Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

Truyện dài CHUYỆN ĐỜI HẮN (phần 7)

             
      Vài lời tiếp truyện: Hắn là một nhân vật có nguyên mẫu thật trong cuộc sống mà tôi biết. Tôi đã viết mấy truyện ngắn về hắn là: Trang trại ma gà, Thời trai trẻ và lần này là Chuyện đời hắn. Nhưng gần 70 năm cuộc đời của hắn thật nhiều tình huống thú vị, nên truyện. Vậy nên Chuyện đời hắn không thể là một truyện ngắn. Từ phần này trở đi xin được đổi lại là truyện dài Chuyện đời hắn cho đúng với thực tế của câu chuyện mà tôi đã viết. (Trọng Bảo)

Chuyện đời hắn
Truyện của Trọng Bảo

        Hắn và tốp thanh niên đi làm thuê vừa chui qua lỗ hổng ra ngoài ga thì có tiếng quát:
         - Tất cả đứng im!
         Hắn và mấy thằng định bỏ chạy thì thằng Đang ngăn lại:
         - Bình tĩnh! Đó là các anh bộ đội đấy!
         Lúc này hắn mới nhìn kỹ ba người súng AK lăm lăm trong tay chặn đường bọn hắn lại. Ba người lính tay đeo băng “Kiểm soát quân sự”. Một người hỏi:
         - Tại sao các anh lại chui qua lối này mà không qua cửa soát vé?
         - Ch… ú… n… g… t… ô… i…
         Thằng Đang ấp úng. Lúc này mấy chiến sĩ kiểm soát quân sự mới chợt nhận ra thằng Đang mặc bộ quân phục cũ, lưng đeo ba-lô, cái mũ cối bộ đội vẫn còn có một ngôi sao vặn ngược vào bên trong. Trông nó chẳng khác gì một người lính. Người nhóm trưởng kiểm soát quân sự nghiêm mặt hỏi thằng Đang:
         - Đồng chí ở đơn vị nào! Yêu cầu xuất trình giấy tờ!
         Thằng Đang đặt cái bao tải đựng mấy lưỡi cuốc, cái xẻng xuống đất. Nó bĩnh tĩnh nói:
         - Tôi không ở đơn vị nào cả! Tôi đã phục viên, là cựu chiến binh đã mấy năm rồi.
         - Vậy giấy tờ của anh đâu?
         - Không có giấy tờ! Đi làm thuê thì còn có giấy tờ gì đâu?
         - Anh cũng phải có chứng minh thư nhân dân chứ!
         - Cũng không có! Phục viên là lo làm ăn, chưa kịp làm chứng minh nhân dân!
         - Thế anh không có giấy tờ gì khác hay sao?
         - Không…
         - Vậy thì, yêu cầu anh về trạm kiểm soát quân sự để chúng tôi xác minh!
         - Xác minh cái cóc khô gì?
         Thằng Đang bắt đầu bực. Người tổ trưởng kiểm soát quân sự giằn giọng:
         - Chúng tôi nghi anh là quân nhân đào ngũ nên phải đưa về trạm kiểm soát quân sự thị xã để xác minh!
         Đến lúc này thì hắn không nhịn được nữa. Mặt hắn hằm hằm:
         - Đảo ngũ cái con cặc! Một thương binh, một dũng sĩ đánh Mỹ đấy, hiểu không?
         Người tổ trưởng kiểm soát quân sự nghiêm khắc cảnh cáo:
         - Anh kia! Không được nói bậy, nếu không chúng tôi sẽ bắt luôn cả anh giao cho công an thị xã xử lý đấy!
         - Có mà bắt cái đầu… - Hắn lại định văng tục. Thằng Đang vội ngăn hắn lại và dặn:
         - Anh đưa mấy anh em vào nhà ga ngồi chờ em. Em vào làm việc với các anh ấy một lát rồi ra. Chắc là chả có vấn đề gì đâu, chỉ tại bộ quần áo chiến binh em đang mặc này thôi, chứ các anh ấy không bắt giữ mình vì cái tội trốn vé tàu đâu mà sợ.
         Hắn hậm hực theo mấy thằng thanh niên vào trong nhà ga. Thằng Đang đi theo ba chiến sĩ kiểm soát quân sự ra phía ngoài đường.
         Sau chiến tranh, biên giới tràn ngập màu áo lính. Trong nhà ga cũng ngổn ngang toàn là cánh lính tráng đứng ngồi lố nhố, súng đạn, ba-lô lỉnh kỉnh. Hậu chiến tranh nhìn những người lính, người dân hết thảy đều khắc khổ, lầm than. Cái đói, cái thiếu thốn hành hạ con người không loại trừ một ai. Thời đánh Mỹ có hậu phương vững mạnh, lại có cả phe xã hội chủ nghĩa hùng hậu chi viện, trang bị đầy đủ nên người lính quần áo luôn mới, lương khô súng đạn đầy đủ. Chiến tranh biên giới nổ ra, hai nước nghèo đánh nhau, cả hai cùng khổ. Lính đã khổ, dân lại càng khổ. Thị xã Lạng Sơn bị tàn phá đang được xây dựng lại, chỗ nào cũng ngổn ngang. Hắn nhìn quanh trong nhà ga, có mấy toán chắc cũng dân miền xuôi lên biên giới làm thuê nên lỉnh kỉnh những cưa đục, bao tải vẻ nhếch nhác. Còn chỗ góc sân nhà ga là mấy anh bộ đội đang ngồi đứng ngổn ngang chắc là đợi tàu để chuyển quân. Nghe nói vẫn đang còn đánh nhau ở hướng bình độ 400, Cao Lộc và hướng Bản Chắt, Đình Lập. Có mấy anh thương binh băng quấn kín cánh tay đang ngồi chia nhau chút thuốc lá quấn gói trong mảnh giấy báo. Tình hình biên giới vẫn đang căng thẳng nhưng dòng người từ miền xuôi vẫn đổ lên biên giới. Chiến tranh chưa qua nhưng con người thì vẫn phải sống. Người địa phương đã lục tục kéo về dựng lại nhà, cày lại ruộng. Vì thế nên họ mới cần nhân công, nhất là bọn làm thuê như hắn từ miền xuôi lên.

         Thằng Đang bị dẫn giải vào trạm kiểm soát quân sự ngay cạnh nhà ga. Không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nó chẳng có một loại giấy tờ tuỳ thân gì không khéo lại lằng nhằng, phức tạp. Mà ngay như hắn trong người cũng chỉ có một cái giấy tha tù nhỡ bị công an kiểm tra thì lằng nhằng vì hắn chưa hết thời gian quản thúc tại địa phương.
         - Anh Đang ra rồi kìa!
         Một thằng trong bọn chợt kêu lên. Hắn ngoảnh cổ lại nhìn. Thằng Đang tay xách ba-lô đi cùng một anh sĩ quan đeo quân hàm thiếu uý. “Chết bỏ mẹ! Khéo có việc gì xảy ra rồi!” - Hắn nghĩ. Lập tức hắn thủ thế, sẵn sàng vọt chạy ngay khi cần. Nhưng nhìn thấy vẻ bình thản của thằng Đang, hắn hơi yên tâm. Thằng Đang dẫn anh thiếu uý đến trước mặt mọi người. Nó giới thiệu:
         - Đây là anh Tuyến, cùng đơn vị với mình ngày ở miền Nam đánh Mỹ!
         - Thế hả! - Hắn thở phào. Anh thiếu uý quân đội bắt tay mọi người rồi khẽ lắc đầu thở dài nói với thằng Đang:
         - Thật không ngờ mày lại thành kẻ làm thuê khốn nạn thế này…
         Thằng Đang ngắt lời anh ta:
         - Thôi… mày đừng suy nghĩ nhiều quá thế! Chiến tranh mà lại…
         Anh thiếu uý dặn:
         - Lên đây làm nếu có việc gì cần thì gọi tao nhé!
         - Không cần đâu! Bọn mày còn bao nhiêu nhiệm vụ quân sự quan trọng, bọn tao là dân đi làm thuê thì có việc gì ghê gớm đâu nên không dám quấy quả, chỉ mong nếu có bị kiểm soát quân sự nghi là lính đào ngũ thì mày giải thích giúp một câu… hì… (thằng Đang không biết rằng chỉ một thời gian ngắn sau thôi nó đã phải nhờ đến anh thiếu uý này để trở về quê trong một hoàn cảnh thật đặc biệt. Nhưng đó là câu chuyện của phần tiếp theo).
         - Nhưng lên trên này phải thật cẩn thận đấy! Khi có tình huống gì thì rút ngay về phía sau nhé!
         - Yên tâm! Bọn tao bây giờ là dân thường rồi, chả có trách nhiệm, nghĩa vụ gì nữa. Thấy tình hình nguy hiểm là chúng tao chuồn luôn…
          Anh thiếu uý chào tạm biệt mọi người rồi đi. Thằng Đang giờ mới bảo:
         - Hoá ra nó chính là trưởng trạm kiểm soát quân sự ở ga. Nó nhận ra em ngay. Cũng may gặp nó nên đỡ phải giải thích lằng nhằng, mất thời gian. Bây giờ bọn ta đi thôi…
          Nó nói và xách ba-lô đứng dậy. Hắn và mọi người cũng đứng lên. Sau này hắn mới biết thằng Đang và anh thiếu uý nọ cùng tiểu đội công binh với nhau thời mở đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Chính thằng Đang đã cứu sống anh thiếu uý trong một trận chạm trán với bọn thám báo. Thằng Đang đã bình tĩnh nổ súng để anh thiếu uý rút lui an toàn. Vết thương của thằng Đang khiến nó phải về phục viên chính là bị trong trận đánh ấy. Cả hai không ngờ gặp lại nhau ở nơi biên giới này trong tình huống một thằng là thương binh đi làm thuê kiếm tiền nuôi thân, một thằng là sĩ quan và vẫn còn phải tiếp tục chiến đấu chặn giặc bảo vệ đất nước. Anh thiếu uý ái ngại cho thằng Đang là một thương binh mất sức đến gần 60% mà vẫn phải bôn ba tha hương, kiếm sống, vợ ốm con đau, đói khát, nheo nhóc. Thằng Đang thì lại băn khoăn khi biết chuyện anh thiếu uý ngày trở về thì người yêu từng thêu tặng tấm khăn tay có hai con chim bồ câu ngậm mỏ vào nhau và dòng chữ “mãi mãi yêu anh” đã đi lấy chồng, đến bây giờ vẫn là một anh “lính phòng không”. Nhưng hoàn cảnh đất nước thời chiến là như vậy. Chiến tranh thật có ý nghĩa lớn lao nhưng cũng thật là vô nghĩa đến tận cùng trong mỗi số phận con người của cuộc chiến ấy.
         Thằng Đang dẫn hắn và mấy người vượt qua sông Kỳ Cùng. Họ bắt đầu cuộc mưu sinh bằng việc san nền nhà, đào giếng thuê và vào rừng chặt củi khô gánh ra chợ bán. Họ nhặt gom từng đồng, từng hào kiếm được đợi ngày về quê.
          (hết phần 7                                         Hà Nội, tháng 2-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét