Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Truyện ngắn HƯƠNG THỊ (phần đầu)

       
       
Hương thị
Truyện ngắn của Trọng Bảo

           Truyện ngắn Hương thị tôi viết từ khi đang còn là học sinh lớp 10. Tính đến nay vừa đúng bốn mươi năm. Bản thảo chả còn giữ được. Truyện ngắn này chỉ được đăng một lần duy nhất trên tờ báo tường lớp 10B của tôi ngày ấy. Tôi chỉ nhớ đại ý của truyện. Ấy vậy mà lại có một người nói vẫn còn nhớ được gần như nguyên văn truyện ngắn. Thật thú vị, đó lại chính là nhân vật nữ mà tôi viết trong truyện ngắn. Và cũng đúng bốn mươi năm tôi cũng mới gặp lại nguyên mẫu một nhân vật của mình.
           Hôm đó là ngày nghỉ các con không về vì đều bận việc của cơ quan, tôi tự lo việc ăn uống. Tôi ra chợ mua vài lạng thịt, mớ rau muống. Mấy lạng thịt lợn và mớ rau đủ cho tôi chén trong hai ngày nghỉ. Thịt rang mặn, mỗi bữa luộc vài ngọn rau lấy nước luộc dầm sấu chan cơm là ổn. Mấy ngày nghỉ tôi sẽ cắm mặt vào màn hình máy vi tính quyết tâm sửa chữa cho bằng xong tập tiểu thuyết “Chuyện đời hắn” kịp nộp nhà xuất bản như đã hứa với họ.
          Vừa đến chợ qua dãy hàng thịt nhìn thấy tôi, chị bán hàng đã đon đả:
          - Anh vẫn đúng hai mươi nghìn chứ ạ?
          - Vâng… - Tôi đáp. Chị bán thịt đã quen với định mức thịt mà tôi vẫn mua cho bốn bữa trong hai ngày nghỉ. Cầm mẩu thịt lợn bé tý, tôi sang dãy hàng rong mua rau. Những người bán rau này thường ở ngoại thành. Họ trồng rau rồi đem vào nội thành bán. Tôi hỏi mua một mớ rau muống. Người phụ nữ bán hàng nói: “Xin anh năm nghìn!”, rồi cho mớ rau vào cái túi ni-lông. Khi ngẩng lên đưa rau cho tôi người đàn bà bỗng đứng bật dậy ngập ngừng hỏi:
          - Có phải… có phải anh là… là…
          Tôi cũng ngỡ ngàng nhận ra một nét mặt quen quen. Tôi cố nhớ xem đã gặp ở đâu thì người đàn bà bán rau đã nói:
          - Em là Linh… hồi năm bảy hai sơ tán về quê anh…
          Tôi giật mình. Trong trí nhớ của tôi vùn vụt trở lại những hình ảnh của bốn mươi năm trước. Cô Linh xinh đẹp hoa khôi của lớp 10B chúng tôi ngày ấy đây ư! Nhìn người đàn bà lam lũ bên gánh rau muống tôi như chưa tin ở mặt mình. Nhưng rồi tôi bừng tỉnh. Đã bốn mươi năm rồi cơ mà. Linh như hiểu cái nhìn của tôi. Hai bàn tay đen đúa của cô vặn vặn vào nhau rồi nói:
          - Hôm nào anh rỗi đến nhà em chơi. Nhà em ở số… Cầu Giấy. Em và anh Phú vẫn nhắc đến anh và những ngày sơ tán lên Lập Thạch đấy…
          - Thế Linh và Phú…
          - Vâng anh Phú là chồng em! Anh ấy ốm đau luôn, bây giờ yếu lắm rồi…
          Tôi hứa sẽ đến thăm nhà Linh. Khi tôi cầm mớ rau muống định quay đi thì Linh lại bảo:
          - Em vẫn nhớ như in câu chuyện Hương thị của anh viết ngày ấy đấy.
          - Thế à! - Tôi ngạc nhiên nhưng chợt nghĩ: “Linh là nhân vật chính của truyện ngắn nên cô ấy nhớ là phải thôi!”. Truyện ngắn ấy khi đăng trên tờ báo tường ai chả biết là tôi viết về Linh và những người bạn trong lớp mặc dù tên các nhân vật trong truyện tôi đã viết khác đi. Đó chính là truyện ngắn đầu tay của tôi.
           Khi về đến nhà tôi tạm dẹp tập bản thảo cuốn tiểu thuyết dày cộp đầy những gạch xoá, sửa chữa chi chít sang một bên để cố nhớ lại những gì đã viết trong truyện ngắn Hương thị của bốn mươi năm trước.

*

           Bước vào năm học cuối cấp 3, lớp 10B có thêm mấy học sinh mới. Đó là đám học sinh Hà Nội sơ tán về vùng quê trung du này. Trong số học sinh mới tôi chú ý đến một cô bé rất xinh xắn có mái tóc cắt ngắn ngang vai. Tên cô bé là Linh. Đó đúng là một người con gái đẹp - Tôi nghĩ. Lũ học sinh nông thôn, nhất là lũ con gái thấy ghen tỵ với đám học sinh mới đến. Bọn chúng sao mà thơm tho sạch sẽ, tươi tắn thế. Người thủ đô có khác. Ngược lại, cánh học sinh nông thôn chúng tôi có đứa suốt ngày lội ruộng cấy lúa, chăn trâu trên đồi. Buổi sáng đi học thì buổi chiều gánh phân ra đồng. Quần áo, sách vở thì luôn lấm lem bùn đất. Đứa nào có cái xe đạp cũ kỹ để đi học là may mắn lắm rồi.
           Chúng tôi nhìn đám học sinh Hà Nội với con mắt luôn có một khoảng cách. Vậy mà chỉ sau một thời gian Linh lại kết thân với tôi và thằng Thân. Tôi và thằng Thân cùng tuổi, nhà ở gần nhau, cùng học với nhau từ lớp vỡ lòng cho đến cấp 3. Hai thằng chúng tôi như hình với bóng. Dù hai đứa khác nhau về tính cách lẫn hình dáng. Tôi vốn tính hấp tấp, nóng nảy, thấy việc gì chướng tai, gai mắt là nói luôn. Thằng Thân thì tính tình trầm tĩnh, ít nói. Trông nó lúc nào cũng lù đù như chuột chù phải khói. Có người còn bảo nó đần. Ấy vậy mà khi Linh làm bạn với hai thằng chúng tôi lại rất thích trò chuyện trao đổi với nó. Hai chúng tôi đều học giỏi. Tôi là học sinh giỏi văn, thằng Thân giỏi toán, còn Linh thì giỏi cả văn lẫn toán. Chúng tôi hình thành một bộ ba gắn bó rất khăng khít. Giữa tôi và Linh chỉ là tình bạn. Con giữa thằng Thân và Linh thì đã vượt lên trên tình bạn một chút. Ngày ấy, học sinh cấp hai đã đi bộ đội. Cánh học sinh cấp ba chúng tôi lớn lộc ngộc. Năm nào chúng tôi cũng tiễn các bạn lên đường nhập ngũ ra trận.
           Linh và Thân yêu nhau rất bí mật, cả lớp không ai biết. Ngày ấy đang là học sinh phổ thông mà yêu nhau thường bị nhắc nhở, kiểm điểm vì sợ ảnh hưởng đến học tập. Việc tôi và thằng Phú phát hiện ra họ yêu nhau hoàn toàn tình cờ.
           Ngày ấy quê tôi rừng núi còn nhiều cây cối rậm rạp. Ở sườn đồi ven cánh đồng có những cây thị cổ thụ. Mùa thị chín màu vàng sáng cành cây, hương thơm ngào ngạt. Khi còn nhỏ cánh học trò chúng tôi hay rủ nhau leo cây hái thị ăn. Bọn con gái rất thích có những quả thị bé tý teo bằng ngón chân cái để trong cặp sách, bỏ trong túi áo cho hương thơm toả ra hít căng cánh mũi. Thằng Phú là đứa trong đoàn học sinh Hà Nội sơ tán về quê tôi. Nó cận thị nặng, lúc nào cũng đeo cặp kính dày cộp trên mắt.
            Một hôm tự dưng nó gạ tôi:
            - Mày kiếm cho tao một quả thị chín thật nhỏ nhé?
           - Định tặng em nào trong lớp hả?
           Nó ấp úng không trả lời. Tôi bảo:
           - Thôi được! Mày theo tao lên rừng. Tao sẽ trèo lên cây kiếm cho mày một quả thị thật bé nhưng thật thơm.
           Thằng Phú rất thích, nó đi theo tôi. Tôi cũng muốn giúp nó cũng còn vì một lý do khác. Bố mẹ nó là nhân viên của Thư viện quốc gia đem theo rất nhiều sách quý sơ tán về quê tôi. Nhờ nó mà tôi mượn được nhiều sách hay. Tôi là một người mà bọn cùng lớp vẫn nói là một thằng “nghiện sách”. Tôi có thể đọc sách bất cứ lúc nào. Chỉ cần nghe nói ai có sách là tôi lân la tìm cách mượn cho bằng được. Có cuốn sách chỉ được mượn qua đêm, tôi thức suốt đêm để đọc. Từ ngày Thư viện quốc gia đem sách sơ tán về quê tôi, nhờ thằng Phú mà tôi có được những cuốn sách quý để đọc.
           Tôi và thằng Phú chui vào khu rừng rậm rạp, nơi có mấy gốc thị cổ thụ trên cành đầy quả chín. Giống thị là thế, cây càng già, quả càng sai và hương lại càng thơm. Hương thị khiến người ta có cảnh giác thư giãn, sảng khoái, hứng khởi trong lòng.
           Tôi dắt thằng Phú chui vào chỗ gốc cây thị già. Vừa đến một cây cọ thì nghe có tiếng động, tiếng người thì thào phía gốc cây thị. Tôi giữ thằng Phúc đứng lại. Vạch lá cây ra nhìn, tôi chợt nhận ra đó là thằng Thân và Linh. Thân và Linh đang đứng sát bên nhau cạnh gốc cây thị. Linh đang cầm trên tay một quả thị chín vàng. Còn thằng Thân thì đang ôm ngang lưng cô gái. Đôi má của Linh đỏ ửng. Hình như họ vừa hôn nhau. Tôi thấy phục thằng Thân quá. Lù đù như nó mà lại yêu được một đứa con gái đẹp nhất trong số con gái ở Hà Nội sơ tán về làng tôi. Đúng là tẩm ngẩm tầm ngầm mà dẫm chết voi, như các cụ vẫn nói.
            Giữa lúc tôi đang cố ngó nghiêng để xem thằng Thân và Linh có “hành động” gì thêm không thì thấy vạt áo mình bị giật mạnh. Thằng Phú túm tay lôi tôi lùi lại chui ra khỏi đám cây rừng rậm rạp, tránh xa gốc cây thị. Nó lôi tôi đi như bị ma đuổi phía sau lưng. Tôi bị vấp vào một gốc cây cụt bên lối đi đau điếng. Tôi làu bàu:
           - Mày làm gì thế! Không lấy thị nữa à?
           - Không… về thôi!
           - Sao thế?
           - Đã bảo về là về cơ mà…
           Tôi nghĩ bụng: “Không biết thằng này mắt cận lòi như thế liệu nó có nhìn thấy cảnh thằng Thân và Linh ôm nhau không nhỉ! Chắc là nó chả nhìn thấy gì đâu!”. Nhưng rồi tôi lại tự hỏi: “Nếu không nhìn thấy thì việc gì nó lại bực bội thế. A… hoá ra nó cũng rất thích cái Linh. Nó gạ tôi trèo hái thị chín là để đem cho cái Linh…”.
            Sau bận ấy tôi thấy tự dưng thằng Phú buồn bã và học kém hẳn đi. Nó cũng là một thằng học giỏi của lớp. Mấy tuần sau thì lớp tôi xảy ra một chuyện. Sau giờ ra chơi thằng Phú kêu mất cái bút máy Kim tinh và năm đồng là tiền học phí nó đem đến lớp chưa kịp nộp cho thầy giáo chủ nhiệm. Ngày ấy cánh học sinh nông thôn chúng tôi có một chiếc bút máy Trường Sơn là đã sang lắm rồi. Chỉ có đám học sinh Hà Nội sơ tán về là có bút máy Kim tinh. Việc thằng Phú kêu mất bút và tiền khiến lớp tôi nhốn nháo hẳn lên. Thầy chủ nhiệm lập tức xin phép tạm dừng tiết học tiếp theo để tổ chức điều tra. Đội cờ đỏ của lớp được giao nhiệm vụ kiểm tra các ngăn bàn. Họ tìm thấy trong hộc bàn chỗ thằng Thân ngồi cái bút Kim tinh và tờ giấy bạc năm đồng cuộn nhỏ, nhét tít ở phía trong hộc bàn. Thằng Thân tái mét mặt đi vì sợ hãi và xấu hổ. Nó cúi gằm mặt xuống mặt bàn. Tôi là bạn thân của nó. Tôi biết nhà thằng Thân rất nghèo. Buổi sáng đến trường nó chỉ có một khúc sắn ăn lót dạ, không có bát cơm rang như tôi. Ngày giáp hạt nhiều bữa buổi trưa đi học về nó cũng chỉ có sắn luộc ăn thay cơm. Có lần năm lớp 8 đi cắm trại cả bọn góp cơm nắm, muối vừng, trứng luộc để ăn chung thì nó bảo bận tý nữa mới ăn. Đoạn nó len lén lẩn ra phía bờ suối. Tôi cầm nắm cơm lặng lẽ đi theo. Đến bờ suối, nó nấp sau một gộp đá lôi cái bọc giấu trong người mở ra. Nó chỉ có hai củ sắn cho bữa trưa. Thì ra vì vậy mà nó ngại ăn chung cùng các bạn trong lớp. Đang nhai củ sắn, nó chợt há hốc mồm khi thấy tôi đứng sững ngay trước mặt. Tay nó cầm củ sắn run run. Tôi ngồi xuống cạnh nó. Tôi bẻ đôi nắm cơm đưa cho nó một nửa và cầm luôn củ sắn còn lại của nó. Tôi biết, nhà thằng Thân nghèo, nó vẫn mơ ước có một cây bút máy nhưng nhất định nó không phải là một thằng ăn cắp. Làm bạn với nó từ nhỏ đến bây giờ nên tôi hiểu. Nhưng, tôi cũng không làm sao mà thanh minh cho nó được.
           Thằng Thân không nhận mình đã lấy cây bút máy Kim tinh và tiền của thằng Phú. Nhưng nó cũng không thể giải thích tại sao cái bút và năm đồng lại ở trong ngăn bàn của nó. Thằng Thân buồn lắm. Đợt 26-3 năm ấy lẽ ra nó được kết nạp vào đoàn cùng tôi nhưng lại bị huỷ quyết định.
            Cuối năm lớp 10 có đợt gọi nhập ngũ. Tôi và một số bạn trong lớp có danh sách trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Thằng Thân cũng đã khám sức khoẻ và đăng ký nghĩa vụ quân sự. Nhưng nó không đủ điều kiện nhập ngũ vì chưa phải là đoàn viên thanh niên lao động. Nó buồn lắm. Từ ngày nó “dính” vào cái án ăn cắp thì quan hệ giữa nó và Linh cũng không còn thân thiết nữa. Bộ ba của chúng tôi cũng tan luôn. Tuy vậy tình bạn giữa tôi và Thân không thay đổi. Tôi mãi mãi coi nó là một người bạn thân nhất mặc nhiều lúc nó cố ý tránh xa tôi. Hôm tôi lên đường nhập ngũ, nó đèo tôi lên tận huyện tập trung. Lúc chia tay, nó dúi vào tay tôi tờ bạc một đồng. Không nhận thì sợ nó giận. Tôi biết để có được một đồng bạc cho tôi nó đã phải gánh mấy gánh củi sang tận chợ Tam Dương ở huyện bên cạnh để bán cho được giá. Nó định nói với tôi một câu gì đó thì thôi vì nhác trông thấy Linh và thằng Phú đi đến. Nó xiết chặt tay tôi rồi lảng ra khỏi đám đông của những người đi, người ở ồn ào.
           Phú và Linh đến để tiễn tôi lên đường nhập ngũ. Phú tặng tôi một cuốn sổ bìa cứng để ghi nhật ký. Linh thì tặng tôi một cái khăn mùi-xoa có thêu hai chữ “kỷ niệm”. Chiếc khăn tay thơm ngát mùi hương thị chín…
                                                                 Hà Nội, 10-2011
            (hết phần đầu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét