Chuyện nhà ông Duy
Truyện ngắn của Trọng Bảo
1- Ông Duy nằm thẳng đuột giữa giường. Hai tay ông đặt trên bụng. Đôi mắt ông trân trân nhìn lên trần nhà. Căn nhà âm u mờ mờ tối kể từ khi mụ vợ ông nảy ra cái sáng kiến làm một cái cánh cửa cuốn ngăn nửa gian phía ngoài để làm nơi bán cà phê, giải khát.
Khi còn đương chức, ông đi cả ngày từ mờ đất tới khuya mới mò về, ăn xong là ngủ, mụ vợ mặc sức sử dụng căn nhà để buôn bán hay làm gì cũng chẳng sao. Từ ngày ông về nghỉ hưu, luẩn quẩn ở nhà thì mới sinh chuyện. Có thằng con trai bằng tuổi con út ông vừa vào đến cửa đã ôm chầm lấy đứa con gái vừa hất hàm trịch thượng:
- Ông chủ! Cho một cà phê đen, một cam vắt! Nhanh lên!
Ông bưng ly cà phê ra đã thấy đứa con gái ngồi trong lòng thằng con trai. Thằng con trai vừa luồn tay vào trong áo con bé vừa hất hàm bảo ông:
Ông bưng ly cà phê ra đã thấy đứa con gái ngồi trong lòng thằng con trai. Thằng con trai vừa luồn tay vào trong áo con bé vừa hất hàm bảo ông:
- Để đấy! Nhìn gì mà nhìn?
Sau vụ ấy, ông liền dẹp tuốt tuột những cái bàn con con kê ngổn ngang khắp các xó xỉnh trong nhà được ngăn cách bằng những tấm bình phong mỏng mảnh cho những đôi trai gái vừa uống cà phê, nước ngọt vừa ôm nhau. Mụ vợ ông gầm lên. Đang làm ăn, buôn bán thuận lợi thì tự dưng ông chồng giở quẻ. Hai vợ chồng ông cãi nhau một trận ầm ĩ cả phố. Đất trời cứ tưởng chẳng bao giờ chịu nhau. Nhưng mưa gió sấm chớp mãi cũng có lúc phải trời quang mây tạnh. Một đêm, mụ vợ thẽ thọt bảo:
- Thôi thì ông nghỉ hưu, đã có chút lương bổng nhà nước còn tôi thì phải buôn bán, kiếm sống. Tôi sẽ cho sửa lại căn nhà, ngoài mặt tiền lấy chỗ bán hàng, còn phía trong là vương quốc riêng của ông...
Ông Duy im lặng. Mụ vợ gọi cánh thợ nề, thợ sắt đến cưa đục, đập phá, xây chát chỉ nửa buổi là xong. Một cái cửa cuốn bằng tôn chỉ cần bấm nút điện xoẹt một tiếng là đã hạ xuống ngăn đôi gian nhà ra làm hai nửa riêng biệt, hai thế giới khác nhau. Phía ngoài là giang sơn của mụ vợ được ngăn ra thành từng ô nhỏ suốt ngày rúc rích, lào thào, hổn hển. Phía bên trong cái cửa cuốn là khoảng không gian tĩnh lặng của ông. Ông Duy suốt ngày hết đọc báo lại xem tivi. Mụ vợ dặn: "Không có việc gì thì đừng có mà ra ra vào vào, khách khứa của tôi thấy ông đạo mạo sợ chạm hải quan, phòng thuế tản mất thì hết mối làm ăn của tôi!". Mụ vợ không dặn ông cũng biết tỏng. Mụ ấy bán cà phê chỉ làm bình phong. "Chuyên ngành" chính của mụ ấy là đổi tiền, buôn đô la, ngoại tệ, buôn bán tiền lẻ, trao đi, đổi lại kiếm phần chênh lệch. Cũng chỉ là loại buôn bán, đổi chác kiểu cò con, cải thiện mâm cơm chứ cũng chẳng mong làm giàu.
2- Còn nhớ ngày xưa, hai vợ chồng ông đều cùng công tác ở cửa hàng bách hóa quốc doanh thị trấn huyện. Ông là cán bộ phụ trách cung tiêu, chuyên đi nhận hàng ở tổng kho, hoặc đưa hàng xuống các hợp tác xã mua bán cấp xã. Bà là nhân viên đứng quầy chuyên bán hàng cung cấp cho cán bộ có phiếu ưu tiên. Bán hàng ngày ấy vừa nhàn vừa oai, khối người phải quỵ luỵ. Nhìn cảnh các cán bộ, nhân viên ăn lương nhà nước hẳn hoi, tay cầm một nắm tem phiếu, sổ gạo đứng xếp hàng dài chờ đến lượt mua hàng bà thích lắm. Bà thường tưởng tượng mình là một người chỉ huy, thống lĩnh ba quân, ban phát ân huệ cho hạ cấp. Đang bán hàng thấy khát, bà bỏ đi tìm nước đến hàng chục phút mà chẳng ai dám kêu ca. Khách hàng có oán thán thì nuốt vào bụng, miệng vẫn phải ngọt nhạt: "Chị làm ơn, bán cho em tiêu chuẩn gạo thịt tháng này!". Đất nước lúc khó khăn phải phân phối thu nhập bằng tiêu chuẩn tem phiếu. Trong cái cơ chế bao cấp ấy khó khó khăn cho người này lại có lợi cho người khác. Đó chính là những người được giao "cầm cân, nảy mực" như vợ chồng ông. Chỉ cần cân non một tý, đong vơi một tẹo, kéo căng một chút khi cân đong đo đếm thì đã có đủ gạo thịt muối mắm cả nhà ăn suốt tháng, thừa vải may quần áo mặc cả năm...
Chuyển sang cơ chế thị trường, những cái cửa hàng mậu dịch quốc danh, hợp tác xã mua bán tem phiếu ấy thoi thóp được một thời gian rồi chết hẳn. Ông được chuyển lên phòng thương nghiệp huyện, phấn đấu mãi cũng vào được cái chân trưởng ban hành chính, rồi chủ tịch công đoàn, cán bộ lèng đèng nhưng có chỗ cắp ô đi về. Bà vợ ông làm tạp dịch một thời gian thì về hưởng trợ cấp một lần.
3- Là một người ưa hoạt động phải nghỉ công tác ông thấy hụt hẫng, chơi vơi. Nhưng mọi sự đều phải quen dần. Con người bao giờ cũng phải tự thích nghi với điều kiện sống. Ông vẫn thường tự nhủ như vậy. Tuy nhiên ông không thể làm quen được với việc suốt ngày ngồi ru rú trong căn nhà tối mù mù, âm âm u u thế này. Ngôi nhà ống của ông chiều rộng chỉ có hơn hai mét, chiều dài lại những hai mươi mét, không cửa sổ, thủng hai đầu đuồn đuột như một đoạn cống hộp. Từ khi mụ vợ ngăn phía trước làm nơi bán hàng, chắn luôn nguồn ánh sáng chiếu vào. Một hồm nằm ngó lên trần nhà ông chợt thốt lên: "Nhà với cửa, giống hệt như một cái quan tài!". Bà vợ ông giật nảy mình cáu cẳn: "Ngày mùng một ông nói năng thế sui cả tháng đấy!".
Ông không thèm cãi lại mụ vợ. Ông đang bần thần với sự "khám phá" mới của mình. Từ ấy cái cảm giác đang nằm trong quan tài luôn luôn ám ảnh ông.
Ông Duy vốn là người không được khoẻ mạnh cho lắm. Hồi còn nhỏ ông là người hay ốm yếu. Bà mẹ sau khi sinh ra ông bị hậu sản lại ít thuốc thang, chả có gì bồi bổ vào cơ thể nên mất sữa. Ông nhớ như in mỗi lần bị ốm, bà mẹ lại cõng ông ra trạm xá xã. Bà y tá sờ trán thấy nóng thì bảo sốt, thấy lạnh thì bảo cảm. Thi thoảng lắm bà y tá mới dí cái ống nghe cũ kỹ, chằng dây thép cho khỏi rơi khỏi tai vào ngực ông để nghe ngóng cho có vẻ khám bệnh rồi kê đơn. Vài viên thuốc cảm, quá lắm là một lọ pênêxilin bột và vài ống nước cất. Ông tiêm vài mũi thấy đơ đỡ. Hôm sau bà mẹ đi gặt, ông tự đến trạm xá để tiêm. Bà y tá già mắt mũi kèm nhèm, kim tiêm cùn xuyên mãi mới được khiến ông đau chảy cả nước mắt. Ngày hôm sau nữa qua chỗ hồ nước ông ném luôn mấy ống nước cất vào bụi gai sòng sọng, trút bỏ chút bột pênêxilin giữ lại cái lọ để đựng mực đi học.
Cũng do thể trạng yếu ớt nên ông rất hay bị mộng mị, ác mộng. Ông thường mơ thấy mình nằm chênh vênh trên miệng một cái hố sâu thăm thẳm, chỉ chực lăn xuống. Cũng do gầy yếu nên cả làng đều gọi ông là "thằng Còm".
Ấy thế mà khi ông làm trưởng ban cung tiêu khối kẻ xúm xít xung quanh, nịnh nọt để mong ông tuồn cho các loại hàng hoá thiết yếu như lốp xe đạp, mì chính, mắm tôm khô, cao cấp hơn nữa là đôi pin đèn con thỏ, cái phích đựng nước nóng Trung Quốc...
Bây giờ nghỉ hưu, trở thành "người vô dụng" như ông vẫn tự nghĩ thì ông lại thấy mình như đang rơi vào tình trạng của thời thơ ấu. Cũng kể từ khi khám phá ra mình nằm trong căn nhà ống dài thượt giống như đang nằm trong cái quan tài khổng lồ thì ông lại hay bị ác mộng. Bà vợ ông cất công lên tận phố Thuốc Bắc cắt cho ông vài thang thuốc bổ, loại sắc lên thơm ngào ngạt, loại thì ngâm trong hũ rượu, toàn vị quý hiếm nhưng ông vẫn không thấy khoẻ hơn. Có đêm ông mê sảng hú lên dữ dội khiến bà vợ cũng hoảng hồn, chết khiếp.
4- Công an ập vào quán cà phê nhà ông Duy. Bà vợ ông há hốc mồm ú ớ, mặt cắt không còn giọt máu. Bà vội vơ nắm tiền lẻ đang bày trên bàn nhét vào túi. Đó là các loại tiền lẻ bà vẫn bán cho những người đi lễ chùa đặt lễ, làm công đức. Xong xuôi bà giơ hai tay ra như sẵn sàng tra vào còng số 8 của công an.
Nhưng ba bốn anh công an và cả một đôi nam nữ trẻ - chắc chắn là công an mật - đang chúi đầu vào nhau ở cái bàn phía gần cửa lại lao nhanh về phía góc quán, nơi có hai người nam và một phụ nữ đang ngồi. Cả ba bị túm tay quặt ngược ra phía sau lưng. Một tên định thò tay vào bụng liền bị quật ngã sóng soài ra nền nhà. Khẩu súng ngắn hắn giấu trong người văng ra. Những chiếc còng số 8 bập tanh tách nghe rất gọn và chính xác. Đại diện chính quyền phường và tổ dân phố cũng đã đến. Mấy chiếc cặp xách và túi của ba người này được đặt lên bàn và mở ra. Thì ra đây chính là một đường dây chuyên buôn bán ma tuý. Quán cà phê nhà ông Duy chính là nơi giao dịch "hàng trắng" của bọn chúng.
Ông Duy đang nằm xem tivi trong "chiếc quan tài khổng lồ" thì được công an mời ra để cùng bà vợ làm người chúng kiến và ký vào biên bản bắt quả tang buôn bán chất ma tuý. Ông Duy tái mét mặt khi nhìn những bánh hêrôin trắng hếu và những tập tiền bày trên bàn.
Cả hai ông bà lập cập ký tên vào biên bản.
Sau khi ba tên tội phạm bị dẫn giải đi rồi, anh công an khu vực còn ở lại. Anh mời vợ chồng ông Duy ngồi xuống và nghiêm khắc cảnh cáo:
- Ông bà cần chú ý! Quán cà phê này còn là nơi bọn môi giới mại dâm thường xuyên đến để gọi gái cho khách đấy...
- Ôi giời... - Ông Duy giơ hai tay lên trời. Mồ hôi ròng ròng trên má. Trong ánh sáng nhập nhoà của ánh điện khuôn mặt ông xám ngoét, méo mó. Bà vợ ông Duy thì thu lu hai tay giữ túi tiền. May mà chuyện buôn bán tiền lẻ, đổi ngoại tệ của bà không bị công an nhắc đến.
5- Mấy ngày liền quán cà phê nhà ông Duy không bán nhưng vẫn đông người vào ra. Đám thanh niên hiếu kỳ kéo đến đứng giữa nhà ông chỉ chỏ bảo nhau:
- Kia là chỗ tên trùm ma tuý ngồi đấy!
- Ghê thật! Súng của nó đầy ăm ắp đạn, may mà công an tước ngay được chứ không thì...
- Chắc là bọn chúng cũng phải "bồi dưỡng" rất đậm cho ông chủ quán nên mới ung dung hoạt động như thế...
- Chắc chắn rồi. Chả thế mà nó đóng đô ở đây mãi mới phát hiện được đấy!
Ông Duy quát:
- Cút... chúng mày... cút... cút ngay!
Một thằng cười hềnh hệch:
- Vâng... thì chúng cháu xin... c... u...ú...t...
Ra đến mãi ngoài ngõ có thằng còn réo vọng vào: "Ai... cà... phê... ôm... ma... tuý... đơ... ".
Ông Duy bực lắm nhưng không làm sao được. Ông và bà vợ cãi nhau một trận om sòm cả ngõ phố. Bữa tối bà vợ ông giận không thèm nấu nướng gì nữa. Ông Duy cũng không muốn ăn. Đầu ông đau như búa bổ. Hai thái dương ông giần giật như sắp vỡ tung ra. Ông nằm thẳng đuột trên giường ngáp ngáp hụt hơi như một con cá bị đưa lên khỏi mặt nước. Ông cố nhắm mắt nhưng mãi không ngủ được. Gần sáng thì cái đầu mới hơi dịu đi một lát.
Ông Duy lại mơ thấy mình đang nằm chệnh vênh trên miệng một cái hố sâu hoắm đen ngòm chỉ chực rơi xuống. Ông cố gượng lại nhưng không được. Hình như có ai đang cố đẩy ông lăn xuống hố. Ông kêu cứu ầm ĩ nhưng tiếng ông cứ tắc nghẹn trong cổ họng. Rồi ông thấy mình chới với rơi xuống cái hố sâu hun hút mãi không thấy đáy... Ông hét lên và ngồi bật dậy. Mồ hôi ông túa ra đầm đìa. Ông thấy cổ họng mình khô cháy như đang có lửa trong đó. Ông thở dốc. Đầu ông vẫn ong ong. Ông chống tay đứng dậy lần xuống bếp tìm nước uống. Ông như người bị mộng du.
Sáng sớm bà vợ ông dậy xuống bếp thấy ông năm sóng xoài trên nền nhà bếp. Bà hốt hoảng lay không thấy ông trả lời mới gào lên gọi cấp cứu. Mọi người trong ngõ lao đến giúp bà đưa ông đi bệnh viện. May cũng còn kịp. Ông bị cảm nặng cấm khẩu mất mấy ngày. Đến ngày thứ tư ông mới ú ớ nói được vài câu ngọng líu ngọng lô chả hiểu nói cái gì.
6- Sau bận ấy cái quán cà phê nhà ông dẹp hẳn. Bà vợ ông chuyển sang buôn bán, đổi tiền lẻ lưu động ngoài chợ. Ông thì vẫn vơ vẩn ở nhà hết xem ti vi lại nằm đọc sách. Bức ngăn giữa nhà đã được phá bỏ. Căn nhà rộng, thoáng hơn. Nhưng ông vẫn không làm sao thoát khỏi cái cảm giác mình đang nằm trong quan tài. Chỉ hơi khác là chiếc quan tài bây giờ dài hơn mà thôi. Con người là thế. Khi cái ấn tượng nào đã hằn sâu vào tâm thức người ta thì muốn thoát khỏi nó không phải là dễ.
Một buổi trưa bà vợ ông Duy đáo qua nhà. Lúc ngồi ngoài chợ đột nhiên bà thấy nóng ruột, linh cảm thấy có chuyện không hay. Về đến nhà bà thấy cánh cửa khép hờ. Ngó trước, ngó sau không thấy chồng đâu, bà hoảng hồn nghĩ ngay đến chuyện kẻ trộm thừa cơ ông chồng ra ngoài lỏn vào trộm đồ. Bà vội kiểm tra đồ đạc, tủ két. Chả mất thứ gì. Bà thở phào nhẹ nhõm ngồi xuống ghế. Làm một hơi hết cốc nước bà mới nhớ tới ông chồng. Bà gọi không thấy ông trả lời. Thằng bé hàng xóm chạy sang bảo:
- Ông đeo ba lô hành quân đi rồi bà ạ!
- Hành quân là thế nào hả cháu?
- Cháu không biết ạ! Chỉ thấy ông dặn cháu nói lại với bà là ông ấy lên đường theo đoàn đi tìm đồng đội bà ạ! Bà không phải lo cho ông ấy đâu.
Nghe thằng bé nói vậy bà lẩm bẩm: "Ông này giở chứng gì không biết?". Chờ đến tối vẫn không thấy ông về, bà hoảng sợ thực sự. Bà vội thông báo cho con gái lấy chồng ở Hải Phòng về ngay. Hai mẹ con chờ đến sáng hôm sau vẫn không thấy ông xuất hiện. Họ gọi điện đến những địa chỉ ông có thể đến nhưng họ đều trả lời không thấy ông. Đang lúc hai mẹ con định gặp công an để trình báo mất tích thì anh hiệu trưởng trường cấp 2 từ quê gọi điện lên báo tin ông đang ở trường. Ngày mai ông sẽ đi theo đoàn học sinh cũ vào miền Nam tìm hài cốt một bạn học đã hy sinh trong những năm chống Mỹ. Bà thở phào yên tâm nhưng lại bực: "Cái ông này định đi mà không nói trước để mình chuẩn bị cho ít tiền tiêu dọc đường! Đúng là đồ lẩm cẩm...".
Câu chuyện của ông Duy chỉ có thế. Sau chuyến đi miền Nam đưa hài cốt của bạn học về quê hương ông tuyên bố sẽ trở về quê cũ, nơi ngày xưa ông bà từng công tác cùng nhau ở cái của hàng mậu dịch quốc doanh thị trấn ngày nào. Nhưng bà thì lại không thể rời được cái nhà ống. Nhưng ông kiên quyết rời khỏi căn nhà ống giống hệt một cái quan tài khổng lồ ấy để về quê. Dân quê nhiều người bảo ông là đồ hâm, người ta chạy ra thành phố chả được, ông lại từ thành phố chạy về quê ở. "Ông này có lẽ bị thần kinh!". Nghe họ nói thế ông chỉ mỉm cười im lặng. Ông bước ra vườn. Ông khoan khoái vươn vai hít thật sâu mùi hoa bưởi đang lan toả khắp khu vườn nho nhỏ.
Hà Nội, cuối 2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét