Hạ màn
Truyện ngắn của Trọng Bảo
Lần lần từng bước, lão Lũy cũng ngoi lên đến chức cục trưởng cục Quảng bá nghệ thuật của bộ. Khi đã có đầy đủ quyền hành lão càng sướng hơn. Bà vợ diễn viên chuyên đóng vai phụ vẫn ở đoàn chèo của tỉnh. Bây giờ thì bà ấy là đoàn phó biểu diễn của đoàn chèo. Nhưng uy tín và quyền lực của bà không bằng khi còn là một diễn viên chuyên đóng vai phụ. Bởi lẽ ông bố phó chủ tịch tỉnh đã nghỉ hưu.
Lên trung ương, lão Lũy thoát khỏi cái bóng của ông bố vợ. Bây giờ lão là một nghệ sĩ có tiếng tăm, một nhà biên kịch tài năng. Lão đã tập hợp kịch bản các vở chèo, xoá tên anh chàng biên kịch đồng tác giả, chỉ để lại mỗi tên mình rồi đem in thành cuốn sách với tựa đề “Làn điệu chèo quê tôi”. Cuốn sách có tiếng vang lớn trong giới nghệ sĩ.
Anh chàng biên kịch - tác giả của các vở chèo mà lão Lũy lấy in trong cuốn sách "Làn điệu chèo quê tôi" - bị tai nạn xe máy bị chấn thương sọ não rất nặng suýt chết. Bây giờ thì anh ta trở nên ngu ngơ, suốt ngày vẩn vơ ngâm thơ, hát chèo, chả còn nhớ chuyện gì ra chuyện gì nên cũng chẳng biết đấy là đâu mà kiện lão Lũy đạo văn, vi phạm bản quyền tác giả. Thế là với tác phẩm “Làn điệu chèo quê tôi” lão Lũy được kết nạp vào hội nghệ thuật trung ương. Đời lão phơi phới mà lên. Đám diễn viên các đoàn nghệ thuật các tỉnh, thành vây quanh lão. Họ nhờ vả lão. Con trai thì cảm ơn lão bằng tiền, con gái thì bằng tình. Nhiều lúc tiền đưa cả sấp chả bằng cái liếc mắt đưa tình. Số lão hoá ra đào hoa. Ngày xưa ở đoàn chèo tỉnh lẻ lão chỉ mới thấy ao hồ, bây giờ thấy cả biển lớn mênh mông.
Cục Quảng bá nghệ thuật của lão Lũy có nhiều người tài ba. Các trưởng phòng đều là những nhân tài, những người có kinh nghiệm, có công lao đóng góp đối với nền nghệ thuật nước nhà, nhiều người là nghệ sĩ ưu tú… Việc một lão “trọc phú” về làm cục trưởng khiến nhiều người bất mãn. Ở cấp bộ không thể chỉ dùng uy, dùng tiền, dùng chế độ đãi ngộ để tập trung ý chí, an lòng nhân viên như hồi lão còn là đoàn trưởng đoàn chèo tỉnh lẻ. Mà dùng uy tín nghề nghiệp để khống chế cấp dưới thì lão lại không có. Tuy lão cũng có được cái bằng cử nhân tại chức ngành văn hóa văn nghệ và đang tại chức thạc sĩ nhưng đều là mánh khoé “tiền học thay người” mà thôi. Ai chả biết. Vì thế lão Luỹ nghĩ là phải có một phương sách khác. Phương sách mới của lão là loại trừ dần dần những người giỏi hơn mình, tập hợp những kẻ ngu hơn mình để dễ bề quản lý, lãnh đạo. Với danh nghĩa gìn giữ truyền thống nghệ thuật cố truyền của dân tộc, lão Lũy đề nghị cho thành lập các bộ phận chuyên ngành nghiên cứu về chèo cổ, tuồng cổ, cải lương, dân ca, dân vũ, hội họa… tập trung các nhân tài của cục Quảng bá nghệ thuật lại. Thực ra đây đều là các tổ chức “ngồi chơi xơi nước” vì các bộ phận nghiên cứu này chẳng có kinh phí đầu tư hoạt động. Một số người tâm huyết, các trưởng phòng ban được điều động về bộ phận này chả có việc gì làm ngoài việc đánh cờ, tán gẫu hoặc chơi games trên máy vi tính. Có người chán nản xin đi nơi khác, có người xin nghỉ hưu non… Thế là dần dần lão Lũy loại trừ được các nhân tài, những người giỏi hơn mình, hay tranh cãi lại thủ trưởng ra khỏi cục một cách vô cùng êm thấm. Cục Quảng bá nghệ thuật bây giờ toàn người thân tín, lão hô tiến là tiến, lão bảo lui là lui, nhất nhất chung một ý, một lòng với lãnh đạo. Cũng có lẽ vì thế mà lão Lũy bình yên cùng nền nghệ thuật bình yên khi xã hội luôn luôn đầy sự biến đổi.
Nhưng rồi lão Lũy cũng đi vào vết xe đổ của anh đoàn trưởng đoàn chèo tỉnh ngày nào. Đó cũng là lẽ thường xảy ra đối với con người ta khi sự nghiệp thành công, tiền tài đầy đủ. Cổ nhân thường bảo: “Anh hùng khó thoát ải mỹ nhân”. Anh hùng khí khái còn không thoát thì kẻ tiểu nhân, những người bình thường làm sao thoát được. Bà vợ “diễn viên chuyên đóng vai phụ” không làm ồn ào như những kẻ ghen tuông khác. Bà chỉ cho lão xem mấy tấm ảnh của ông và một cô diễn viên trẻ chụp ở những tư thế không hay ho gì lắm rồi bảo:
- Ông nên nhớ lại thân phận của mình từ chỗ nào mà ngoi lên… ông sẽ lại trở lại chỗ ấy đấy!
Thằng con cả của lão thì nói:
- Bố nên nhớ bố chỉ là “hình nhân thế mạng” thôi!
Lão nén chịu. Thực ra thì thằng con lão nó nói đúng. Nó đã biết phần nào về nhân thân của mình qua lời đồn đại về bố mẹ mình thời trẻ. Nghĩ đến chuyện “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ” dạo trước lão lại thấy cay đắng. Lão lầm lũi xách cặp ra xe về Hà Nội. Bấy lâu nay lão ít về quê. Lão bảo có nhiều việc bận ở Hà Nội. Thực ra ngày nghỉ lão thường đi du hí với mấy em trẻ đẹp đang mon men bước vào ngành nghệ thuật. Bà vợ lão biết tỏng mọi sự. Bà là một diễn viên chuyên đóng vai phụ nhưng có những việc lại biết chủ động đạo diễn tình thế. Ông bố bà nghỉ hưu nhưng còn bạn của ông bố, bạn của bạn ông bố bà. Những mối quan hệ lằng nhằng kéo đổ được tất cả khi cần. Bà tuyên bố sống ly thân. Lão Lũy cũng hiểu khi một vở diễn kết thúc ắt sẽ phải hạ màn.
Lão Lũy vừa ra đến cổng nhà thì chiếc xe riêng cũng vừa chà đến. Lái xe là một người tin cậy và luôn luôn đúng giờ. Lão Lũy mở cửa xe định chui vào thì chợt nghe tiếng chào rất to sát ngay sau gáy:
- Chào bác…
Lão Lũy giật mình ngoảnh lại. Đứng ngay cạnh cái gốc cây sấu già sù sì là một anh chàng quần áo xộc xệch. Cúc áo trên cài nhầm khuy dưới. Đầu anh ta nghiêng nghiêng. Một cái sẹo dài to bóng loáng như xẻ ngang đầu, tóc không mọc được. Tuy vậy, lão Lũy trông anh ta thấy có vẻ quen quen. Anh ta thì cứ nhìn lão chân chân như vừa phát hiện ra điều gì đó lạ lẫm. Đoạn, anh ta nhắc lời chào và hỏi:
- Chào bác Lý… bác không nhận ra em à?
- Cậu là… - Lão Lũy reo lên: - À…à nhận… nhận… ra rồi! Cậu chính là Thạch, biên kịch ở đoàn chèo tỉnh!
- Đúng rồi… bác đã nhận ra em rồi! Ngày xưa bác là đoàn trưởng đoàn chèo tỉnh ta, bây giờ bác lên trung ương làm lãnh đạo, lãnh đạo cao… cao… cấp… cao… cao… cho nên em xin được… chào… chào bác Lý… Lý…
- Cậu nhớ lại được thế là rất tốt! Nhưng mình tên là Lũy, không phải là Lý… Cậu đã khỏi hẳn rồi à?
- Vâng! Thưa bác Lý… em đã khỏi… lại không khỏi… rồi lại khỏi… rồi lại không khỏi.... nhưng... nhưng mà em vẫn nhận ra bác là Lý chứ không phải là Lũy… ha... ha... ha... Đây này… này… bác xem... xem... đây này...
Anh ta lôi từ trong ngực áo ra một cuốn sách ném tung hê lên trời. Rồi vừa quay đi anh ta vừa gào lên:
- Bác chính là Lý… là Lý… là Lý… Thông… L…ý… Th… ô… n… g… ô...ô… ô… n… g…!
Lão Lũy giật mình khi nhìn cuốn sách đang nằm dưới cái rãnh nước thải bẩn thỉu. Đó chính là tác phẩm “Làn điệu chèo quê tôi” của lão. Lão luống cuống trông theo anh chàng biên kịch. Anh ta vừa chệch choạng bước thấp bước cao vừa lè nhè lẩy một làn điệu chèo:
“Lý Thông ơi hỡi Lý Thông
Sao mày lại nỡ cướp công của người?
Mày thành con bọ hung hôi
Quanh năm đào lỗ, suốt đời ăn phân…
Hi… hì hi... í… hị... hì… hi… hi… ".
Lão Lũy cuống quýt chui vội vào xe. Đầu lão va vào cửa xe đau điếng. Anh lái xe hỏi:
- Một thằng điên hả bác?
- Thằng điên… một thằng điên…
Chiếc xe quay đầu lướt đi. Lão Lũy thoáng nhìn thấy trên vỉa hè thằng biên kịch đoàn chèo đang dang tay xoay vòng một điệu múa mà các diễn viên chèo thường múa mỗi khi mở màn một vở diễn.
(hết) Hà Nội, cuối 2012
*Mời xem các sáng tác của Trọng Bảo theo đường link: http://lienson.vnweblogs.com/ hoặc truy cập mục: Truyện ngắn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét