Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Truyện dài TRĂNG LẠNH (phần 32)

 

 
           
               
           
          TRĂNG LẠNH
          Truyện dài của Trọng Bảo

           Chuyện thằng Nam tìm ra tung tích khẩu súng CKC của trung đội dân quân thường trực làng Hạ bị mất không phải là một sự tình cờ. Nó đã phải tốn hao bao nhiêu công sức, trí tuệ, suy nghĩ rất nhiều ngày. Khi thấy công an xã, công an huyện bằng nhiều biện pháp chuyên môn nghiệp vụ vẫn không tìm ra dấu vết của khẩu súng thằng Nam đã nghĩ đến một cách khác. Việc tổ chức cho bọn trẻ con đá bóng chính là một kế hoạch mà nó đã bàn bạc rất cụ thể với trung đội trưởng Tình. Vốn trưởng thành từ một đứa trẻ rất nghịch ngợm nên thằng Nam đã có một suy nghĩ khác mọi người là: "Mọi việc có thể người lớn không biết nhưng trẻ con thì lại biết!". Thằng Nam thành lập và huấn luyện ba đội bóng trẻ con tức là nó đã có trong tay ba đơn vị trinh sát với gần năm mươi chiến sĩ tý hon ở khắp các làng xóm trong xã Hòa Sơn.
            Hàng ngày, trước các trận thi đấu bóng đá bọn trẻ con đều thông báo cho thằng Nam biết mọi thông tin mà chúng biết. Từ chuyện bà Hậu làng Thượng đêm qua bị kẻ trộm bắt mất con gà mái đang nhảy ổ đẻ đến chuyện ông Đông làng Hạ sáng nay đi cày sớm bị trâu húc què chân, hay việc cái ao thả cá của hợp tác xã ở xóm Mới vừa bị vỡ bờ do mưa to, người lớn trẻ con bắt được rất nhiều cá nhưng chỉ nộp lại vài con cho đội sản xuất. Rồi chuyện nhà nào hết gạo, nhà nào phải ăn khoai sắn thay cơm... Nói chung, những việc hằng ngày xảy ra ở Hòa Sơn có nhiều khi thằng Nam còn nắm vững hơn cả các ông chủ tịch và công an xã.
            Từ những thông tin của bọn trẻ con mê bóng đá, thằng Nam chú ý đến một chuyện. Đó là câu chuyện của thằng bé tên là Cu Sứt ở xóm Mới. Cu Sứt kể lại câu chuyện một hôm nó và thằng em rủ nhau đi ăn trộm dứa. Hai anh em tháo chiếc dây thừng dắt trâu rồi chui vào một khu vườn trồng dứa ven đồi. Cu Sứt bò trước, thằng em bò theo sau. Bẻ được quả dứa nào thì hai thằng dùng dây thừng buộc vào thành một xâu dài. Khi được gần chục quả thì kéo theo xâu dứa chui rào trở ra ngoài vườn. Hôm ấy, chỉ có một mình chui vào vườn, đang bẻ trộm dứa thì Cu Sứt nghe tiếng chân người chạy thình thịch. Cu Sứt chui vội vào một bụi dứa um tùm. Mặc cho gai dứa cào rách mặt, máu ứa ra đau rát nhưng nó vẫn cố nằm im không dám thở mạnh. Vì nếu bị người ta phát hiện ăn trộm dứa thì nó sẽ bị đưa đi tù ngay như người lớn vẫn thường dọa như thế. Một người chạy nhanh qua chỗ Cu Sứt đang ẩn nấp. Người đó đi về phía cuối vườn, chỗ cỏ tranh và cây xấu hổ um tùm. Cu Sứt nghe một tiếng động mạnh như có một vật gì ném xuống nước. Lúc người đó quay lại Cu Sứt trông rõ đó chính là gã chủ của vườn dứa này. Khi gã chủ vườn dứa đã đi về phía căn nhà khuất sau đồi Cu Sứt liều mạng bò đến chỗ cỏ tranh và cây gai xấu hổ um tùm. Nó vạch bụi gai ra và phát hiện có một miệng giếng hoang người ta đã bỏ không dùng từ lâu. Xung quanh miệng giếng cỏ cây hoang dại mọc rất rậm rạp. Câu chuyện này mãi gần đây khi thằng Nam hỏi bọn trẻ xem có trông thấy, nghe thấy ai vứt hoặc ném cái gì xuống sông suối, ao hồ hay không thì Cu Sứt mới sực nhớ ra và kể lại.
Thằng Nam lập tức cùng Cu Sứt tìm cách tiếp cận khu vườn trồng dứa để trinh sát. Hóa ra khu vườn này là của gia đình ông Đáng. Ông Đáng là một thầy giáo già dạy lớp vỡ lòng. Ông đã mất cách đây mấy năm. Khu vườn này do anh con trai cai quản, thu hoạch. Đó chính là cái gã mà Cu Sứt đã trông thấy hôm chui vào vườn bẻ trộm dứa. Gã tên là Bớt. Gã này tính tình không giống ông bố hiền lành hay giúp đỡ người khác. Từ khi còn đi học gã thường hay gây gổ đánh lộn với bạn bè. Tính tình lại tắt mắt, thấy của người khác để hớ hênh là nẫng ngay. Tuy thế, thằng Nam rất băn khoăn, nếu đúng là gã đã lấy trộm khẩu súng thì là để làm gì. Gã này tuy ngổ ngáo, hay ăn cắp vặt, từng bị công an xã cảnh cáo mấy lần nhưng chắc cũng không phải là một kẻ phản động, Việt gian bán nước hại dân gì. Một lần đang đi làm ngoài đồng có máy bay bay thấp gã vô cùng hoảng sợ nằm ẹp xuống ruộng không dám ngóc đầu nhìn lên. Gã là một phần tử chậm tiến. Khi được gọi đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự không hiểu gã làm thế nào mà lần nào các bác sĩ cũng ghi là không đủ sức khỏe nhập ngũ. Cũng có thể là gã có căn bệnh nội tâm gì đó.
           Cuối buổi chiều, chờ khi gã chủ nhà phóng chiếc xe đạp thống nhất ra quốc lộ 2C, thằng Nam và Cu Sứt mới chui vào trong vườn dứa để trinh sát. Thì thào dặn Cu Sứt chú ý cảnh giới, thằng Nam bò đến góc vườn tìm kiếm. Quả đúng là trong bụi cây gai xấu hổ rậm rạp có một cái giếng bỏ hoang đã lâu. Thành giếng thấp nên cây cỏ phủ kín rất khó phát hiện. Thằng Nam che mắt nhìn xuống giếng chỉ thấy một khoảng tối om om. Nó nhặt một hòn đất thả xuống giếng, nghe một tiếng "tũm" vọng lên. Giếng có nước. Rất có khả năng tên trộm đã vứt khẩu súng CKC của cái Liên xuống cái giếng bỏ hoang này. Có tiếng Cu Sứt báo hiệu, thằng Nam định bò quay ra thì chợt nhìn thấy một vật gì trăng trắng nằm cạnh thành giếng chỗ gốc cây gai xấu hổ. Đó là một mảnh vải phin mỏng đang mắc vào gốc cây gai xấu hổ. Thằng Nam gỡ lấy mảnh vải đút vội vào túi.
           Thằng Nam và Cu Sứt chui ra bên ngoài khu vườn trồng dứa. Trời vẫn chưa tối hẳn. Lúc này thằng Nam mới nhìn kỹ mảnh vải nó nhặt được lúc nãy. Tuy đã cũ mốc vì mưa nắng nhưng Thằng Nam vẫn nhận ra đó là một chiếc khăn mùi xoa tự may bằng vải phin mỏng. Ở góc khăn có thêu một chữ L bằng chỉ đỏ. Đây đúng là cái khăn của cái Liên vẫn dùng lau mồ hôi khi luyện tập mà nó vẫn buộc vào dây đeo của khẩu CKC. Tuy vậy, thằng Nam vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn là khẩu CKC đang nằm dưới đáy cái giếng bỏ hoang trong bụi rậm. Nó quyết định bí mật lặn xuống giếng để tìm kiểm xem kết quả như thế nào rồi mới báo cáo lại cho trung đội trưởng Tình biết. Thế nhưng đang chuẩn bị tụt xuống giếng thì biết tin xã đội trưởng phát lệnh báo động tập hợp toàn trung đội, lại có cả công an lên trận địa Đồi Ma thằng Nam hiểu ngay là liên quan đến khẩu súng bị mất. Chỉ kịp dặn Cu Sứt ở lại canh chừng, thằng Nam vội vã chạy như điên quay về đơn vị. May mà khu vườn dứa ở ngay đầu xóm Mới, cách trận địa Đồi Ma không xa lắm.
           Sau khi nghe thằng Nam báo cáo lại tình hình, xã đội phó Phạm Bản quyết định:
           - Rất có khả năng khẩu súng đang giấu ở đây! Trung đội dân quân làng Hạ lập tức cử một tiểu đội nhanh chóng bao vây, phong tỏa khu vườn dứa và tổ chức tìm kiếm.
           Đoạn, Phạm Bản quay sang nói với trưởng công an xã Vũ Sinh:
           - Công an xã nên tổ chức kiểm tra, bắt giữ ngay đối tượng đáng nghi ngờ này. Tôi sẽ cử dân quân tăng cường lực lượng hỗ trợ cho công an.
            - Được rồi!
            Vũ Sinh đáp gọn lỏn rồi gọi ông công an viên tức tốc chạy đi ngay. Tiểu đội của chị Nhân được cử đi làm nhiệm vụ đột xuất này. Xã đội phó Phạm Bản và trung đội trưởng Tình đích thân chỉ huy cuộc tìm kiếm đột xuất này. Từ lúc nghe thằng Nam nói tìm đã thấy tung tích khẩu CKC cái Liên mặt mũi càng thêm tái nhợt đi như một người chết đuối. Nó bỏ lại các loại dụng cụ cấp dưỡng trên Đồi Ma đòi được đi theo bộ phận tìm kiếm khẩu súng. Nhưng hai chân cái Liên cứ líu ríu cả lại, không bước nổi. Chị Nhân phải cử cái Na dìu nó đi.
            Bộ phận truy tìm vũ khí vận động về hướng xóm Mới. Đến khu vườn dứa họ nhanh chóng triển khai đội hình bao vây mục tiêu. Cu Sứt từ trong một bụi cây chui ra báo cáo: "Anh Bớt vẫn đang ở trong nhà!". Trưởng công an xã Vũ Sinh rất nhanh cùng công an và dân quân ập vào khống chế đối tượng tình nghi. Ngay lúc đó, xã đội phó Phạm Bản và các dân quân cũng nhanh chóng tiến đến vị trí cái giếng hoang. Họ vạch cỏ, chặt bụi cây xấu hổ để miệng giếng lộ hẳn ra. Cái giếng được đào trên đồi cao nên sâu hun hút giống như một cái lỗ chui xuống âm phủ. Thằng Nam mở cuộn dây thừng ném một đầu xuống giếng rồi nói:
           - Giữ lấy một đầu dây thừng để em xuống giếng!
           Hừng "thọt" và thằng Biên vội cầm lấy một đầu dây thừng buộc vào đoạn gốc cây xấu hổ bên thành giếng. Thằng Nam nắm lấy sợi dây tụt xuống giếng. Thành giếng bỏ hoang lâu ngày đầy rêu trơn tuột, những bụi cây dương xỉ mọc um tùm. Tụt đến gần mặt nước thằng Nam đã buông tay khỏi sợi dây thừng thả người rơi "ùm" xuống giếng. Xã đội phó Phạm Bản quát:
           - Cẩn thận kẻo có cây cọc nó đâm vào người đấy!
           Thằng Nam lấy hơi rồi lặn luôn xuống đáy giếng tìm kiếm. Mãi chả thấy nó ngoi lên khiến tất cả mọi người đều nín thở lo lắng. Đột nhiên, mọi người bỗng thấy nước giếng cuồn cuộn rồi nhô lên cái nòng của khẩu súng CKC sau đó thằng Nam mới nhô lên. Nó gào to:
            - Thấy... thấy rồi!
            Tất cả đều reo lên vui mừng. Thằng Nam buộc khẩu súng vào đầu sợi dây thừng để mọi người kéo lên trước. Khẩu súng CKC được lôi ngay lên. Cái Liên nhào ngay đến ôm chặt lấy khẩu súng và bật khóc ầm ĩ. Khẩu súng bị ngâm dưới nước lâu ngày nên các bộ phận bằng sắt đều bị gỉ vàng và bám đầy bùn đen làm bẩn hết cái áo màu xanh xi-lâm của cái Liên. Tên Bớt được công an xã áp giải ra chỗ cái giếng hoang. Gã cúi đầu thú nhận việc đã lẻn lên trận địa Đồi Ma lấy cắp khẩu súng của dân quân. Chiếc còng số 8 cũ kỹ của trưởng công an xã Vũ Sinh vang lên một tiếng "tách" rất to và gọn ghẽ. Vũ Sinh đã bắt được kẻ dám cả gan mò lên trận địa ăn cắp vũ khí của dân quân, một đối tượng mà anh không hề ngờ tới. Công việc tiếp theo của trưởng công an xã Vũ Sinh là phải tiến hành ngay việc điều tra tìm hiểu xem động cơ nào mà tên Bớt lấy trộm khẩu súng của dân quân, nó có thuộc một tổ chức phản động, gián điệp hay Việt gian bán nước nào không! Rồi còn phải nghiên cứu, rà xét, đào bới thật kỹ lý lịch ba đời nhà nó xem trước, trong và sau cách mạng tháng Tám có ai làm việc cho bọn đế quốc, phong kiến hay không? Nói chung, với trưởng công an xã Vũ Sinh thì đây là một sự việc rất hệ trọng trong cuộc đấu tranh trên mặt trận an ninh vô cùng khó khăn phức tạp để bảo vệ thành quả cách mạng và chính quyền nhân dân.
           Mọi người vẫn đang râm ran bàn tán về việc bất ngờ tìm thấy khẩu súng bị mất. Ai cũng khâm phục sự thông minh, nhanh nhẹn của thằng Nam. Những người trước đây hay phê phán nó ham chơi, lơ là nhiệm vụ nay cảm thấy hối hận. Nhiều người lên tiếng đề nghị ban chỉ huy quân sự xã phải khen thưởng ngay cho thằng Nam. Lúc này, trung đội trưởng Tình mới sực nhớ ra và kêu lên:
           - Ơ... chúng mày kéo thằng Nam lên đi chứ!
           Thôi chết! Mọi người mải vui mừng vì tìm thấy khẩu súng mà quên béng mất thằng Nam vẫn đang còn ở dưới đáy cái giếng hoang. Họ vội ngó xuống giếng. Không thấy bóng thằng Nam đâu. Tất cả mọi người đều hốt hoảng, nhớn nhác. Thằng Biên bám vội vào sợi dây thừng để tụt xuống giếng xem sao. Giữa lúc đó thì mặt nước dưới giếng lại sủi lên cuồn cuộn. Nhiều người rú lên kinh hãi khi thấy một cái đầu màu xanh đỏ trồi lên với hai mắt xếch trợn ngược, lông mày rậm. cái mồm răng nhe ra hằm hằm gớm ghiếc. Người này trong tay đang cầm một thanh long đao và từ từ nhô lên khỏi mặt nước giếng đen ngòm. Đám dân quân nhốn nháo, ai đó thảng thốt kêu lên: "Ma... ma...". Có những tiếng lên đạn lách cách. Mấy khẩu súng lập tức chĩa ngay xuống giếng sẵn sàng nhả đạn.  Giữa lúc đó thì thằng Nam cũng nhô lên khỏi mặt nước ở ngay bên cạnh. Nó ngửa cổ nhe răng cười toe toét và gào to bảo mọi người ở trên:
           - Kéo lên đi!
           Mọi người lập tức kéo sợi dây thừng lên. Hóa ra đó chỉ là một bức tượng Ông ác làm bằng đất nung thường được đặt ở cổng các nhà chùa, am miếu. Có lẽ bức tượng này đã bị ai đó bê ném xuống giếng những năm trước đây khi chúng ta chủ trương phá bỏ các đình chùa, miếu mạo để loại trừ nạn mê tín dị đoan.
           Thằng Nam cũng được kéo lên khỏi giếng. Người nó ướt sũng, bê bết bùn đất. Cái Liên nhìn thằng Nam với con mắt đầy sự biết ơn.
           Sau khi tìm thấy khẩu súng CKC bị mất, đám dân quân vô cùng phấn khởi hành quân trở về trận địa Đồi Ma. Họ khênh theo luôn cả bức tượng Ông ác và dự định sẽ đặt ở sau mỏm đá chỗ có đặt bát hương thờ vị nữ thần trinh tiết giữ của của bọn Tàu ngày xưa. Thằng Nam bảo để Ông ác góp phần canh gác, bảo vệ trận địa của dân quân. Theo nó, chính Ông ác này đã có công lao canh giữ khẩu súng CKC dưới đáy cái giếng hoang suốt thời gian qua. Trưởng công an xã Vũ Sinh và ông công an viên thay vì dẫn giải cái Liên đã áp giải tên Bớt ra quốc lộ 2C lên chiếc xe U-oát chuyên chở tội phạm của công an huyện vẫn còn đang chờ sẵn ở đấy...

          (còn nữa)                                  Hà Nội, 11-2014
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét