Chuyện lão Thực
Truyện của Trọng Bảo
Câu chuyện thứ 5: Lão Thực
và hợp tác xã
và hợp tác xã
Lão Thực bị khai trừ khỏi tổ chức và đội du kích sau cái bận đấu tố địa chủ trong cải cách ruộng đất ấy. Khi tiến hành sửa sai họ cũng không phục hồi cho lão. Lão Thực lâm vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan. Lão không được chia ruộng đất nên không biết làm gì để sống. Lão sắm một cái vó. Ngày ngày lão ra sông Đáy kéo vó kiếm con tôm, con cá đem lên chợ bán hoặc đổi lấy gạo muối. Mùa nước sông cạn, không kiếm được tôm cá thì lão lên rừng chặt củi khô để bán.
Một hôm gánh củi băng qua cánh đồng thôn Bắc lão thấy có một bãi đất hoang rộng đến gần ba sào đầy cây cỏ dại, lổn nhổn những đá sỏi. Lão quyết định khai khẩn bãi đất hoang để cấy lúa. Lão hì hục đào gốc cây, nhổ cỏ bê vần những hòn đá mồ côi xếp xung quanh thành bờ ruộng. Đám đất khô cằn nên cấy lúa thì leo pheo khổ trổ bông, trồng khoai thì không có củ. Không nản chí, lão vẫn kiên trì cải tạo, bồi bổ tăng cường độ phì nhiêu cho thửa ruộng mình vỡ hoang được. Lão quảy quang gánh lên đồi theo đàn trâu bò thả rông nhặt phân trâu phân bò, ra bờ sông lấy phù sa về đổ vào mảnh đất. Kiên trì mãi, đám ruộng cũng trở nên phì nhiêu, cấy lúa đã cho bông, trồng khoai đã có củ. Thế là lão cũng trở thành người có ruộng.
Khi hợp tác xã nông nghiệp được thành lập lão Thực rất muốn tham gia. Nhưng xét về nhân thân của lão nên họ chưa muốn kết nạp vào hợp tác xã. Đội trưởng đội cải cách Hà Văn Bồi bây giờ là chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp mang tên Quyết Tiến gồm các làng Đông, thôn Bắc, xã Quan Sơn. Chủ nhiệm Bồi lúc nào cũng đeo một bên hông một cái xà-cột đen căng phồng, một bên là cái đài Xiêng-mao Trung Quốc, đạp chiếc xe đạp Thống nhất đi thăm đồng, chỉ đạo các đội sản xuất trông rất oai phong. Các xã viên đội sản xuất làng Đông lao động tập thể, ngày ngày kéo nhau thành đoàn ra đồng cày bừa, gặt hái, nghỉ giải lao, đều theo tiếng kẻng khí thế rất hồi hởi, vui vẻ. Trên cánh đồng hợp tác cờ đỏ tung bay phần phật, khẩu hiệu giăng cắm khắp các bờ ruộng, tiếng loa phóng thanh ca nhạc, hò hát tưng bừng. Thế nhưng, làm ruộng theo cách “đánh trống ghi công”, quản lý tài sản, vật tư theo kiểu “cha chung không ai khóc” chỉ được cái khí thế tưng bừng, hồ hởi nhưng năng suất thì lại rất thấp. Ruộng lúa của hợp tác xã chuột chạy hở lưng, chim bay không vướng, bông lúa toàn là hạt lép. Trong khi đó mảnh ruộng vỡ hoang của lão Thực lúa tốt bời bời, bông dài, hạt mẩy. Chỉ có điều là trong khi khắp cánh đồng rộn ràng tiếng hát của các xã viên lao động tập thể thì lão Thực lủi thủi một mình gặt lúa. Lão ôm những bó lúa nặng chĩu hạt đặt lên bờ cạnh những bó lúa toàn là rơm của hợp tác xã. Chính vì vậy mà có việc chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Quyết Tiến Hà Văn Bồi đến gặp lão Thực.
Do là hộ làm ăn cá thể, tư hữu nên nhà lão Thực ngày ấy rất ít người đến chơi. Vậy mà buổi trưa nay khi vừa từ ruộng về, lão đã có khách. Chủ nhiệm Bồi dắt chiếc xe Thống nhất đi vào. Tiếng líp xe đạp lạch tạch, Tiếng cái đài Xiêng-mao kêu xoe xóe từ ngoài cổng. Lão Thực lúng túng ra đón khách. Lão pha nước mời ông chủ nhiệm hợp tác xã. Ông chủ nhiệm không uống. Có lẽ ông ta sợ uống nước của phần tử tư hữu sẽ ảnh hưởng chăng. Ông ậm è hắng giọng rồi bắt đầu nói:
- Ông Thực này! Hiện nay miền Bắc ta đang tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, không kinh qua phát triển tư bản chủ nghĩa đấy!
- Vâng… - Lão Thực miễn cưỡng “vâng… vâng…” đáp lại cho có vẻ tôn trọng ông chủ nhiệm nguyên đội trưởng đội cải cách ruộng đất.
- Toàn dân đang ra sức lao động sản xuất, xây dựng hậu phương lớn vững mạnh, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược…
- Vâng…
- Vậy nên khí thế thi đua lao động sản xuất rất mạnh mẽ, mọi người đều coi hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ…
- Vâng…
- Tất cả bà con xã viên đều đồng lòng nhất trí làm ăn tập thể, ra sức xây dựng hợp tác xã ngày càng giàu mạnh!
- Vâng…
- Mỗi người làm việc bằng hai, bằng ba vì miền Nam ruột thịt…
- Vâng…
- Vậy mà ông lại không ủng hộ con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, không ủng hộ giải phóng miền Nam và phong trào hợp tác hóa nông nghiệp?
- Vâng… - Lão Thực chợt giật nảy mình vì lỡ lời. Lão vội ấp úng chữa lại: - À… không… không… tôi vẫn… vẫn rất ủng hộ… ủng hộ luôn luôn đấy chứ… Tôi cũng đã viết đơn xin vào hợp tác xã rồi đấy…
- Ủng hộ… mà tại sao ông vẫn làm trái như thế?
- Tôi có làm gì đâu ạ?
- Thì ruộng lúa của ông năng xuất vẫn cứ gấp đôi, gấp ba của hợp tác xã là gì?
Lão Thực không hiểu. Chủ nhiệm Hà Văn Bồi giải thích:
- Ruộng lúa của ông năng xuất gấp hai, gấp ba ruộng hợp tác xã. Vậy là không ổn. Nó sẽ làm giảm niềm tin của các xã viên. Làm ăn tập thể có tổ chức, có kỷ luật, có văn hóa văn nghệ động viên tinh thần mà năng suất lại không cao bằng lao động cá nhân tư hữu thì còn ra làm sao nữa chứ?
- Vâng…
- Vậy nên… ông có thấy như thế có phải là ảnh hưởng đến khí thế thi đua của tập thể xã viên đang hăng hái ra sức phấn đấu để tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, chi viện cho miền Nam không?
- Vâng… vâng…
- Nên ông hãy xem lại cách làm ăn của mình, cố tình chống lại tập thể là không được đâu!
Lão Thực chột dạ khi nghe chủ nhiệm Bồi nói như vậy. Khi ông chủ nhiệm ra về lão vẫn ngồi thừ người ra ở cái chõng tre kê giữa nhà, quên cả ăn cơm.
Sau lần ông chủ lão Thực phải giảm sự chăm sóc đối với mảnh ruộng của mình. Vụ cấy đến lão chỉ bừa qua loa rồi cắm cây mạ. Ruộng lúa của lão năng suất giảm hẳn đi để cho các xã viên hợp tác xã yên tâm là làm ăn cá thể không thể bằng lao động tập thể. Nhưng rồi lại phát sinh một mâu thuẫn khác. Chủ nhiệm Hà Văn Bồi lo thửa ruộng tư hữu của lão nằm giữa cánh đồng hợp tác như một chướng ngại vật sẽ gây khó khăn cho việc tiến tới cơ giới hóa nông nghiệp, cày bừa bằng máy, cấy chăng dây thẳng hàng. Hơn nữa, ông chủ nhiệm rất nghi ngờ năng xuất lúa ở thửa ruộng của lão Thực cao hơn hẳn những chân ruộng của hợp tác xã ở chung quanh. Nhất định là lão này bí mật đục lỗ ngầm xuyên qua bờ ruộng rút hết tinh chất phân đạm, phân lân, phân hữu cơ từ ruộng của hợp tác xã vào ruộng của mình rồi. Ông lệnh cho đội trưởng đội sản xuất thôn Bắc và công an thôn thường xuyên theo dõi. Để yên tâm hơn, theo sáng kiến của chủ nhiệm hợp tác xã, ông đội trưởng đội sản xuất thôn Bắc còn cho đắp bờ vùng bờ thửa như một con đê nhỏ xung quanh ruộng nhà lão Thực.
Nhưng chính thửa ruộng nằm giữa cánh đồng hợp tác cũng gây nhiều phiền hà cho lão Thực. Khi trời hạn hán, lão không thể dẫn nước qua ruộng của hợp tác xã về ruộng của mình. Ông đội trưởng đội sản xuất làng Đông khuyến cáo lão: “Ruộng hợp tác xã đã đổ phân bón lót, ông không được dẫn nước đi qua mất hết chất dinh dưỡng của ruộng tập thể đấy!”. Cũng may do ruộng trũng, nước ngấm qua bờ nên mấy sào ruộng của lão Thực cũng đủ nước cấy. Nhưng khi trời hạn hán thì thật khốn khổ. Khi đội sản xuất tổ chức tát nước lên đồng đông vui như hội, tiếng hát, tiếng hò rộn ràng trên khắp cánh đồng thì lão Thực lủi thủi một mình gánh nước từ cái ao nhỏ nhà mình ra đổ xuống ruộng cứu lúa.
*
Rồi lão Thực cũng được kết nạp vào là xã viên hợp tác xã nông nghiệp Quyết Tiến. Đó là sau cái chết của chủ nhiệm hợp tác xã Hà Văn Bồi. Chủ nhiệm Bồi bị sét đánh tử thương giữa cánh đồng. Hôm đó, trời đang quang mây tạnh bỗng xuất hiện một cơn mưa giông lớn. Các xã viên hợp tác xã đang gieo mạ ở mấy chân ruộng cao giữa cánh đồng làng Đông thì mây đen ùn ùn kéo đến, sấm chớp lằng nhằng. Mọi người hò gọi nhau chạy về làng để tránh mưa. Chủ nhiệm Hà Văn Bồi đi học nghị quyết từ trên xã đạp xe về qua. Ông liền hỏi một thanh niên đang hớt hải chạy về làng:
- Các ruộng mạ vừa gieo đã đắp chổ cả chưa?
- Đã đắp hết rồi bác ạ!
- Không đắp cẩn thận để vỡ bờ là nước cuốn trôi mất hết mạ giống đấy!
- Chủ nhiệm cứ yên tâm đạp xe về làng đi không mưa to đến nơi rồi đấy!
- Mưa tý việc cái gì! Mưa thế mà bộ đội người ta vẫn hành quân đi chiến đấu kia kìa! Các cậu là thanh niên gì chưa chi đã ngại khó, ngại khổ…
Chủ nhiệm Hà Văn Bồi lẩm bẩm. Trong khi các xã viên hớt hải chạy về làng tránh mưa thì ông lại đạp xe ra giữa cánh đồng để kiểm tra lại các tràn ruộng vừa mới gieo mạ. Trời tối sầm lại. Mưa rơi đen cả đất. Một tia chớp lóe lên rạch ngang bầu trời rồi phóng xuống đất. Tiếng sét rền vang long cả óc. Khi trời tạnh mưa các xã viên kéo ra đồng kiểm tra lại ruộng mạ và khai thông mương máng thoát nước thì thấy chủ nhiệm Hà Văn Bồi gục trên bờ ruộng. Chiếc xe đạp Thống nhất bị sét đánh cong queo, đen thui. Họ hốt hoảng kêu cứu ầm ĩ. Lúc này, lão Thực cũng đang ra kiểm tra thửa ruộng của mình. Nghe tiếng kêu cứu và tiếng khóc, lão vội vứt cái cuốc chạy đến.
Chủ nhiệm Bồi chết gục trên bờ ruộng trong tư thế như một người đang quỳ lạy, hai tay chắp lại. Mặt ông bị cháy đen, tóc quăn tít có lẽ do bị nóng quá. Lạ nhất là hai mắt ông trợn ngược, lòi hẳn con ngươi ra. Miệng ông há hốc, lưỡi thè hẳn ra như đang bị ai bóp cổ. Ông chủ tịch và mấy công an xã có mặt lập biên bản khám nghiệm hiện trường rồi mới cho người nhà đưa xác về khâm liệm để mai táng. Cũng lạ thay, người nhà vuốt mãi mà mắt ông không sao nhắm lại được. Chân tay ông co quắp, lưỡi cũng không thể thụt vào bên trong miệng. Đám con cái chủ nhiệm Bồi thấy thế khóc lóc ầm ĩ cả lên. Lão Thực đứng lặng nhìn người chết. Chợt như vừa nghĩ ra điều gì đó lão nhớn nhác nhìn xung quanh. Đoạn, lão liền rẽ đám đông bước vào gần chỗ chủ nhiệm Bồi đang nằm gục lên bờ ruộng. Lão bảo mọi người giãn ra rồi bước lại đứng cạnh cái xác. Theo hướng chắp tay của chủ nhiệm, lão vái liền mấy vái rồi lầm rầm khấn khứa gọi tên một ai đó. Mấy thằng thanh niên dỏng tai lên nghe nhưng chịu chả biết lão lẩm nhẩm những gì. Mọi người nhìn theo hướng lão vừa vái lạy. Cách chỗ chủ nhiệm bị nạn không xa có một ngôi mộ nhỏ xây bằng gạch. Đầu ngôi một cắm một tấm bia đá màu xám. Đất cát bám che mất cả chữ khắc trên mặt bia. Sau khi khấn vái, lão Thực vuốt mắt cho chủ nhiệm. Hai mắt chủ nhiệm Bồi từ từ nhắm lại, lưỡi cũng thụt vào trong miệng, chân tay ông dần ruỗi thẳng ra.
Khi người ta đưa ông chủ nhiệm Bồi đi rồi, lão Thực mới bước lại phía ngôi mộ xây bằng gạch. Lão dùng tay vốc nước ruộng rửa sạch tấm bia đá bị bùn đất trát kín. Trên tấm bia ghi mấy chữ: “Ông Đào Quang Bân, sinh năm…, tạ thế ngày 17 tháng 2 năm 1954”. Đó chính là cái ngày đã diễn ra cuộc đấu tố và xử tử địa chủ của người dân làng Đông.
Sau khi chủ nhiệm Hà Văn Bồi chết, mở cái xà-cột mà ông vẫn đeo bên hông người ta tìm thấy lá đơn xin vào hợp tác xã nông nghiệp của công dân Nguyễn Công Thực. Thì ra lá đơn của lão bấy lâu nay vẫn nằm trong xà-cột của chủ nhiệm Bồi, ông không đưa ra để ban quản trị xem xét. Vì thế lão Thực mãi không được kết nạp vào hợp tác xã nông nghiệp Quyết Tiến…
Hà Nội, 21/7/2011(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét