Gã đốt than
Truyện ngắn của Trọng Bảo
Gã vốn xuất thân từ một gia đình ba đời làm nghề đốt than.
Quê gã ngày xưa là một miền rừng núi nhiều cây cối. Những cây gỗ lim, gỗ de, gỗ rùa mấy người ôm không xuể. Thời Pháp thuộc khi làm con đường tàu hoả lên Lao Cai người ta về quê gã khai thác gỗ làm tà vẹt. Họ chỉ lấy những đoạn gỗ thẳng còn bìa ván và cành cây vứt ngổn ngang. Ông nội và bố gã cưa cắt những đoạn cành cây ấy rồi đốt lấy than bán cho các lò rèn chuyên làm nông cụ, giáo mác ở chợ. Nghe nói ông nội gã từng được cụ Đề Thám ban khen, tặng cho một cái áo lụa vì có công cung cấp than cho các lò rèn vũ khí khi nghĩa quân Yên Thế về lập căn cứ tại khu vực núi Tam Đảo đánh Pháp.
Bố gã ngày ấy thường ăn ngủ luôn trên rừng bên cạnh lò than. Đốt than cũng không phải là việc đơn giản. Gỗ dùng để đốt than phải là thứ gỗ tốt, rắn, khi cháy thành than rồi vẫn còn chứa một hàm lượng các-bon cao để tiếp tục cho nhiệt lượng khi dùng đốt nung sắt thép. Lò đốt than chính là một cái hố vuông đào sâu độ một mét. Những cành cây cưa cắt ngắn được xếp xuống hố chụm khít vào nhau vồng lên khỏi mặt đất. Sau khi nổi lửa đốt than là phải luôn luôn canh chừng. Lúc những khúc gỗ vừa cháy hết phải tưới nước và lấp lò lại ngay. Đốt lò rồi mà lỡ mà ngủ quên than cháy tàn thành tro hết. Bố gã kể lại có một lần những khúc gỗ vừa cháy hết ông định rẩy nước để lấp lò thì nghe có tiếng động lạ và mùi hôi hám xộc tới. Ông ngó ra xung quanh. Trong ánh lửa nhập nhoạng ông nhìn thấy một con hổ to lớn đang lởn vởn xung quanh, đôi mắt sáng rực của nó trừng trừng nhìn mình. Ông sợ hãi lùi lại ngồi sát vào lò than. Lửa bỏng rát cả lưng nhưng ông không dám lấp lò. Vì nếu để lửa tàn thì ông cũng mất mạng ngay. Con hổ không dám lao vào ông vì nó còn sợ đống lửa cháy rần rật. Nó ngồi phục đến sáng bạch mới chịu bỏ đi. Lần ấy ông mất đứt một lò than to sau mấy ngày cắt cành cây, đào hố, đốt lò.
Gã mới mười tuổi đã theo bố lên rừng đốt than. Có phải vì thế nên gã có nước da đen nhẻm như than hay không. Gã giúp bố khuân những khúc gỗ xếp xuống lò, chặt lá tươi để ủ lên khi lấp đất om than. Lớn hơn một chút gã có thể ngồi kéo cưa cắt cành cây với bố. Gã lớn lên trong rừng. Học hành bữa đực bữa cái. Khi thành một thằng thanh niên to lộc ngộc gã bỏ học suốt ngày hì hục bên cái lò than.
Lúc gã một mình tự đảm nhiệm được việc đốt lò than thì bố gã đã già yếu. Ông không làm được những việc nặng nhọc nữa. Một đời làm nghề đốt than, cái vất vả, khói than đã làm cho ông xuống sức nhanh. Nhiều bữa lên rừng ông chỉ ngồi thở dốc nhìn con làm. Tuy vậy làm nghề đốt than cũng có lúc nhàn. Đó là khi lò đã lấp kín chờ than nguội. Những lúc ấy, ông lại lôi từ cái bao tải rách ra một cuốn sách để đọc. Ông rất thích đọc truyện kiếm hiệp, truyện cổ tích. Mấy cuốn sách truyện của Trung Quốc đóng bìa cứng ông đã mua được trên phố bằng tiền bán than. Những cuốn sách ấy đã theo ông bao năm trên rừng, làm bạn với ông khi nằm canh chờ lấy than. Những trang sách nhọ nhem màu than củi. Ông đọc mấy cuốn truyện Tàu gần như thuộc làu. Ông thích nhất là chuyện "Ngu công rời núi".
Có lẽ vì mê câu chuyện cổ tích này của Tàu nên ông đặt tên cho bốn đứa con là: "Ngu-Công-Rời-Núi". Gã là con cả nên tên là Ngu. Lớn lên chỉ có mình gã nối nghiệp đốt than của ông nội và của bố. Thằng Công em kế gã vào bộ đội, con Rời đi làm công nhân đào đất vá đường. Thằng Núi là em út gã đang học trường cao đẳng sư phạm tỉnh. Thằng em út được học hành đến nơi đến chốn cũng là nhờ những gánh than của bố và anh nó. Gã là thằng thua thiệt nhất nhà. Nhưng gã không ganh tỵ với các em. Gã nghĩ mình là anh cả thì phải chịu hy sinh, thiệt thòi. Có lẽ đời gã sẽ vĩnh viễn là một thằng đốt than.
Một hôm trên đường vào rừng chuẩn bị cho một lò than mới gã bắt gặp một lão ăn mày đang ngồi ở ven đường. Nhìn thấy gã lão chìa tay ra xin. Gã dừng lại lục trong cái bao tải đen đúa tìm đưa cho lão nắm cơm gói trong mo cau. Lão ăn mày cầm nắm cơm chăm chú nhìn gã rồi bảo:
- Cậu có số làm quan sao lại đi đốt than?
- Cháu học hành lởm khởm quan với tước gì hả ông?
- Không cứ! Ở đời ăn thua nhau là ở cái số thiên định. Kẻ có muốn cũng chả được, người không muốn vẫn cứ thành... Duy có điều là cậu phải cố mà tránh chuyện "cáo chết ba năm quay đầu về núi đấy!".
- Nghĩa là thế nào ạ?
Lão ăn mày không trả lời. Trước khi bỏ đi lão chỉ nói thêm:
- Đời cậu sắp có hai việc lớn đấy!
Nói xong lão đeo bị, cầm nắm cơm, chống gậy đi luôn. Gã há hốc mồm nhìn theo lão ăn mày chả hiểu ra làm sao. Lão ăn mày đi khuất gã mới rẽ vào lối cửa rừng. Vào đến chỗ đốt lò than hôm trước, gã bới đất nhặt những cục than đã nguội xếp vào bao. Đây là số than hoa đốt bằng thân cây trảu của nhà hàng ăn uống ngoài phố chợ đặt riêng dùng chuyên để quạt nướng thịt. Gã đã phải đi khắp cánh rừng mới có đủ số gỗ trảu cho lò than này. Trời hình như sắp mưa. Gã vun nhanh đống than để đưa vào cái chòi lá cọ để khỏi bị ướt. Than củi mà bị mưa ướt thường cháy rất kém, khách hàng hay chê.
Vừa đóng xong bốn bao than thì trời mây đen vần vũ. Cũng vừa may có khách đến lấy than. Đó là bà chủ nhà hàng ăn uống và hai người gánh thuê. Bà chủ vừa xem chất lượng than vừa liếc gã. Gã nhìn người đàn bà. Có lẽ chị ta phải hơn gã đến cả chục tuổi. Sao lại có người trắng đến thế. Dân phố có khác! Chị ta đứng cạnh đống than nên nước da đã trắng lại càng thêm trắng. Gã lướt nhìn xuống tay chân mình. Không khác gì cái cột nhà cháy dở, đen nhem nhẻm như than. Nhận xong hai gánh than gỗ trảu, liếc nhìn cơ thể cường tráng của gã đốt than người đàn bà nói với hai người gánh thuê:
- Gánh ngay về đi kẻo mưa hỏng hết than. Tôi thanh toán cho chủ lò rồi về sau!
- Vâng... vâng...
Hai người gánh thuê đáp và vội vã cất gánh lên vai rảo bước ra phía cửa rừng. Nhìn theo hút hai người đi khuất, người đàn bà mới bảo:
- Chị thanh toán tiền than cho chú em nhé!
Gã theo chị ta vào lều để nhận tiền. Chị ta ngồi xuống cái sạp nứa. Gã đứng co ro bên cạnh. Bắt đầu có những hạt mưa lộp độp rơi xuống. Gió hơi lành lạnh. Người đàn bà bảo gã ngồi xuống bên cạnh và vén vạt áo rút gói tiền từ trong bụng ra. Gã giật thót mình khi nhìn thấy một mảng bụng trắng phau của chị ta. Người đàn bà đếm tiền. Gió thổi thông thốc vào lều. Vạt áo của chị ta cứ bay hất ngược lên. Người đàn bà đặt cuộn tiền vào tay gã. Tay chị ta nắm chặt tay gã. Một bàn tay trắng trẻo. Một bàn tay đen thui, đúng như dân gian vẫn nói: "Làm nghề đốt than cu cũng đen thui thủi". Gã lúng túng rụt tay lại rồi lập cập nhét cuộn tiền xuống dưới tấm chiếu manh.
Trời sầm sập đổ mưa xuống. Núi rừng trắng xóa một màu mưa. Căn lều nhỏ nước dột tứ tung. Gã và người đàn bà loay hoay tránh những dòng nước từ trên mái lều chảy xuống. Nhưng cái lều quá nhỏ tránh làm sao được những hạt mưa tạt vào. Cuối cùng để tránh ướt, hai người đành ngồi sát vào nhau ở gốc lều. Gã nhìn trộm chị ta. Nước mưa ướt cái áo mỏng làm hiện rõ mọi đường nét trên cơ thể người đàn bà. Nhìn cặp vú to đầy đặn của chị ta nây nẩy vểnh lên khiến gã thấy như người đang ngây ngất sốt. Chưa bao giờ gã ngồi gần và nhìn thấy một người phụ nữ như thế cả. Gã thở hổn hển, hụt hơi ngớp ngớp như một con cá bị quăng lên cạn. Người đàn bà nhìn xoáy vào mắt gã. Là một người có kinh nghiệm chị ta hiểu đã đến lúc rồi. Gã giật bắn người lên khi đột nhiên chị ta túm chặt lấy tay gã kéo lùa vào trong ngực áo của mình. Gã còn đang hốt hoảng lúng túng thì chị ta lại lôi bàn tay ấy ấn sâu xuống phía dưới. Lần đầu tiên trong đời gã chỉ trong có một phút đã tiếp cận và cảm nhận được hai điều kỳ diệu trên cơ thể của người đàn bà. Gã thấy mình chới với, tim đập loạn xạ. Gã thở hổn hển tựa thể trời mưa làm không khí loãng ra. Gã thấy như một người sắp bị chìm xuống nước. Mọi việc diễn ra rất nhanh. Tất cả đều do người phụ nữ chủ động. Gã như mê man đi vì toàn những điều lần đầu mới biết. Gã đê mê không hiểu mình đang trôi bồng bềnh về đâu. Chỉ đến khi gã thấy người co rút lại, toàn thân như nổ tung toé ra thì gã mới hiểu điều gì đang xảy ra.
Tạnh mưa, người đàn bà mới ra khỏi rừng. Trước khi đi, chị ta còn dặn: "Tuần sau chú nhớ đốt cho chị một tạ than gỗ trảu nữa nhé! Chị sẽ vào tận nơi để nhận... hồi này khách thích ăn thịt nướng nên tốn than lắm...".
Gã mê mẩn nhìn theo chị ta. Sau này gã mới biết bố chị ta ham giàu gả chị cho một thằng quanh năm ốm yếu hom hem nhưng giàu nhất ngoài phố chợ.
Cơn mưa rừng tạnh hẳn, không khí mát mẻ hơn. Gã thấy hơi mệt nhưng trong lòng lại sảng khoái vô cùng. Gã hùng hục chặt cành cây chuẩn bị cho một lò than mới. Đến khi chợt thấy đoi đói gã mới nhớ là chưa ăn trưa. Nắm cơm đã cho lão ăn mày lúc ban sáng. Gã tìm mấy củ sắn ở góc lều lùi vào đống lửa vừa nhen.
Tối mịt gã mới về đến nhà. Từ ngoài sân gã đã nghe thấy tiếng nói chuyện hể hả trong nhà. Nhà gã đang có khách. Gã vừa định đi luôn xuống bếp xem cơm nước thế nào thì bố gã gọi giật lại:
- Thằng Ngu vào đây tao bảo!
Gã bước vào nhà. Một ông khách vẻ bệ vệ đang ngồi đối diện nói chuyện với bố gã. Gã chào ông khách. Bố gã nói:
- Nó là thằng Ngu đấy bác ạ!
- Sao lại là thằng Ngu?
- À quên! Chưa nói với bác, tôi có bốn đứa con, ba trai, một gái. Tôi đặt tên theo đầu đề câu chuyện cổ tích của Trung Quốc là "Ngu công rời núi". Con Rời thoát ly đi làm công nhân đổi tên là Tuyết Lan, làm khổ tôi một lần lên thăm nó hỏi mãi chả ai biết con Rời là ai. Thằng này ở nhà theo bố làm nghề đốt than nên vẫn gọi là thằng Ngu.
- Nó theo tôi cũng phải đổi tên khác! À... đúng rồi, chỉ cần thêm một dấu ngã là xong. Tên là Ngũ hay lắm.
- Vâng! Bác cho thằng Ngu nó đi theo hầu bác chứ làm nghề đốt than như ông và bố nó thì muôn đời cũng chả khá lên được đâu.
- Ông cứ chuẩn bị đi, tuần sau tôi sẽ cho người về đón nó đi.
- Vâng, trăm sự nhờ bác! Có cái gì mà phải chuẩn bị đâu ạ! Bác gọi là thằng Ngu nó đi luôn!
Gã nghe mà không hiểu. Suốt bữa cơm hôm ấy gã ngồi tiếp thức ăn, chạy đi mua thêm rượu cho hai người. Nghe họ chuyện trò gã mới dần dần hiểu rõ ngọn ngành. Thì ra là chuyện từ thời kháng chiến chống Pháp. Hôm ấy mẹ gã đi chợ bán than bố gã đưa gã theo lên rừng. Khi đó gã mới lẫm chẫm biết đi. Vừa vào đến nơi gã ngáp ngủ. Ông đặt gã nằm ngủ trên manh chiếu rách trong lều rồi chuẩn bị nhóm lửa đốt lò than. Đang hì hục làm thì nghe có tiếng súng nổ ngoài bìa rừng. Một lúc sau lại nghe có tiếng người kêu rên đâu đây gần chỗ lò than. Bố gã vội bỏ lò than tìm đến chỗ có tiếng người kêu. Nhận ra đó là một anh cán bộ bị thương đang cố lết đi. Anh bị bọn địch phục kích bắn bị thương. Anh chạy thoát được vào rừng. Không thể đưa anh lên chỗ lò than sợ bọn địch ập đến, ông vội cõng anh chạy vào tận một khe sâu trong núi. Ông băng bó cho anh và để anh ở đó. Khi ông quay lại chỗ lò than tìm con thì gã đã thức giấc. Không thấy bố đâu, gã chui ra khỏi lều vừa đi tìm bố vừa khóc. Bố gã tìm mãi mới thấy gã ở gần bờ suối. May mà gã không ngã xuống nước và không gặp thú dữ. Anh cán bộ được bố gã chăm sóc tiếp tế khỏi vết thương tìm đường trở về đơn vị. Bây giờ anh đã là một ông cán bộ đầu ngành của tỉnh. Nhớ lại chuyện ngày xưa, ông tìm hỏi mãi mới lần ra nhà người đốt than đã cứu mạng mình trong chiển tranh. Biết gia cảnh người đốt than, ông ta muốn đưa gã đi theo làm cán bộ. Có lẽ cuộc đời gã thay đổi từ ngày ấy.
Trước khi theo ông ta lên tỉnh gã còn cố đốt một lò than gỗ trảu nữa cho người đàn bà ở phố chợ. Mãi sau này gã mới hiểu thì ra "hai việc lớn" mà lão ăn mày nói với gã chính là việc "biết mùi đàn bà và mùi của quyền lực".
(còn nữa) Hà Nội, đầu mùa Hạ 2010
(còn nữa) Hà Nội, đầu mùa Hạ 2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét