấm đầy bùn đất nên cô bé không nhận ra. Một con cá chuối giẫy đành đạch lao qua háng lão làm bùn bắn lên tung toé. Lão Tộ vội cúi xuống bắt cá. Cô gái chào lão rồi xách túi đi về phía xóm Trại. Dáng cô thật mềm mại và yểu điệu. Ngẩng đầu lên nhìn trộm những cái dây đeo hằn lên trên tấm lưng thon thả của cô gái lão Tộ lén nuối ực một cái.
Lão Tộ xách giỏ cá về nhà. Đến cái quán nước đầu xóm thì lão đã rõ lai lịch của cô gái. Cô gái đó tên là Hương, cháu nội của bà Nhâm. Cô gái này đi học đại học ở nước ngoài rồi học tiếp mãi lên, bảo vệ xong luận án tiến sĩ bây giờ mới về nước làm việc. Cô đã lặn lội lên tận nơi xóm núi heo hút này tìm bà nội.
Có lẽ đây là lần thứ hai bà Nhâm có khách từ xa đến thăm. Lần trước khi bà mới về đây ở cũng có một ông từ Hà nội đánh xe ô tô lên. Lúc ấy lối vào xóm trại còn chưa được mở rộng. Xe ô tô phải để ở mãi ngoài con đường liên xã. Ông cán bộ xách giày lội ruộng vào nhà bà Nhâm. Đó là ông con nuôi của bà. Ông ta ở nhà bà nửa ngày. Đến bữa trưa bà phải nhờ người đem cơm ra cho anh lái xe ngoài đường. Anh này không dám vào nhà bà Nhâm ăn cơm vì sợ bọn trẻ con nghịch cào xước sơn chiếc xe du lịch bóng lộn. Ông con nuôi lên là để thuyết phục bà Nhâm quay về thủ đô nhưng bà không chịu. Khi ông ta đi rồi thì mọi chuyện mới vỡ ra.
Bà Nhâm vốn là công nhân quét rác ở Hà Nội. Trong chiến tranh bà vác đạn lên trận địa cho bộ đội cao xạ bắn máy bay Mỹ. Trong một trận máy bay địch đánh phá bà bị trúng mảnh bom. Vết thương ấy khiến bà mất chức năng sinh nở nên không lấy được chồng. Một đêm đi làm vệ sinh đường phố, bà nhặt được một thằng bé sơ sinh bị bỏ rơi ở trong đống rác cạnh một miệng cống nước thải. Ôm thằng bé về nhà bà thấy niềm vui cứ dâng lên râm ran trong người. Có lẽ đây là số trời thương hại đã bù lại cho bà thiên chức làm mẹ. Tuy vậy bà nuôi thằng bé thật vất vả. Thời bao cấp lại chiến tranh cái gì cũng thiếu. Bà ôm thằng bé đi xin sữa. Nhà bà ở gần bệnh viện sản khoa nên bà thường bế nó vào lân la xin bú nhờ các bà đẻ. Bà chắt chiu từng lon sữa mậu dịch phân phối để nuôi thằng bé nên người. Những lúc nó ốm đau sài đẹn bà lo lắng đến mất ngủ. Bà cố lo cho nó đi học bằng chúng bằng bạn. Cứ tưởng hiểu rõ thân phận mình nó sẽ hiếu thuận với bà hơn. Nhưng ngược lại.
Khi làm đến chức vụ cao ở một bộ nọ, đứa trẻ bị bỏ rơi-ông con nuôi của bà Nhâm lại cảm thấy rất xấu hổ vì bà mẹ nuôi của mình là một người quét rác. Bà làm nghề quét rác từ khi còn trẻ. Cho đến lúc ốm yếu nghỉ chế độ bà cũng chỉ có duy nhất có mỗi một nghề quét rác. Ông ta thường rất ngại mỗi khi có khách khứa đến chơi bà hay kể chuyện ngày xưa đi quét rác nhặt được gói tiền đem nộp công an trả lại cho người mất được biểu dương trên loa truyền thanh của phường mấy lần. Bà cũng hay nói chuyện đã nhặt được ông nằm co quắp khóc không thành tiếng trong đống rác thải bên cái cống thoát nước thải như thế nào. Mấy lần ông con nuôi đã cáu bẳn với bà ngay cả khi khách khứa còn đang ngồi đầy nhà. Ông luôn khó chịu với bà từ xuất thân cho đến tính thật thà tai hại của bà. Có lẽ vì thế mà dần dần cái hố ngăn cách ông và bà càng ngày càng một lớn.
Một lần do bực với bà ông buột miệng nói: “Xét cho cùng tôi với bà cũng chả có quan hệ máu mủ gì!”. Bà Nhâm giận quá liền bỏ về xóm Trại là nơi năm xưa đã đưa con về sơ tán khi máy bay B52 của Mỹ rải thảm vào Hà Nội tháng 12 năm 1972. Bà được ông trưởng thôn cho ở nhờ gian nhà kho cũ. Bà con xóm Trại giúp cây que, ít gạch làm cho bà một căn nhà nhỏ chỗ gò đất cuối xóm. Ông cán bộ đánh xe về năn nỉ bà trở về thành phố nhưng bà không chịu. Cô con gái ông từ nước ngoài trở về rất giận bố vì chuyện để bà nội bỏ lên xóm Trại. Cô vội vã bắt xe lên tìm bà nội.
Lão Tộ xách xâu cá rô, cá trê sang nhà bà Nhâm. Thỉnh thoảng bắt được nhiều cá lão vẫn đem sang biếu bà vài con. Ở cái xóm trại này ai cũng bảo lão là một con rái cá. Nhà lão lúc nào cũng có cá đồng để ăn, để bán. Bà Nhâm và cô cháu gái đang bổ những quả trám trắng để phơi. Hai bà cháu vừa làm vừa nói chuyện ríu rít. Nhìn xâu cá của lão Tộ, bà Nhâm thích quá bảo:
- Thế là chiều nay bà cháu tôi có bữa cá đồng kho trám ngon đây! Hay là ông ở lại ăn cơm cùng hai bà cháu tôi nhé!
Lão Tộ vội chối:
- Hôm nay nhà tôi có giỗ! - Lão ta nói dối.
Cô cháu gái bà Nhâm lấy nước mời lão. Lão như bị điện giật khi bất chợt nhìn thấy một khoảng ngực trần tròn căng khi cô cúi xuống rót nước cho lão. Ra về đến nhà rồi mà trong ánh mắt lão vẫn còn đọng lại hình ảnh bầu ngực tròn căng của cô gái. Mẹ kiếp, lão nghĩ cả đời mình chưa thấy cô nào có bộ ngực đẹp như thế. Mà cả đời lão sinh ra và lớn lên cho đến lúc hai ba thứ tóc trên đầu chỉ loanh quanh ở cái xóm núi này thì làm gì mà nhìn đâu thấy chứ. Con gái xóm Trại chưa biết lớn đã biết lấy chồng. Lúc có con thì vú dài loằng ngoằng như quả mướp, ở chỗ đông người cũng cứ tự nhiên lôi ra cho con bú, trông thấy đã chán. Vợ lão cũng vậy. Lúc trẻ thì giấu giấu diếm diếm. Ngủ với nhau thì đèn tắt om om. Lúc về già thì phơi ra ma chả buồn nhìn.
Mải nghĩ, suýt nữa lão Tộ giộng cái chày giã cua vào mu bàn chân. Từ trong bếp mụ vợ lão riết gióng nói vọng ra:
- Ông làm gì mà giã lâu thế! Có nhanh nhanh lên không, hai thằng trời đánh nó sắp về rồi đấy.
- Xong đây rồi… - Lão Tộ lẩm bẩm. Lão vét nắm cua đã giã nhỏ vào bát loa đem xuống bếp cho mụ vợ lọc lấy nước cốt nấu canh. Hai thằng con lão đang đi chặt cây trên rừng, chúng nó về đến nhà là phải có cơm ăn ngay. Chúng nó đang tuổi ăn, tuổi làm khoẻ. Thằng con lớn vừa suỵt soạt húp canh cua vừa hỏi:
- Nhà bà Nhâm có cô nào đẹp thế mẹ nhỉ?
- Hỏi bố mày ấy! Bố mày sang nhà bà ấy mãi không về được đấy…
Lão Tộ nổi cáu:
- Bà câm mồm đi!
- Chắc là dân Hà Nội chính gốc bố nhỉ?
- Tao không biết!
- Bố còn mang cá sang biếu cô ấy mà lại không biết…
- Mày cũng câm đi mà ăn cho xong còn dọn!
Thằng con lớn cười ngặt nghẽo. Nó và vội bát cơm rồi vớ cái ấm siêu đựng nước sôi để nguội ngửa cổ tu một hơi. Khi lão Tộ ăn xong thì hai anh em nó đã biến mất. Hai anh em nó chắc là lại sà vào cái quán trò chơi điện tử vừa mới mở ở đầu xóm.
Lão Tộ vừa ngả người xuống cái chõng ở thềm thì có tiếng kêu cứu thảm thiết ở giữa xóm. Lão vội nhỏm dậy. Lại vợ chồng thằng Lãm đánh nhau. Hai vợ chồng thằng này dăm ngày ba trận choảng nhau kêu gào đến vỡ xóm. Lão Tộ định nằm xuống nhưng thấy không yên. Lão vớ cái đèn sạc chạy ra cổng. Đường làng nhốn nháo. Ánh đèn soi loang loáng. Lão Tộ nhao đến chỗ đám đông. Vợ thằng Lãm đầu be bét máu đang được mấy người xúm lại băng bó. Còn thằng Lãm hung hăng thì đang giãy giụa cố thoát khỏi đôi tay khoá chặt của một cô gái. Đó chính là cô bé Hương, cháu nội bà Nhâm. Cái thằng côn đồ từng gây gổ khắp xóm thế mà chịu bị khoá tay vì một cô gái. Hắn đang hò hét đuổi theo chém vợ thì bị cô gái chặn lại. Nhìn cô bé mặc quần lửng, áo hai dây trắng như bột lọc hắn coi thường xông tới. Hắn đâu có biết cô vốn là một vận động viên võ thuật từng đoạt giải nhì thi đấu võ thuật học sinh sinh viên toàn quốc.
Anh công an xã giờ mới đến. Anh rút cái còng bập vào cổ tay nó khoá tách một cái. Thằng Lãm bị dẫn về trụ sở xã để xử lý. Chắc lại bắt làm kiểm điểm, cảnh cáo rồi tha cho nó về như mọi bữa. Nhưng lần này nó có thêm bài học là biết thế nào là một cú đá móc hàm của một nữ võ sĩ. Hai tay vẫn chốt chặt trong còng, quai hàm hắn còn đau êm ẩm vì cú đá của cô bé nhưng không hiểu sao hắn lại không thấy tức mà lại thấy thinh thích. Hắn nhớ lúc cô gái áp sát hắn để tước con dao quắm. Bộ ngực cô chà sát vào tay hắn. Hình như buổi tối cô mới tắm xong không mang mặc các loại phụ tùng của phụ nữ. Hắn nhớ như in cái cảm giác sau lần áo mỏng là sự tròn trịa nây nẩy của người con gái đẹp.
Lão Tộ không đi theo đám người dẫn giải thằng Lãm lên trụ sở uỷ ban xã. Lão quay về nhà ngủ sớm để ngày mai lên rừng. Có mối quen từ thành phố về đặt mua lão mấy chục cân phong lan rừng.
*
Lão Tộ khoác cái ba lô cũ xách dao đi vào rừng. Mùa hè vào đến rừng là thấy mát mẻ sảng khoái hẳn lên. Rừng già rậm rạp là một cái máy điều hoà nhiệt độ khổng lồ vừa mát rượi lại vừa có không khí trong lành.
Cũng như những lần trước, muốn tìm và lấy được phong lan lão phải đi vào tận trong rừng già mới có.
Vừa đi, lão vừa chú ý quan sát phát hiện những nhánh lan rừng mọc trong khe đá hay trên các hốc cành cây. Phong lan thường không chịu được nắng chiếu vào trực tiếp mà cũng không ưa mưa dầm. Chúng chỉ mọc trong vùng ánh sáng khuếch tán và ẩm độ vừa phải. Hiểu rõ những đặc tính ấy của phong lan nên lão Tộ thường đi dọc theo những con suối hoặc theo đường thông thủy, tức là nơi giao nhau của hai chân ngọn đồi. Phải tinh mắt và có kinh nghiệm thì mới nhìn thấy được phong lan. Khi thì phong lan đeo vắt vẻo ở tận ngọn cây cao, khi thì mọc um tùm chỉ ngang tầm tay, kiễng chân lên với là lấy được. Mùa đông nhiều loại phong lan rụng lá hoặc chuyển sang chế độ ngủ thì chúng chỉ còn là những đoạn thân giả hành nằm bám lăn lóc trên thân cây, vách đá. Nhiều khi lúc đi vào rừng tìm mãi không thấy, lúc quay về lại gặp được phong lan. Có lần lão Tộ nhìn thấy một bụi lan thủy tiên rất to, chừng phải đến ba bốn chục cọng nhưng nó mọc trên thân cây to khá cao, xung quanh cây không có dây leo nên không thể nào trèo lên lấy bụi lan được. Lão phải lộn đi, lộn lại mấy lần tìm nối một cây sào thật dài mới ngoặc được bụi phong lan. Loại lan thuỷ tiên mà đang có nụ bán rất được giá.
Lấy được một gùi phong lan nặng, lão Tộ quay về xóm. Lão men theo con suối đang chảy ào ào. Đêm hôm qua đầu nguồn có mưa to. Tuy thế nước chảy từ trong rừng già ra vẫn trong mát. Dòng nước đập vào những gộp đá giữa suối tung bọt trắng xoá.
Đang lụi hụi đi thì lão Tộ chợt nghe lẫn trong tiếng nước chảy có tiếng hát. Đoạn này đã gần đến xóm núi rồi. Lão đứng lại trân trân ngó ra phía bãi bồi ngoài bờ suối. Người lão chợt nảy dựng lên như bị điện giật. Trên doi cát nhỏ trắng phau ven suối cô cháu gái bà Nhâm đang vừa khe khẽ hát vừa cởi quần áo. Có lẽ cô bé này định xuống suối tắm. Lão Tộ tưởng như sắp tắc thở khi nhìn thấy cơ thể ngọc ngà của cô gái dần dần hiện ra. Lần đầu tiên trong đời lão được nhìn thấy một người con gái đẹp khoả thân như thế này. Lão thấy tim mình đập loạn. Lão lâng lâng thấy mình đang bay lên trời. Hình như trong lão có cái gì đang cựa quậy. Ánh mắt tinh tường của lão dán chặt lên từng chi tiết đường nét cơ thể tuyệt vời của người con gái. Lão cấu mạnh má mình một cái xem có phải là thật hay mơ. Đau quá. Đúng là thật rồi, không phải mơ.
Một giọt mồ hôi lăn xuống mắt, lão giơ tay dụi. Lúc mở mắt ra thì lão Tộ không còn trông thấy cô gái đâu nữa. Cô bé đã phóng xuống dòng suối đang cuồn cuộn chảy. Thôi chết rồi, nguy hiểm quá. Chỗ cô gái nhảy xuống tắm rất gần một xoáy nước sâu và mạnh. Dòng suối chảy đến đây bị một mỏm đá nhô ra chắn ngang. Giữa mỏm đá ấy có một cái hang nhỏ thông qua xuống phía dưới. Khi suối cạn, cái hang ấy khô có thể khom người chui qua được. Hang có độ dốc nên khi lũ dâng cao, nước bị hút qua hang thành một dòng chảy rất mạnh như một chiếc cống ngầm. Đã có người đi bè đến đây ngã xuống suối bị hút vào đó quăng quật đập vào thành hang lởm chởm trôi qua xuống phía dưới rách nát hết người.
Lão Tộ vội chạy nhô ra bờ suối quát:
- Lên… lên… ngay đi!
Nhưng hình như cô bé Hương không nghe thấy. Cô sải tay bơi gần đến chỗ xoáy nước. Cô bị cái xoáy nước hút mạnh quay tròn. Lão Tộ ném vội gùi phong lan lao xuống nước. Khi cô gái đang vùng vẫy cố thoát khỏi lực hút của dòng nước thì lão Tộ kịp bơi đến. Lão quào tay ôm tóm được cô gái. Cả hai bị dòng nước mạnh ép vào vách đá. Lão Tộ thấy đôi chân mình bị hút mạnh vào miệng hang. Lão một tay vẫn ôm chặt cô gái, một tay quờ tóm được cành cây mọc trên sườn mỏm núi xà xuống. Người cô gái mềm mại, trơn tuột không có chỗ nào để giữ chặt được cả. Lão Tộ phải cố gắng lắm mới không để cô bé bị hút vào miệng hang đá ngầm. Lão biết mình đã nắm vào chỗ không nên nắm trên người cô gái. Khi đã đạp mạnh chân vào được một mô đá thì lão Tộ có lực rướn người lên để thoát ra khỏi lực hút của xoáy nước. Lão và cô gái bám chặt vào vách đá. Hai người cố trằn mình để thắng sức mạnh của dòng nước. Họ tuồi được ra phía đầu mỏm đá, nơi dòng suối chảy quặt xuôi, tránh xa dần cái hang đá lởm chởm như miệng một con cá sấu đang hút nước òng ọc.
Lão Tộ và cô gái bơi lên chỗ bãi cát. Họ đã kiệt sức vì chống chọi với dòng nước xiết và vì vừa thoát khỏi cái chết gần như trong gang tấc. Cả hai cùng bò lên bờ nằm vật ra bãi cát thở dốc. Trên người cô gái còn in hằn dấu ngón tay của lão Tộ.
Chợt nhận ra mình đang khoả thân, cô gái vội nhỏm dậy một tay ôm lấy ngực, một tay bưng che chỗ kín. Lão Tộ cũng ngồi bật dậy nhớn nhác nhìn quanh. Rừng già vắng vẻ. Chỉ có tiếng suối chảy ào ào không dứt. Cô gái đã tìm được quần áo. Cô lặng lẽ đứng ngay sau lưng lão mặc quần áo. Lão Tộ cố giả bộ nghển mặt ngó nghiêng tìm cái gùi hoa phong lan của mình. May gùi phong lan không bị nước lũ cuốn đi. Lão gỡ một giò phong lan đang nở hoa rất đẹp đưa cho cô bé.
Cô bé cúi đầu vừa mân mê cái đuôi tóc ướt vừa khẽ nói:
- Em cảm ơn bác!
- Không… không… có gì…tôi…tôi…
Lão Tộ như bị hụt hơi nói không lên lời. Lão vẫn sợ. Suýt nữa lão và cô bé này bị dòng nước hút vào cái hang ngầm rồi. Lão thu thu bàn tay phải của mình lại giấu vào cạnh sườn như sợ cô bé nhìn thấy bàn tay thô nhám, đen đủi của mình. Chính cái bàn tay này lúc nãy dưới suối đã túm chặt một bên ngực của cô bé khi cố giữ cho cô khỏi bị hút vào cái hang ngầm cuồn cuộn nước lũ.
Cô cháu nội bà Nhâm ở chơi xóm Trại cả tuần. Cô lân la đi khắp các nhà trong xóm núi. Gặp ông trưởng xóm cô góp ý nên sửa sang lại nhà mẫu giáo và mua thêm một ít đồ chơi cho các cháu. Ông trưởng thôn kêu không có tiền. Cô gái rút máy điện thoại di động ra gọi. Một chiếc xe tắc-xi rẽ vào xóm Trại. Cô cùng một chị nhân viên nhà mẫu giáo lên xe. Buổi chiều họ trở về cùng một chiếc xe tải nhỏ chở theo một đống đồ chơi và những bộ bàn ghế nho nhỏ xinh xinh. Ông trưởng thôn áng chừng phải mất đến gần hai chục triệu mới mua được bấy nhiêu thứ. Cô hứa khi về đến cơ quan sẽ tìm cách vận động tài trợ cho xóm Trại xây lại cái nhà mẫu giáo khang trang hơn.
Ông trưởng thôn huy động cả xóm ra dọn dẹp, tu sửa lớp mẫu giáo. Mọi người ủng hộ, đóng góp vật liệu để xây trát lại những chỗ tường bị lở lói, quét vôi ve sáng trưng, phạt cây dọn cỏ xung quanh nhà. Cô bé Hương mặc quần lửng áo ngắn tay cùng vui vẻ làm với mọi người. Thằng Lãm bị xã phạt lao động công ích một tháng bị tội đánh vợ. Nó cởi trần trùng trục xúc đất khơi con mương thoát nước sau lớp học theo sự chỉ huy của cô Hương. Ai cũng ngạc nhiên vì thằng này hôm nay lại chịu khó làm không biết mệt. Nó vốn là một thằng lười biếng.
Nhà bà Hương thành nơi cho đám thanh niên kéo đến hò hát. Xóm Trại quanh năm im lìm tự dưng sôi động hẳn lên. Nói chính xác hơn là trước đó thỉnh thoảng xóm Trại cũng sôi động. Đó là mỗi lần thằng Lãm đánh vợ hay bà Mứt mất gà. Thằng Lãm đánh vợ thường ầm ĩ như sắp có đám đâm chém, giết người. Nó đuổi vợ chạy khắp xóm. Nhưng thằng này chỉ được cái hùng hổ thế thôi. Hôm trước ném vợ chảy máu đầu bị công an xã giam một tối trong nhà kho làm mồi cho muỗi rừng đốt cũng thấy hãi. Còn bà Mứt mỗi lần bị thằng trộm nào đó tóm mất con gà hay bê mất ổ trứng thì chắc chắn bà ấy phải chưởi rủa, mắng nhiếc cả tuần. Nửa đêm dân xóm đang ngủ yên cũng giật cả mình tỉnh giấc khi nghe tiếng bà Mứt réo chưởi kẻ trộm. Bà này ngẫu hứng, thích chưởi lúc nào là chưởi. Ông trưởng thôn bực lắm. Cô bé Hương nảy ra một sáng kiến bèn góp ý cho ông trưởng thôn:
- Khi nào bà ấy chưởi bác cứ cho ghi âm lại!
- Để làm bằng chứng kiểm điểm bà ấy trước dân xóm à?
- Không! Khi nào bà ấy vui vẻ, bác đem sang mở lại cho bà ấy nghe.
Bà Mứt ngượng đến đỏ cả mặt khi nghe lại chính lời chưởi rủa ngoa ngoắt của mình. Từ ấy bà bớt làm náo động cả xóm mỗi khi bị mất gà.
Một buổi tối, lão Tộ chợt tóm được thằng Lãm đang lò dò ở gần cổng nhà bà Nhâm. Lão quát:
- Mày làm gì mà lần mò ở đây hả! Đi ăn cắp phải không?
- Lão đừng có mà nói bậy!
- Thế cái gì mày đang cầm trong tay kia? - Lão Tộ soi đèn rồi kêu lên: - A… sắn hả! Mày nhổ trộm sắn này ở đâu, khai ra ngay?
- Lão im đi! Sắn nhà tôi đấy. Nhà tôi có khối việc gì phải đi nhổ trộm?
- Thế mày mang đi đâu hả?
- Thì… mang sang biếu bà Nhâm… - Thằng Lãm chống chế rồi hỏi: - Thế còn Lão cũng đang xách cái gì thế? Lại thó được của nhà ai phải không?
- Câm mồm! Thứ này nhà nào có mà thó! Tao lấy ở trong rừng đấy!
Lão Tộ chìa ra một giò quế lan hương có mấy chùm hoa đang nở. Mùi hương thơm của loài hoa phong lan nở vào đầu mùa Thu cứ ngan ngát trong đêm một cách quyến rũ. Thằng Lãm cười cười:
- Thế đêm hôm lão đem phong lan đi đâu hả?
- Tao… tao… đem… đem…
- Chắc là lão đem biếu bà Nhâm chứ gì? Bà ấy già rồi mà có thấy bà ấy chơi hoa phong lan bao giờ đâu nhỉ? - Thằng Lãm nói móc.
- Thế chắc bà ấy thèm ăn sắn của mày hả?
Lão Tộ vặn lại. Lão và thằng Lãm gầm gừ nhau một lúc. Rồi cả hai cùng cười phá lên. Ngày mai cô cháu gái bà Nhâm xuôi về Hà Nội. Họ đến chơi để tiễn chân cô ấy.
Lão Tộ và thằng Lãm cùng đi vào. Nhà bà Nhâm đã đông chật người. Toàn là dân xóm Trại. Các cháu lớp mẫu giáo đang múa hát ngoài sân. Cô bé Hương có vẻ rất xúc động khi nhận những món quà của lão Tộ và của thằng Lãm.
Bà Nhâm mời lão Tộ và thằng Lãm vào trong nhà ngồi uống nước với đám người đến trước. Mấy người này đang bàn tán việc cô Hương hứa sẽ luôn về thăm xóm Trại.
Hà Nội, 8-2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét