Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

Truyện dài TRĂNG LẠNH (phần 26)

 

 
       

        TRĂNG LẠNH
         Truyện dài của Trọng Bảo

         Thằng Nam nằm lăn trên nóc hầm. Đầu nó gối lên báng khẩu súng K44, tay vắt trên trán có vẻ đang suy nghĩ rất lung.
Có tiếng máy bay Mỹ ầm ì vọng đến. Khẩu đội 12ly7 vội lao ra thao tác súng chuẩn bị chiến đấu. Vậy mà thằng Nam làm nhiệm vụ canh gác cảnh giới phòng không vẫn không gõ kẻng báo động. Một tốp máy bay phản lực của Mỹ xé ngang bầu trời. Trung đội trưởng Tình quát rất to:
           - Nam, xuống hầm trú ẩn ngay!
           Thằng Nam lúc này mới sực tỉnh. Nhưng nó không nhảy xuống hầm như lệnh của trung đội trưởng mà đứng thẳng người dậy che mắt cho đỡ chói quan sát tốp máy bay Mỹ đang lượn vòng về hướng núi Tam Đảo. Bọn chúng chuẩn bị kéo nhau lao xuống bắn phá Hà Nội. Tiếng bom nổ như sấm rền vọng về từ hướng thủ đô. Thỉnh thoảng, những chiếc máy bay Mỹ bị lưới lửa phòng không của bộ đội ta ở Hà Nội và các vùng xung quanh bắn rát lại phải vòng lên vùng trời miền trung du để tránh đạn. Người dân ở nơi đây lại một phen kinh hãi, ai cũng lo sợ bọn giặc cùng đường ném bom bừa bãi xuống xóm làng, nhiều khi oan gia, chẳng phải đầu thì phải tai.
           Đến gần trưa thì không còn bóng dáng chiếc máy bay Mỹ nào lởn vởn trên bầu trời miền quê trung du nữa. Đám dân quân gạt mồ hôi ngồi dưới lòng chiến hào ôm súng tán gẫu:
          - Chắc bọn Mỹ hết bom rồi, chúng phải bay về kho lấy thêm!
          - Buổi trưa chúng nó đói rồi nên cũng phải nghỉ để ăn uống chứ. Mỗi thằng phi công Mỹ chén một bữa trưa bằng cả trung đội dân quân chúng ta ăn cả tháng đấy. Mà sao hôm nay đã trưa trật ra rồi bộ phận trực chiến chúng ta vẫn chưa có cơm nước gì nhỉ?
           - Cái Liên hôm nay thế nào rồi! Hay là nó bị ốm không nấu được cơm cho chúng ta nữa?
           Chị Nhân lúc này mới lên tiếng:
           - Cái Liên lại bị công an gọi lên tiếp tục hỏi han, thẩm vấn về chuyện mất súng rồi. Trưa nay, cái Na và cái Hường về làng nấu cơm. Lúc nãy, hai đứa khênh đồ ăn lên dốc trượt chân bị đổ mất nồi canh đang phải quay về để nấu lại.
           Thằng Biên đói quá nhăn nhó:
           - Cứ có cơm ăn là được! Cần gì phải canh chứ. Mà canh kếc quái gì lõng bõng toàn nước là nước, lều bều vài cọng rau rền dại, không mỡ, không hành, uống vào chỉ tổ phải đi tè liên tục. Lúc đang báo động chiến đấu ôm súng chuẩn bị chiến đấu bí đái căng cả bụng. Máy bay Mỹ chúng chúng không cần ném bom mà chỉ cần quần thảo cho một lúc thì dân quân đều bị vỡ bàng quang phải đi cấp cứu hết...
           Mọi người cười nghiêng ngả. Những khuôn mặt chiến sĩ dân quân lấm lem bùn đất, hốc hác vêu vao vì đói ăn, đói ngủ. Khi cười trông mặt mũi ai cũng méo mó cả đi.
           Riêng trung đội trưởng Tình thì không cười. Chị nghiêm nét mặt bảo thằng Nam:
           - Vào hầm chỉ huy gặp tôi ngay!
           Mọi người đều thôi cười nữa mà quay sang nhìn thằng Nam. Thằng Nam đứng dậy xách khẩu súng đi theo trung đội trưởng. Tình hình xem chừng nghiêm trọng. Thời gian gần đây thằng Nam có vẻ lơ là nhiệm vụ. Đầu óc nó thiếu tập trung vào nhiệm vụ mà luôn lơ ngơ nghĩ ngợi đi đâu ấy. Vì thế, nhiều lần tiếng máy Mỹ ầm ì bay đến gần nó không phát hiệu lệnh báo động mà lại gõ kẻng báo yên. Có lúc thì nó khua kẻng liên hồi khi một chiếc ô tô chạy trên quốc lộ 2C ngang qua dưới chân đồi. Nhắc nhở, phê bình thì nó chỉ cười khì xin rút kinh nghiệm nghiêm túc, nhưng rồi đâu lại vào đó. Mọi người trong trung đội đoán lần này thằng Nam sẽ bị kiểm điểm nghiêm khắc vì nó ở trong hầm của chỉ huy rất lâu không thấy trở ra. Chắc là nó đang bị trung đội trưởng nhắc nhở “lên lớp” về chuyện lơ là nhiệm vụ.
           Mãi một lúc lâu trung đội trưởng và thằng Nam mới ra khỏi hầm chỉ huy. Hai người đến căn nhà hầm nơi toàn trung đội đang ngồi nghỉ chuẩn bị ăn cơm trưa. Trung đội trưởng Tình nhìn mọi người rồi thông báo ngắn gọn:
          - Từ giờ phút này, đồng chí Nam bàn giao lại khẩu súng K44 cho tiểu đội trực chiến. Bắt đầu từ ngày mai, đồng chí Nam sẽ thực hiện nhiệm vụ ở tuyến 2, làm công tác đảm bảo thông tin liên lạc cho trung đội và trợ giúp bộ phận hậu cần nấu cơm, đun nước cho đơn vị.
          Quả là một quyết định khá bất ngờ. Mọi người xôn xao cả lên. Cái Na vội hỏi lại:
          - Như thế là bị thi hành kỷ luật à?
          Chị Nhân thì thắc mắc:
          - Nếu bị thi hành hình thức kỷ luật gì thì thằng Nam cũng phải đưa ra kiểm điểm tại đơn vị trước đã chứ! Sao lại thế này?
          - Hay là nó xin lùi về tuyến sau cho an toàn?
          - Đúng là thằng này có tư tưởng thoái lui rồi!
          - Tinh thần sa sút thì phải về phía sau thôi.
          - Chưa nổ súng đánh nhau mà đã bị... loại khỏi vòng chiến đấu...
           Mọi người xì sầm đoán già, đoán non. Họ quan sát kỹ nét mặt thằng Nam để phỏng đoán nắm bắt thêm tình hình. Nhưng thằng Nam chẳng biểu lộ một chút tình cảm hay phản ứng gì trên mặt trước việc trung đội trưởng tuyên bố thu lại khẩu súng mà nó vẫn nâng niu kể từ khi được đứng vào hàng ngũ của dân quân. Thái độ của thằng Nam chẳng vui cũng chẳng buồn. Nó lặng lẽ gỡ khẩu súng K44 đang mang trên vai trao lại cho chị Nhân là tiểu đội trưởng của mình. Chỉ đến lúc này mọi người mới nhận thấy hai tay nó hơi run run khi phải rời khỏi cái báng của khẩu súng sẫm màu mồ hôi. Chị Nhân nhận khẩu súng trước sự chúng kiến của mọi người.
          Khi mọi người chuẩn bị ăn cơm thì thằng Nam sán lại chỗ chị Nhân. Nó thủ thỉ nhờ một việc:
          - Ngày mai em lên thị xã có việc gấp, chị mượn anh Thụy giúp em cái xe đạp nhé!
          Chị Nhân hỏi lại:
          - Ngày mai đơn vị tập trung để tổ chức huấn luyện bổ sung khoa mục bắn máy bay Mỹ bay thấp bằng súng bộ binh cơ mà?
          Thằng Nam tặc lưỡi nói:
          - Em chuyển về tuyến hai làm nhiệm vụ hậu cần, nấu cơm đun nước rồi thì cần gì phải huấn luyện thêm nữa hả chị?
          Chị Nhân băn khoăn khó hiểu:
          - Mày bị kỷ luật lý do như thế nào hả?
          - Thì lơ là nhiệm vụ, thiếu tinh thần cố gắng, ý thức trách nhiệm thấp, thế thôi… - Nó đáp và nài nỉ: - Nhất định chị phải nhớ mượn anh Thụy giúp em cái xe đạp nhé. Từ làng mình lên đến thị xã hơn hai mươi cây số, không có xe đạp đi bộ mỏi chân và lâu lắm!
           - Ừ! Chị sẽ thử hỏi mượn giúp!
           - Thế chị nhé! Năm giờ sáng mai em sẽ đi cho mát và tránh giờ cao điểm phòng không. Cuối giờ chiều em sẽ về trả xe.
           - Được rồi…
           Thế là sáng hôm sau thằng Nam cưỡi chiếc xe Favorite mới tinh của phó tiến sĩ Dương Thụy lao nhanh từ trong làng ra quốc lộ 2C. Nó phấn khởi guồng chân đạp mạnh và liên tục, chiếc xe Favorite phóng bon bon trên con đường hướng về thị xã. Dương Thụy rất quý và nâng niu chiếc xe đạp Favorite do Tiệp Khắc chế tạo này. Hàng ngày, ngoài giờ làm việc, trực chiến anh đều giành thời gian chăm chút cho chiếc xe đạp. Anh lau chùi chiếc xe rất tỷ mỷ, cẩn thận. Chiếc xe đạp ngoại nước sơn xanh dương luôn luôn bóng loáng. Một tý bụi bẩn bám lên ghi-đông lập tức Dương Thụy rút chiếc khăn mù-xoa trong túi quần ra lau sạch luôn. Đường quê sỏi đá mấp mô gập ghềnh. Khi đến những đoạn đường xấu, khó đi Dương Thụy thường xuống dắt hoặc vác xe đạp cho đỡ mòn lốp. Chị Nhân hỏi mượn xe, Dương Thụy ngần ngừ, đắn đo. Nhưng sợ người yêu giận và coi thường nên anh đành dắt cái xe Favorite ra đưa cho chị Nhân đem đi. Khi biết chị Nhân mượn giúp thằng Nam để nó đi tận thì xã thì Dương Thụy càng thấy xót ruột quá. Thằng Nam mà vớ được cái xe đạp mới và tốt như thế này là nó phóng bạt tử, bất chấp ổ gà, ổ trâu thì còn gì là xe nữa chứ. Biết thế, nhưng phó tiến sĩ Dương Thụy cũng đành bấm bụng mà chịu xót để khỏi bị cô người yêu xinh đẹp và đám con gái nhà quê chê cười là đồ tư sản thành thị ki bo, bần tiện.
           Thằng Nam lên thị xã vì có một việc riêng chẳng liên quan gì đến nhiệm vụ. Nó đi mua một thứ đang rất thích mà chỉ trên tỉnh mới có. Trong túi thằng Nam có mấy chục đồng là tiền bán cá lão Vận cho nó. Trên đường đi mấy lần thằng Nam phải quẳng xe đạp lao xuống những cái hầm cá nhân đào dọc hai bên đường để tránh máy bay bọn Mỹ. Lên đến thị xã, thằng Nam tìm ngay đến khu phố chuyên bán đồ thể dục thể thao. Nó chọn mãi mới mua được một quả bóng đá bằng da vừa bền vừa đẹp. Còn thừa ít tiền, thằng Nam mua thêm được hai bánh chè mạn khô ép tròn như cái bánh dầy đem về pha nước uống cho trung đội dân quân. Mang tiếng là vùng đồi núi trung du, rừng cọ, đồi chè xanh tươi bát ngát nhưng những người trồng chè ở đây may mắn lắm thì cả năm mới được hợp tác xã chia hoặc bán cho một vài lạng chè bồm, chè cám là những thứ được sàng lọc thải loại ra trong quá trình chế biến. Các loại chè búp phơi sao thật kỹ. Những mẻ chè búp uốn móc câu xoăn tít, mùi thơm lựng đều được nhập hết vào kho chuyển cho cửa hàng mậu dịch quốc doanh để phân phối cho các cán bộ hoặc đem xuất khẩu.
Lẽ ra theo kế hoạch thì thằng Nam sẽ vào cửa hàng ăn uống quốc doanh mua một bát phở "không người lái" tức là không thịt. Nhưng vì số tiền còn lại đã mua hai bánh chè mạn rồi nên nó đành nuốt nước bọt khi đi qua cái cửa hàng phở mậu dịch lớn nhất thị xã. Thằng Nam ngồi ở một gốc cây bên đường giở nắm cơm mà cái Liên đưa cho lúc sáng ra để ăn. Nó bẻ một miếng cơm nắm độn sắn chấm chút muối vừng nhai rất ngon lành. Miếng sắn tươi độn lẫn trong cơm sao mà bùi và ngon đến thế. Tự dưng, thằng Nam thấy yêu mến vô cùng miền quê hương trung du nghèo khó mà bình dị của mình quá.
          Sau khi ăn xong nắm cơm thằng Nam đạp xe quay về làng. Nó cắm cúi đạp xe phóng như bay trên con đường quốc lộ vắng xe và người qua lại. Đến đoạn con đường quốc lộ chạy trên mặt đê sông Phó Đáy rất trống trải thì thằng Nam giật nảy mình bởi những tiếng còi "toét... toét... toét..." bất ngờ vang lên. Một người mang sắc phục công an từ phía sau gốc cây xà-cừ nhô ra. Anh công an giơ cây gậy lên ra hiệu cho thằng Nam dừng lại. Thằng Nam hốt hoảng nghĩ: "Chắc là công an yêu cầu đứng lại để nhắc nhở việc mình đi trên đường vào giờ cao điểm mà không đeo ngụy trang hoặc là để kiểm tra giấy đăng ký xe đạp. Chiếc xe đạp này đi mượn, không có giấy tờ đăng ký lỡ mà bị công an giữ lại thì nguy to!". Nghĩ vậy nên thằng Nam không dừng lại mà cắm đầu, cắm cổ guồng chân đạp xe chạy tuốt đi luôn. Anh công an rít thêm một hồi còi dài để cảnh cáo thằng Nam nhưng nó vẫn không chịu đứng lại theo hiệu lệnh. Anh công an vội lôi chiếc xe đạp Thống nhất biển xanh dựng ở sau gốc cây ra nhảy lên đạp đuổi theo thằng Nam. Thằng Nam hộc tốc đạp xe chạy phía trước, anh công an hối hả đạp xe đuổi theo phía sau. Vừa đuổi theo thằng Nam anh công an vừa quát to:
           - Không được chạy. Đứng lại ngay!
           Mặc kệ, thằng Nam cứ đạp xe như bay. Chiếc xe Favorite quả là rất tốt. Nó phóng bon bon và mỗi lúc một bỏ xa anh công an giao thông với chiếc xe đạp nội đã cũ kỹ. Tuy thế, anh công an vẫn kiên quyết đuổi theo kẻ tình nghi, vì tên này còn trẻ thế mà đã có một cái xe đạp ngoại đắt tiền lại ngang nhiên đi lại trên đường vào giữa giờ cao điểm. Có thể đây chính là một đối tượng khả nghi chuyên chỉ điểm mục tiêu cho máy bay Mỹ bắn phá. Thấy anh công an cứ cố bám đuổi theo mình thằng Nam rất lo lắng. Công an mà đuổi theo về đến tận làng thì nguy to. Thằng Nam cố đạp xe thật nhanh hơn. Bất ngờ, chiếc xe đạp của thằng Nam lao qua một mô đá nhô cao trên đường loạng choạng. May mà thằng Nam không bị ngã. Hai bánh chè mạn khô bị tuột dây lăn lông lốc trên mặt đường. Quả bóng đá nhờ để trong một cái túi lưới buộc chặt ở ghi-đông xe nên không bị rơi. Thấy hai bánh chè mạn ép khô lăn dài trên mặt đường anh công an vội quẳng chiếc xe đạp nằm ép ngay xuống một cái ổ trâu giữa đường. Chắc anh ta nghĩ là thằng Nam ném lựu đạn hoặc thả bộc phá ngăn cản người thi hành nhiệm vụ. Hồi lâu, không thấy có tiếng nổ vang lên anh công an mới lồm cồm ngồi dậy. Anh thận trọng bước đến gần xem xét hai vật tròn tròn, đen đen đang nằm im lìm trên mặt đường. Khi biết chắc chắn đó không phải là các loại vũ khí, vật nổ anh công an lại vớ chiếc xe đạp để tiếp tục đuổi theo thằng Nam. Nhưng chiếc xe đạp Thống nhất cũ kỹ lại bị tuột xích. Khi anh công an sửa được xích của chiếc xe đạp thì bóng dáng thằng Nam đã mất hút. Đoạn đường trên mặt đê vắng tanh không một bóng người. Anh công an đành quay lại thu hồi hai bánh chè mạn khô rồi thong thả đạp xe trở về vị trí cũ làm nhiệm vụ.
           Thực ra thì thằng Nam cũng chưa chạy được thật xa. Lợi dụng lúc anh công an nằm bẹp xuống mặt đường phòng tránh bị sát thương thằng Nam liền ngoặt qua đoạn cua rồi lao luôn cả xe và người vào một bụi cây xấu hổ mọc um tùm ven đường. Mặc cho gai cây xấu hổ cào rách toạc vai áo và ngoặc vào da thịt đau nhói, tứa máu thằng Nam vẫn cố chịu đau nằm thật im trong bụi rậm. Khi thấy tình hình yên ổn, thằng Nam mới hì hục lôi chiếc xe đạp ra khỏi bụi gai xấu hổ. Nó không dám đạp xe nghênh ngang trên đường quốc lộ nữa mà dắt xe xuống bờ con mương nhỏ um tùm những hàng cây điền thanh, cây cốt-khí mà người ta gieo bằng hạt để cắt lấy lá làm phân xanh bón ruộng. Lúc thì đạp, lúc thì dắt xe, mãi đến cuối buổi chiều thằng Nam mới về đến đầu làng Hạ. Nó dìm luôn cả cái xe Favorite xuống ao rửa cho thật sạch bùn đất, lau khô rồi nhờ chị Nhân đem trả cho phó tiến sĩ Dương Thụy.
           Phó tiến sĩ Dương Thụy vô cùng xót xa khi nhận lại chiếc xe đạp. Dương Thụy cố nén sự bực bội trong lòng để tươi cười với người yêu. Chị Nhân về rồi Dương Thụy vẫn còn ngồi thẫn thờ rất lâu bên chiếc xe Favorite. Ngón tay anh rờ rẫm, xoa xoa mãi những vết xây sát trên gác-đờ-bu và khung của chiếc xe đạp. Có một vết xước rất sâu trên khung xe, vào đến cả lớp sơn chống gỉ bên trong. Dương Thụy thấy xót của và bực mình quá. Biết thế này không cho mượn có phải hơn không.
           Buổi tối, ngồi cùng nhau trên đồi cọ vắng sau làng, khi một bàn tay đã luồn vào trong ngực áo, bàn tay kia đã lần xuống phía dưới bụng người yêu để vuốt ve rồi mà trong đầu phó tiến sĩ Dương Thụy vẫn chưa thể nào quên được cái vết xước rất sâu trên khung chiếc xe đạp nhãn hiệu Favorite mới tinh của mình...

           (còn nữa)                                     Hà Nội, 11-2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét