TRĂNG QUÊ (phần 33)
Tiểu thuyết của Trọng Bảo
Tiểu thuyết của Trọng Bảo
Vũ Sinh rất cay cú về việc thằng Nam tìm được khẩu súng CKC bị mất. Rõ ràng là một cán bộ công an, một người hôm nào trên dãy núi Sáng rậm rạp từng tìm ra nơi tên phi công Mỹ ẩn náu hẳn hoi mà lại không bằng một thằng dân quân nhãi ranh, miệng còn hơi sữa. Ý nghĩ ấy đã làm cho Vũ Sinh bức bối nhiều đêm không ngủ. Vũ Sinh càng thấy mất thể diện và cáu hơn vì có nhiều tiếng xì xầm của dư luận bàn ra, tán vào là "chuyên môn công tác an ninh không bằng cái khung thành bóng đá". Nghe mà tức anh ách. Song Vũ Sinh cũng phải công nhận là thằng Nam rất thông minh. Nó biết tận dụng mọi thông tin từ quần chúng nhân dân, kể cả bọn trẻ con. Thông tin tốt nhiều khi không phụ thuộc vào đối tượng cung cấp nguồn tin ấy. Mấy ông cán bộ lão thành về hưu hay lên lớp, dặn dò Vũ Sinh nào là phải tích cực "xây dựng thế trận an ninh vững vàng trước tình hình mới" đã chỉ dẫn cho trưởng công an xã biết bao nhiêu là kinh nghiệm quý báu trong việc phá án ở cơ sở, nhưng cuối cùng vẫn không giúp tìm ra khẩu súng bị mất. Đó là điều Vũ Sinh thất vọng và buồn nhất. Điều thứ hai mà Vũ Sinh cảm thấy bức bối và buồn hơn là anh vừa được đề bạt lên cấp trưởng thì đúng lúc tìm thấy khẩu súng mà lại là chiến công của người khác, thế mới đau chứ.
Trưởng công an xã Vũ Sinh càng thất vọng hơn khi nghiên cứu rất kỹ lý lịch đến ba đời, bốn kiếp nhà thằng Bớt, rà đi, soát lại mãi cũng không tìm ra ai là kẻ ôm chân đế quốc, phong kiến, xỏ nhầm dày Tây. Đời ông và bố nó còn có công lao, đóng góp với cách mạng nữa. Ông nó từng là cơ sở nuôi giấu cán bộ hoạt động trước cách mạng tháng Tám, bố nó là thầy giáo tham gia phong trào bình dân học vụ rồi là du kích trong kháng chiến. Vậy tại sao thằng Bớt lại lấy trộm vũ khí của dân quân. Nguyên nhân hóa ra rất đơn giản mà trưởng công an Vũ Sinh không hề ngờ tới, không tin, kể cả khi thằng Bớt đã khai nhận như thế.
Thằng Bớt vốn là một đứa lười biếng, lêu lổng. Khi ông Đáng, bố nó còn sống thằng Bớt đã chẳng chịu chuyên tâm học hành cho đến nơi, đến chốn. Ông giáo già góa vợ lại chiều con nên nó càng sinh hư. Ông giáo buồn vì đến khi nhắm mắt không lo cho con thành sự nghiệp. Nhà thằng Bớt có một bãi nương trồng sắn trên sườn Đồi Ma và một mảnh ruộng vỡ hoang ở dưới chân đồi. Dân quân xây dựng trận địa trên Đồi Ma hào giao thông từ đỉnh đồi xuống cánh đồng. Khi trời mưa to tuyến hào giao thông tạo thành một dòng chảy làm trôi hết lúa mới cấy trên mảnh ruộng vỡ hoang nhà thằng Bớt. Việc vận chuyển vật liệu xây dựng công sự trận địa, luyện tập chiến đấu của dân quân làm gãy cây sắn trên mảnh nương nhà gã. Vì thế thằng Bớt rất căm đám dân quân làng Hạ. Mặt khác, khi chưa có trận địa của dân quân thằng Bớt cũng kiếm được chút đỉnh, đủ uống rượu mỗi khi có người đến cúng bái hoặc dò tìm vàng, đồ cổ trên Đồi Ma. Thằng Bớt chuyên giúp lão Thống thầy cúng đi mua hương nhang, đồ dùng tế lễ, cúng bái. Nhiều lần, theo kịch bản của lão thầy cúng thằng Bớt bí mật leo lên cây đa giả làm ma quỷ kêu khóc, quãi cát xuống gây thêm sự linh nghiệm, huyền bí để moi tiền các tín đồ. Từ khi dân quân có mặt suốt ngày đêm trên Đồi Ma thì lão thầy cúng và thằng Bớt mất một chỗ hành nghề, kiếm tiền béo bở.
Một hôm gặp thằng Bớt, lão thầy cúng liền khích nó:
- Mày đành chịu nhún bọn dân quân hả?
- Không chịu thì làm thế nào được!
Lão thầy cúng gợi ý:
- Đốt mẹ cái nhà hầm đi, hoặc quẳng mấy khẩu súng của bọn dân quân xuống suối cho chúng nó chừa…
- Tôi chả dại. Đi tù mọt gông!
Thằng Bớt lủng bủng trong miệng rồi bỏ đi. Lão Thống nói vóng theo:
- Thế thì cứ chịu bẹp lép như con gián thôi con ạ!
Sự ức chế, bực bội đối với đám dân quân trên Đồi Ma trong lòng thằng Bớt bắt đầu nảy sinh từ đó. Một hôm, bà chị gái giúp gã đi gặt ở mảnh ruộng vỡ hoang dưới chân Đồi Ma. Bà chị quẩy một gánh lúa nhẹ tênh về bảo nó:
- Nước mưa từ trên đồi chảy xuống xối qua, ruộng trôi hết cả đất màu, phân bón, lúa lốp, toàn rơm là rơm thôi. Gặt hái làm gì cho mất công?
Thằng Bớt tức tối. Gã đi tìm đám dân quân để phản ánh thì gặp thằng Nam đang đi từ trận địa xuống. Thằng Nam nghe chưa hết câu chuyện đã ngắt lời gã bảo:
- Đấy là mảnh ruộng vỡ hoang, xâm phạm vào diện tích đất công. Hợp tác xã chưa công hữu là may mắn lắm rồi. Anh có kiến nghị lên đến tận… trời thì cũng đến thế thôi. Chả ai bênh cái đồ tư hữu, tư sản đâu! Không khéo người ta lại tịch thu mất thửa ruộng ấy thì chỉ có treo niêu...
- Tao không thèm đôi co với mày! Đồ oắt con!
Thằng Bớt chỉ tay vào mặt thằng Nam quát. Nhưng thằng Nam không sợ. Nó là một chiến sĩ dân quân cơ mà. Thằng Nam vỗ vỗ vào báng khẩu súng đang đeo và cười khinh khỉnh vẻ coi thường một kẻ chậm tiến. Thằng Bớt ức lắm. Gã nghiến răng nhủ thầm: “Đã thế thì ông sẽ cho lũ chúng mày biết tay!”.
- Mày đành chịu nhún bọn dân quân hả?
- Không chịu thì làm thế nào được!
Lão thầy cúng gợi ý:
- Đốt mẹ cái nhà hầm đi, hoặc quẳng mấy khẩu súng của bọn dân quân xuống suối cho chúng nó chừa…
- Tôi chả dại. Đi tù mọt gông!
Thằng Bớt lủng bủng trong miệng rồi bỏ đi. Lão Thống nói vóng theo:
- Thế thì cứ chịu bẹp lép như con gián thôi con ạ!
Sự ức chế, bực bội đối với đám dân quân trên Đồi Ma trong lòng thằng Bớt bắt đầu nảy sinh từ đó. Một hôm, bà chị gái giúp gã đi gặt ở mảnh ruộng vỡ hoang dưới chân Đồi Ma. Bà chị quẩy một gánh lúa nhẹ tênh về bảo nó:
- Nước mưa từ trên đồi chảy xuống xối qua, ruộng trôi hết cả đất màu, phân bón, lúa lốp, toàn rơm là rơm thôi. Gặt hái làm gì cho mất công?
Thằng Bớt tức tối. Gã đi tìm đám dân quân để phản ánh thì gặp thằng Nam đang đi từ trận địa xuống. Thằng Nam nghe chưa hết câu chuyện đã ngắt lời gã bảo:
- Đấy là mảnh ruộng vỡ hoang, xâm phạm vào diện tích đất công. Hợp tác xã chưa công hữu là may mắn lắm rồi. Anh có kiến nghị lên đến tận… trời thì cũng đến thế thôi. Chả ai bênh cái đồ tư hữu, tư sản đâu! Không khéo người ta lại tịch thu mất thửa ruộng ấy thì chỉ có treo niêu...
- Tao không thèm đôi co với mày! Đồ oắt con!
Thằng Bớt chỉ tay vào mặt thằng Nam quát. Nhưng thằng Nam không sợ. Nó là một chiến sĩ dân quân cơ mà. Thằng Nam vỗ vỗ vào báng khẩu súng đang đeo và cười khinh khỉnh vẻ coi thường một kẻ chậm tiến. Thằng Bớt ức lắm. Gã nghiến răng nhủ thầm: “Đã thế thì ông sẽ cho lũ chúng mày biết tay!”.
Từ ấy, thằng Bớt luôn nuôi trong lòng một ý nghĩ đen tối. Ý nghĩ ấy cứ lớn dần lên mãi. Thằng Bớt đợi khi thời cơ đến. Hôm ấy, khi phần lớn trung đội dân quân làng Hạ đi làm nhiệm vụ, thằng Bớt theo giao thông hào bò lên trận địa Đồi Ma. Ban đầu gã định phóng hỏa đốt cháy căn nhà hầm cho bõ tức. Nhưng suy đi tính lại hắn thấy làm như thế bất lợi. Khi căn nhà bốc cháy số dân quân có mặt trên đồi sẽ phát hiện ra thủ phạm ngay. Nghĩ vậy nên thằng Bớt liền cất cái bật lửa vào túi. Gã thận trọng bò vào trong căn nhà hầm và trông thấy hai khẩu súng đang để trên giá. Lập tức, gã ôm hai khẩu súng định tuồn theo giao thông hào xuống chân đồi. Nhưng vì có tiếng chân người nên thằng Bớt đành bỏ lại một khẩu súng ở giữa căn nhà hầm để chuồn cho nhanh. Bọc cái áo cho kín khẩu CKC lấy được, thằng Bớt tụt xuống chân đồi. Không ai phát hiện ra gã. Cánh đồng xung quanh Đồi Ma rất vắng người vì là khu vực quân sự, nguy hiểm, gần mục tiêu bắn phá của máy bay Mỹ. Thằng Bớt men theo con mương chạy một mạch về khu vườn trồng dứa nhà mình. Thằng Bớt ném khẩu súng xuống cái giếng hoang rồi dùng chà cây gai xấu hổ phủ kín. Gã yên tâm tin sẽ không ai phát hiện ra việc làm của mình. Một thời gian dài sau vẫn không ai nghi ngờ, gã càng yên tâm hơn. Gặp đám dân quân đi mò tìm vũ khí ở các hồ ao gã còn đến đứng xem với vẻ mặt rất đắc ý. Cao hứng có lần gã còn nhảy ùm xuống ao giúp dân quân lặn tìm súng. Thằng Bớt không ngờ có một thằng oắt con mò vào vườn ăn trộm dứa đúng cái hôm gã ném khẩu súng xuống cái giếng hoang.
Trưởng công an xã Vũ Sinh hoàn toàn không tin vào những lời thú tội của thằng Bớt. Vũ Sinh vẫn nghi ngờ thằng Bớt có liên hệ với một tổ chức phản động nào đó. Nhưng vì thằng Bớt ngay sau đó đã bị dẫn giải lên công an huyện để tiếp tục điều tra và giam giữ nên Vũ Sinh không còn có cơ hội để tiếp tục truy ra tổ chức phản động này nữa.
Sau khi tìm thấy khẩu CKC bị mất các quyết định kỷ luật đối với trung đội dân quân làng Hạ có sự thay đổi. Trung đội trưởng Tình và cái Liên đều được "giảm án" chỉ bị cảnh cáo, không bị giáng chức và khai trừ ra khỏi hàng ngũ dân quân nữa. Thêm cái Na bị kỷ luật khiển trách vì suýt nữa cũng để mất vũ khí. Hôm đó có động nên thằng Bớt đành phải bỏ lại khẩu súng của cái Na. Lão Thống thầy cúng bị công an gọi lên cảnh cáo vì xúi giục người khác phạm tội và hành nghề mê tín dị đoan. Duy chỉ có Phạm Bản thì quyết định giáng chức xuống xã đội phó không thấy sửa lại, mặc dù lãnh đạo xã Hòa Sơn đã có báo cáo, kiến nghị lên trên. Thời nào cũng vậy, việc sửa sai cấp trên bao giờ cũng thường chậm chạp hơn cấp cơ sở.
Cái Liên được trở lại tham gia trực chiến và gác phòng không trên trận địa Đồi Ma. Sau vụ mất súng cái Liên trở nên chín chắn hơn, ít nói hơn. Nhưng tựa như cái cây bị hạn được mưa, nét mặt và cơ thể của nó không còn ủ rũ nữa mà rân rân lấy lại sự tràn căng, tươi tắn, hy vọng. Hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với cái Liên chỉ là một nỗi buồn đáng nhớ, chặng đường đời vẫn còn đang rất dài phía trước. Nó chỉ sợ là sẽ bị loại khỏi đội ngũ các chiến sĩ dân quân. Ở một vùng quê này điều đáng sợ nhất không phải là chiến tranh và đói khổ mà là sự cô lập, bị tách rời khỏi tập thể khi mà mình còn đang trẻ. Lúc nhìn khẩu súng CKC được vớt từ dưới đáy giếng âm u lên cái Liên cảm thấy như chính bản thân mình đã được vớt lên từ dưới lớp bùn đen. Cái Liên vô cùng biết ơn thằng Nam, nhưng nó không biết phải nói như thế nào. Nó tự thề là phải ghi nhớ ơn này mãi trong lòng mình. Cái Liên thấy ân hận vì đã có những suy nghĩ xấu về thằng Nam.
Thằng Nam thì coi việc tìm thấy khẩu súng là một chuyện bình thường. Đối với nó điều quan trọng nhất là minh oan được cho đồng đội, lấy lại danh dự cho đơn vị. Nhiều người thắc mắc hỏi tại sao không được khen thưởng, thằng Nam chỉ cười khì không trả lời. Chị Tình quyết định trích quỹ của chi đoàn mua cho thằng Nam thêm một quả bóng đá nữa, tạo điều kiện thời gian để nó tiếp tục huấn luyện và tổ chức cho các đội bóng trẻ con thi đấu...
Tình hình Hòa Sơn trở lại bình thường, bớt căng thẳng hơn như khi chưa tìm thấy khẩu súng bị mất. Chủ tịch xã Nguyễn Trung Hiếu đỡ lo lắng hơn. Hằng ngày anh vẫn đạp xe đi về giữa thị trấn huyện lỵ và ủy ban xã Hòa Sơn. Trên dãy núi Tam Đảo luôn lởn vởn những chiếc máy bay phản lực Mỹ. Tiếng bom nổ xa xa vọng về không gây khuấy động nhiều sự yên ả của một vùng trung du thẳm xanh.
Chiều tà, một áng mây thành giăng giăng ở phía chân trời...
(còn nữa) Hà Nội, 10-2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét