Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Truyện dài TRONG VÒNG LỬA (thêm một vĩ thanh)


Trong vòng lửa
Truyện của Trọng Bảo

          Tôi đưa Giang từ trại ăn dưỡng về quê tôi, cũng là quê của anh Bính, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1. Giang bị thương mù cả hai mắt nên đi đường khá vất vả. Lúc ngồi trên xe ô tô Giang bỗng bảo tôi:
          - Hà này! Khi về đến quê gặp chị Thanh, vợ anh Bính và cháu Hoa chúng mình biết nói như thế nào nhỉ?
Tôi như sực tỉnh:
          - Ờ… ờ… Mình cũng đang nghĩ không biết nói thế nào được đây! Mấy lần trước đến thăm nhưng tao nói là không ở cùng đơn vị nên không biết anh ấy đã hy sinh thế nào, tại sao không tìm thấy xác…
          - Hay là chúng mình cứ kể hết mọi chuyện cho gia đình anh ấy biết. Kể cả cái chết rất anh dũng của anh ấy!
          - Kể hết à? - Tôi hỏi lại.
          - Ừ! Có lẽ như vậy là tốt nhất Hà ạ! Có như vậy chị Thanh và cháu sẽ hiểu anh ấy hơn và thông cảm với chúng mình hơn.
          Tôi im lặng suy nghĩ, đắn đo. Có lẽ Giang nói đúng, mình phải kể lại cho chị Thanh vợ anh Bính và cháu Hoa về những phút giây cuối cùng của anh trên điểm tựa trước lúc hy sinh. Nhưng tôi cứ đắn đo suy nghĩ, tôi bảo Giang:
          - Như thế liệu có ổn không? Gia đình anh ấy có lẽ đến bây giờ đã nguôi ngoai nỗi đau mất mát rồi. Chúng mình kể lại như vậy vô tình sợ khơi lại nỗi đau vợ và con anh ấy cũng nên?
          Nghe tôi nói như vậy, Giang cũng băn khoăn. Nhưng bàn đi, tính lại mãi chúng tôi đều nhất trí đành phải kể lại cho vợ, con anh Bính tất cả mọi chuyện, nhất là những lợi anh dặn và hình ảnh anh trước lúc ngã xuống.
          Hình ảnh ấy Giang không bao giờ quên được. Đó là ngày hai hai tháng hai. Sau năm ngày chiến đấu ác liệt, đương đầu với hàng trăm tên giặc. Trung đội của Giang chỉ còn có bảy tay súng. Hơn mười người đã ngã xuống, một số bị thương đã được đưa về tuyến sau. Tiểu đoàn trưởng Bính cũng bị thương vào đầu. Gần sáng, anh gọi tiểu đoàn phó Phương, tiểu đội trưởng trinh sát Giang cùng mấy anh em còn sống sót đến nói:
- Năm ngày qua chúng ta đã chiến đấu vô cùng anh dũng. Bọn địch đã bị thiệt hại nặng, hàng trăm tên phải bỏ mạng và 3 xe tăng bị tiêu diệt. Chúng ta tuy chỉ còn lại có bảy người nhưng trận địa vẫn được giữ vững. Ngày hôm nay nhất định bọn địch sẽ tấn công ác liệt hơn. Đạn dược chúng ta đã sắp hết, liên lạc với đại đội bị mất từ hôm qua. Vì vậy bây giờ tôi phân công thế này: Đồng chí Phương, tiểu đoàn phó và hai đồng chí chặn địch ở phía sau tràn lên. Tôi và ba đồng chí còn lại chịu trách nhiệm chặn địch ở phía biên giới đánh xuống. Chúng ta dựa lưng vào nhau mà đánh nhé!
Dừng một lát anh nói tiếp:
- Còn đồng chí Giang quen đường lại là chiến sĩ trinh sát, sẽ tìm cách vượt vòng vây về hướng thị trấn Sóc Giang bắt liên lạc với trung đoàn và tiểu đoàn 3 rõ chưa?
          Giang nghe vậy liền giãy nảy lên:
          - Không… không! Em ở lại chiến đấu với các anh thôi.
          Tiểu đoàn trưởng Bính ôn tồn nói:
- Cậu phải đi Giang ạ! Đường đi nguy hiểm lắm. Cậu biết đường lại trẻ nhất, nhanh nhẹn. Cậu đi còn khó khăn, nguy hiểm hơn anh em ở lại. Bọn mình tin ở cậu lắm!.
Thấy Giang còn chần chừ, anh nói tiếp:
- Cậu đi nhanh, nếu liên lạc được thì đề nghị trung đoàn lên chi viện để giữ vững trận địa, hoặc đề nghị tiểu đoàn 3 giúp việc đưa số thương binh đang ẩn nấp ở khu vực Đôn Chương lên trên núi nhé. Việc này quan trọng và cấp bách lắm. Tính mạng của mấy chục thương binh đang đặt ở sự mưu trí, dũng cảm của chúng ta đấy!
          Giang im lặng một lát rồi lặng lẽ xách súng đứng dậy chuẩn bị. Anh Bính mở cái ba lô lép kẹp của mình rút ra một gói nhỏ đưa cho Giang rồi nói:
          - Mình có cái áo hoa mua cho con gái, cậu cầm giúp mình với nhé!
Đoạn anh quay lại bảo mọi người còn trên chốt:
- Thằng nào có cái gì không cần thiết cho trận đánh… ngày mai thì đưa cho Giang nó cầm đi luôn một thể…
          Anh Bính cố tránh không nói đến mấy từ "trận đánh quyết tử cuối cùng". Mấy anh em còn lại trên trận địa đều lắc đầu. Bởi vì họ đều còn rất trẻ, vợ con chưa có, có đứa còn chưa có cả người yêu nữa là khác. Họ chẳng có một thứ tài sản gì để gửi về cho người thân trước lúc hy sinh nữa. Họ chỉ còn một tấm thân tả tơi sau bao ngày chiến đấu và một cây súng đã gần hết đạn để đánh trận cuối cùng nữa thôi. Sáng mai có thể tất cả họ sẽ ngã xuống, trái tim quả cảm của họ sẽ gửi vào trong lòng đất mẹ thân yêu.
          Giang cầm cái gói của anh Bính nhét vào ba lô. Nó lặng lẽ nhìn mọi người rồi tìm cách tụt xuống chân đồi. Trong khi đó, anh Bính chia cho mọi người mỗi người thêm một quả lựu đạn.
          Trong khi Giang chưa kịp ra khỏi trận địa thì bọn địch lại tổ chức tiến công dữ dội lên chốt. Hàng trăm tên lính giặc xông lên. Chúng bao vây bốn phía. Những tên giặc khát máu dẫm qua xác đồng bọn lao lên, miệng không ngớt hô: "Tả... tả... tả...". Tiếng kèn sừng dê, tiếng kèn đồng của bọn xâm lược rúc lên inh ỏi lẫn trong tiếng súng gầm vang. Đất bụi mịt mù trùm lên khắp trận địa.
          Anh Bính vừa bắn vừa gào lên:
          - Anh em ơi… đánh đến cùng nghe không. Dù chết cũng không ai để lọt vào tay địch rõ chưa?
          - Vâng! Anh cứ yên tâm!
Mấy người còn lại cùng gào lên đáp lại và nổ súng bắn chặn bọn địch. Hàng chục tên địch ngã gục xuống sườn đồi, có thằng lăn lông lốc xuống chân dốc kêu thảm thiết. Nhưng bọn chúng rất đông. Chúng tiếp tục xông lên. Đạn pháo, đạn ĐKZ, đạn cối 60, đạn bộ binh nổ rền rĩ, khói bụi mù mịt cả mỏm đồi.
Hoả lực của các chiến sĩ tiểu đoàn 1 yếu dần. Những tiếng súng lẻ tẻ ở các góc chiến hào rồi tắt hẳn. Những giây phút cuối cùng đã đến. Những người lính bảo vệ biên cương lần lượt ngã xuống. Giang bị thương nặng vào đùi và vào ngực. Nghe anh Bính gọi, Giang cố lết về phía anh. Lợi dụng địch tạm dừng, anh Bính nhanh chóng băng bó cho Giang, đưa nó vào hầm rồi lại chạy ra vị trí chiến đấu. Ngồi trong hầm Giang vẫn nhìn rõ anh Bình đầu cuốn băng trắng xỉn. Lưng áo anh rách toạc đầm đìa mồ hôi và máu. Máu chảy nhiều hơn cả mồ hôi. Mồ hôi của người lính già đã cạn dần nhưng máu thì vẫn còn chảy mãi. Những giọt máu của anh đã từng rơi xuống ở chiến trường miền Đông Nam bộ trong chiến tranh chống Mỹ. Những giọt máu của người lính già bây giờ lại rơi xuống nơi biên cương phía Bắc. Người thương binh ấy đã cầm súng đi qua hai cuộc chiến tranh.
Anh Bính đang ghì súng quét về hướng quân địch. Bọn địch đã tràn lên sát bờ công sự. Cái chiến thuật lấy thịt đè người của bọn xâm lược đã có hiệu quả. Đang bắn đột nhiên hết đạn, anh vội bật lê lên. Hàng chục tên giặc xúm lại quanh anh. Có tên bị trúng lê rống lên thảm thiết. Nhưng rồi anh buông súng xuống. Anh đứng thẳng dậy. Những tên giặc xông đến định bắt sống anh bỗng cùng thét lên kinh hoàng khi chúng nhìn thấy trên tay anh là hai quả lựu đạn đang xì khói. Một chớp lửa bùng lên cùng tiếng nổ dữ dội. Anh Bính ngã xuống. Xung quanh xác quân thù tơi tả. Thịt xương người lính già cũng đã tan hòa vào đất đá biên cương.
          Giang cũng vội rút một quả lựu đạn cuối cùng của mình ra chờ bọn địch xông vào hầm. Một quả pháo rơi trúng cửa hầm, Giang bị ngất đi vì ngạt khói trong khi cửa hầm cũng bị lấp kín. Khi Giang tỉnh dậy đã thấy mình đang nằm trên cáng thương. Các chiến sĩ đơn vị bạn lên chiếm lại trận địa, họ đã bới tìm thấy Giang còn đang thoi thóp trong cái hầm bị sập. Giang được đưa về tuyến sau cấp cứu và điều trị.

*

          Thời gian trôi đi. Lúc này tôi đã về học ở một trường sĩ quan tại Bắc Ninh. Một hôm tôi đến thăm mấy người bạn tại trại an dưỡng. Đang ngồi trò chuyện với các bạn thì có xe chở thương binh từ viện quân y về trại an dưỡng. Chiếc xe dựng lại ngoài sân trại. Nhìn một thương binh dáng người nhỏ bé, mắt đeo kính râm, đang được một nữ y tá dắt xuống xe tôi bỗng ngờ ngợ rồi hét toáng lên:
          - Trời ơi Giang… Có phải mày là Giang đấy phải không?
          Người thương binh đeo kính râm ngơ ngác ngó quanh. Tôi vội bỏ đám bạn bè vọt ra sân chạy đến nắm lấy tay Giang…
          - Đúng là Giang rồi, mày vẫn còn sống hả! Tao Hà “Vĩnh toét” đây…
Lúc này Giang mới reo lên:
          - à! Mày cũng vẫn còn sống hả! Cứ tưởng cũng đã hy sinh trong trận đánh ở Kép Ké rồi.
Nói đến đây, như chợt nhớ ra điều gì, Giang lập cập mở cái túi vẫn đeo trên người, rút ra một cái gói nhỏ, miệng lắp bắp…
          - Cái áo… cái áo… của anh Bính gửi cho con, tao chưa đem đến nhà anh ấy được, cũng không nhờ ai đem đến được… Mày giở ra xem thử, nó còn nguyên vẹn không? Nó có bị rách, bị bẩn hay dính máu của tao không? Năm năm nay, tao luôn giữ nó bên mình mà không biết nó còn nguyên vẹn không. Tao bị mù cả hai mắt rồi. Lần ấy, sau khi được đưa ra khỏi trận địa, tao bị thương hỏng cả hai mắt. May cái ba lô vẫn đeo trên lưng nên cái áo của anh Bính vẫn còn. Mày xem lại cái áo rồi chúng mình cùng về quê mày đem đến cho con anh ấy.
          Tôi bảo:
- Hôm chuẩn bị vượt vây sang Nguyên Bình tao cũng đã nghe anh Hoàng nói việc anh Bính hy sinh và chuyện cái áo anh ấy gửi cho bé Hoa. Nhưng đánh nhau, vượt vây thất lạc lung tung không biết thế nào. Không ngờ mày vẫn giữ được cái áo ấy.
Giang đưa tôi cái gói nhỏ. Tôi lập cập mở cái gói, lấy cái áo ra. Cái áo vẫn được gấp cẩn thận nhưng bị ố vàng và có một vết rách nhỏ.
Tôi ngần ngừ một lát rồi nói cho Giang yên tâm:
          - Vẫn còn mới nguyên! Chỉ có tay áo bên trái bị rách một tý thôi Giang ạ!
          - Thế hả? Vết rách ấy là mảnh đạn nó cứa đấy. Thế là yên tâm rồi. Mấy lần mình giở ra hỏi các cô y tá, ai cũng bảo là vẫn còn mới, mình chỉ sợ nó đã cũ và bị bẩn mà các cô ấy sợ mình buồn nên nói như vậy. Trại an dưỡng này chỉ cách quê mày và anh Bính bảy mươi cây số. Mày phải xin đi tranh thủ, đưa tao mang cái áo về tận nhà trao cho con anh ấy mới được.
          Cầm cái áo tôi sực nhớ ra:
          - Nhưng hỏng rồi ông ơi! Cái áo này anh Bính mua cho con gái lúc nó mới chưa đầy sáu tuổi. Năm sáu năm rồi, con gái anh ấy đã mười hai, mười ba tuổi rồi. Mà con gái thì lớn nhanh lắm. Mấy lần về quê tao đều gặp nó, nó to lộc ngộc rồi làm sao còn mặc được nữa chứ?
          Giang ngẩn người ra:
          - Ừ nhỉ?
Thằng Giang ngồi bệt xuống sân cỏ, mặt thừ ra, hai tay ôm đầu miệng lẩm nhẩm tự trách mình:
- Thế mà tại sao năm năm rồi giữ cái áo của anh ấy gửi cho con ở bên mình mà tao lại không nghĩ ra điều ấy nhỉ. Tao lúc nào cũng chỉ nghĩ, dù có bị mù cả mắt, gãy chân nhưng còn sống, còn phải gìn giữ cái áo này và mang đến đưa tận tay cho con gái anh ấy… ai ngờ…
          Tôi an ủi thằng Giang:
          - Thôi đừng buồn nữa Giang ạ! Chúng mình sẽ mua tấm vải hoa giống hệt cái áo này rồi may cho con anh ấy một cái áo khác. Còn cái áo này đem về để chị Thanh vợ anh ấy và bé Hoa giữ làm kỷ niệm.
          Giang đồng ý ngay với phương án của tôi.
Hôm sau, tôi và Giang dồn phụ cấp và số tiền dành dụm được lại, kéo nhau lên tận chợ lớn thị xã Bắc Ninh để tìm mua vải. Đến chợ, tôi dắt Giang đi khắp các dãy hàng tìm vải, mỗi khi tôi nói có loại vải giống như cái áo, Giang lại bảo tôi đưa cho Giang cầm rờ xem thử. Loại thì Giang chê thô, loại thì Giang bảo vải mỏng quá.
Gần trưa, chúng tôi mới mua được tấm vải vừa ý. Vẫn còn tiền Giang bàn với tôi mua thêm hai mét vải lon xanh làm quà cho chị Thanh, vợ anh Bính.
          Mua được vải rồi, tôi với Giang còn cẩn thận hỏi cặn kẻ mấy bà, mấy chị đi chợ xem cái áo của em bé gái mười hai, mười ba tuổi dài rộng như thế nào. Cẩn thận hơn, Giang còn bắt tôi phải vào tận cửa hàng bách hoá nơi có quần bán quần áo trẻ em may sẵn để hỏi cho kỹ lưỡng.
          Khi chiếc áo may xong, Giang xin phép chỉ huy trạm an dưỡng theo tôi lên đường về quê đến nhà anh Bính. Chúng tôi quyết định sẽ kể lại cho chị Thanh vợ anh Bính và cháu Hoa hết mọi chuyện về cái chết anh dũng của anh ấy. Chúng tôi tin rằng khi thấy lại cái áo của bố may cho cháu Hoa ngoan hơn, sẽ sống và học tập tốt hơn.
          Khi viết lại câu chuyện này, tôi còn muốn nói thêm rằng: Anh Bính đã đi rồi nhưng anh không chỉ để lại cho đứa con gái một cái áo hoa. Mà anh và những người ngã xuống nơi biên cương đã để lại cho chúng ta tất cả những gì thiêng liêng cao quý về cuộc sống và trách nhiệm đối với nhân dân và Tổ quốc thân yêu.

                                                                       Bắc Ninh, 2-1984


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét