Mọi người đã nhận hết thư rồi
Sao còn một lá thư để lại?
Nét chữ mềm của một người con gái
Địa chỉ ghi “Trường đại học y khoa”.
Tôi giật mình khi chợt nhận ra
Thư của người bạn thân học cùng một lớp
Và thấy trong tim mình lạnh buốt
Bạn đâu còn nữa để nhận thư!
Trận đánh hôm mùng một tháng ba,
Bọn bành trướng tấn công dữ dội
Anh bắn cháy chiếc xe tăng bầy sói
Rồi hy sinh giữa thửa ruộng ngô non…
Ôi phong thư mùi mực còn thơm
Từ thủ đô xa gửi lên biên giới,
Không người nhận, lá thư thành câu hỏi
Nhói trong lòng mỗi người lính chúng tôi…
Cao Bằng, tháng 3-1979
Trọng Bảo
Không biết có hư cấu hay là thực nhưng mà cái tứ thơ hay quá, đau quá. Đọc bài thơ rơi nước mắt. Chi tiết thư còn, người mất ám ảnh, xoáy vào óc, buốt ruột buốt gan. Chúc mừng bài thơ hay và chia sẻ cùng tác giả.
Trả lờiXóaGửi Xuân My: Bài thơ này viết cuối tháng 3-1979. Sau một tháng gián đoạn do chiến tranh, thư từ từ hậu phương mới lại được chuyển lên các đơn vị tham chiến ở biên giới. Ngày nào quân bưu cũng đem về một bó thư. Và ngày nào cũng có những lá thư "không còn người nhận" như thế. Những lá thư này có thư gửi từ trước ngày 17-2-1979. Hạ sĩ Nguyễn Công Tâm trước chiến tranh nhận được thư vợ báo sinh con trai nhưng chưa có ảnh của con. Sau chiến tranh anh lại nhận được một lá thư của vợ trong đó có ảnh chụp đứa con trai đầu lòng... nhưng anh Tâm đã hy sinh mất rồi. Anh Tâm chính là người bắn B40 trong bài thơ "Người bắn B40" mình post hôm trước. Trong cuốn sổ của mình cũng còn một bài thơ về nhận thư nữa...
Trả lờiXóaNhà hàng xóm dạo này thơ "chiến đấu" không hà. Toàn bài xúc động. Mong sớm được đọc bài "nhận thư nữa..." của anh.
Trả lờiXóaGửi Nhã My: Mình xin đọc thêm bài thơ này để từ ngày mai chuyển từ "thơ chiến đấu" sang thơ tình cho bớt nóng quá nhé! (Trọng Bảo)
Trả lờiXóaSau Trận đánh
Sau trận đánh bạn không về nữa
Bát đũa thừa, dư một xuất cơm,
Cái võng mắc không người nằm ngủ
Ca gác đêm nay rồi sẽ dài hơn...
Lũng Mật, 25-2-79