Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

Truyện dài TRĂNG LẠNH (phần 17)

 

 
        

         TRĂNG LẠNH
         Truyện dài của Trọng Bảo

        Sáng hôm sau, trung đội dân quân thường trực làng Hạ tiếp tục giúp hai cơ quan vừa sơ tán từ Hà Nội về sắp xếp đồ đạc, tài liệu, hiện vật và các loại sách báo vào khu nhà làm việc và nhà kho trong núi. Hai dãy nhà cấp bốn mới làm lợp bằng lá cọ là nơi làm việc và kho tàng nằm ép vào sườn dãy núi đất phía sau làng Hạ. Những cái hòm đựng sách vở, hiện vật, tài liệu chất cao gần sát mái lá. Việc sắp xếp chủ yếu là đám dân quân vì họ còn trẻ và có sức khỏe. Các nhân viên bảo tàng và thư viện chỉ hướng dẫn họ sắp đặt cho đúng vị trí các loại tài liệu để dễ kiểm tra, bảo trì sau này. Cuộc chiến tranh chống Mỹ còn kéo dài và ác liệt, chưa biết bao giờ chấm dứt nên việc sơ tán để gìn giữ các loại tài sản quốc gia cần phải hết sức cẩn thận. Miền rừng núi ẩm thấp, kho tàng lại chủ yếu là nền đất nên việc kê kích để tránh bị mối xông và ẩm ướt làm hư hỏng các tài liệu. Công việc đòi hỏi rất cẩn trọng và tỉ mỉ. Anh chàng phó tiến sĩ Dương Thụy săm soi để ý từng li từng tý khi đám dân quân xếp đặt các hòm sách báo, tài liệu. Anh ta mở từng cái hòm ra xem xét những cuốn sách bìa cứng rất cẩn thận xem đêm qua vận chuyển qua suối có bị ướt không. Chị Nhân sáng mắt lên khi nhìn thấy những cuốn sách văn học Việt Nam và văn học nước ngoài đã được dịch xếp đầy ăm ắp trên các giá sắt cao tới tận nóc nhà. Chị ao ước được đọc những cuốn sách ấy quá. Ở làng quê nông thôn hẻo lánh thế này biết bao giờ mới có được những cuốn truyện hay như thế. Cái hiệu sách phố huyện lào tèo vài cuốn sách, mấy tờ tranh vậy mà chị cũng không có tiền để mua mỗi khi có một cuốn sách mới bày lên giá. Cái Liên cũng rất thích đọc sách như chị Nhân. Có lần mượn được cuốn tiểu thuyết Mùa hoa dẻ hai chị em thức suốt đêm để đọc bị mẹ mắng cho vì tốn mất hai phao dầu hỏa thắp đèn. Nhìn tay phó tiến sĩ văn hóa đang cầm trên tay cuốn tiểu thuyết Hai trận tuyến của nhà văn Hà Minh Tuân, cái Liên thích lắm. Từ lâu rồi nó đã đọc ké được mấy chương cuốn truyện này. Giá như ai khác không phải tay phó tiến sĩ Dương Thụy kia thì nó sẽ sán lại gạ mượn đọc ngay. Cái Liên rất thích đọc sách nhưng trong đầu nó lại đang nghĩ đến một chuyện khác. Nó kéo chị Nhân ra một góc khuất hỏi với vẻ thắc mắc:
          - Tại sao lại lạ thế chị nhỉ?
          - Cái gì lạ?
          - Thì cái tay phó tiến sĩ văn hóa kia kìa!
          - Anh ta có gì là lạ đâu?
          - Thế chị không nhận ra là rất lạ à?
          Chị Nhân lắc đầu. Cái Liên vẻ hơi bực:
          - Lạ là vì tại sao… trai tráng như hắn ta mà lại đi sơ tán!
          - Thì anh ấy là cán bộ cơ quan thư viện quốc gia, anh ấy đi theo để gìn giữ, bảo vệ tài sản của nhà nước.
           Cái Liên giọng đầy sự nghi ngờ:
           - Nhưng cả mấy chục người trong các cơ quan bảo tàng lịch sử, thư viện quốc gia sơ tán về đây đều cao tuổi hoặc là phụ nữ, chỉ có mỗi hắn ta là thanh niên trai tráng. Lẽ ra hắn ta phải ở lại thủ đô tham gia lực lượng tự vệ bảo vệ Hà Nội hay xung phong đi bộ đội vào miền Nam chiến đấu chứ! Hay là hắn là một kẻ sợ chết?
           Chị Nhân cười xòa bảo cái Liên:
           - Ồi dào! Mày chúa là hay để ý, xét nét người khác. Chiến tranh mỗi người một nhiệm vụ, ra mặt trận hay ở hậu phương đều cần thiết cả. Mà anh ấy lại là một phó tiến sĩ ngành văn hóa, một trí thức chuyên nghiên cứu, gìn giữ, phát triển di sản văn hoá của dân tộc. Nhiệm vụ ấy chả quan trọng à?
          Cái Liên vẫn lắc đầu. Nó vẫn chưa thông với việc một thanh niên trai tráng như phó tiến sĩ Dương Thụy lại đi sơ tán về làng Hạ trong lúc chiến tranh đang ác liệt thế này. Cái Liên tiếp tục cùng các dân quân giúp đỡ, hỗ trợ các cơ quan vừa sơ tán về làng. Khi làm việc nó có ý tránh xa chỗ anh phó tiến sĩ Thụy. Nó xung phong giúp các cán bộ cơ quan bảo tàng sắp xếp cơ quan. Khi công việc tạm ổn thì đã quá trưa, cái Liên vội tìm chị Nhân để cùng về ăn cơm. Buổi chiều cả hai đều phải lên trận địa Đồi Ma trực chiến. Cái Liên hơi giật mình khi nhìn thấy chị Nhân và tay phó tiến sĩ văn hóa đang đứng nói chuyện với nhau bên một gốc cây cọ um tùm vẻ rất thân mật. Nó định gọi chị Nhân nhưng lại thôi. Nó vùng vằng bỏ đi thì chị Nhân nhác trông thấy. Chị gọi giật:
         - Liên chờ tao với!
         Cái Liên dài giọng:
         - Tưởng chị không còn muốn về nhà nữa!
         Chị Nhân vội chào phó tiến sĩ Dương Thụy rồi chạy theo cái Liên. Chị véo vào lườn nó một cái:
         - Mày bị làm sao thế?
         - Chả làm sao cả, chỉ là chị ấy. Bị cái tay phó tiến sĩ trẻ và đẹp mã ấy hút mất hồn rồi à?
         - Mày chỉ vớ vẩn…
         - Chị phải cẩn thận đấy!
         Chị Nhân ngạc nhiên. Có chuyện gì đâu mà con bé này lại nói thế nhỉ? Tuy thế chị cũng hơi cảnh giác. Chị lén sờ lên má mình thấy hơi nong nóng. Chị nhớ đến cái lúc hai người cùng bê một cái hộp đựng sách. Vô tình bàn tay của anh phó tiến sĩ tóm luôn vào bàn tay của chị. Chị định rút bàn tay lại nhưng sợ cái hộp đầy sách quý rơi xuống sàn đất ướt chị đành để yên. Chị chợt bắt gặp ánh mắt rất lạ của anh phó tiến sĩ đang nhìn mình. Anh ta luống cuống làm bộ quay mặt đi. Chị Nhân giật mình vì sự sơ ý của mình khi cúi xuống cùng anh ta bê hộp đựng sách cổ áo bị trễ xuống, lồ lộ ra tất cả. Chị Nhân biết khuôn ngực của mình rất tròn, đẹp và hấp dẫn. Nhất định là anh ta đã nhìn thấy điều gì rồi. Sau lần ấy chị Nhân ý tứ và cẩn thận hơn mỗi khi phải cúi người xuống bưng bê đồ đạc, sách vở. Chị hơi lo lắng vì đôi mắt của anh phó tiến sĩ này rất sáng, long lanh ẩn sau cặp kính trắng. Khi biết chị Nhân và đám thanh niên làng Hạ rất ham mê đọc sách phó tiến sĩ Dương Thụy hứa sẽ đề nghị ngay với lãnh đạo cơ quan sau đó phối hợp với chi đoàn mở một phòng đọc nhỏ tại làng Hạ. Thư viện quốc gia sẽ luân chuyển các loại sách, báo cho phòng đọc của chi đoàn làng Hạ quản lý và tổ chức cho mọi người đến mượn đọc. Điều ấy khiến chị Nhân rất thích. Nếu được như thế thì chị sẽ có cơ hội được đọc rất nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng trong nước và thế giới. Nhiều loại sách, tên sách mà chỉ ở thư viện quốc gia này mới có. Lúc nãy chị Nhân và phó tiến sĩ Thụy tranh thủ trao đổi với nhau về chuyện ấy không phải là chuyện gì khác. Nghe chị Nhân giải thích, cái Liên mới tạm yên lòng. Nhưng nó vẫn nói có ý nhắc nở chị Nhân:
          - Nhưng em vẫn thấy nghi nghi tên này lắm! Mà hắn mang họ "dê" đấy. Mấy lần em nhác trông thấy hắn cứ nhìn chằm chằm vào ngực chị vẻ thèm thuồng lắm!
          - Mày yên tâm... - Chị Nhân bảo cái Liên: - Mà anh ta bị cận thị thế nhìn thấy cái gì được cơ chứ!
          - Chị đừng chủ quan! Hắn ta đeo kính trắng cho có vẻ ta đây là dân trí thức đấy, không phải là bị cận thị đâu!
          - Nhưng thế thì đã làm sao... đừng hòng ai mà sờ được vào nhé...
          Nói đến đây chị Nhân hơi giật mình vội dừng lại. Chị đỏ mặt vì mình đã nói dối. Chị vụt nhớ đến chuyện thằng Thứ sáng hôm nào ngoài ruộng bèo hoa dâu. Hôm ấy nó xiết hai bầu vú chặt quá khiến đến bây giờ chị vẫn còn nhớ cái cảm giác nghèn nghẹt tưng tức trên ngực. Chị khe khẽ thở dài. Đã lâu rồi không nhận được tin tức gì của anh Luận và đám thanh niên làng Hạ ở ngoài mặt trận. Bọn họ ra đi là mất tăm, mất hút luôn. Chắc là chiến trường đạn bom ác liệt lắm. Ở miền Bắc thời gian gần đây máy bay Mỹ cũng tăng cường bắn phá. Hàng ngày đài truyền thanh của xóm cũng thông báo tình hình chiến sự hai miền Nam Bắc, tin máy bay Mỹ dội bom giết hại nhân dân các địa phương. Trên đỉnh dãy núi Tam Đảo ngày nào cũng có các tốp máy bay Mỹ lởn vởn, lượn vòng trước khi lao xuống ném bom, bắn phá Hà Nội và thành phố Việt Trì. Bọn địch đang tập trung vào các mục tiêu ở các thành phố lớn và tuyến giao thông huyết mạch quan trọng nên cây cầu sắt nhỏ nhoi trên quốc lộ 2C phía dưới chân trận địa Đồi Ma của trung đội dân quân làng Hạ vẫn được bình yên. Những chuyến xe quân sự vẫn ngày đêm qua cầu ra mặt trận. Trên trận địa Đồi Ma đám dân quân làng Hạ vẫn chưa phải nổ súng lần nào do máy bay địch bay tít trên cao hoặc kéo nhau bay về phía thủ đô Hà Nội mà chưa lần nào bổ nhào xuống ném bom, bắn phá cây cầu sắt. 
 
          (còn nữa)                                                                 Hà Nội, 11-2014 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét