Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2011

Truyện ngắn Thuyết khách

Thuyết khách
Truyện ngắn của Trọng Bảo
Nhận được thông báo nghỉ hưu, ông Đạt đùng đùng quyết định về quê ở. Bà vợ ông mắt chữ A, mồm chữ O quát:
          - Ông hâm à! Ở quê còn cái gì nữa đâu mà về. Một căn nhà sắp sập, một mảnh vườn chó ỉa, tôi đang rao bán. Ông về đó làm gì?
          Ông sửa lại cái quai ba lô, buộc lại một tập giấy tờ bản thảo. Xong xuôi, ông mới bảo:
          - Bà cứ ở thành phố mà bồng bế con cái, lo cơm nước cho chúng nó. Tôi về quê. Ở đây suốt ngày ngồi chót vót trên tầng 25 xem ti vi từ sáng đến tối tôi không chịu nổi.
          - Hay là ông cứ thư thư, để cuối tuần chúng nó về trước xem xét sửa sang, quét tước lại nhà cửa sạch sẽ rồi ông hẵng về!
          Bà vợ tìm kế hoãn binh. Ông xua xua tay:
          - Không cần! Tôi sẽ tự làm lấy.
          - Đúng là đồ gàn dở…
          Bà vợ ông lẩm bẩm. Con bé cháu gái từ nãy đến giờ vẫn đứng nhìn ông bà tranh luận với nhau giờ mới đến bên ông thỏ thẻ:
          - Bố cháu bảo ông sắp về vườn rồi. Ông cho cháu về với ông nhé!
          Ông Đạt bật cười xoa đầu con bé:
          - Ông về vườn đây. Nhưng cháu phải ở Hà Nội để còn đi mẫu giáo tập múa với các bạn chứ. Khi nào ông làm xong khu vườn cổ tích ở quê ông sẽ đón cháu về xem nhé!
          - Vâng ạ!
          Con bé ngoan ngoãn gật đầu.
          Thế là ông Đạt khoác ba lô về quê. Hơn bốn mươi năm trước, ông khoác ba lô rời làng ra đi. Bây giờ ông lại khoác ba lô trở về. Cái cổng làng rêu phủ ngày xưa nay chỉ còn là dấu tích. Cây đa đầu làng đã già lắm rồi. Cây đa ấy có hai rễ tạo thành hai cái gốc của cây. Khi mở rộng con đường quốc lộ, người ta đã cắt mất một cái rễ to. Thành thử cái cây trông như một người bị cụt một chân đang đứng lom khom nhìn con đường xe chạy suốt ngày đêm như mắc cửi.
          Ông Đạt dọn dẹp lại nhà cửa, vườn tược. Thằng cháu họ biết tin ông về sang thăm. Nó ngó nghiêng một lủc rồi đi mất. Một lát nó quay lại xách theo một xô vôi ướt giúp ông quét lại tường nhà. Ngôi nhà bớt mùi ẩm mốc. Thấy ông dọn cây cỏ ở vườn, một ông bạn đồng niên ngó vào hỏi:
          - Ông về làm trang trại để nghỉ dưỡng cuối tuần ở quê hả?
          - Trang trại gì. Tôi về làng ở hẳn đấy!
          Thế là tin ông về làng loang ra rất nhanh. Bạn bè đồng ngũ, đồng môn kéo đến. Ngôi nhà của ông rôm rả hẳn lên. Mỗi người giúp một tay. Khu vườn hoang phong quang hẳn lên.
          Ông Đạt về quê được mấy hôm thì có một vị khách quan trọng tìm đến. Đó là anh chủ tịch xã. Sau vài lời thăm hỏi xã giao, anh chủ tịch xã đề nghị:
          - Chúng cháu muốn bác giúp cho một việc ạ.
          - Việc gì thế! Giúp được việc gì cho làng, cho xã nhất định tôi sẽ cố…
          - Chả là xã ta chuẩn bị đón nhận huân chương kháng chiến hạng nhất. Các khâu đã chuẩn bị đầy đủ rồi. Chỉ còn khoản diễn văn là viết mấy lần đều không thông qua được. Chúng cháu là lớp con cháu, lịch sử xã thì ghi chép không đầy đủ nên viết không hay. Muốn nhờ bác giúp vì nghe nói khi còn ở bộ đội bác từng làm nghề viết sử…
          - Việc này thì được! Tôi sẽ viết giúp. Vài bữa là xong thôi.
          Anh chủ tịch xã phấn khởi mở cặp rút ra một tập bản thảo đánh máy đã cũ nói tiếp:
          - Đây là sơ thảo lịch sử xã ta. Bác cứ đọc trước đi, mai cháu sẽ cho cậu thư ký uỷ ban đem đến các bản báo cáo thành tích những năm gần đây để bác tham khảo thêm.
          Ông Đạt cũng cảm thấy phấn khởi vì được chính quyền địa phương tin cậy. Ông bắt đầu đọc những trang bản thảo cuốn lịch sử của xã. Càng đọc, ông càng thấy lịch sử của quê hương mình cũng thật hào hùng. Những chuyện từ thời tiền khởi nghĩa, trong kháng chiến chống Pháp và trong kháng chiến chống Mỹ bây giờ ông mới hiểu hết. Ông chỉ hơi ngạc nhiên là bản thảo cuốn lịch sử viết khá đầy đủ, văn phong cũng hay tại sao xã không cho in thành sách để lớp lớp con em mãi ghi nhớ, làm theo. Ông thấy lòng mình lâng lâng, hứng khởi. Ông vừa lôi giấy bút ra định bắt tay vào viết diễn văn thì ngoài cổng có tiếng ồn ào. Toán người kéo vào, có cả mấy cụ già tóc bạc phơ được đám thanh niên dìu đi. Ông Đạt ngạc nhiên:
          - Các cụ, các bác đến có việc gì đấy ạ?
          - Chúng tôi đến để kiến nghị với chú đây!
          Một người nói. Ông Đạt ngạc nhiên:
          - Kiến nghị về việc gì ạ! Có gì kiến nghị thì các cụ, các ông, các bác phải lên gặp chính quyền xã chứ ạ?
          - Kiến nghị về bài diễn văn chú đang viết đấy!
          Ông Đạt càng không hiểu. Một ông sau khi đã ngồi xuống ghế nói:
          - Trong diễn văn, chú phải viết rõ là ông Nguyễn Thoảng là người đã treo cờ đỏ ở cây đa đầu làng ta kêu gọi nhân dân nổi dậy khởi nghĩa nhé!
          Ông Đạt ớ người:
          - Nhưng trong bản thảo lịch sử của xã thì có hai người treo cờ là ông Vũ Văn Huân và ông Nguyễn Thoảng cơ mà?
          - Đúng thế! Nhưng người trực tiếp trèo lên cây đa treo cờ phải là ông Nguyễn Thoảng ở xóm Nội…
          Thì ra họ đều là người thuộc dòng họ Nguyễn với ông. Các cụ, các ông ra sức giải thích, chứng minh lời họ nói là đúng. Ông Đạt lúng túng không biết xử lý ra sao. Đám người đứng dậy ra về. Trước khi đi, một ông còn bảo: “Bác viết thế nào thì viết. Bác là người xóm này, bác phải luôn luôn ghi nhớ chiến công của người xóm ta đấy nhé!”.
Đám người ra về lâu rồi, ông Đạt vẫn ngồi thừ trên chõng không viết được thêm chữ nào. Ông đang định lên uỷ ban xã tìm anh chủ tịch để trao đổi thêm thì lại có một tốp người từ ngoài cổng kéo vào. Họ là những người thuộc dòng họ Vũ ở xóm Ngoại. Họ đến cũng vì bài diễn văn sẽ đọc trong buổi xã tổ chức đón huân chương. Họ cũng lại nói về việc treo cờ kêu gọi nhân dân vùng lên khởi nghĩa trên cây đa đầu làng. Sau một hồi giải thích, đưa ra chứng cứ chứng minh, một ông có vẻ là trưởng đoàn kết luận:
- Chắc chắn người trèo lên treo cờ trên ngọn cây đa là ông Vũ Văn Huân, người xóm Ngoại. Bác là người xóm Nội, họ Nguyễn nhưng nếu bác thiên vị, viết sai lịch sử là không được đâu.
Tốp dân xóm Ngoại ra về. Ông Đạt thấy hoang mang. Không ngờ một chuyện tưởng như đơn giản mà lại thành phức tạp quá. Ngày đón huân chương theo ấn định đã đến gần mà bài diễn văn vẫn chưa biết viết thế nào. Chả lẽ một sự kiện quan trọng nhất của xã lại không viết vào diễn văn. Sau khi nghe ông Đạt kể lại chuyện hai xóm cử người đến nhà, anh chủ tịch xã đành thú thật:
- Cuốn lịch sử của xã chính vì thế không xuất bản được mặc dù đã viết đi, viết lại nhiều lần. Trước đây giao cho ông Tứ xóm Nội dự thảo thì mọi thành tích của xã đều là của dòng họ Nguyễn cả. Giao cho anh Quân ở xóm Ngoại hiệu đính, sửa chữa lại thì dòng họ Vũ mới chính là những người có công lao nhất xã. Đem ra hội thảo trước thì tranh luận, sau thì cãi nhau ỏm tỏi, chẳng bên nào chịu bên nào. Sau phải nhờ đến các anh ở trên sở văn hoá tỉnh về viết lại và hiệu đính cho nhưng cũng chưa dám in vì sợ in ra sẽ phức tạp lắm.
Ông Đạt trầm ngâm suy nghĩ. Một lát sau ông bảo:
- Mai tôi sẽ mời đại diện cả hai xóm đến nói là để trao đổi về bài diễn văn. Anh cứ làm việc ở xã, đừng đi đâu xa, lúc nào tôi cho thằng cháu gọi thì đến ngay nhé.
- Bác có giải pháp gì hay ạ?
- Bí mật! Chủ tịch cứ yên tâm… tôi sẽ thử là “thuyết khách” để hoà giải giữa hai xóm xem sao?
Chả cần ông Đạt phải mời lần thứ hai. Hôm sau đại diện cả hai xóm đều có mặt đầy đủ. Họ ngồi thành hai phía trong nhà ông Đạt. Đã có tiếng tranh cãi lẻ tẻ. Ông Đạt bảo thằng cháu rót nước mời mọi người. Chờ mọi người yên vị, ông Đạt mới đứng dậy. Sau mấy câu thưa gửi trịnh trọng, ông hỏi:
- Phần mộ của ông Thoảng bây giờ đặt đâu ạ?
- Ở nghĩa trang liệt sĩ của xã, ngay dưới chân đài tưởng niệm.
- Thế còn ông Huân?
- Cũng ở nghĩa trang liệt sĩ xã ta. Hai người hy sinh trong cùng một trận càn của Pháp.
Mọi người nhao nhao nói. Ông Đạt giờ mới kể:
- Tôi đã đọc rất kỹ bản thảo về lịch sử của xã ta, lại tìm hiểu cả lịch sử của huyện, của tỉnh và nghe các cụ cao niên kể lại. Trong trận càn ấy ông Thoảng bị thương rất nặng, ông Huân đã cõng ông Thoảng rút lui. Khi bọn địch ập đến, ông Thoảng bảo ông Huân cứ để mình nằm lại trong làng rồi chạy thoát ra rừng nhưng ông Huân dứt khoát không chịu. Ông tìm cách đưa ông Thoảng cùng rút lui. Bọn địch khép chặt vòng vây. Biết không thể thoát được, hai người đã sát cánh bên nhau chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Khi bọn địch xông đến định bắt sống, họ đã ôm lấy nhau cho nổ một quả lựu đạn chết cùng mấy tên giặc. Máu xương của họ đã trộn với nhau. Họ đều là những người vô cùng dũng cảm đúng không!
- Đúng… đúng… đúng thế!
Nhiều người tỏ vẻ đồng tình. Ông Đạt nói tiếp:
 - Việc treo cờ trên ngọn cây đa đầu làng kêu gọi nhân dân đứng lên khởi nghĩa trong cách mạng tháng Tám cũng vậy. Ông Huân là người đã trèo lên lên ngọn đa treo cờ, ông Thoảng là người đứng dưới gốc cây cảnh giới bảo vệ. Họ đều có chung một chiến công. Không phải ông Thoảng đứng dưới gốc cây là kém nguy hiểm hơn người treo cờ trên ngọn cây. Chính ông Thoảng đã chủ động nổ súng đánh lạc hướng kéo bọn giặc đuổi theo mình để ông Huân kịp từ ngọn đa tụt xuống rút lui an toàn. Ông ấy đã nhận phần nguy hiểm nhất về mình rồi còn gì.
Mọi người gật gù. Ông Đạt tiếp tục nói:
- Trong chuyện treo cờ này còn phải ghi nhớ công lao của bố con ông lão ăn mày nằm ở đầu làng nữa. Chính bố con lão ăn mày là người đầu tiên phát hiện bọn giặc đang bí mật tiến vào làng mà gào to báo động cho dân làng biết. Cái chết của bố con ông lão ăn mày ở đầu làng ta đáng để ghi vào lịch sử của xã lắm chứ. Tại sao chúng ta lại không hề một lần nhắc đến họ? - Ngừng một lát nhìn mọi người, ông nói tiếp: - Chúng tôi sau này trong chiến đấu cũng vậy. Để có một người cắm được lá cờ chiến thắng lên sở chỉ huy bốt đồn địch là công lao, mồ hôi, nước mắt, sự hy sinh đổ máu của bao nhiêu người đấy. Nhiều người đã ngã xuống trước cửa mở khi dẫn đầu đội hình xung kích, có người trúng đạn, thi thể nằm vắt trên hàng rào dây thép gai. Vậy đó phải là chiến công chung chứ đâu chỉ là thành tích riêng của mỗi một người cắm cờ…
Mọi người lặng im. Giọng ông Đạt trầm hẳn đi:
- Ông Thoảng và ông Huân đang nằm yên nghỉ bên nhau trong nghĩa trang liệt sĩ. Họ mãi mãi sẽ là đồng đội, là những người bạn chiến đấu thân thiết nhất của nhau. Họ dám chia sẻ cả cái sống, cái chết cho nhau. Họ sẽ đau buồn  nhường nào khi biết chúng ta, những người còn sống, những lớp con cháu hôm nay đem họ ra so sánh với nhau xem ai hơn ai…
Có nhiều tiếng thở dài. Anh chủ tịch xã cũng đã đến. Anh ngồi giữa những người dân của hai xóm. Lúc nãy ông Đạt đã nháy thằng cháu chạy đi gọi anh đến. Ông Đạt bất ngờ hỏi:
- Tuy mới về làng nhưng tôi nghe bà con nói hai xóm ta thường xuyên xảy ra xích mích. Có nhiều chuyện không đâu vào đâu cũng cãi nhau, thậm chí xô xát đánh, chém nhau gây đổ máu, thù hận. Ruộng gần nhau mà không cho dẫn nước qua, trâu bò xóm này lạc sang xóm khác là bị đánh gãy chân, rồi chặt, nhổ phá hoại cả hoa màu của nhau nũa… Có đúng thế không?
Nhiều người ấp úng lúng túng. Nhưng không ai trả lời. Ông Đạt nói như kết luận:
- Viết xong bài diễn văn này tôi đề nghị anh chủ tịch xã gửi cho cả hai xóm xem, cùng góp ý kiến cùng bổ sung, sửa chữa. Chỉ có một điều tôi cần nói ngay là chúng ta phải viết cho trung thực, đúng sự thật lịch sử của làng, xã ta, không được tranh công, đổ lỗi cho nhau.
Mọi người ồn ào tán đồng. Không khí trong ngôi nhà nhỏ của ông Đạt vui vẻ hẳn lên. Một lúc sau thì chả còn ai nhắc đến chuyện bài diễn văn nữa. Họ bàn sang chuyện làm ăn, chuyện giúp nhau giống vốn, mời nhau ăn giỗ, sang cát. Có người bận việc ra về trước, có người kéo đến thêm ngồi chật ba gian nhà nhỏ, chẳng còn phân biệt ai là người xóm Nội, xóm Ngoại nữa.
Câu chuyện “thuyết khách” và viết diễn văn của ông Đạt là thế. Hôm đón huân chương hai xóm tổ chức thịt một lợn làm một bữa cỗ chung ăn uống rất vui vẻ. Đã từ lâu rồi mới lại có chuyện như vậy. Tiếng trống rộn rã hai xóm. Trên ngọn cây đa già đầu làng một lá cờ đỏ rất to tung bay phần phật trong gió Xuân.
                                                                        *
Một buổi sáng ông Đạt đang xới cây trong vườn thì có một đôi trai gái đến. Cô gái bẽn lẽn:
- Chúng cháu đến để cảm ơn bác ạ!
Ông Đạt ngạc nhiên:
- Cảm ơn về việc gì nhỉ?
- Dạ! - Chàng trai giờ mới lên tiếng: - Nhờ có bác mà chúng cháu mới lấy được nhau đấy! Hôm nay chúng cháu đến để cảm ơn và mời bác dự đám cưới của chúng cháu ạ!
Ông Đạt càng không hiểu. Chàng trai giải thích:
- Chúng cháu yêu nhau đã lâu rồi nhưng bố mẹ cả hai bên đều không đồng ý. Sau bài diễn văn đón huân chương của bác mà hai xóm đã đoàn kết, hoà thuận, chúng cháu mới đến được với nhau đấy ạ!
Ông Đạt chợt hiểu. Thì ra hai cô cậu này người ở xóm Nội, người ở xóm Ngoại. Vì mâu thuẫn bấy lâu mà gia đình ngăn cấm không cho yêu đương. Có lần chàng trai xóm Nội sang nhà cô gái chơi bị đám thanh niên xóm Ngoại đuổi đánh phải nhày xuống sông suýt chết đuối. Họ đã tính đến chuyện đưa nhau bỏ đi khỏi làng. Nay thì mọi chuyện đã tốt đẹp.
Đôi trai gái đi rồi ông Đạt vẫn đứng lặng đi. Tay cầm tấm thiếp hồng mà lòng ông thấy vui vui. Mùa Xuân đang đến. Có tiếng chim líu lo hót trên cành tre trước cổng.
                                                         Hà Nội, 17/12/2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét