Truyện của Trọng Bảo
Các đơn vị của trung đoàn cũng bắt đầu rút lui lên dãy núi mà tiểu đoàn 3 chúng tôi đang đứng chân. Cơ quan hậu cứ của trung đoàn bộ bị bọn địch đánh tập hậu. Chính uỷ trung đoàn, thiếu tá Nguyễn Đệ đã chỉ huy bộ đội cố thủ trong hang suốt ba ngày. Khi bọn địch chiếm được cửa hang, chúng đã dùng cả tấn thuốc nổ đánh sập cửa hang, chôn sống hơn chục cán bộ, chiến sĩ ta trong đó. Nghe tin này chúng tôi ai cũng rất đau xót, căm thù quân giặc.
Được giao nhiệm vụ dẫn tiểu đội đi đón đội hình của trung đoàn bộ rút lui lên Lũng Mật, tôi thấp thỏm cả buổi chiều. Không biết ai còn sống, ai đã hy sinh. Tôi quen thân rất nhiều anh em trên cơ quan trung đoàn bộ. Trời chưa tối, ăn vội nắm cơm, anh Thọ, trợ lý tham mưu tiểu đoàn đã gọi bộ phận đi đón cơ quan trung đoàn bộ lên đường. Anh dẫn chúng tôi tụt xuống núi. Theo hiệp đồng, chúng tôi sẽ chờ ở khu vực Mỏ Nước, chân núi đá. Sương mù bắt đầu buông xuống, không còn nhìn rõ khu núi đất và điểm cao 505 mà bọn địch đang phòng ngự nữa. Bộ phận cơ quan trung đoàn bộ sẽ lợi dụng đêm tối và sương mù dày đặc cắt qua dãy núi đất phía nam cao điểm 505, vượt qua con đường xuôi Mỏ Sắt và cánh đồng hẹp sang dãy núi đá.
Chúng tôi ém quân tại khu vực Mỏ Nước chân núi đá phía bên này cánh đồng. Bộ đội ẩn nấp sau các mô đá nhấp nhô không để bọn địch đang đi lại trên con đường đất bên kia cánh đồng phát hiện, và cũng tránh đạn pháo địch thỉnh thoảng lại bắn hú hoạ từ cao điểm 505 sang sườn núi đá. Nhìn những ánh đèn và tiếng gầm rú của các phương tiện xe máy của địch chúng tôi lo lắm. Không biết các cán bộ, chiến sĩ cơ quan trung đoàn bộ có vượt qua đường an toàn không. Càng về khuya, sương càng lạnh. Con đường bên kia cánh đồng bọn địch đi lại thưa hơn. Chúng tôi căng mắt quan sát và dỏng tai lên nghe từng động tĩnh từ phía bên kia con đường đất. Không nói ra nhưng ai cũng thấy bồn chồn, lo lắng. Có lẽ đã sang ngày hôm sau. Có tiếng gà xao xác gáy. Đang sốt ruột căng mắt ra quan sát thì trợ lý Thọ lần đến chỗ tôi thì thào thông báo:
- Có tín hiệu bắt liên lạc rồi! Ông chuẩn bị cho anh em đón và giúp khiêng cáng thương binh, mang vác giúp trang bị nhé!
- Vâng! Anh cứ yên tâm, tôi bố trí đâu vào đó rồi.
Những bóng người lờ mờ hiện ra trong sương. Chúng tôi rời các mô đá ào ra. Không có thương binh nặng phải khiêng cáng, chỉ có một số thương binh nhẹ còn đi được. Các chiến sĩ đi đón dìu thương binh, dẫn các cán bộ trung đoàn lẩn vào ngay khe núi, khuất sau những gộp đá to.
Chợt nhìn thấy một bóng người nhỏ bé có vẻ lật bật đi cuối đội hình, tôi khẽ hỏi:
- Đồng chí nào chậm chạp thế! Nhanh lên. Nó bắn pháo sang bây giờ!
- Em... em... là... Ôi! Ai như anh Hà đấy phải không ạ?
Tôi cũng đã nhận ra người quen. Tôi liền chạy đến lập bập hỏi:
- Mai... Mai hả!
- Vâng, là em đây anh ơi!
Một ánh lửa đề-pa của pháo địch sáng loé lên. Tôi vội kéo Mai vào phía sau gộp đá. Tôi đưa tay gỡ cái ba lô Mai đang đeo để mang giúp em. Tay tôi chạm và bờ vai tròn của cô gái. Mai để tôi mang giúp cái ba lô của mình. Tôi không giấu nổi niềm vui:
- Gặp em rồi! Mừng quá...
- Em cũng mừng... nhưng... hu hu... chị... chị... Nhung hy sinh rồi anh ơi...
Tôi lặng người đi khi nghe tin Nhung hy sinh. Tôi và Nhung cùng quê, cùng nhập ngũ, lại cùng ở đơn vị với nhau kể từ ngày vào bộ đội đến giờ. Nhung là văn thư của trung đoàn. Thỉnh thoảng lên trung đoàn bộ công tác, tôi vẫn ghé thăm Nhung. Nhất là từ khi Mai về cùng bộ phận với Nhung. Mai vẫn tự nhận là em gái tôi. Mai quê ở Yên Phong, Hà Bắc. Tôi quen Mai từ ngày em nhập ngũ. Đó là đầu năm 1978, khi ấy tôi còn ở cơ quan trung đoàn bộ. Tôi được đi cùng các cán bộ đại đội thông tin về Hà Bắc tuyển quân. Đơn vị tôi nhận tân binh ở huyện Yên Phong. Trong số các chiến sĩ nam nữ sẽ biên chế về cơ quan trung đoàn bộ tôi chú ý đến một cô bé nhỏ có khuôn mặt trái xoan và đôi mắt rất sáng. Nhận quân trang mới, mặc dù cô bé này đã phải xắn lên một gấu, ống quần vẫn dài quét đất. Tôi trêu:
Tôi lặng người đi khi nghe tin Nhung hy sinh. Tôi và Nhung cùng quê, cùng nhập ngũ, lại cùng ở đơn vị với nhau kể từ ngày vào bộ đội đến giờ. Nhung là văn thư của trung đoàn. Thỉnh thoảng lên trung đoàn bộ công tác, tôi vẫn ghé thăm Nhung. Nhất là từ khi Mai về cùng bộ phận với Nhung. Mai vẫn tự nhận là em gái tôi. Mai quê ở Yên Phong, Hà Bắc. Tôi quen Mai từ ngày em nhập ngũ. Đó là đầu năm 1978, khi ấy tôi còn ở cơ quan trung đoàn bộ. Tôi được đi cùng các cán bộ đại đội thông tin về Hà Bắc tuyển quân. Đơn vị tôi nhận tân binh ở huyện Yên Phong. Trong số các chiến sĩ nam nữ sẽ biên chế về cơ quan trung đoàn bộ tôi chú ý đến một cô bé nhỏ có khuôn mặt trái xoan và đôi mắt rất sáng. Nhận quân trang mới, mặc dù cô bé này đã phải xắn lên một gấu, ống quần vẫn dài quét đất. Tôi trêu:
- Hay là cho em về nhà để mẹ cắt bớt nửa ống quần đi cho vừa.
- Đừng coi thường nhé! Vào bộ đội vài hôm là em sẽ lớn thôi!
Cô bé láu lỉnh cự lại. Lúc giục mọi người lên xe để hành quân về đơn vị, tôi thấy cô bé này đang đứng với một chị phụ nữ còn rất trẻ. Nhìn hai người rất giống nhau, tôi đoán là hai chị em. Tôi bảo:
- Đồng chí nữ tân binh thôi khóc nhè, chùi mũi rồi chào chị đi để còn lên đường về đơn vị nào!
Cô bé trợn mắt:
- Đây là mẹ em chứ!
Tôi lúng túng vì sự nhầm lẫn. Mẹ cô gái cười dặn:
- Nhờ chú quan tâm giúp đỡ em Mai với nhé! Tính nó còn trẻ con lắm...
Mai nũng nịu giật giật tay mẹ. Hai mẹ con cùng lau mắt khi chia tay nhau.
Từ đó tôi và Mai thân nhau. Mỗi lần gặp nhau Mai thường hay "đe" tôi: "Phải luôn nhớ giúp đỡ em Mai! Anh đã hứa với mẹ rồi đấy nhé!". Hết thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, Mai được điều động về ban hành chính trung đoàn, cùng bộ phận văn thư bảo mật của Nhung.
Trung đoàn hành quân lên tuyến trước, các tiểu đoàn đóng quân cách xa trung đoàn bộ. Mỗi lần có việc lên trung đoàn tôi đều tạt qua thăm Mai. Gặp nhau, Mai khoe đủ chuyện. Nhất là chuyện quê hương. Mai vẫn bảo: "Khi nào ra quân anh về thăm quê em vào dịp đầu mùa Xuân, em sẽ đưa anh đi hội Lim!".
Từ khi cơ quan trung đoàn bộ rút lui lên Lũng Mật, tình hình lương thực, nước uống càng thêm khó khăn. Chúng tôi phải vừa củng cố trận địa phòng ngự vừa tổ chức đột nhập xuống chỗ bọn địch đã chiếm để tìm kiếm lương thực, lấy nước uống.
Một đêm, đơn vị tổ chức một bộ phận bí mật xuống bản Nà Liền tìm lương thực. Mai và một số anh chị em cơ quan trung đoàn cũng cùng đi. Trăng đêm mờ đục bởi mây mù dày đặc. Chúng tôi tổ chức đội hình thành từng tốp nhỏ đi cách nhau một đoạn đề phòng bị địch phục kích. Bản Nà Liền hoang tàn sau những trận pháo kích và đốt phá của bọn địch. Trong những căn nhà sập đổ, tìm được thứ gì chúng tôi lấy thứ nấy, gạo, ngô, đậu tương, lúa của đồng bào bó để trên gác bếp. Lúc quay trở về, theo sự phân công của người chỉ huy chung, tôi lùi lại phía sau chờ mọi người lên hết dốc mới rút theo. Tôi ôm súng nép vào hòn đá to giữa suối cảnh giới.
Mọi người vượt qua con suối nhỏ, bắt đầu leo lên dốc. Chờ một lát, ước chừng tất cả đã vượt qua khỏi đoạn dốc trống trải, tôi mới khoác cái ba lô đựng ngô lên vai rời khỏi vị trí cảnh giới. Vừa định băng qua suối thì có tiếng gọi nho nhỏ ngay sau mô đá, sát chỗ tôi đang đứng:
- Anh Hà ơi!
Nhận ra tiếng người gọi, tôi quay lại:
- Mai hả! Sao tụt lại xa đội hình thế! Mau vượt lên dốc đi. Ba lô nặng quá đưa anh mang bớt cho!
- Không nặng đâu! Nhưng anh chờ em một tý nhé!
- Có việc gì vậy! Rút nhanh kẻo nó bắn pháo sang nguy hiểm lắm!
Tôi vừa nói vừa nhìn về phía thị trấn, nơi những căn nhà đang cháy rừng rực, thỉnh thoảng ánh lửa đầu nòng pháo của địch lại lóe lên.
Mai thì thào:
- Anh... cảnh giới cho em... tắm một tý nhé! Đã mấy ngày rồi... trên núi làm gì có nước?
Đúng là trên núi đá vôi cằn cỗi nước uống còn chả đủ làm gì có nước mà tắm. Có vị trí tổ chức việc phòng ngự rất tốt, dễ đánh chặn đánh bọn địch tấn công lên núi nhưng mạch nước cạn mất đơn vị đành phải rút đi chỗ khác.
Nghe Mai nói vậy, tôi gàn:
- Nước suối lạnh lắm. Đi thôi em!
- Mặc kệ!
Mai nói và trút hết quần áo, để trên mô đá rồi lội xuống suối ngay sát chỗ tôi đang đứng. Bất ngờ mặt trăng ló ra chỗ mây thưa. Cơ thể ngọc ngà của Mai lồ lộ dưới ánh trăng. Mai đưa hai bàn tay bưng lấy ngực rồi từ từ dìm người xuống dòng nước lạnh. Ánh trăng lấp loá trên đôi vai trần của em.
Một lát sau Mai bước lên đứng cạnh tôi lặng lẽ mặc quần áo. Xong xuôi, Mai khẽ hích nhẹ vào vai tôi:
- Chúng mình đi thôi!
Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng trước vẻ đẹp thanh khiết, tròn đầy của cô gái giữa một đêm chiến tranh nơi góc rừng biên giới. Tiếng súng bên kia cánh đồng bỗng rộ lên. Tôi kéo Mai hối hả vượt qua khoảng dốc trống trải. Chúng tôi lẩn nhanh vào sau những mô đá nhấp nhô như hình người đang đứng im phăng phắc trên sườn núi ngực ưỡn ra chắn luồng gió Bắc.
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét