Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

Truyện dài CHUYỆN ĐỜI HẮN (phần 18)

  
      
Chuyện đời hắn
Truyện của Trọng Bảo 

      Hắn được lão chủ cơ sở sản xuất than tổ ong trên bến sông Đuống nhận vào làm việc. Lão chủ này tên là Thủ, có biệt danh mọi người thường vẫn thường gọi là “Thủ đen”. Lão ta dáng người đậm thấp và đen như than thật tương ứng với nghề nghiệp của mình. Nghe nói hồi còn trẻ lão này hát hay, tính tình lại phong lưu nên có một cô gái trắng trẻo, xinh đẹp con ông hàng chài vẫn ghé neo thuyền ở bến sông mê như điếu đổ. Cô mê tiếng hát của anh Thủ đến bần thần tâm trí. Anh Thủ hát bài “Giọt mưa thu” nghe cứ nao nao trong lòng trinh nữ. Có hôm ngồi rửa bát trên thuyền mải nghe tiếng hát trên bến cô mê mẩn thả hết cả bát đĩa xuống sông. Một hôm, trời sẩm tối khi con thuyền chài vừa neo, cô gái đã tuồi xuống nước lẻn lên bờ tìm người hát “Giọt mưa thu”. Đêm ấy sau khi nghe bài hát mê hồn về chàng Trương Chi trên bãi sông vắng vẻ cô gái đã dâng hiến cho anh Thủ sự trinh trắng của mình.
          Ông thuyền chài tuy rất tức tối nhưng vẫn phải gả cô con gái xinh đẹp của mình cho thằng đóng than vì cái bụng của con đã kênh vạt áo. Họ sống với nhau thật hạnh phúc, có với nhau ba đứa con. Nhưng trận bom năm 1972 ném xuống cầu Đuống đã giết chết vợ lão và đứa con gái út. Cô con gái lớn đang học đại học, cậu con trai kế sắp hết cấp ba. Bằng nghề nặn than, lão nuôi hai con ăn học. Từ khi người ta phát minh ra loại than tổ ong thì cơ sở làm than đun bếp của ông càng thêm phát triển và trở nên nổi tiếng. Rất nhiều hàng quán trong nội thành và ngoại thành là khách hàng của lão Thủ. Cơ sở sản xuất than của lão ngày càng phát triển nhưng lão thì ngày một hom hem, già yếu đi. Nghề làm than vất vả và độc hại. Lão rất muốn truyền nghề cho ai đó kế tục. Lão đang nghiên cứu chính sách kinh tế mới của nhà nước, nghiền ngẫm nội dung luật thành lập doanh nghiệp tư nhân. Lão nghĩ đến việc phải thành lập “Công ty TNHH Than tổ ong Sông Đuống” để phát triển sản xuất lớn hơn. Lão sẽ làm giám đốc hẳn hoi. Hiện tại thì cơ sở sản xuất của lão bán than tổ ong cho nhiều cơ quan, hàng quán, hộ gia đình. Cơ sở của lão Thủ có bộ phận chuyên môn đóng than và một đội quân phân phối đến tận nơi tiêu thụ, hầu như đến từng bếp nấu than trong khu vực.
          Khi hắn được ông đạp xích-lô dẫn đến giớ­i thiệu, lão Thủ lập tức nhận ngay vào làm việc. Lão Thủ lờ mờ nhận thấy ở hắn một người kế tục sự nghiệp đóng than tổ ong trên bến sông Đuống. Tuy vậy, do hắn vừa mới đến, lại chưa nắm được kỹ thuật đóng than tổ ong nên hắn được giao làm việc ở bộ phận phân phối sản phẩm. Hắn được cấp một chiếc xe đạp thồ có gia công gắn các phụ kiện để xếp than tổ ong chờ vào trong phố. Hắn cũng được bàn giao cho một bản danh sách khách hàng ở khu vực Hàng Đậu, Hòe Nhai cho đến phía bắc Hồ Tây. Thế là ngày ngày hắn làm công việc chở than vào phố đến các địa điểm giao hàng. Hắn có sức khỏe nên đẩy xe than đi băng băng. Khi bán hết than quay về hắn đạp xe vù vù. Buổi tối vì vô gia cư nên hắn được lão chủ cho ngủ lại ngay nơi làm than. Hắn được lão chủ chi thêm cho một ít tiền công trông coi bảo vệ nhà xưởng sản xuất. Thế là lợi cả đôi đường.
          Một hôm, giao hết xe than tổ ong, đang chuẩn bị quay về thì có tiếng gọi:
          - Này chú! Vận chuyển cho tôi hai bao hàng này nhé!
          Đó là một bà buôn đứng ở cổng chợ Long Biên. Hắn hỏi lại:
          - Chở đi đâu ạ?
          - Sang chợ Gia Lâm! Có phải chú là công nhân của lão Thủ đen không?
          - Đúng thế ạ!
          - Vậy tốt rồi! Thế thì từ nay buổi chiều sau khi bán hết than chú về qua cổng chợ chở hàng về Gia Lâm cho tôi nhé!
          Bà ta căn dặn hắn địa chỉ giao hàng. Hắn chở cho bà hai bao hàng vải và quần áo may sẵn. Bà ta trả cho hắn mấy chục đồng tiền công. Từ đó hắn có hàng để vận chuyển cả hai chiều. Lúc đi thì hắn phải gò lưng đẩy xe đi bộ vì than nặng, lúc về hai bao hàng vải nhẹ tênh hắn đạp xe vùn vụt. Hắn có thêm thu nhập. Nhưng tính hắn vốn sòng phẳng, hắn đề nghị chia một phần tiền công cho lão Thủ vì cái xe đạp là tài sản của lão ta. Lão Thủ xua tay bảo hắn giữ cả lấy số tiền ấy, khi nào cần thì sửa xe, mua săm lốp mà thay thế.
          Những ngày bán than tổ ong ở Hà Nội giúp hắn hiểu được nhiều điều, biết được nhiều chuyện ở chốn thị thành. Hóa ra người thành phố không phải ai cũng sung sướng. Cũng có những nghịch cảnh, những số phận éo le. Hắn còn nhớ và ấm ức mãi một chuyện. Đó là bữa hắn chở than qua một khu biệt thự khá sang trọng. Có một ông chủ biệt thự nhìn thấy hắn bèn gọi vào thuê phá dỡ gian nhà cấp bốn ở góc vườn. Đây là gian nhà ông này làm cho mẹ ở. Khi bà cụ mất, ông ta muốn phá đi, giải phóng mặt bằng lấy để làm nơi treo hoa phong lan, bày cây cảnh, kê cái ghế ngồi ngắm hoa, đọc báo.
          Hắn về nói lại với lão Thủ. Lão chủ cơ sở đóng than tổ ong bảo mấy ngày tới dừng đóng than thủ công để sửa chữa lại nhà xưởng, mua sắm máy đóng than tổ ong chạy điện nên cho công nhân tạm nghỉ, hắn có thể đi làm thêm mà kiếm tiền. Vì thế, hắn đến nhà ông chủ biệt thự ấy nhận việc phá dỡ căn nhà cấp bốn.
          Hắn được biết, ông này là một cán bộ loại bự. Làm quan to nên ông ta  đưa mẹ từ quê lên Hà Nội. Bà mẹ già mắt đã mờ, chân đã chậm, lại vốn dĩ là nông dân tần tảo vất vả cả đời nên về già ốm yếu, bệnh tật. Bà cụ sinh hạ được mỗi ông ta là con duy nhất. Chồng chết, cụ ở vậy nuôi con, lần hồi sới đất lật cỏ kiếm từng xu, từng hào cho ông ăn học nên người, trở thành vị quan chức to nhất vùng. Dân làng thấy ông ta đánh ô tô con bóng lộn về quê đón mẹ về thủ đô phụng dưỡng, ai cũng trầm trồ khen ngợi ông ta có hiếu. Bà hàng xóm cạnh nhà thì cứ nức nở mãi: “Con thế mới đáng là con chứ! Đúng là đẻ con khôn mát L... rười rượi, chả bù mấy thằng giặc nhà tôi phá gia chi tử!”. Ông ta bán sạch nhà cửa, ruộng vườn rồi đưa mẹ ra đi trong sự thán phục của cả làng.
          Khi lên Hà Nội, bà cụ vẫn quen lối sống tùy tiện thoải mái như ở quê. Bà cụ nhai trầu bỏm bẻm suốt ngày. Nước cốt trầu vương vãi trên sa-lon và nền phòng khách được lát bằng gỗ quý khiến vợ ông rất khó chịu. Bà vợ ông càng bực bội mặt nặng, mày nhẹ mỗi khi ăn uống cụ làm cơm rơi vung vãi, đổ cả canh ra bàn ăn. Ông cán bộ nọ cũng nhiều phen phát bực với mẹ. Nhiều lần có khách hỏi thăm, cụ cứ rỉ rả kể lại mãi chuyện quê, chuyện ngày xửa ngày xưa nuôi con vất vả, chuyện ông biếng học hay chơi bời lêu lổng khiến ông phát ngượng. Có lần ông đã quát mẹ khi khách vừa mới ra khỏi cửa khiến bà cụ tủi thân cứ sụt sịt mãi. Còn bà con dâu và thằng cháu đích tôn thì thường xuyên trì triết, cằn nhằn mỗi khi cụ làm đổ nước hay rớt bã trầu ra sàn nhà. Bà cụ buồn lắm. Suốt ngày cụ lầm lì như cái bóng trong căn biệt thự sang trọng. Khi con cháu đi vắng, cụ muốn mở tivi nghe dân ca cho đỡ buồn khi nhớ quê. Nhưng con dâu sợ bà cụ làm hỏng tivi nên đã rút mất phích điện. Giá như còn ở quê, cụ sẽ sang nhà bà hàng xóm cùng nhau giã trầu hay tuốt rơm nếp để tết chổi. Còn ở đây giữa chốn nhà cao cửa rộng nhưng cổng khóa, then cài im ỉm cụ thấy mình như người bị giam lỏng.
          Bà cụ rất muốn trở về quê. Một lần cụ bảo con trai và con dâu: “Hay là vợ chồng anh cho mẹ về quê! Ở đây mẹ thấy không hợp!”. Ông con trai gạt phắt đi: “Mẹ về quê thì ở vào đâu! Nhà đã bán mất rồi!”. Còn bà con dâu nói mát: “Sướng lại chả muốn!”. Thằng cháu đích tôn thì lấc cấc: “Cụ bô mà về quê lấy ai khuya sớm nâng giấc, phụng dưỡng tuổi già!”.
          Dù là từ ngày đón mẹ ra ở cùng bao nhiêu phiền nhiễu nhưng con trai, con dâu chẳng bao giờ muốn cho mẹ về quê. Không phải vì đã trót bán mất ngôi nhà của tổ tiên để lại. Chỉ cần bỏ tra vài ba triệu là họ thừa sức mua miếng đất ở quê và làm cho mẹ căn nhà khác. Nhưng họ chẳng còn mặt mũi nào. Đã được tíếng là hiếu thuận thì phải giữ chứ với lại còn uy tín của ông, của bà trước cơ quan nữa. Thời buổi này cái ghế của ông không ít kẻ nhòm ngó, sơ sảy một tý dễ sụt giảm uy tín hỏng ngay. Hơn nữa để bà cụ ở Hà Nội cũng có thêm một nguồn thu đáng kể. Ấy là mỗi khi tổ chức mừng thọ cho cụ, dịp tết nhất và nhất là những khi cụ trái gió trở trời ốm đau (mà bà cụ thì lại rất hay ốm đau), anh em trong cơ quan, những người được ông bà nâng đỡ sẽ đến chúc mừng, hoặc thăm hỏi rồi đều có quà cáp. Quà thì đâu chỉ có cân đường, hộp sữa, nải chuối hay chục trứng gà như ở quê mà là phong bì dày cộp trong để toàn tiền mệnh giá lớn hoặc đô-la. Quà này thực ra chả phải dành cho người ốm.
          Thấy để mẹ ở nhà trên gây nhiều phiền phức, ông bàn với vợ làm một gian nhà cấp bốn ra chỗ góc vườn đưa bà xuống đấy ở. Bà vợ ông sốt sắng đồng ý ngay. Thế là bà cụ chỉ còn được lên nhà trên mỗi khi mừng thọ hoặc ngày tết và lúc nào đau ốm để cho mọi người trong cơ quan của con đến chúc mừng, hoặc thăm hỏi. Những người đến thăm hỏi, chúc mừng bà cụ chẳng qua chỉ là cái cớ. Đây là một dịp thuận lợi để họ đến cống nộp.
          Vào một đêm mưa gió trong ngôi nhà cấp bốn ẩm thấp nơi góc vườn bà cụ đã trút hơi thở cuối cùng sau nhiều ngày ốm nặng. Cũng ngay trong đêm, thi hài cụ đã được di chuyển đến quàn trong phòng lạnh của một nhà tang lễ lớn nhất thành phố. Tại đây cụ được tổ chức lễ tang thật trọng thể. Có rất nhiều đoàn đến viếng. Người làng trong đoàn của địa phương lên dự lễ tang ai cũng sửng sốt, nể phục. Vòng hoa nhiều vô kể, không thể đếm nổi. Chẳng có kèn trống như ở quê. Không có các vị sư sãi, các vãi già đến đọc kinh, chèo đò để người chết được siêu thoát được sang Tây Thiên với phật. Quan tài cụ được xe tang đưa thẳng ra đài hóa thân hoàn vũ, ấn nhẹ công tắc điện một cái là thành mây khói, chút tro cốt còn lại được cho vào cái lọ bé xíu. Thế là xong. Chuyện này chắc khi con sống bà cụ đã từng suy nghĩ đến. Cụ sợ lắm. Cụ chỉ muốn được trở về quê nếu có chết thì về với ông bà ông vải, gặp lại mấy bà bạn cùng tuổi đã đi trước mình. Nhưng điều mong muốn cuối cùng trong đời ấy của cụ đã không thành.
         Sau đám tang mẹ, ông con trai nghĩ ngay đến số tiền phúng viếng, nhẩm tính sơ sơ cũng đủ mua một cái xe ô tô mới tương đối xịn. Và việc ông phải làm đầu tiên là cho phá ngay căn nhà cấp bốn góc vườn.
          Biết rõ về “sự tích” của căn nhà cấp bốn góc vườn trong ngôi biệt thự, hắn cảm thấy bùi ngùi, thương cho bà cụ vừa mới qua đời. 

*
          Hắn bắt đầu phá dỡ căn nhà cấp bốn. Hắn cố chừa để lại một góc để ở tạm mấy hôm. Buổi tối hắn mới có thể thu dọn đống vôi vữa, gạch vụn rồi dùng xe đạp thồ chở ra đổ trộm ngoài bờ đê. Ban ngày mà chuyên chở những thứ này thì sẽ bị công an tóm ngay, với lại muốn đổ trộm những thứ phế thải ra bất cứ chỗ nào cũng đều phải đợi khi đêm đến. Ông chủ nhà dặn hắn làm ăn phải cẩn thận kẻo ảnh hưởng đến ông ta. Hắn vâng vâng dạ dạ để ông ta yên tâm. Sau khi phá nốt góc căn nhà cấp bốn, nơi mấy đêm vừa rồi để lại lấy chỗ ngả lưng sau những chuyến chở phế thải đi đổ trộm ngoài bờ đê, hắn rụt rè lên phòng khách ngôi căn biệt thự gặp ông chủ. Nhìn nền lát gạch hoa và gỗ bóng loáng hắn ngại ngần không dám bước vào. Ông chủ nhà hất hàm hỏi:
          - Đã xong xuôi cả rồi chứ?
          - Chỉ còn một xe đất thải cuối cùng, tối nay tôi sẽ chở ra rồi đi luôn!
          - Vậy là thanh toán tiền công hả?
          - Vâng! Nhưng tôi cũng có việc xin báo lại với bác...
          Hắn vừa nói vừa móc trong túi quần ra một gói ni-lông được chằng buộc bằng những cái dây chun rất kỹ trông bẩn thỉu đưa cho ông chủ nhà. Ông ta vội rụt ngay tay lại trừng mắt hỏi:
          - Cái gì đây?
          - Những thứ này tôi đã tìm thấy nó khi phá nốt chỗ góc nhà lúc chiều. Chắc là của bà cụ nhà ta cất giấu. Là tiền và vàng ạ...
          - Là... vàng…hả...?
          Ông ta gần như giật phắt cái gói từ tay hắn, nhanh như một con chim cắt chộp mồi. Chẳng nề hà cái gói ni lông đầy bụi bẩn và dính bết nước cốt trầu đen xỉn. Ông lập cập mở ra. Trong gói có một đôi hoa tai, một cái nhẫn vàng và một cuộn tiền. Toàn là toàn tiền lẻ độ vài trăm nghìn đồng. Nhưng lại có hai tờ một trăm đô-la bọc ở bên ngoài. Đây chắc là của người nào đó “mừng tuổi” bà cụ từ hôm tết mà ông ta không biết để thu hồi. Ông ta hất hàm hỏi hắn:
          - Chỉ có thế này thôi à?
          - Vâng… vâng…!
          - Có đúng như thế không?
          Câu hỏi của ông cán bộ làm hắn tái mặt đi vì thấy mình bị xúc phạm ghê gớm. Hắn khinh bỉ nhìn ông chủ nhà. Hắn đã quá thật thà đem trả lại toàn bộ số tài sản tìm thấy thế mà không được một lời cảm ơn lại còn bị nghi ngờ. Hắn quay mặt định bỏ đi nhưng ông cán bộ gọi giật lại:
          - Thằng kia đứng lại! Tại sao mày không trả lời tao hả?
          Nghe tiếng ồn ào ngoài phòng khách bà chủ nhà và thằng con ở phòng phía sau cùng chạy ra. Biết chuyện bà ta chu chéo:
          - Ối giời ơi là giời! Chết tôi rồi! Cho bà ấy ăn sung, mặc sướng, đầy đủ thế mà bà ấy còn lén lút cất giấu bao nhiêu là tiền vàng thế này!
          Chỉ tay vào mặt hắn, bà ta nghiến răng kèn kẹt:
          - Cái thằng kia, mày còn giấu giếm cái gì không hả... Mày đã chở bao nhiêu chuyến đi rồi hả?
          Chỉ tay vào mặt ông chồng, bà ta rên rỉ:
          - Ông phải gọi cho công an đến khám xét, tra hỏi thằng này ngay! Mấy đêm vừa rồi nó đã đem những cái gì ra ngoài ông có biết không?
          Ông cán bộ cáu kỉnh:
          - Bà im đi! Gọi công an có mà...
          Thằng con thì cầm cái nhẫn vàng của bà nội giơ lên lật đi, lật lại xem xét. Rồi nó gật gật cái đầu nói nhỏ với bố: “Bố cứ để thằng này cho con xử lý!”.

*
          Lẽ ngay sau khi bị ông cán bộ nghi ngờ xúc phạm hắn đã rời khỏi ngôi biệt thự ngay tức khắc. Nhưng vì chưa được thanh toán tiền công nên hắn còn chần trừ chưa đi. Lúc hắn đang đang chuẩn bị ăn cơm thì thằng con ông chủ dẫn theo một thằng nữa mặt mũi vẻ hung hãn ra chỗ góc vườn. Hai thằng đạp đổ nồi canh đầu cá của hắn đang nấu. Thằng con ông chủ túm áo dí dao vào cổ hắn. Giọng nó sực mùi rượu:
          - Mày… giấu… tiền… và… vàng… của… nhà… tao… ở… đâu…?
          Hắn coi thường nhìn hai thằng côn đồ. Chỉ cần một cái vung tay thì hai thằng oắt con này sặc gạch, chết không kịp ngáp. Nhưng không thèm chấp lũ vô lương, hắn giằn giọng bảo:
          - Có bao nhiêu tao đã đưa cho ông chủ rồi!
          - Vẫn còn! Muốn sồng khôn hồn thì hãy nôn ra ngay! 
          - Đã đưa hết rồi!
          - Hết... rồi... à...?
          Mũi dao trong tay thằng con ông chủ nhích thêm một tý. Máu từ cổ hắn ứa ra rơi thành giọt xuống ngực áo. Đã thế thì tao sẽ cho chúng mày hiểu thế nào là lễ độ! Bằng một động tác quét chân và động tay của hắn hai thằng côn đồ đã văng ra xa mấy mét. Chúng lồm cồm bò dậy vung dao lên tiếp tục xông vào. Mẹ kiếp! Bọn này muốn chết thật rồi. Hắn chợt nhớ lại chuyện hai “lính gác” bữa trước ở bãi vàng cũng cầm côn và mã tấu lao vào hắn như thế này. Hai thằng oắt con khốn kiếp này chắc cũng phải nện cho một trận lên bờ xuống ruộng giống như hai tên “lính gác” bãi vàng hôm nào đây. Hai bàn tay gân guốc của hắn vo lại thành hai nắm đấm.
          Giữa lúc ấy thì ông cán bộ xuất hiện. Ông ta vội vã ngăn hai thằng lại. Thực ra ông ta đã theo dõi vụ việc “xin tý tiết” của thằng con ngay từ đầu. Thấy tình hình có vẻ không ổn, ông ta vội lên tiếng:
          - Thôi, chúng mày để nó biến đi!
          Hắn ném ánh mắt nhìn khinh miệt vào cái bản mặt phì phị của ông cán bộ nọ. Hắn nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đất. Hất trả lại mấy bao vôi vữa phế thải, hắn dắt chiếc xe đạp ra khỏi ngôi biệt thự sang trọng.

          (hết phần 18)                                                     Hà Nội, tháng 2-2011

TB: Một số chi tiết của phần này đã được sử dụng viết thành một truyện ngắn đăng trên Tạp chí Nhà văn Việt Nam và báo Người Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét