DÂN CHỦ TUYỆT ĐỐI
Truyện cực ngắn của Trọng Bảo
Dịch tiếp câu chuyện vui của nước ngoài.
Sau khi nghe quan giám sát tấu trình tình hình đất nước nhà vua suy nghĩ rất lung. Đất nước thanh bình không thể duy trì mãi chế độ cai trị theo kiểu mệnh lệnh quân sự được nữa. Nhà vua quyết định chuyển sang thực thi chế độ “dân chủ tuyệt đối”. Ngài bèn ban chiếu quy định rõ ràng theo chế độ này thì mọi việc dù ngoài xã hội hay trong gia đình đều phải có sự dân chủ bàn bạc. Dứt khoát các việc đều phải có 2/3 số phiếu biểu quyết thì mới được thực hiện.
Những ngày đầu thực thi kế sách “dân chủ tuyệt đối” trong xã hội và trong gia đình có sự thay đổi rõ rệt. Đất nước thì hoà bình, gia đình thì hoà thuận, ai cũng phấn khởi.
Thế nhưng một thời gian sau lại nảy sinh mâu thuẫn. Nhiều việc đình trệ không giải quyết được vì không đủ số phiếu biểu quyết quá 2/3 như nhà vua đã quy định. Đầu tiên là việc trong từng gia đình. Khi bàn luận việc gì nếu hai vợ chồng không nhất trí thì không làm được, vì lúc biểu quyết cứ 50%, chả làm sao quá bán. Vợ đồng ý thì chồng không nhất trí. Chồng thích mê nhưng vợ lại bác bỏ. Ngày xưa chế độ mệnh lệnh quân sự vợ ra lệnh là chồng phải theo răm rắp, chồng bảo thì vợ phải nghe. Bây giờ thì chịu, chả ai nghe ai. Vợ biểu quyết “lên giường” chồng lại bỏ phiếu “uống rượu”, cứ vênh váo nhau, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược như thế thật khó thực hiện.
Rồi chuyện xảy ra ngay trong cung đình của nhà vua. Một hôm do bọn nô tỳ sơ ý trong khi thắp nến gây ra hoả hoạn. Lửa bùng cháy ở một gian phòng rồi lan ra toàn bộ hoàng cung. Cả cung điện cháy rụi. Nhà vua bực lắm, cho triệu ngay quan tể tướng đến hỏi:
- Tại sao các khanh có cả hàng trăm, hàng ngàn cấm vệ quân, thái giám, nô tỳ mà lại không chữa cháy được, để lửa thiêu rụi hết cả cung điện thế hả?
- Tâu bệ hạ! Là tại các quan không thống nhất được phương pháp chữa cháy ạ!
- Thống nhất cái gì! Lửa cháy phải dập ngay còn bàn bạc gì nữa?
- Thưa bệ hạ, là khi lửa vừa bắt đầu bùng lên, quan văn thì bảo phải dùng câu liêm, đem thùng gỗ xách nước dội vào để chữa cháy. Quan võ thì yêu cầu sử dụng bình bọt, xe cứu hỏa để dập lửa. Chả bên nào chịu bên nào, biểu quyết thì cứ 50% trên 50% nên không thể thực hiện được ạ!
Vua đập bàn cáu:
- Chữa cháy bằng cách nào dập được lửa thì làm, tại sao các quan phải bàn luận vớ vẩn thế?
- Không hẳn thế ạ! Quan văn thì bảo dùng câu liêm và nước dập lửa là cách truyền thống của chế độ ta, còn sử dụng bình bọt và xe cứu hoả là các thứ ta mua của các nước thuộc “chế độ tư bản chủ nghĩa”. Nếu dùng bình bọt và xe cứu hoả thì sẽ xúc phạm đến chế độ ta ạ!
- Các khanh thật là lắm chuyện nên mới để cháy hết cả cung điện của ta thế này!
- Thưa bệ hạ! Khi không thống nhất được biện pháp để chữa cháy bọn thần quyết định dùng cả hai phương pháp, nhưng lại nảy sinh ra mâu thuẫn khác ạ!
- Lại mâu thuẫn gì nữa?
- Thưa là khi chuẩn bị cho quân lính chữa cháy thì các quan văn lại có ý kiến. Họ nói khu chính điện, nơi nhà vua ngự khi thiết triều không được chữa cháy bằng các dụng cụ của các nước tư bản, vì như thế là “khi quân phạm thượng”, tội chém đầu không tha. Nghe vậy ai cũng hoảng sợ ạ!
Nhà vua bực bội:
- Đúng là các khanh thật vớ vẩn quá!
- Không những thế khi quân lính đưa nước vào chữa cháy, có quan lại bảo: Nước chữa cháy chỗ vua ngồi phải là nước sạch, không được múc nước dưới ao hồ lên mà phải lấy nước ở giếng ngọc trong cung. Trước khi dùng dập lửa nước còn phải pha chất thơm vào mới được sử dụng ạ!
Nhà vua giơ cả hai tay lên trời. Ngài thấy ngán cái lý lẽ “dân chủ tuyệt đối” của các quan quá. Giữa lúc đó thì có một vị quan truyền tin hớt hải chạy vào tâu:
- Muôn tâu! Biên cương đang có bọn giặc xâm phạm nhưng các tướng chỉ huy bàn bạc mãi mà chưa thống nhất được cách đánh, tiến hay lùi, dùng cung tên của chế độ phong kiến ta hay sử dụng tàu bay, súng pháo của chế độ tư bản. Biểu quyết thì không đủ 2/3 theo quy định. Bọn giặc lợi dụng khi ta còn đang bận bàn bạc đã xâm phạm bờ cõi, giết hại rất nhiều dân thường ạ.
Nhà vua nghe tâu liền đứng bật dậy thét:
- Bàn luận gì nữa! Giặc đến là phải đánh không thì mất nước. Kẻ nào bàn lùi giết ngay! Hiểu không?
Nói xong nhà vua rút phắt thanh bảo kiếm ra. Các quan hầu cận đang đứng chầu chung quanh sợ tái hết cả mặt…
Câu chuyện tiếp theo thế nào thì chưa rõ vì tôi chưa dịch được. Cũng tại vốn ngoại ngữ của tôi ít lại vấp liền mấy cụm từ khó nên phải tạm dừng để đi tìm mua một cuốn từ điển về nghiên cứu thêm cái đã...
Ngày 17/8/2011
Thức suốt đêm để làm cái "dân chủ" này hả anh ơi. Dưng mà... noạn đến lơi rùi. Dân chủ thế lày thì chết chúng em. Họp mãi, bàn mãi mà đếch quyết được cái gì. Chán, anh nhẩy. Hôm qua kỷ cương, mệnh lệnh cũng chết; hôm nay dân chủ tuyệt đối cũng toi. Biết làm sao bi giờ?
Trả lờiXóaGửi Xuân My: Chắc là ông vua này lại phải nghĩ ra một cách cai trị mới mới thống trị được quốc gia! Có lẽ TB phải dịch tiếp câu chuyện này xem hồi sau thế nào mới được! Mất tuần nay cắm mặt vào tập bản thảo để nộp cho NXB nên chả viết được gì vì thế!
Trả lờiXóa