Hạ màn
Truyện ngắn của Trọng Bảo
Cục trưởng Lũy ngồi trầm ngâm bên tách cà phê nguội ngắt. Ngày mai thôi lão sẽ mãn hạn công tác nhận quyết định về hưu. Cái ghế cục trưởng cục Quảng bá nghệ thuật này sẽ được một thằng mặt còn non choẹt tiếp nhận. Cục trưởng Lũy thấy buồn và nuối tiếc. Thế là lão chấm dứt cuộc đời làm nghệ thuật. Thực ra lão không tiếc gì cái sự nghiệp nghệ thuật xướng ca vô loài ấy. Mà lão tiếc là kể từ nay mất nguồn thu hoạch béo bở, mất những cái vuốt ve êm dịu của đám diễn viên trẻ đẹp xúm xít nịnh bợ mong lên lương, lên chức. Thì ra cuộc đời cuối cùng cũng đến lúc hạ màn, kết thúc như một vở diễn trên sân khấu.
Lão Lũy bước vào hoạt động trong ngành nghệ thuật bắt đầu từ một nhân viên chuyên kéo phông màn cho một đoàn chèo tỉnh lẻ. Ngày ấy lão còn rất trẻ. Lão học hết lớp 10 thì về nhà làm ruộng. Một hôm, đoàn chèo của tỉnh về xã biểu diễn. Lão ở trong đám thanh niên được cử đến giúp đoàn dựng sân khấu. Ông trưởng đoàn chèo thấy lão mạnh khỏe, kẻng trai bèn hỏi:
- Cậu có muốn vào làm diễn viên của đoàn không?
- Nhưng… em không biết hát chèo?
- Thì… có nhiều công việc không cần phải hát hò gì cả!
- Vậy thì thủ trưởng cho em đi làm văn công với!
Thế là lão Lũy trở thành thành viên của đoàn chèo tỉnh. Công việc chuyên môn của lão là đảm nhiệm việc kéo màn, hạ màn khi đoàn biểu diễn. Một việc tưởng là đơn giản hóa ra không đơn giản chút nào. Việc kéo màn lên, hạ màn xuống phải thật đúng lúc. Khi người giới thiệu chương trình nói: “Sau đây buổi biểu diễn bắt đầu!” thì hai cánh màn nhung phải được từ từ kéo lên. Và khi trống chèo dứt vở màn phải hạ xuống che kín sâu khấu để cho các diễn viên rút lui vào hậu trường. Giữa các màn diễn cũng đều phải kéo màn, hạ màn như vậy. Việc kéo hạ màn còn phải có sự phối hợp ăn khớp giữa hai nhân viên hai bên cánh gà. Ngày xưa không có hệ thống mô-tơ tự động kéo, khép màn như bây giờ. Việc kéo hạ màn khi biểu diễn đều dùng bằng tay và sức người. Ròng rọc kéo màn cũng rất kém. Nhiều hôm người giới thiệu vở xong chán chê mà màn vẫn chưa được kéo lên vì ròng rọc bị kẹt. Có buổi vở diễn kết thúc màn vẫn không làm sao hạ xuống được. Những lúc ấy hai nhân viên phụ trách phông màn phải bỏ cả dây kéo lao ra sân khấu dùng tay lôi kéo mở, khép màn. Lão Lũy không bao giờ quên những buổi diễn ngoài trời gặp mưa hai tấm màn nhung ngấm nước nặng chình chịch co kéo bỏng rát cả tay cũng không nhúc nhích. Lắm bận đám quan quân trên sân khấu nhốn nháo vì màn không hạ xuống che khuất nên không rút lui được theo đúng như trong kịch bản…
Tuy vậy, việc được làm việc ở đoàn chèo cũng khiến lão mở mày, mở mặt. Đứng bên cánh gà nhiều bận lão cũng được bổ túc mắt khi các diễn viên nữ thay trang phục, nhất là những lúc đoàn đi biểu diễn dã ngoại ở cơ sở. Vú vê cô nào to bé lão đều tận thấy hết. Có đêm đang diễn mất điện có cô diễn viên sợ ma còn ôm choàng lấy lão. Mỗi khi về làng dân làng ai cũng lác mắt xun xoe chào lão như một diễn viên lớn. Nhiều người xúm quanh lão hỏi thăm khi nào đoàn về xã biểu diễn để xin vé…
Vào làm việc ở đoàn chèo của tỉnh chưa đầy một năm thì lão Lũy cưới vợ. Vợ lão là một diễn viên khá xinh đẹp của đoàn. Ông đoàn trưởng đoàn chèo tận tình mối lái, lại đứng ra chủ trì tổ chức đám cưới đời sống mới cho lão và cô diễn viên trẻ kia. Khi mọi việc tác thành lão mới biết cô diễn viên còn là con gái út của ông phó chủ tịch tỉnh phụ trách văn xã. Cưới chưa đầy bảy tháng thì vợ lão sinh con trai. Đầu tiên lão tưởng vợ đẻ non. Sau đó thì lão lại ngã ngửa ra một khi biết mình chính là một thằng đổ vỏ ốc cho tay phó đoàn trưởng đoàn chèo mới lên thay ông trưởng đoàn cũ vừa về nghỉ chế độ. Chuyện quan hệ giữa cô diễn viên trẻ và tay phó đoàn này cả đoàn đều biết mà lão lại không biết. Ông trưởng đoàn cũ lo sợ sắp đến lúc “hạ cánh” trong đoàn lại có chuyện quan hệ trai gái bất chính, mà lại liên quan đến cô con gái yêu của phó chủ tịch tỉnh thì sẽ bất lợi. Cho nên ông tìm mọi cách khắc phục sự cố. Phương án ghép cô con út ông phó chủ tịch tỉnh với anh chàng nhân viên chuyên kéo màn đẹp trai được đặt ra. May mà cô bé này cũng đồng ý vì cũng chả còn cách nào khác.
Thằng con do vợ lão đẻ ra càng lớn càng giống hệt tay trưởng đoàn mới. Lão Lũy căm lắm. Lão tìm cách báo thù. Nhưng báo thù mà vẫn bảo vệ được mình là phương châm hành động của lão. Lão bắt đầu triển khai phương án của mình. Đầu tiên là việc lão dẫn dụ đàn kiến lửa từ mặt đất kéo lên sân khấu bu quanh chiếc ngai vàng mà tay trưởng đoàn kiêm diễn viên chính vẫn ngồi mỗi khi hắn thủ vai nhà vua trong các vở chèo. Việc dẫn đàn kiến lửa từ mặt đất lên chả khó khăn gì. Khi dựng rạp lão chỉ việc bôi ít nước đường vào cái cột từ mặt đất rồi dẫn đến chỗ ngai vàng. Ngai vàng cũng được lão tẩm một ít nước đường. Để cho chắc chắn, lão dùng một mảnh lá chuối phết đậm nước đường gom sẵn một ít kiến lửa từ lúc chiều. Khi vở diễn sắp bắt đầu lão mới đem mảnh lá chuối đàn kiến lửa bu đặc đến chỗ cái ngai vàng. Buổi biểu diễn hôm đó tay đoàn trưởng bị một phen khốn nạn. Lũ kiến lửa đốt liên tục, hắn cứ như bị lên đồng khi ngồi trên chiếc ngai vàng quen thuộc. Sau bận ấy tay đoàn trưởng cáu lắm. Hắn quát nạt inh ỏi đám nhân viên chuyên đảm nhiệm việc dựng rạp để lũ kiến khốn kiếp bò lên chiếm lĩnh cả ngai vàng của nhà vua. Một lần khác lúc chuẩn bị diễn, lão lẻn vào nơi để phục trang rút lưỡi dao cao râu cắt gần đứt dây chun chiếc quần thụng của nhà vua. Tay đoàn trưởng mặc mặc quần thụng, khoác long bào vào lên sân khấu. Giữa lúc cao trào, nhà vua đứng dậy hùng hồn truyền chỉ thì dây chun đứt phựt. Cái quần tụt xuống quá đầu gối. Nhà vua hốt hoảng ngồi thụp xuống ngai vàng. Miệng vua ấp úng chả rõ là lệnh hoà hay đánh nữa. Rồi một tay túm cạp quần, một tay cầm phương trượng nhà vua lao vào bên trong cánh gà ngã dúi dụi khiến khán giả một phen cười vỡ bụng vì tưởng đang được xem hài kịch. Sau bận ấy tay đoàn trưởng đỡ tranh giành với các diễn viên trong đoàn việc đóng vai vua quan ậm oẹ trên sân khấu hàng đêm nữa.
Song tay trưởng đoàn chỉ bị hạ gục hẳn khi đưa một cô diễn viên trẻ đang tập sự vào nhà nghỉ bị lão theo dõi phát hiện. Lão lập tức điện thông báo cho vợ hắn ta. Mụ vợ hắn tức tốc thuê xe đến tận nơi đánh ghen tưng bừng, náo loạn cả cái thị trấn nhỏ nơi đoàn đang lưu diễn.
(còn nữa) Hà Nội, cuối 2012
*Mời xem các sáng tác của Trọng Bảo theo đường link: http://lienson.vnweblogs.com/ hoặc truy cập mục: Truyện ngắn
Cười vỡ bụng mất...
Trả lờiXóaCảm ơn pnphuocbeo đã ghé thăm và đọc truyện ngắn!
Trả lờiXóaHay quá
Trả lờiXóa