Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Truyện ngắn GÃ HOẠN LỢN (phần 1)

             

           Gã hoạn lợn
             Truyện ngắn của Trọng Bảo
          
         Buổi trưa mùa hè vùng trung du dường như nóng hơn. Cái nóng hầm hập đổ xuống mặt đường sỏi bốc lên táp vào mặt người. Những con đường ven đồi giữa trưa thường ít người qua lại. Thỉnh thoảng mới có những người đi hàn nồi, đổi muối lấy phế, mua lông gà lông vịt, bán kem que đạp xe lọc cọc vào từng ngõ xóm. Họ phải đi giữa ban trưa vì lúc đó các gia đình mới có người ở nhà. Những tiếng rao “Ai bán đổi, hàn nồi không!”, “Ai bán lông gà lông vịt, đổi dép nhựa hỏng không!”, “Ai đổi muối, mua chiếu không!”… nghe như bị hụt hơi vì mệt và nóng. Mấy bà lễ mễ xách lỉnh kỉnh những thứ đồ nhựa hỏng, lông gà, tóc rối ra ngõ đón. Một đứa trẻ con ôm cái lưỡi cày gãy chờ đổi kẹo mạ, kem que. Tiếng mặc cả vài trăm, vài nghìn lao xao buổi trưa ở cái xóm vắng ven đồi cọ già.
          Có một người đàn ông đạp chiếc xe tồng tộc vào làng. Ông ta không có đôi sọt thồ hàng hóa mà chỉ có một cái thòng lọng buộc dọc theo khung xe và một cái túi dếp nhỏ đeo bên hông. “Chắc lại là một gã đi mua chó về làm phở!” - Có một bác đoán già, đoán non.
          Khi vào đến đầu xóm ông ta cất tiếng rao:
          - Hoạn lợn ơ… hoạn lợn ơ…
          Thì ra đó là một gã hoạn lợn. Một anh nhao ra đầu ngõ gọi to:
          - Vào nhà tôi… nhà tôi cần hoạn con lợn nái để vỗ béo bán cho cửa hàng thực phẩm…
          - Nhà tôi cần hoạn hai con lợn con... - Một bà khác lên tiếng.
          Thêm mấy người nữa nhao nhao gọi gã hoạn lợn. Gã ngoặt ngay xe vào ngõ. Vào đến đầu ngõ có bụi tre râm mát, gã ta trật ngay cái mũ lá rách ra sau lưng. Một ông đang cầm cái quạt lá cọ phe phẩy nhìn theo gã chợt thốt lên :
          - Ơ... tôi trông gã này hơi quen quen...
          Ông nông dân chưa kịp nhớ ra gã này là ai thì đã thấy tiếng lợn kêu eng éc thảm thiết trong một ngôi nhà bên lối đi. Gã thao tác rất nhanh. Chú lợn con được buộc túm hai chân sau treo lên cành cây bưởi thấp. Gã mở túi lấy con dao “chuyên ngành” ra. Chỉ với một động tác rất nhanh gọn gã rạch một đường ở cuối bụng con lợn lấy ra hai hòn cà vứt vào bát nước lã rồi khâu vết mổ lại. Đoạn lão bảo anh chủ nhà lấy cái chảo ra cạo một ít nhọ than xoa xoa vào vết thương con lợn để khử trùng. Con lợn nái to thì cần có người giúp sức trói lại rồi đặt nằm trên tấm ván nghiêng để gã xử lý lấy ra hai buồng trứng. Khi gã đang tiến hành “phẫu thuật” thì có ai đó bảo:
          - Cô Hoan ở cuối xóm có hai con lợn đực giò đang rất cần thiến ngay để vỗ béo đấy!
          - Vâng... vâng...
          Gã ậm ừ trong cổ họng. Có ai đó cười khi khí phía sau: “Không biết cô ấy có cần như thế này không nhỉ….”. Gã chẳng hiểu và không để ý câu nói ấy. Thiến xong hai con lợn con và một con lợn nái sổi gã rửa tay nhận tiền công. Uống bát nước chè xanh gia chủ mời, cài chiếc thòng lọng vào xe đạp rồi gã  phóng ra khỏi ngõ.
          Đạp xe lên một con dốc thoai thoải gã vào đúng ngõ nhà cô Hoan. Gã vừa cất tiếng: “Ai hoạn lợn ơ…” thì cô Hoan đã đứng chặn ngay trước mặt. Cô đang bẻ một quả dứa chín ở khuất sau mấy tàu lá cọ sát lối cổng vào. Gã hơi giật mình khi cô Hoan bước ra bất ngờ. Chiếc xe đạp đang lên dốc phanh kít dừng lại đột ngột loạng choạng. Cô Hoan tay xách hai quả dứa chín thơm phưng phức bảo gã:
          - Mời bác vào, nhà em có hai con cần thiến gấp…
          - Ấy… - Gã vội chữa lại: - Tôi chỉ chuyên thiến lợn thôi…
          Cô Hoan bật cười khanh khách:
          - Thì biết bác chuyên hoạn lợn nên em mới nói tắt thế, chứ ai lại…
          Cô Hoan đong đưa đôi mắt liếc nhìn gã nói rồi tong tả bước đi trước. Gã dắt chiếc xe đạp theo sau. Mắt gã tự do nhìn như hút vào tấm lưng tròn và mịn của cô Hoan. Chiếc áo lót mỏng thấm mồ hôi làm nổi rất rõ cả bộ đồ lót cô mặc bên trong. “Cô này đang mang cái xu-chiêng màu đen” - Gã thầm nghĩ và khe khẽ nuốt nước bọt ực một cái.
          Vào đến sân, cô Hoan bảo:
          - Để em múc chậu cám cho hai con lợn ăn bác dễ bắt…
          - Thế cũng được!
          Cô Hoan vào bếp. Gã dựng xe rút chiếc thòng lọng và mang đồ nghề ra cái chuồng lợn ở phía góc sân. Trong khi chờ cô Hoan, gã tranh thủ quan sát. Ngôi nhà của cô Hoan ở cuối xóm nên vắng vẻ. Hình như chỉ có một mình cô ở nhà. Lúc nãy thiến mấy con lợn ở đầu xóm gã nghe loáng thoáng mấy người nói cô Hoan này góa chồng, có một cậu con trai ở với ông bà nội và đang học cấp hai trên thành phố.
          Cô Hoan bưng chậu cám lợn ra. Hai con lợn đang đứng rúm dó ở góc chuồng vì nhìn thấy người lạ là gã. Ngửi thấy mùi cám chúng liền ụt ịt xô ra phía cửa chuồng. Cô Hoan xúc cám lợn đổ vào cái máng. Hai con lợn vội xô ngay đến. Gã thò chiếc thòng lọng vào chuồng lợn lựa chân hai con lợn. Nhưng tay gã chợt run bắn lên. Tim gã đập loạn. Cô Hoan đang đứng sát bên cạnh gã. Khi cô cúi xuống múc cám lợn đổ vào máng cái cổ áo rộng chùng xuống trông rõ gần hết cả hai vầng ngực to căng tròn mịn màng đang đung đưa theo hoạt động của cánh tay của cô. Gã khua khua cái thòng lọng lựa chân sau con lợn. Mu bàn tay trái của gã chợt chạm vào một bên ngực của cô Hoan. Cô Hoan hơi giật mình khẽ thu người lại. Chiếc thòng lọng vướng vào chân sau một con lợn. Con lợn hoảng hốt bỏ máng kéo cái thòng lọng chạy vút vào góc chuồng phía trong làm bàn tay phải của gã trườn ngang cọ sát mạnh vào ngực cô Hoan. Cô Hoan vội đứng thẳng người lên nhìn hắn. Hắn luống cuống. Cả hai đều đỏ mặt lúng túng. Nhưng vốn là một người từng trải, gã làm chủ được tình hình ngay tức thì. Gã nhìn chằm chằm vào bộ ngực nở nang của cô Hoan. Cô Hoan vội ấp hai bàn tay lên ngực để giảm bớt độ căng và sự lộ liễu của mình đi chút ít. Gã buông cái thòng lọng còn đang vướng vào chân con lợn rồi đặt bàn tay mình chồng lên bàn tay úp trên ngực của cô Hoan xoa nhẹ một cái. Cô Hoan hơi lùi lại nhớn nhác ngó ra ngoài cổng…
          Sau hôm thiến không công hai con lợn cho nhà cô Hoan gã thợ hoạn rất hay đến tiếp thị việc hoạn lợn tại cái xóm Trại miền đồi trung du này. Có lần chẳng thấy gã đem theo thòng lọng và đồ nghề, cũng không rao chào gì mà cắm cúi đạp xe về phía cuối xóm. Có hôm gã còn đi tắt từ phía xóm Bứa sang mà không qua xóm Trại để tránh trạm mặt người dân xóm Trại. Còn cô Hoan kể từ hôm hoạn hai con lợn tự dưng lại phây phây ra. Đặc biệt sau khi bán hai con lợn đực thiến tăng trọng rất nhanh ấy thì chuồng lợn của cô được mở rộng, nuôi thêm cả chục con lợn. Con nào con nấy đều hay ăn và lớn rất nhanh, chỉ độ vài tháng là đã có một lứa lợn xuất chuồng. Dần dà khi nông nghiệp chuyển sang cơ chế mới cô Hoan bỏ vốn đầu tư xây hẳn một dãy nhà làm khu chăn nuôi ở ven khu đồi cọ, thuê thêm hai cả người làm công chuyên lo cám bã cho lợn, vệ sinh chuồng trại nữa. Khi nhà cô Hoan hình thành một khu chăn nuôi mang tính công nghiệp dân làng vẫn thỉnh thoảng thấy gã hoạn lợn ở trong khu trang trại. Dân xóm Trại kháo nhau: “Hình như cô Hoan làm ăn, chăn nuôi thành công là nhờ gã hoạn lợn đã truyền cho bí quyết gì đó nên nuôi lợn mới nhanh lớn như thổi”. Ông Đông, là người ở đầu xóm mấy năm trước nghĩ gã là người quen quen chợt đập cái quạt lá cọ phạch một cái xuống chõng đang ngồi kêu lên:
          - A… a… tôi đã nhớ ra gã hoạn lợn này là ai rồi...
 *
          Đúng, gã hoạn lợn này không phải là một người quá xa lạ đối với dân vùng trung du này. Có điều là mọi người ít để ý nên không nhớ ra thôi.
          Ngày ấy còn chế độ sản xuất tập trung hợp tác xã nông nghiệp. Ruộng đất đều do hợp tác xã quản lý. Ngày ngày theo tiếng kẻng bà con vác cày cuốc, đưa trâu bò ra đồng cày cấy. Khí thế lao động thì hăng hái, phấn khởi, trống giong, cờ mở nhưng năng xuất lúa và hoa màu thì rất kém. Lúa cấy trổ bông mà chó chạy hở lưng. Mùa gặt sân kho chỉ thấy rơm, không thấy thóc. Hợp tác xã phát động thi đua lao động sản xuất giỏi để nâng cao đời sống cho xã viên. Thanh niên được chọn là lực lượng đi đầu xung kích. Phong trào phổ cập khoa học kỹ thuật được phát động trong các đội sản xuất. Bà con đội sản xuất xóm Trại rất tò mò khi thấy đám thanh niên say mê trao đổi học tập kiến thức khoa học và  chăm lo cày cấy, gieo trồng trên những thửa ruộng cao sản, lập trại chăn nuôi mang tên đoàn viên thanh niên. Cấp trên cử nhiều cán bộ về giúp đỡ hợp tác xã nông nghiệp. Trong số cán bộ trên cử về đội sản xuất xóm Trại có một anh kỹ sư trẻ. Anh này công tác ở phòng nông nghiệp huyện. Anh ngày đêm lăn lộn gắn bó với phong trào thanh niên xung kích trên mặt trận nông nghiệp của xã và của đội sản xuất xóm Trại. Thanh niên đội sản xuất xóm Trại đã tạo nên những thửa ruộng lúa có năng xuất cao, trại chăn nuôi có đàn lợn lớn nhanh, cho lượng thịt tăng hơn hẳn trước kia. Thế nhưng thành công của nhóm thanh niên xóm Trại chẳng có ý nghĩa gì khi cả một cơ chế quản lý sản xuất đã trì trệ lỗi thời. Hợp tác xã ngày càng đi xuống, thu nhập ngày công lao động ngày càng thấp, đời sống của nông dân ngày càng khốn khổ.
          Khi nông nghiệp chuyển sang cơ chế khoán 100 rồi khoán 10 thì bộ mặt nông thôn mới đổi mới, đời sống của người nông dân mới khấm khá dần lên. Anh kỹ sư nông nghiệp ấy thỉnh thoảng vẫn về xã hướng dẫn, giúp bà con sản xuất. Khi ruộng đất đã về tay nông dân thì năng xuất tăng cao hơn gấp bội. Người nông dân tự lo làm đất, phân giống, thuốc trừ sâu, tự tìm hiểu khoa học kỹ thuật để nâng cao năng xuất lao động. Và cũng kể từ đó ít thấy cán bộ cấp trên về lội ruộng, thăm đồng chỉ đạo nông dân như trước nữa. Bẵng đi một thời gian dài dân xóm Trại cũng không còn gặp anh kỹ sư nông nghiệp huyện trẻ trung, đẹp trai và năng nổ ấy nữa. Không ngờ sau hơn chục năm người kỹ sư ấy lại chính là gã hoạn lợn. Có lẽ người đã nhận ra gã đầu tiên chính là cô Hoan. Cô Hoan đã nhận ngay ra gã khi gã vừa bước vào cổng nhà mình. Khi gã về giúp thanh niên đội sản xuất xóm Trại nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng xuất lao động thì cô Hoan chỉ là một đội viên đội thiếu niên tiền phong đang học lớp 6 trường làng. Tuy còn bé tý nhưng cô Hoan lại rất hay ra ruộng xem các anh chị đoàn viên thụ phấn cho ngô, chăng dây cấy lúa thẳng hàng. Cô Hoan ngày ấy đã rất thích anh kỹ sư trẻ, đẹp trai nhiệt tình với làng xóm quê hương mình. Vì thế cô nhớ gã chứ gã làm sao mà nhớ nổi cô bé thiếu niên ở cái xóm Trại heo hút ngày nào. Có lẽ cũng vì nhận ngay ra gã hoạn lợn là ai nên hôm đầu tiên gặp lại cô Hoan đã cố ý để cho gã trông thấy và chạm vào cặp tuyết lê vẫn còn rất tuyệt vời của mình khi cùng gã bắt lợn để thiến buổi trưa hè ấy.
          Cũng chính sau lần ấy, gã hoạn lợn đã giúp cô Hoan thiết kế, xây dựng một khu chăn nuôi khá khoa học và quy củ. Gã tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho cô. Cái bằng kỹ sư nông nghiệp ngành chăn nuôi của gã ngày ấy là thật hột. Kiến thức chuyên ngành chăn nuôi của gã là kiến thức thực sự nên đã giúp nhiều cho cô Hoan. Từ khi trợ giúp cô Hoan xây dựng được một khu trang trại chăn nuôi rất có hiệu quả cao gã hoạn lợn mới chợt hiểu rằng cái kiến thức mình học được trong trường đại học, kinh nghiệm tích lũy được trong cuộc đời hóa ra bây giờ mới thực sự phát huy được hết tác dụng. Ngày còn trẻ, tương lai sáng tươi phơi phới gã cứ nghĩ mình sẽ trọn cuộc đời mang tri thức góp phần cho xã hội. Có ngờ đâu gã chả đóng góp được bao nhiêu. Cái vốn tri thức học được ở trường đại học nông nghiệp ấy sau này chỉ giúp gã trở thành một tay hoạn lợn giỏi nổi tiếng trong vùng mà thôi. Chính nhờ cái nghề hoạn lợn rong trong dân gian ấy đã nuôi sống gã qua cơn bĩ cực, đã giúp cho gã gặp lại một cô gái đã si mê mình từ khi còn là một cô bé thiếu niên quàng khăn đỏ ở một cái xóm núi xa xôi...
          Tái bút: Viết đến đây thì thằng cháu nội vô cùng yêu quý đã ọ ẹ đòi ông đến chơi và “nói chuyện” với nó. Vì thế nên phần tiếp theo của câu chuyện vì sao từ một anh kỹ sư nông nghiệp trẻ tương lai rạng rỡ vô cùng lại trở thành một gã hoạn lợn rong nơi các xóm làng vùng trung du sỏi đá cằn cỗi này thì phải chờ đến hôm sau tôi mới viết tiếp được! (Trọng Bảo).
          (còn nữa)                                      Hà Nội, tháng 3-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét