Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

Truyện ngắn VẾT THƯƠNG (phần cuối)

VẾT THƯƠNG (phần cuối)
Truyện ngắn của Trọng Bảo

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Lành vết thương chiến tranh thì anh Bính được về phục viên. Hơn mười năm quân ngũ anh trở về quê với chiếc ba lô bạc màu nhẹ bẫng đeo sau lưng và cái nạng cầm ở tay để hỗ trợ cho cái chân bị gãy trong trận phá vây đêm hôm ấy.
Anh Bính về khi quê hương đang rất khó khăn. Những năm tám mươi của thế kỷ trước nông thôn nghèo đói, thiếu thốn đủ bề. Vừa về đến nhà, đặt ba lô xuống anh đã phải lao ngay vào một cuộc chiến mới. Cuộc chiến mưu sinh. Chị Sinh vợ anh bệnh ngày thêm nặng. Hai đứa con anh con bé lớn đã biết theo anh ra đồng cắt cỏ chăn trâu còn thằng bé loanh quanh với mẹ ở nhà. Nông thôn ngày ấy xác xơ buồn lắm. Đồng ruộng chỉ khởi sắc khi có chủ trương khoán quản cho các hộ nông dân. Anh Bính nhận ruộng lại thầu thêm một cái ao thả cá. Nhờ chăm chỉ nên cuộc sống của anh cũng khá lên. Mừng nhất là cái chân phải của anh hồi phục dần. Anh không còn phải chống nạng để hỗ trợ nữa. Tuy còn tập tễnh nhưng anh Bính vẫn gánh nổi cả một gánh cỏ lặc lè để nuôi cá trắm.
Một năm sau, anh Bính được bầu vào hội đồng nhân dân xã, được giao nhiệm vụ làm xã đội phó, xã đội trưởng rồi phó chủ tịch phụ trách kinh tài xã. Mọi người đều mừng cho anh. Không ai biết rằng một cuộc chiến tranh mới trong thời bình vô cùng ác liệt lại đang đến với anh.
Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới mạnh mẽ. Nông thôn dần dần thay da đổi thịt kể từ khi có chính sách khoán 10. Anh Bính là một cán bộ xã năng nổ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn không làm anh chùn bước. Anh được nhân dân tín nhiệm bởi tinh thần làm việc vì dân và chí công vô tư. Anh được lòng dân nhưng dần mất lòng quan. Trong nội bộ cán bộ xã bắt đầu có sự ganh ghét anh. Sự chia bè, kéo cánh, họ hàng hang hốc ở nông thôn bao đời nay vẫn thế. Anh Bính dần dần bị các cán bộ xã cô lập rất khó làm việc. Lạ là họ ganh ghét anh nhưng trong khóa mới của hội đồng nhân dân họ lại bầu anh lên chức chủ tịch xã với số phiếu cao gần như tuyệt đối. Khi trao cho anh Bính chức vụ cao nhất xã cũng là lúc họ bắt đầu triệt hạ anh rất tinh vi, rất từ từ...
Đó là khi có quy hoạch thu hồi đất đai của dân để làm con đường cao tốc qua xã. Việc giải phóng mặt bằng, việc lập dự án khu đất tái định cư, giãn dân được tiến hành khẩn trương để đảm bảo tiến độ cho dự án. Cả trăm hộ dân được đền bù đất đai, tài sản và chuyển đến khu tái định cư mới. Anh Bính bù đầu với những dự án, những văn bản. Nhiều đêm anh thức trắng để đọc tài liệu, suốt ngày anh xuống các thôn xóm để thuyết phục vận động nhân dân chấp nhận đền bù, giao đất để đảm bảo tiến độ thi công công trình.
Một buổi trưa anh Bính vừa về đến nhà và vội bát cơm nguội thì anh phó chủ tịch xã phụ trách công tác kiểm kê đền bù đến. Sau khi báo cáo công việc anh phó chủ tịch xã ngó quanh nhà rồi nói:
- Anh ạ! Tập thể lãnh đạo đã bàn bạc và thống nhất rồi. Anh sẽ nhận khoảnh đất tái định cư 200 mét vuông mặt đường quốc lộ, gần trường cấp 2 và gần chợ. Vị trí ấy là đẹp nhất đấy ạ!
Anh Bính ngạc nhiên:
- Tập thể nào quyết thế! Tôi ở trong thường vụ sao bây giờ mới biết? Mà nhà tôi có phải di chuyển để làm đường đâu mà phải tái định cư?
Phó chủ tịch xã giải thích:
- Đây mới là dự kiến. Nhưng diện tích của nhà anh bị thu hồi cũng đến gần bảy mươi mét vuông. Nếu tính cả chỉ giới hành lang an toàn giao thông thì còn hơn nên anh được một lô đất tái định cư là hoàn toàn hợp lý thôi!
- Số diện tích bị thu hồi nhà tôi đã nhận tiền đền bù rồi...
- Thì nhà nào bị thu hồi đất chả nhận tiền đền bù nhưng cũng đều được giao đất để tái định cư.
Anh Bính lắc đầu:
- Các nhà khác họ bị thu hồi 100% diện tích đất thổ cư nên phải tái định cư. Nhà tôi diện tích thổ cư và vườn còn đến gần bốn trăm mét vuông sao lại phải nhận đất tái định cư chứ?
Anh phó chủ tịch xã tặc lưỡi:
- Thì anh cứ nhận rồi để đấy hoặc cho thuê, sau này thằng Thuần lớn lên nó làm nhà ra ở riêng chả tốt à?
Anh Bính kiên quyết:
- Thôi, việc này để tôi kiểm tra lại xem sao đã nhé!
Anh phó chủ tịch bực bội ra về. Vừa đi anh ta vừa lẩm bẩm: "Miếng ngon đem dâng đến miệng còn làm bộ, làm tịch".
Quả là thời thế tạo anh hùng. Hoàn cảnh xô đẩy kẻ sĩ. Sự trong sáng vào nơi vẩn đục dù cố giữ cũng vẫn khó tránh bị ám mờ. Anh Bính với tác phong là một quân nhân, một con người trong sáng quyết tâm đóng góp xây dựng quê hương. Nhưng ở nông thôn những mối quan hệ nhằng nhịt, nhưng tập tục thâm căn cố đế. Đội ngũ cán bộ quen với sự quan liêu bao cấp. Nói là tập thể nhưng lúc nào cũng nghĩ đến lợi ích cá nhân của mình. Có một dự án, một chủ trương, kế hoạch đầu tư nào cho nông thôn thì việc đầu tiên là họ nghĩ ngay đến sự bớt xén kiếm chác, ăn chia. Dự án giải phóng mặt bằng, tái đầu tư để làm đoạn đường cao tốc qua xã quả là một dịp xà xẻo rất ngon lành. Anh Bính là chủ tịch xã nếu như người khác thì sẽ là dịp đổi đời "xóa đói, giảm nghèo" thần tốc. Anh Bính không nhận xuất đất tái định cư nhưng các cán bộ khác đã nhận rồi. Thậm chí họ còn nhận hơn. Việc anh không ăn cùng họ tức là chống lại họ. Và như thế thì việc anh bị họ tìm cách đưa vào những cái bẫy rất nguy hiểm tinh vi để loại trừ là không thể tránh khỏi.
Việc ăn chia, xà xẻo quá táo bạo cuối cùng cũng không thể qua khỏi mắt nhân dân. Công an khởi tố vụ án. Mọi việc bị phơi bày. Hóa ra đội ngũ cán bộ xã cũng không phải là vừa. Cơ quan điều tra vào cuộc phát hiện ra sự khai khống diện tích, tài sản trên đất bị thu hồi làm thất thoát lớn ngân sách của nhà nước. Ví dụ, nhà bà Cần, thôn Đông chỉ có 10 cây mít trên diện tích đất bị thu hồi nhưng trong thanh toán lại là 100 cây. Nhà ông Quý ở thôn Đoài chỉ có 100 khóm chuối trở thành 1000 khóm. Diện tích đất vườn nhà anh Khang bị thu hồi là 300 mét vuông trở thành 3000 nghìn mét... Họ đã thêm vào các số liệu kiểm kê thực chỉ một con số không thôi. Nhưng con số không kỳ ảo ấy lại đưa về rất nhiều tiền. Số tiền ấy đều chảy vào túi cán bộ xã. Điều đáng nói nhất là trong nhiều biên bản, giấy tờ xác nhận để nhận tiền đền bù ấy đều đóng dấu và có chữ ký của anh Bính. Không hiểu họ đã làm thế nào để qua mắt anh thêm một con số không vào trong các văn bản. Khi khai báo với cơ quan điều tra họ đều đổ tội hết cho anh Bính. Anh Bính bị bắt. Khi anh đang trong trại tạm giam thì chị Sinh vợ anh chết. Dân làng người hiểu anh thì bảo anh bị oan ức. Người không hiểu thì nói: "Quan nào chả tham. Làm quan mà không ăn thì làm để làm gì?". Vậy nên trong làng, ngoài xã người gọi anh là "ông chủ tịch bị hàm oan", kẻ bảo anh là "thằng quan xã tham nhũng".
Một ngày trước khi bị bắt anh Bính bị khai trừ khỏi đảng. Ngày anh vào đảng bom đạn ngút trời. Trong một căn hầm ở thành cổ Quảng Trị, đồng chí bí thư chi bộ sau khi trao quyết định cho anh đã lao ra vị trí chiến đấu rồi hy sinh anh dũng. Còn hôm anh bị khai trừ trời quê hương trong xanh, nắng đẹp. Ông bí thư cấp ủy sau khi đọc quyết định khai trừ anh liền ra ngay sân quần vợt làm mấy hiệp rồi ngồi uống bia vui vẻ. Chiến tranh và hòa bình quả là xa khác quá.
Sau hai năm tù, anh Bính trở về quê. Anh đi dọc theo con mương nước vào làng. Có nhiều người gặp anh. Người thì chào, kẻ quay mặt đi. Cô con gái lấy chồng xa về thăm anh lén chùi nước mắt khi nhìn bố run run cầm đũa gắp mãi mới được miếng thịt gà. Cô con dâu thì lần đầu được xới cho bố chồng một bát cơm. Cuộc đời chớ trêu là thế...
*
Tôi ở chơi nhà anh Bính đến gần trưa mới về. Anh Bính giữ mãi nhưng tôi không thể ở lại ăn cơm cùng anh một bữa. Đành hẹn anh dịp khác vậy. Anh Bính tiễn chân tôi ra tận đầu con dốc. Nhìn cái chân còn hơi tập tễnh của anh tôi hỏi:
- Vết thương chiến tranh của anh thế nào rồi?
- Khỏi hẳn rồi! Hồi còn trong tù tao được một ông bạn tù bày cho một bài thuốc hay để điều trị nên khỏi đau nhức mỗi khi trái gió trở trời...
Anh Bính cười. Nhìn nét mặt của anh tôi biết anh nói thật. Nhưng tôi cũng hiểu là anh chưa nói hết. Vết thương trong chiến tranh của anh đã lành, nhưng vết thương trong hòa bình thì vĩnh viễn không bao giờ liền sẹo, không bao giờ hết sự đau đớn...
(hết) Hà Nội, tháng 7-2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét