Thứ Năm, 13 tháng 1, 2011

Truyện ngắn Người thổi tù và trên bến sông

Người thổi tù và trên bến sông
    Trọng Bảo
                                                              
          Lão Vận bước vào chợ. Đàn nhặng xanh thấy động vù vù tạo nên những âm thanh u u u... Buổi chiều chợ không họp, chỉ có mấy phản thịt phía ngoài cổng của những tay chuyên giết mổ là bán cả ngày. Lão Vận ném cái chổi và cái xẻng cùn xuống đất. Việc đầu tiên của lão là cầm cái bao tải rách đi thu hồi "chiến lợi phẩm". Đó là những thứ mà những người mua bán buổi sáng còn bỏ lại. Lão nhặt những cái túi ni lông còn lành đem ra bến sông giặt sạch bán lại cho những người chuyên bán cá, bán cua đựng cua cá cho khách hàng. Hạt bí, hạt mít lão để riêng đem rửa sạch, phơi khô, tích lũy phòng khi giáp hạt hết gạo. Hạt nhãn, hạt vải lão nhặt đem lên đồi hoặc ngoài bãi hoang vùi xuống đất mong sẽ có hạt nảy thành cây, đơm hoa, cho quả.
          Sau khi nhặt nhạnh khắp chợ, lão bắt đầu quét dọn. Lão quét kỹ từng dãy lều quán, đùn rác về phía cuối chợ. Chợ quê nghèo, chỉ là những cái lán che bằng rơm rạ, thấp lè tè. Cách nhật chợ mới họp một phiên. Người ta gánh hàng đến, trải một mảnh ni lông ra bày bán. Những thứ thải loại, rác, vỏ dưa, vỏ dừa vứt ngay tại chỗ. Lão Vận quét dọn cật lực hơn một ngày chợ mới sạch sẽ. Rồi chợ lại họp, rác rưởi lại ngập ngụa, lão lại dọn dẹp vào buổi chiều và cả hôm sau ngày chợ không họp. Cứ như thế, lặp đi, lặp lại công việc của đời người quét chợ.
          Thực ra, lão Vận mới chỉ làm người quét chợ được độ bảy, tám năm nay. Trước kia, lão là người chở đò ngang sông Đáy. Dòng sông Đáy mỏng manh như một sợi chỉ nằm dưới chân núi Tam Đảo. Nhưng khi mùa mưa, nước lũ từ thượng nguồn đổ về, dòng sông phình ra, cuồn cuộn. Lúc mùa khô, những tháng cuối năm thì nước lại trong veo, sâu chỉ săm sắp bắp chân nhìn rõ cả cá, tôm và đá sỏi dưới đáy. Ngày ấy, lão Vận cũng chỉ chèo đò theo mùa nước. Mùa khô, lão lôi con thuyền lên bãi rồi vào rừng chặt củi bán kiếm tiền đong gạo. Khi người ta bắc một cây cầu to sừng sững ngang sông thì lão Vận thành người thất nghiệp. Lão bán con thuyền nhỏ cho những người nuôi cá bè, rồi lang thang đi làm thuê, gánh nước thuê cho mấy bà bán bún phở trong chợ. Chợ quê ngày ấy không có người quét "chuyên nghiệp" như bây giờ nên rác rưởi ngập ngụa. Mấy bà bán hàng thường phải thuê lão quét dọn quán của mình. Rồi gần như cả chợ mọi người đều thuê lão quét tước chỗ ngồi bán hàng.
 Dần dà, lão trở thành người quét chợ thuê. Tiếng là thuê, nhưng không phải ai cũng trả tiền cho lão, mà có cũng chẳng đáng kể. Bà bán cá thường trả công lão cái đầu cá mè. Anh hàng thịt đưa lão mẩu xương, hôm nào hứng lên cắt cho một đoạn dồi dài độ gang tay. Thường là người ta cho lão hai, ba trăm đồng. Nhưng phần lớn là làm ngơ, mặc dù buổi chợ, họ vẫn nhìn thấy lão gánh nước thuê vào các hàng quán. Lão Vận cũng chẳng đòi hỏi. Trước đây, lão quét thuê từng chỗ bán hàng cho các chủ sạp thì họ dứt khoát phải trả tiền. Bây giờ lão quét cả chợ thì lại như làm không công. Gần đây, chắc nhiều người có ý kiến, ông chủ tịch xã cân nhắc, nâng lên đặt xuống mãi mới quyết định "trả lương" cho lão bằng mười ki-lô-gam gạo một tháng. Nghe ra thì có vẻ to nhưng kỳ thực cũng chỉ bằng ba mươi nghìn đồng. Thôi thế cũng tốt, lão Vận có một khoản thu ổn định, đủ ăn, đỡ lận đận khi giáp hạt. Đời lão cũng đã xế chiều rồi, cần gì hơn nữa đâu.
          Quét xong tất cả các dãy quán trong chợ thì trời đã sập tối, lão Vận thu các thứ "chiến lợi phẩm" ra về. Đống rác góc chợ ngày mai lão mới đốt hoặc gánh ra đổ ngoài bờ sông. Lão xách cái đầu cá lần bước về nhà. Lão thôi chở đò nhưng túp lều của lão vẫn ở trên bến sông.
          Về đến gần nhà, lão huýt sáo và gọi:
          - Anh Cún đâu rồi!
          - Hực... - Một con chó to từ trong nhà phóng ra vẫy đuôi mừng rối rít. Nó ngoạm lấy ống quần lão kêu ư ử. Lão Vận vỗ về:
          - Đói lắm rồi hả! Để yên, tao nấu cơm cho mà ăn. Hôm nay có cái đầu cá trắm của bà Thơm cho đây này!
          Con chó phóng lên hè. Nó chồm hai chân trước đẩy cánh cửa mở ra rồi quay lại cào cào xuống đất ý mời lão vào nhà. Lão Vận châm đèn, tìm nồi nấu cơm. Con Cún cứ luẩn quẩn quanh lão. Thấy lão nhặt rau, nó cũng ngoạm một cọng rau muống cắn ra làm mấy đoạn. Lão vỗ vỗ vào đầu nó an ủi:
          - Yên nào! Mày không làm được đâu!
          Lão quay lại đun củi vào bếp. Con chó nhổm dậy. Nó dùng miệng ngoạm một cành củi đủn vào bếp. Đôi mắt nó sáng long lanh nhìn lão Vận như muốn hỏi làm như vậy có được không. Lão Vận gật gật đầu. Con Cún rên lên ăng ẳng vẻ phấn khởi lắm.
          Cơm chín, lão Vận chia ra làm hai phần. Một loa cơm của lão. Phần còn lại lão đổ vào cái lon sành cho con Cún. Cái đầu cá nấu canh lão chỉ gỡ được một chút thịt còn lại cho con chó cả. Con Cún vừa ăn vừa gừ gừ trong miệng. Nó có vẻ đói lắm. Cả ngày nó chỉ được ăn một bữa. Buổi sáng trước khi ra chợ, lão dặn nó: "Trông nhà nhé!" rồi đi. Buổi trưa lão ở luôn ngoài chợ. Ai cho gì, lão ăn nấy, khi thì bắp ngô, lúc khúc sắn luộc. Con Cún ở nhà, nó loanh quanh chui ra, chui vào túp lều. Đói quá thì nó lại lôi mấy khúc xương trâu, xương lợn khô khốc ra gặp suông để đánh lừa cái bụng. Biết thế nhưng lão Vận không thể đưa con chó ra chợ được. Nó to lớn chạy lông nhông ai cũng khiếp, với lại lão sợ nhất là bọn chuyên bắt trộm chó. Bữa tối, bao giờ lão cũng dành phần cơm nhiều hơn cho nó. Vài năm gần đây lão mới được ăn cơm. Trước kia khẩu phần của lão chủ yếu là sắn. Nồi cơm chỉ lơ thơ vài hạt gạo bám vào miếng sắn. Tàn tật, ốm yếu như lão có cái mà ăn là may lắm rồi. Con chó hình như cũng hiểu lão nghèo nên cho gì nó ăn nấy. Nồi cơm, nồi canh lão để ngay dưới đất nhưng dù có đói đến mấy nhưng không bao giờ nó lén ăn vụng. Nó là con vật trung thành. Lão Vận bảo nó coi nhà- mặc dù nhà lão chẳng có thứ gì đáng coi- thì đố ai dám lại gần túp lều của lão. Ngày chợ không có phiên, lão Vận mới cho nó đi theo. Trong khi lão dọn dẹp, quét tước thì con Cún lùng sục khắp chợ đuổi chuột hoặc tìm kiếm những khúc xương mà cánh giết mổ quăng ra đâu đó.
 Lão Vận chẳng còn vợ con. Vợ con lão chết trong trận bom bọn Mỹ rải xuống bến sông khi lão đang chặt củi trên rừng. Lão sống thui thủi một mình. Cạnh hố bom, lão chỉ đủ sức dựng lên một căn nhà nhỏ, gọi là túp lều cũng đúng. Con Cún là bạn thân thiết duy nhất của lão Vận. Lão sống gần như cô độc ngay cái làng mà thời mở cửa đang dần dần chuyển thành thị trấn này. Xung quanh túp lều của lão, những ngôi nhà cao tầng thi nhau mọc lên. Người ta bắt đầu ở sang, ăn sang và chơi sang nên càng ít người muốn gần với kẻ lam lũ, bần cùng. Trông lão lại có vẻ hơi dị dạng nên người ta càng ngại tiếp xúc. Chân phải lão không biết bị tật hay bị thương nên đi lại tập tễnh, khó khăn. Khi gánh nước thuê, thùng nước sóng sánh trào ra gần hết, nhưng khi quét chợ thì cái bước thấp, bước cao của lão lại làm cho nhát chổi dài hơn. Cùng trang lứa với lão bây giờ đều khá giả. Tuy họ không coi thường nhưng cũng chẳng ai muốn chuyện trò với lão. May mà lão còn có con chó làm bạn.
 Con chó là do lão nhặt được từ mấy năm trước. Hôm ấy, trời đã sâm sẩm tối, lão vẫn lội xuống sông giặt mấy cái túi ni-lông. Mưa ở thượng nguồn nên nước sông đang lên. Lúc lão đang chuẩn bị về thì chợt có một cái bao tải buộc túm miệng từ đâu trôi đến rạt vào chân lão. Lão giật bắn người vì trong đó có cái gì ngọ nguậy. Lão loạng choạng bước vội lên bờ, thở dốc. Ngày xưa bên kia sông là vùng tề, bọn giặc bắt được cán bộ du kích thường đưa lên phía đập nước tra tấn dã man. Có khi người bị đánh còn ngắc ngoải chúng cũng nhét vào bao tải thả trôi sông. Những xác người lập lờ dạt vào bến nước. Nhưng bây giờ là thời khác rồi. Lão Vận trấn tĩnh lại. Lão nhặt cành cây khều cái bọc vào lôi lên mở dây buộc dốc ngược. Lẫn trong đám giẻ rách tuột ra một con chó nhỏ. Nó ướt sũng nhưng vẫn còn ngọ nguậy. Lão đem nó về nhà đặt cạnh bếp lửa. Một lúc sau nó bắt đầu rên ư ử rồi ngóc cổ dậy. Nó nhìn lão, mắt chớp chớp vẻ biết ơn. Nhìn thân hình con chó còm nhom, sần sùi ghẻ lở, lão hiểu vì sao họ đã nhét nó vào bao vứt xuống sông. Lão Vận vét cơm nguội cho nó ăn. Hôm sau, lão xin diêm sinh về bôi trị ghẻ cho nó. Con chó ở với lão Vận từ đó. Mặc dù cũng bữa đói, bữa no, miếng được, miếng mất như lão nhưng con chó vẫn hồi sức và lớn nhanh. Sau một thời gian nó đã to lớn lộc ngộc. Nó khôn lắm. Có lần bọn trộm chó đem bả ném đợi nó ăn ngã xuống là tuồn vào bao tải đem đi. Nhưng nó chỉ ngửi mà không ăn. Ai cho cái gì nếu không được sự đồng ý của chủ thì nó không bao giờ tự ý ăn cả. Thấy con chó khôn, có người muốn mua, nhưng lão không chịu.
          Một đêm đầu mùa hạ, trăng sáng nhàn nhạt. Sau những cơn mưa liên tiếp, nước sông Đáy bắt đầu dâng lên cao ngập dần những bãi bồi ven bờ nơi mà khi mùa cạn người ta thường trồng ngô. Từng đàn cá trôi, cá chép bắt đầu kéo lên bãi bồi vật đẻ. Tiếng cá quẫy đành đạch. Chỗ nước nông, những con cá to hở cả lưng hoặc nằm nghiêng trắng lốp dưới ánh trăng mờ. Lão Vận gỡ cái nơm treo ở đầu nhà xuống, tìm một sợi dây để xâu cá. Trước khi ra bãi sông, lão còn rút chiếc tù và cài trên vách rúc lên mấy hồi báo cho dân làng biết có cá lên bãi.
          Lão Vận tay cầm đuốc, tay cầm nơm tập tễnh đuổi theo những con cá đang rạch phành phạch vào bãi bồi ngập nước. Lão chụp luôn được mấy con cá chép cỡ độ bàn tay. Xâu vội mấy con cá buộc vào thắt lưng, lão xách nơm đuổi theo một con cá khá to đang rạch ra phía sông. Lão giơ nơm chụp mạnh. Bỗng lão thấy hẫng một cái, nước ngập lút đầu. Lão bị trượt xuống một cái hố sâu mà khi sông cạn người ta đào moi lấy sỏi. Lão chới với buông cái nơm, bó đuốc tắt ngấm. Dòng nước xoáy cuốn ngay lấy lão. Lão cố ngoi lên, ú ớ kêu cứu. Bãi sông vắng làm gì có người mà kêu. Lão cố vùng vẫy. Nhưng cái chân dị tật của lão bỗng nhói lên thẳng đơ. Lão bị dòng nước xiết lôi dần ra xa bờ.
          Giữa lúc đó thì nghe "ùm" một tiếng như có người lao xuống nước. Con Cún đã đi theo lão từ lúc nãy, thấy chủ bị nạn nó liền lao xuống cứu. Nó bơi ngay đến chỗ lão. Nó ngoạm vào áo lão, cố kéo lão về phía bờ sông. Lão Vận ôm lấy con chó. Nó bơi rất khoẻ. Vào gần bờ, lão Vận túm được một cành cây mọc là là mặt nước. Con chó cũng vùng vẫy cố bơi vào bờ. Nhưng nó không có tay để túm lấy ngọn cây như lão Vận. Xoáy nước đẩy nó ra giữa sông.
          Lão Vận lóp ngóp bò được lên bờ ngồi thở rốc. Sực nhớ đến con Cún, lão hốt hoảng gào lên: "Cún... ơi! Cún... ơi...". Hình như có tiếng con chó kêu "ăng ẳng" mãi giữa sông, lẫn trong tiếng nước chảy ào ào. Lão Vận tập tễnh lần theo mép nước, xuôi phía hạ lưu. Vừa đi lão vừa gọi: "Cún ơi... mày đâu rồi... Cún ơi...". Tiếng lão nấc lên, yếu dần. Lão đau đớn thất thểu đi dọc bờ sông. Vừa đi lão vừa khóc. Lão khóc không thành tiếng. Đây có lẽ là lần thứ hai trong đời lão khóc. Lần thứ nhất là khi nhà bị bom, lão bới đất, tìm gom từng mảnh thi thể của vợ con. Lão đi đến mỏi chân theo dòng nước chảy. Dòng sông Đáy mỏng manh giữa những lũy tre xanh khi mùa cạn bây giờ đục ngầu, sôi sùng sục, hung dữ. Lão Vận ngồi phệt xuống sát mép nước. Lão cởi xâu cá vẫn đeo lủng lẳng bên hông ném xuống sông. Chưa bao giờ lão thấy căm thù dòng sông như thế.
Trời đã sáng hẳn, không hy vọng tìm thấy con chó, lão Vận đành quay về. Lão bước thập thõm trên con đê gồ ghề. Quần áo lão tả tơi, ướt sũng. Lão vừa đi vừa lầm rầm gọi con Cún. Nước mắt lão giàn giụa. Lão giơ tay chùi mặt. Lũ trẻ con chăn trâu trên đê rồng rắn chạy theo lão í ới:
          - Ê... Ê... có một ông điên chúng mày ơi!
          Mặc lũ trẻ ném bùn đất vào lưng, lão Vận cứ lầm lũi đi. Vừa về đến nhà lão ngã dụi xuống thềm. Lão lập cập cố cởi bộ quần áo ướt sũng và lấm lem bùn đất rồi lết lên giường.
          Lão ốm mấy ngày, bỏ cả quét chợ.
          Lão thương tiếc con chó. Lão cứ tự trách mình ham cá mà đã hại chết nó. Bữa bữa lão vẫn nấu nồi cơm nhỏ rồi xẻ làm đôi. Lão nhai trệu trạo vài miếng. Lon cơm phần của con chó sáng nào lão cũng phải bưng ra bến sông đổ xuống nước cho đàn cá mương đang lau nhau tìm mồi. Đêm chợt có tiếng chó kêu là lão lại bật dậy dỏng tai lắng nghe, chờ đợi. Một lần nhặt được khúc xương còn dính nhiều thịt lão đã bật khóc giữa chợ vì xót thương con chó. Lão như người mất hồn. Bà hàng bún mắng: "Lão này mắt mũi để đâu mà gánh nước đổ tràn cả bể, ướt hết chỗ ngồi thế này!". Bà hàng cá lại bảo: "Lão hồi này sang gớm nhỉ, cho đầu cá không thèm lấy!". Gã bán thịt thì vô tâm: "Bố cứ đưa con Cún ra đây, con mà làm món nhựa mận thì hết ý...".
          Buổi chiều quét xong chợ, lão Vận thấy chân tay rã rời. Lão chẳng buồn  thu nhặt các thứ "chiến lợi phẩm" như trước nữa. Lão đùn tất cả rác ra cuối chợ châm lửa đốt. Khi lão vừa về đến nhà thì có tiếng kẻng báo động gõ nhịp ba dồn dập "keng keng keng... keng keng keng... keng keng keng...". Tiếng người kêu dáo dác khắp thị trấn:
 - Cháy chợ... cháy chợ rồi!...
          Mọi người lao ra phía chợ. Lão Vận hốt hoảng vứt rá gạo tập tễnh chạy theo. Lửa đang cháy ngùn ngụt. Ngọn lửa hả hê tung hoành trên những mái lều quán lợp bằng tranh cỏ khô nỏ. Tiếng tre nứa nổ đôm đốp. Nguyên nhân cháy là do gió xoáy thốc vào đống rác lão Vận đốt ở cuối chợ đưa tàn lửa lên mái lều quán.
Mọi người xông vào chữa cháy. Nhưng gió to, lại không tiện nước nên mấy dãy quán liền kề nhau cháy trụi. Những dãy hàng quán xa hơn chưa bén lửa thì quá trình chữa cháy người ta rút lấy cây để dập lửa hoặc đạp đổ để tránh cháy lan. Thành thử đến khi dập tắt được lửa thì các quán chợ cũng tan tành hết.
          Trong đám người chữa cháy nhốn nháo, chợt có tiếng ai đó hét to:
          - Phải lập biên bản, bắt đền lão Vận!
          - Đúng đúng! Lôi cổ lão ấy ra đây! Lão làm ăn thế à!
          Lão Vận bị túm cổ lôi xềnh xệch ra bãi trống giữa chợ. Lão run cầm cập, mặt mũi tái nhợt.
          Giữa lúc nhiều người đang xúm xít xung quanh lão Vận giằng xé, xỉa xói, mắng chửi, dọa đánh thì có tiếng quát to:
          - Buông... ngay... ông... ấy... ra!
          Gã bán thịt gạt đám đông xông vào. Đầu gã tóc đang cắt dở nham nhở, tay gã lăm lăm con dao chọc tiết lợn nhọn hoắt. Gã bợp tai thằng đang túm giữ lão Vận. Thằng này kêu "á" một tiếng rồi lủi mất. Gã bán thịt giằn giọng:
          - Muốn bắt đền hả? Lên xã mà bắt đền! Bao năm nay các ông ấy thu đủ loại thuế, lệ phí, bao nhiêu lần hứa xây dựng chợ, nhưng đến giờ đã thấy động tĩnh gì chưa. Chợ với chiếc, mấy túp lều rơm rạ xiêu vẹo mưa gió táp mặt,  mấy lần tôi định phóng một mồi lửa cho đỡ bẩn mắt. May mà lần này nó cháy! Càng tốt.
          Nhiều người nhao nhao hưởng ứng theo gã bán thịt. Ông chủ tịch và anh trưởng công an xã vừa đến thấy thế liền quay xe máy đi luôn.
          Sau vụ cháy chợ, lão Vận cũng thất nghiệp luôn. Người ta không thuê lão quét chợ, gánh nước nữa. Lão mò cua, kiếm cá, mót khoai, mót lúa kiếm bữa qua ngày. Rồi lão ốm nặng. Mấy bà hay buôn bán ở chợ nghe tin cũng gửi cho lão vài cái bánh cuốn, mấy quả chuối.
 Có lẽ lão Vận chết phải đến nửa ngày dân làng mới biết do lũ trẻ con gọi không thấy lão trả lời đã báo cho ông trưởng thôn. Lúc chuẩn bị khâm liệm, người ta thu dọn cái quan tài gỗ tạp đóng sẵn kê giữa nhà thì phát hiện có một gói giấy nhỏ. Đó là một gói tiền. Đếm được hai triệu ba trăm nghìn đồng. Toàn là bạc lẻ. Ai đó nói: "Lão này thế mà giàu và kín tiếng quá!". Rồi lại có người kêu lên: "ối! Còn có cả thư lão để lại đây này!".
          Ông trưởng thôn cầm lá thư tìm thấy trong quan tài lên đọc. Chữ lão Vận viết ngoệch ngoạc, xiêu vẹo:
Kính thưa bà con!
Tôi ngàn lần xin bà con đại xá cho tội làm cháy chợ.
Tôi gom góp được ít tiền, năm trăm nghìn gọi là có chén rượu nhạt cho anh em đào huyệt và vài miếng trầu chay để bà con đưa tôi ra đồng. Còn một triệu tám trăm nghìn đồng, là tiền xã trả công quét chợ năm năm qua, tôi không dùng đến, xin được góp vào xây dựng lớp mẫu giáo thôn ta.
          Vô cùng đội ơn bà con, làng xóm.
                                                                     Kính thư
                                                              Nguyễn Văn Vận
          Đám ma lão Vận khá đông. Nghĩa tử là nghĩa tận. Nhiều người bỏ cả buổi chợ để đi đưa đám lão.
          Lão Vận chết được ba hôm thì con Cún đột nhiên trở về.
 Đêm ấy bị nước lũ cuốn ra giữa sông, nó cố vùng vẫy, may bám vào được một đoạn cây chuối. Dòng nước đưa nó về mãi phía hạ lưu cho đến khi dạt vào một bãi cát bồi. Con Cún lết lên bờ, thoát chết. Nó liền tìm đường quay trở về. Có lẽ nó đã phải vượt đến cả trăm cây số qua bao nhiêu thành phố, thị xã, làng mạc. Vừa đi vừa kiếm ăn, mấy phen nó suýt bỏ mạng vì bọn săn trộm chó. Nó bị bọn chúng đánh què một chân, nên bước đi tập tễnh.
          Cứ lần hồi ngược dòng sông, con Cún về được đến nhà. Vừa tới cửa, nó đã rên lên ư ử sung sướng, đuôi vẫy rối rít. Chắc nó nghĩ lão Vận đang chờ nó trong nhà. Nhưng rồi nó chợt nhận ra có điều gì khác lạ. Nó dùng mõm ẩy cánh cửa lao vào nhà. Nó khịt khịt sục mũi vào đống tro lạnh trong bếp, ngửi mấy cái quần áo cũ của lão Vận treo trên vách. Rồi nó chạy ra giữa nhà. Nó chợt nhận ra chiếc áo quan không còn kê ở đấy nữa. Dưới gầm chiếc quan tài ấy là chỗ nó vẫn nằm coi nhà mỗi khi ông chủ ra chợ.
          Con Cún hộc lên một tiếng, co rúm lại. Rồi nó tru lên đau đớn.
          Mấy đêm liền nghe tiếng con chó tru lên rên ri trong căn nhà lão Vận, đám thanh niên bảo nhau: "Con chó điên rồi! Đập chết đi kẻo nó đớp vào ai thì khốn". Thế là chúng hò nhau vác gậy gộc, xẻng cuốc bao vây nhà lão Vận. Con chó đứng trên thềm nhe răng, mắt gườm gườm nhìn đám thanh niên. Nó có vẻ gầy hơn nhưng đôi mắt thì sáng quắc. Khi đám thanh niên ập vào thì nó phóng vút xuống sân, làm một thằng hoảng quá vứt gậy ù té chạy. Con chó lao lên bờ đê. Bọn thanh niên hò hét, rầm rập đuổi theo. Con chó hình như quên hẳn cái chân đau, nó phóng vun vút về hướng đồi cây, nơi xã dành làm nơi yên nghỉ cho những người quá cố. Vào trong nghĩa trang, nó vừa ngửi vừa chạy và đến đúng mộ lão Vận. Nó nằm phục xuống cạnh ngôi mộ mới. Đám thanh niên hò hét xông đến. Con chó vẫn nằm yên mặc mọi người áp sát hầm hè, vây quanh. Đám thanh niên dừng lại, gậy gộc lăm lăm trong tay. Giữa lúc đó thì ông già quản trang từ đâu hớt hải chạy đến. Ông hổn hển gọi:
          - Đừng đánh nó các cháu ơi! Nó không bị điên đâu. Nó là con vật có tình, có nghĩa với con người đấy các cháu ạ, đừng giết nó mà phải tội...
          Nghe người quản trang năn nỉ, can ngăn mãi, đám thanh niên mới chịu rời khỏi nghĩa trang. Lúc này con Cún mới đứng lên. Nó đi quanh mộ lão Vận mấy vòng, vừa đi vừa rên ư ử. Có lẽ nó khóc.
          Mấy ngày sau, vẫn thấy con chó quanh quẩn chỗ mộ lão Vận. Người quản trang để ít cơm trên miếng lá chuối nhưng nó không ăn. Nó chỉ liếm chút nước đọng trong mảnh bát vỡ. Đêm đêm, người ta nghe tiếng kêu rền rĩ của nó trong nghĩa trang.
          Con Cún nhịn ăn mà chết.
 Người quản trang đào một cái hố phía dưới mộ lão Vận rồi trải miếng ni lông rách đặt xác nó xuống lấp đất. Ông đắp cho con vật trung thành một nấm mộ nhỏ.
          Đoạn kết
          Sau vụ cháy, xã đã đầu tư mấy trăm triệu đồng xây lại chợ. Các dãy hàng quán bây giờ đều xây trát, vôi ve, lợp ngói khang trang. Người ta cũng thành lập một tổ thu gom rác thải và quy định các hộ kinh doanh phải nộp lệ phí vệ sinh hẳn hoi, không có chuyện thù lao được chăng hay chớ như thời lão Vận còn quét chợ.
          Một hôm, có chiếc xe du lịch sang trọng rẽ vào trụ sở uỷ ban nhân dân xã. Bước xuống xe là một ông cán bộ tóc bạc trắng. Có cả ông bí thư huyện uỷ đi cùng. Ông ta là một vị bí thư tỉnh uỷ một tỉnh phía Nam. Ông ra thăm Đền Hùng. Sực nhớ lại những ngày xưa hoạt động ở vùng Sơn Dương, Vĩnh Yên nên ông bảo lái xe ghé qua Lập Thạch. Câu chuyện của ông lớp cán bộ xã bây giờ không ai biết. Ông kể chuyện ngày ấy hoạt động trong lòng địch. Từ Hà Nội ông được lệnh lên Việt Bắc nhận nhiệm vụ mới. Ông qua đò sông Đáy và nghỉ lại một cơ sở bên này sông. Bọn chỉ điểm đã phát hiện nơi ông đang ở. Tên quan ba Pháp dẫn một tiểu đội biệt kích đóng giả làm một hiệp thợ mộc. Chúng bọc súng vào bao tải, gọi đò sang sông định tập kích bất ngờ.
 Phát hiện ra vẻ đáng ngờ của toán người, nhất là tên mà chúng gọi là thợ cả trùm khăn kín đầu nhưng vẫn thòi ra cái mũi lõ, anh lái đò vẫn bình tĩnh chở chúng qua sông. Khi bọn chúng lên bờ, lách cách cởi các bao đựng súng thì anh đẩy thuyền ra giữa sông. Anh rút chiếc tù và cài trong mui thuyền ra rúc lên liên hồi báo động. Dân làng vốn rất cảnh giác vì ở sát vùng Tề nên biết là có biến. Ông cán bộ kịp chạy thoát. Bọn địch bị lộ, chúng điên cuồng xả đạn vào làng và bắn ra sông chỗ con thuyền làm anh lái đò bị trúng đạn gẫy chân. Sau đận ấy, ông lên chiến khu an toàn. Giải phóng Điện Biên Phủ, ông vào miền Nam chiến đấu, rồi làm cán bộ lên đến chức bí thư tỉnh uỷ. Sắp nghỉ hưu, ông ra thăm lại miền Bắc. Chợt nhớ lại tiếng tù và của người lái đò, ông tìm về bến sông xưa.
          Nghe câu chuyện của ông bí thư tỉnh uỷ, mọi người đều đoan chắc người lái đò dũng cảm thổi tù và ngày ấy đích thị là lão Vận quét chợ.
 Ông bí thư tỉnh uỷ cùng mọi người đến nhà lão Vận. Trên cái bàn thờ tàn lạnh hương nhang, họ tìm thấy chiếc tù và bằng sừng trâu. Ông bí thư tỉnh uỷ trân trọng cầm chiếc tù và cũ kỹ lên xem. Anh cán bộ văn hoá huyện nói: "Xin bác cho chuyển về phòng truyền thống của huyện". Ông bí thư tỉnh uỷ gật đầu. Ông bảo anh thư ký mua hoa quả, hương nhang ra nghĩa trang viếng mộ lão Vận. Nghe nói trước khi ra đi, ông còn gửi lại xã mấy triệu đồng để hương khói và sau ba năm cải táng, xây mộ cho lão.
 Hôm ấy là đúng một trăm ngày mất của lão Vận...
                                                             Hà Nội, 6-2003
                                                            Trọng Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét