Thứ Năm, 27 tháng 9, 2018

Truyện ngắn BẠN TÙ (phần cuối)

BẠN TÙ (phần cuối)
Truyện ngắn của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: 1 người

Tôi về đến trang trại của anh Bính thì đã gần trưa. Khu trang trại của anh Bính xanh tươi. Sau bao năm khai phá, trồng trọt mỏm đồi trồng cây ăn quả đã bắt đầu cho thu hoạch. Mùa vải đầu tiên phơi màu quả chín sáng cả một vùng thung sâu cằn cỗi hẻo lánh. Tôi đi tắt qua bờ một con mương vào nhà anh. Anh Bính đi vắng. Trong khoảnh vườn nhỏ gần cổng vào có một thằng thanh niên đang quần dùi áo lót hùng hục cuốc đất đào hố trồng cây. Nghe tiếng con cún sủa, thằng thanh niên ngẩng lên hỏi:
- Chú cần tìm ai ạ?
- Tìm anh Bính... Ông ấy có ở nhà không?
Tôi đáp và hỏi thêm. Thằng thanh niên giơ tay lau mồ hôi trên trán rồi đáp:
- Bố cháu vừa mới vào làng có việc, chắc sắp về rồi!
Tôi trố mắt nhìn thằng thanh niên. Nó không phải là thằng Thuần con anh Bính. Thằng Thuần thì tôi còn lạ gì. Tại sao thằng này lại gọi anh Bính là bố? Tôi hỏi lại nó:
- Mày là thằng nào nhỉ! Tại sao lại nói là con ông Bính?
- Cháu là con bố Bính thật mà! Vậy chú là ai thế?
Tôi trừng mắt:
- Láo... ông Bính chỉ có mỗi thằng Thuần là con trai. Mày định lừa tao hả. Tao là dân chính gốc ở làng ở này đấy. Đừng có mà chí trá...
Thằng thanh niên cười hề hề. Nó đang định nói thêm điều gì nữa thì anh Bính về. Đi cùng với anh Bính còn có một người đàn ông đứng tuổi khác. Anh Bính vui vẻ:
- Hai chú cháu đã kịp làm quen với nhau rồi à?
Tôi hỏi anh ngay:
- Thằng này là thằng nào mà nó dám xưng là con của anh thế?
Anh Bính cười vẻ bí hiểm:
- Thì... nó chính là con của tao mà... Thôi hai chú cháu vào nhà cả đi. Trưa rồi phải chén cái đã...
Chợt nhớ ra anh chỉ người đàn ông đi cùng giới thiệu:
- Đây là lão Nhẫn, thầy thuốc mà tao đã kể cho mày nghe rồi đấy. Tôi khẽ "ồ" một tiếng trong lòng mà chỉ có mình mới nghe được rồi giơ tay ra. Lão Nhẫn nắm chặt tay tôi. Ánh mắt lão nhìn tôi chăm chú và có đôi chút ranh ma. Lão này quả là tay chẳng vừa, tôi thầm nhận xét. Lão Nhẫn mặt bộ đồ màu chàm, vai đeo một cái túi thổ cẩm. Trông lão có vẻ rất hoạt bát nhanh nhẹn. Vào đến trong nhà, anh Bính mới giới thiệu tiếp:
- Còn thằng này chính là "thằng tù oắt con" cùng ở trong trại giam với tao ngày trước đấy...
Tôi thêm một sự ngạc nhiên nữa. Tôi hỏi anh:
- Nhưng sao nó lại gọi anh là bố?
- Thì... ngay từ khi còn trong tù nó nhận tao là bố nuôi mà lại...
- À ra thế...
- Bây giờ nó là công nhân của một công ty tư nhân ở mãi trên thành phố, hôm nay nó về thăm tao...
Tôi đã hiểu. Nhưng tôi cũng chưa hiểu tại sao thằng này còn trẻ thế mà đã trải qua tù tội, không rõ vì tội gì. Như đoán được suy nghĩ của tôi anh Bính khoát tay bảo:
- Từ từ rồi tao kể cho nghe về mọi chuyện trong tù. Thằng Nguyên bưng mâm lên đi!
Thì ra thằng này tên là Nguyên. Nó bưng cái mâm đậy lồng bàn từ trong gian bếp ra. Một mâm cỗ đầy ú. Anh Bính bảo là thịt lợn rừng xchinhs cống nhưng nuôi thả ở trên đồi. Bốn chúng tôi cùng ngồi vào mâm. Lão Nhẫn lúc này mới lên tiếng:
- Nào... mời anh một ly. Thật vinh hạnh được chạm cốc cùng nhà báo!
Hóa ra anh Bính đã nói trước với lão Nhẫn tôi là nhà báo. Điều này thật dở quá. Vì khi biết tôi là nhà báo lão sẽ thận trọng khi trò chuyện. Đúng vậy, suốt bữa lão chỉ toàn nói những chuyện dông dài, về hoa lá, cây thuốc, thật khó có thể khai thác được gì hơn. Những người như lão phải thật thân tình thì mới mở lòng, không phải ai cũng có thể tâm sự nếu tình cảm của họ không tâm giao.
Anh Bính cũng kể sơ qua cho tôi biết về thằng Nguyên. Thằng này đã học hết phổ thông, vốn là một học sinh giỏi, ngoan ngoãn. Việc nó trở nên sừng sẹo chính là từ biến cố của gia đình. Bố nó bị bắt oan trong một vụ án đâm ra quẫn trí treo cổ tự tử. Mẹ nó bỏ đi. Nó trở thành một kẻ bơ vơ vất vưởng. Từ chuyện hận đời gia đình ấy đẩy nó trở thành một tên bụi đời chuyên đánh nhau và ăn cắp. Phương châm của nó là "ăn trộm của người giàu, giúp đỡ người nghèo". Đấy là nó học được từ sách vở. Nhưng bây giờ đâu phải là thế kỷ 19. Làm gì còn có những kẻ giang hồ trượng nghĩa, anh hùng hảo hán võ nghệ sơn lâm nữa. Nó bị bắt chính từ một cái áo hàng hiệu lấy trộm trong lần đột nhập vào nhà một ông cán bộ to. Cái áo ấy nó đem cho một thằng bé nghèo ở tận xóm núi xa. Thằng bé mặc áo đi học. Không ngờ thằng bé ấy ngồi cạnh thằng con ông cán bộ kia. Thằng con ông cán bộ nhận ra ngay cái áo của mình liền về nói lại với bố. Ông bố lập tức lệnh cho công an vào cuộc điều tra. Thế là thủ phạm vụ đột nhập vào khu biệt thự bị phát hiện. Công an thu lại được tiền vàng và cả cái áo nó đã tặng thằng bé nghèo nơi xóm núi. Trong tù nó gặp anh Bính. Từ sự hỗn láo lúc đầu dần dần nó thấy cảm phục anh Bính bởi anh luôn chú ý chăm lo cho nó những lúc nó ốm đau trong tù. Anh khuyên bảo nó những điều hướng thiện. Khi được tha tù nó được anh Bính xin cho vào làm việc tại một công ty của người bạn cựu chiến binh trên thành phố. Nó nhận anh Bính là bố nuôi, ngày nghỉ thỉnh thoảng đáo về thăm anh.
Câu chuyện về những người bạn trong tù của anh Bính đại loại là thế. Lão Nhẫn kiên quyết không hé răng kể một chuyện gì về cuộc đời mình. Lúc chia tay với chúng tôi ngược lên vùng rừng núi Tuyên Quang lão chỉ dặn tôi:
- Mời anh khi nào rảnh lên thăm nhà tôi. Tôi sẽ tặng anh một giò phong lan rừng thật đẹp!
Thằng Nguyên cũng xin phép lên thành phố để ngày mai đi làm ca sáng. Chỉ còn tôi với anh Bính ngồi lại trong căn nhà nhỏ giữa khu đồi vắng. Tôi giúp anh Bính dọn dẹp nhà cửa. Anh Bính bảo:
- Cứ để đấy! Lên đây ngồi uống nước đã. Chè pha mới đây.
Anh Bính đưa tôi chén chè mới hương thơm hơi ngai ngái. Tôi vừa nhấm nháp vị chè đồi mới sao vừa trông ra phía dãy núi xã xa trước nhà. Mây mù đang dâng dâng tràn đến. Một cơn mưa rào sắp ập xuống. Anh Bính trầm ngâm nhìn ra phía núi xa chợt bảo tôi:
- Tự dưng tao nhớ những ngày ở mặt trận Cao Bằng năm ấy quá...
Nghe anh nói tự dưng tôi cũng thấy nao nao trong lòng. Mới đấy mà đã hơn ba mươi năm qua rồi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Những người lính chiến năm nào cùng nhau sinh tử nơi chiến địa bây giờ mỗi người mỗi ngả, mỗi số phận đường đời khác nhau. Không biết còn có ai khổ ải gian lao như anh Bính không?
(hết) Hà Nội, tháng 8-2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét