Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Truyện dài TRONG VÒNG LỬA (phần 25)

          Cao Bà­ng
 
Trong vòng lửa
Truyện của Trọng Bảo

          Anh Hoàng được đề bạt làm chính uỷ trung đoàn. Hôm lên trung đoàn nhận nhiệm vụ gặp tôi anh bảo:
          - Mày cứ yên tâm! Tao lên trung đoàn rồi sẽ cử người đi xác minh những việc ở Kép Ké xem thực hư thế nào!
          Tôi chúc anh được lên chức. Thực ra tôi cũng chả quan tâm nhiều nữa đến những việc đã xảy ra trong chiến tranh. Mọi sự đã an bài. Tôi nghĩ thế. Bởi vì có những chuyện chả bao giờ phân định sai đúng một cách thật rõ ràng được đâu. Nếu nâng quan điểm lên thì là tôi sai rõ ràng. Sai ở chỗ là đã không chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy cao nhất theo điều lệnh chiến đấu của quân đội, dám tự ý dẫn anh em trong bộ phận chi viện dân quân Kép Ké chặn giặc. Tôi không chịu rút lui ngay theo lệnh của đại đội trưởng Tuấn, dẫn đến đã làm thêm tổn thất cho bộ đội. Sai nữa là ở chỗ lấy ngô lúa, bắt cá của dân. Bây giờ bà con dân bản có bỏ qua thì cũng vẫn là vi phạm kỷ luật dân vận. Nên nếu thẩm tra rõ thì mình có khi mình lại nặng tội thêm.
          Tiểu đoàn bắt đầu nhận chiến sĩ mới, bước vào huấn luyện. Tôi được cử làm giáo viên huấn luyện vô tuyến 2W cho trung đội thông tin tiểu đoàn. Một buổi sáng tôi đang hướng dẫn bộ đội thực hành thao tác máy ngoài thao trường thì có lệnh về gặp chỉ huy tiểu đoàn. Tiểu đoàn trưởng Thêm dặn tôi:
          - Cậu xuống gặp quản lý nhà bếp thanh toán tiền ăn, phiếu gạo, lấy sổ quân trang và giấy cung cấp tài chính... nhớ­ lấy luôn cả giấy sinh hoạt đoàn rồi lên trung đoàn nhận nhiệm vụ ngay.
          - Nhiệm vụ gì thế ạ?
          - Không rõ! Cứ lên trên ấy khắc biết.
          Tôi hơi hoảng nghĩ: "Hay là trung đoàn họ điều tra ra những vi phạm của mình trong chiến đấu nên triệu lên để thi hành kỷ luật". (Thời gian này ở hướng Lạng Sơn đã có chiến sĩ phải ra toà án binh, bị phạt tù vì đã dùng súng bắn một con bò của nhân dân lấy thịt ăn). Tuy vậy tôi cũng tự động viên chắc chỉ là thuyên chuyển công tác bình thường thôi, chả có chuyện gì đâu.
          Tôi khoác ba lô cuốc bộ xuôi hướng Đôn Chương. Dọc đường gặp những đoàn chiến sĩ mới từ phía sau đang hành quân lên biên giới. Nhìn những khuôn mặt trẻ măng đang hăm hở đi lên tuyến trước tôi chợt thấy bâng khuâng một nỗi buồn hưu hắt. Bao giờ đất nước mình hết chiến chinh để những chàng trai trẻ tràn đầy sức sống thế kia không còn phải cầm cây súng nữa. Những người con của bao bà mẹ trên khắp đất này sẽ không còn phải ngã xuống nữa. Tôi chợt thấy lạnh người khi nghĩ cả đoàn quân trai tráng, ồn ào kia nếu chiến tranh lại xảy ra thì chỉ sau vài trận sẽ chỉ còn là những nấm mồ lẫn vào cây lá nơi biên ải. Giá như đất nước mình hoà bình thì những chàng trai này sẽ là những sinh viên, những công nhân, trí thức trên công trường, nhà máy thì hay quá. Đất nước hoà bình sẽ phát triển, không phải nghèo, phải khổ mãi. Hôm qua bưng bát lên thấy cơm của người lính tuyến trước đã phải độn nhiều ngô sắn hơn rồi. Chiến tranh sẽ bòn rút hết tiềm lực kinh tế của đất nước, sẽ quàng cái ách nghèo đói lên đầu lên cổ nhân dân.
          Đến lối rẽ vào Pác Bó thì tôi đi nhờ được một chiếc xe vận tải chở vật liệu xây dựng lên biên giới cho bộ đội làm công sự vừa trả hàng xong quay về. Nhìn tôi, biết là lính vừa từ trên chốt xuống anh lái xe liền cho đi nhờ luôn. Đến Nà Giàng nơi trung đoàn bộ đóng quân thì đã quá trưa. Tôi ghé một nhà dân ven đường nấu cơm nhờ. Chị chủ nhà nhìn tôi hỏi:
          - Chú là lính cũ à?
          - Vâng đúng thế ạ!
          - Thảo nào nhìn mặt mũi hốc hác nhưng nhanh nhẹn lắm!
          - Thế ạ!
          - Thì chỉ có lính cũ nên chú mới thông thạo việc nấu nướng thế chứ!
          Chị cho tôi một ít mỡ lợn, quả đu đủ xanh và nắm rau cải mới nhổ trên nương để làm thức ăn. Nấu cơm ăn xong tôi vào trung đoàn bộ thì đã đến giờ làm việc buổi chiều. Tôi tìm gặp anh trợ lý quân lực để hỏi quyết định chuyển công tác. Anh trợ lý quân lực trung đoàn vốn là người cùng quê Vĩnh Phú với tôi. Vừa thấy tôi anh đã bảo để ba lô lại và theo anh đi ngay. Tôi chột dạ hỏi:
          - Đi đâu thế anh?
          - Cứ đi khắc biết?
          Tôi bồn chồn đi theo anh trợ lý quân lực. Anh dẫn tôi vào một căn nhà nhỏ mới làm, tường đắp bằng đất. Anh bảo tôi đứng ngoài rồi vào trước báo cáo chỉ huy. Tôi đang ngó nghiêng xung quanh thì có tiếng gọi vọng ra:
          - Hà đấy à! Vào đi!
          Tôi bước vào nhà, nhận ra anh Hoàng đang ngồi sau bàn làm việc. Thấy tôi vào, anh đứng dậy bắt tay và bảo tôi ngồi xuống ghế. Anh trợ lý quân lực chào về tiếp tục làm việc. Chính uỷ Hoàng rót ca nước đưa cho tôi rồi hỏi:
          - Chú mày vẫn khoẻ chứ?
          - Vâng ạ!

          - Vẫn còn bất mãn vì chuyện không được thăng quân hàm và khen thưởng chứ?
          - Em là hạ sĩ quan, hết nghĩa vụ thì phục viên về quê theo trâu đi cày, quân hàm quân hiệu có là cái gì đâu mà bất mãn ạ!
          - Nhưng cùng nhập ngũ với mày nhiều thằng sau chiến tranh được phong quân hàm sĩ quan, lên chức cán bộ cấp đại đội rồi đấy!
          - Thì họ có số làm quan. Số em mãi mãi chỉ làm lính tráng thôi anh ạ!
          Anh Hoàng mỉm cười:
          - Mày cũng lý luận gớm nhỉ?
          - Thì em chỉ nghĩ thế nào nói thế thôi chứ lý luận gì đâu ạ!
          Anh Hoàng im lặng một lát rồi đột nhiên nói sang chuyện khác:
          - Việc của mày xong rồi...
          - Anh đã cho người đi Kép Ké điều tra rồi ạ!
          - Không... chả cần điều tra làm gì nữa?
          - Sao lại thế ạ! - Tôi hỏi lại, giọng hơi run: - Vậy em phải chịu hình thức kỷ luật thế nào ạ?
          - Kỷ luật cái gì?
          - Thế em cứ tưởng...
          Anh Hoàng bật cười:
          - Tưởng cái gì! Sao chưa chi mặt mũi mày tái đi thế, lính chiến xông pha bom đạn chẳng sợ mà lại thế à. Mày chả phải kỷ luật, kỷ liệc gì cả đâu, yên tâm đi!
          - Vậy là tiểu đoàn phó Tuấn đã nói lại việc của em rồi ạ?
          Anh Hoàng ngần ngừ một lát rồi nói:
          - Nói gì... ông ấy đã... đã... đào ngũ rồi!
          Tôi vô cùng sửng sốt. Tưởng là mình nghe nhầm, tôi thảng thốt hỏi lại:
          - Anh ấy là cán bộ tiểu đoàn cơ mà, có phải chiến sĩ đâu mà lại đào bỏ ngũ?
          - Thế đấy! Ông ấy bỏ đơn vị về nhà đã mấy tháng nay rồi. Trung đoàn đã gọi điện, rồi cho cán bộ mấy lần về tận nhà xem xét tình hình động viên nhưng ông ấy vẫn không chịu trở lại đơn vị. Thế chả là đào ngũ thì là gì nữa!
          Tôi vẫn không hiểu. Sao có chuyện tày trời thế. Tôi chỉ mới ở quân ngũ được dăm năm, gian khổ, hy sinh cũng chả sợ đến nỗi phải bỏ ngũ. Anh ấy là lính chống Mỹ, là sĩ quan thế mà... Trong chiến tranh chống Mỹ thì chả nói làm gì còn bây giờ sao lại có sĩ quan đào bỏ ngũ chứ. Hay là có chuyện gì đã xảy ra đối với anh Tuấn. Anh ấy vừa được bổ nhiệm lên chức vụ tiểu đoàn phó, lại chuyển về tuyến sau huấn luyện chiến sĩ mới mà lại đào ngũ thì vô lý quá. Hơn nữa bây giờ chiến tranh đã tạm thời kết thúc rồi, làm gì còn nguy hiểm, ác liệt, chết chóc nữa mà phải bỏ ngũ. 

          Tôi cảm thấy hoang mang và băn khoăn về chuyện này quá. Tôi hỏi lại anh Hoàng:
          - Hay là hoàn cảnh gia đình anh ấy có vấn đề gì khó khăn hả anh?
          - Chả có vấn đề gì đâu! Ông ấy bỏ ngũ thật đấy, trung đoàn đã thẩm tra, xác minh chuyện này rất kỹ rồi. Kết luận về hành động của một người sĩ quan, cán bộ quân đội phải rất thận trọng, cân nhắc kỹ. Nhưng thôi việc này mày nghe biết thế thôi, không nên nói cho ai nữa. Trung đoàn đang nghĩ cách xử trí việc ông ấy bỏ ngũ. Có thể làm chế độ để cho ông ấy ấy về phục viên. Dù sao ông ấy cũng là một người lính tham gia quân đội từ thời chống Mỹ...
          Tôi vẫn không thể tin nổi việc anh Tuấn đã bỏ ngũ là sự thật. Chính uỷ Hoàng bảo:
          - Ông ấy bỏ ngũ nên những việc ông ấy đã nói trong chiến đấu cũng cần phải xem xét lại. Chuyện ông ấy từng báo cáo về mày coi như là không thật chính xác. Vì thế chỉ huy trung đoàn mới gọi mày lên đây và quyết định cho mày về trường văn hóa của quân khu để ôn thi vào đại học.
          Tôi thở phào nhưng trong lòng không thấy nhẹ nhõm hơn chút nào. Tôi cứ bị ám ảnh về việc anh Tuấn-một sĩ quan trung cấp, một cán bộ tiểu đoàn mà lại đào ngũ. Thật chả còn hiểu ra làm sao. Thấy tôi im lặng có vẻ vẫn chưa yên tâm, anh Hoàng cũng trầm ngâm có lẽ anh cũng đang suy nghĩ rất lung về việc của anh Tuấn. Một lát sau anh nói với tôi như nói với chính mình giọng anh chùng hẳn xuống xót xa: "Bản chất người lính chiến là thế! Sự hèn nhát không thể giấu kín mãi được đâu, hiểu không!".

           Tiểu vĩ thanh
  Mấy năm sau, tôi được cử đi học tại trường sĩ quan. Một hôm được nghỉ tôi đạp xe đi tranh thủ về thăm nhà. Lúc đi qua thị trấn Phù Vân tôi chợt nhìn thấy một người đang đạp xe phía trước trông có vẻ quen quen. Ông ta vừa đạp xe vừa huýt sáo một giai điệu quân hành. Một bên ghi đông cái xe đạp tồng tộc của ông treo lủng lẳng cái thủ lợn và chiếc chân giò, một bên treo xâu dồi lòng lợn. Tôi liền đạp rấn lên và nhận ra anh Tuấn. Anh Tuấn cũng nhận ngay ra tôi. Chúng tôi vui vẻ hỏi chuyện nhau. Anh Tuấn bảo tôi rẽ vào nhà anh chơi. Tôi liền đạp xe theo anh. Té ra anh mở quán bán cháo lòng tiết canh. Anh đi chợ mua đồ về để làm hàng.
         Tôi và anh ngồi nói chuyện với nhau khá lâu. Có lẽ anh Tuấn không biết chuyện tôi đã rõ cái việc anh tố cáo tôi trong buổi họp đảng uỷ tiểu đoàn sau chiến tranh nên anh nói chuyện có vẻ rất tự nhiên, vô tư. Còn tôi thì chuyện cũ đã qua lâu rồi, cũng chả còn thấy bận tâm gì nữa. Tôi vui vẻ chén một bát cháo lòng anh bưng ra. Có lẽ do đang đói nên tôi thấy bát cháo ấy thật ngon...

          (còn nữa) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét