Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Truyện vừa Chuyện lão Thực (2)

                 
   Chuyện lão Thực
Truyện của Trọng Bảo

Câu chuyện thứ 2: Lão Thực và lịch sử
          Sau lần lão Thực bị triệu tập lên trụ sở uỷ ban xã cảnh cáo vì tội dám bàn luận về “công tác nhân sự” thì khu vườn của lão cũng trầm lắng hẳn đi. Các nông dân trong làng vẫn đến mắc nhờ võng trong vườn cây râm mát của lão Thực để hóng gió trưa hè. Nhưng họ không dám sôi nổi bàn chuyện nhân sự của xã nữa. Mỗi người đem võng đến đều cầm theo một tờ báo, một cuốn sách, thậm chí cả sách giáo khoa của trẻ con để đọc.
          Đang nằm đọc sách ở góc vườn chợt thằng Nhân-thợ xây vặt quanh làng, quanh xã kêu lên vẻ ngạc nhiên:
          - Cụ Thực ơi! Trong cuốn sách này có đoạn viết về cụ đấy!
          Lập tức mọi người nhốn nháo cả lên. Lão thực quanh năm làm vườn, cả tháng chăn trâu, suốt ngày nuôi cá mà lại có tên được nêu trong sách cơ à! Lạ nhỉ?
          Họ vội xúm đến chỗ thằng thợ xây. Thằng Nhân đang cầm trên tay một cuốn sách in rất đẹp. Nó đọc to lên cho mọi người cùng nghe đoạn viết về lão Thực: “Mùa đông năm 1952, bọn địch ở đồn phố Miễu nống ra càn quét khủng bố nhân dân các vùng ven sông Đáy. Đội du kích xã Quan Sơn đã phối hợp cùng bộ đội địa phương dũng cảm chặn đánh, bẻ gãy đợt càn quét của bọn địch, tiêu diệt 37 tên, thu 35 súng các loại, bắt sống bốn tên tù binh. Tên đồn trưởng ác ôn Lê Thuận cũng bị bắt sống. Nhưng do sơ xuất, mất cảnh giác trên đường dẫn giải nó, chiến sĩ du kích Nguyễn Công Thực, người làng Đông đã để nó chạy thoát. Nó tiếp tục gây tội ác chống lại nhân dân. Đội du kích xã đã đột nhập vào tận đồn phố Miễu để xử tử tên đồn trưởng ác ôn ấy”.
          Đọc xong đoạn trên, thằng Nhân hỏi lão Thực:
          - Có đúng là trong sách viết về cụ không ạ?
          Lão Thực cũng ngạc nhiên. Nhân vật chiến sĩ du kích Nguyễn Công Thực ở xóm Đông chính xác là lão rồi. Nhưng sự việc để tên đồn trưởng ác ôn trốn thoát thì lại khác. Ngày ấy không phải là lão để tên đồn trưởng trốn thoát. Lão đã dẫn  giải được nó về đến vị trí tập kết. Đã bàn giao nó cho ông Trần Văn Đàn (cũng là một du kích) rồi cơ mà. Trong khi lão đang giao lại vũ khí của tên đồn trưởng cho ông Đàn thì tên này chạy trốn mất. Nó lao xuống dòng sông Đáy lặn mất tăm. Chuyện sơ xuất ấy phải do ông Đàn chịu trách nhiệm chứ sao lại đổ cho lão. Chính ông Đàn là người đã tuỳ tiện cởi trói cho tên đồn trưởng đi tiểu nên nó mới có cơ hội chạy trốn. Lão Thực cầm cuốn sách của thằng Nhân đang đọc lên xem. Đó là cuốn lịch sử truyền thống của xã Quan Sơn.
          Thằng Nhân nói thêm:
          - Hôm qua sửa lại nền cái nhà bếp cho xã, thấy có mấy cuốn sách vứt lăn lóc ở góc bếp dùng để nhóm lửa cháu liền nhặt một cuốn về đọc. Không ngờ lại vớ trúng cuốn lịch sử của xã ta có đoạn viết về cụ. Thì ra thời trai trẻ cụ đã từng là một chiến sĩ du kích dũng cảm… Nhưng sao cụ lại để tên đồn trưởng ấy nó trốn thoát hả cụ?
          Lão Thực im lặng. Hoá ra họ đã bóp méo cả lịch sử. Lão là nhân chứng còn sống rành rành đây mà khi viết họ không hề đến tham khảo. Lão Thực thấy buồn. Lão chợt nhớ lại những ngày trai trẻ ở trong đội du kích của xã. Lão là một chiến sĩ dũng cảm. Lão từng cải trang thành một người đánh dậm để đến gần đồn địch, gài mìn ở ngay cổng đồn giết chết một tên quan ba Pháp và ba thằng lính khố xanh. Lão cũng đã từng vật nhau rồi bắt sống một thằng lính trên bãi ngô khi nó mò ra tăm gái. Sau khi ông Đàn để tên đồn trưởng Lê Thuận trốn thoát, nó tiếp tục tra tấn giết hại nhân dân, chính lão đã đóng giả thành một người đi buôn vào tận đồn và hạ sát nó. Tại sao chi tiết này không có nêu trong cuốn lịch sử của xã? Mà họ chỉ viết chung chung là “Đội du kích xã đã đột nhập vào tận đồn phố Miễu để xử tử tên đồn trưởng ác ôn ấy”.
          Lão Thực kể lại chuyện thời trai trẻ của mình cho mọi người nghe. Tất cả đều im lặng suy nghĩ. Chợt thằng thợ xây lại kêu lên:
          - Cháu hiểu vì sao họ lại viết như thế rồi! - Nói xong nó ớ người ra rồi im bặt.
          - Vì sao? - Ông Bứa càu nhàu: - Có gì thì mày nói toẹt mẹ nó ra đi! Cứ ấm a ấm ớ, bực cả mình!
          Thằng Nhân tái mặt. Nó nghĩ đến chuyện lão Thực bị công an xã triệu tập lên trụ sở cảnh cáo nên cứ ú ớ mãi trong cổ họng không thốt lên lời. Đến khi mọi người giải tán hết về để đi làm đồng buổi chiều, chỉ còn lão Thực và ông Bứa, thằng Nhân mới dám nói. Nó bảo:
          - Cụ với ông nghe cháu nói đây! Cái ông du kích tên là Đàn mà cụ Thực vừa kể lại ấy chính là chú ruột của chủ tịch xã ta đấy!
          Lão Thực cũng ớ người chợt nhớ ra điều thằng Nhân nói. Ông Đàn này sau đó do lo sợ bọn địch khủng bố còn rời bỏ đội du kích trốn lên tận vùng Định Hóa, Tuyên Quang - nơi vợ con ông ta tản cư rồi sinh sống luôn ở trên ấy, hoà bình cũng không dám trở về làng vì xấu hổ. Anh chủ tịch xã đương nhiệm là cháu ông Đàn lại làm trưởng ban biên soạn cuốn lịch sử xã. Anh ta đã viết sai cả sự thật của lịch sử xã nhà cũng là chuyện chả có gì khó hiểu. Lão Thực càng buồn. Lịch sử bị sai lệch thế hệ sau con cháu sẽ nhận thức sai lệch hết. Lão xem hết cuốn lịch sử ấy không thấy nhắc chuyện lão đặt mìn giết chết thằng quan ba Pháp và mấy thằng nguỵ binh. Họ chỉ ghi chung chung chuyện diệt tên sĩ quan Pháp ấy vào số lượng quân địch bị đội du kích xã tiêu diệt trong chín năm kháng chiến. Trong khi đó đọc xong cuốn lịch sử của xã thì cảm thấy nếu như không có anh em, họ hàng của ông chủ tịch xã đương nhiệm thì xã Quan Sơn này chả có lịch sử gì. Đoán được suy nghĩ của lão Thực, thằng Nhân an ủi:
          - Thôi đừng buồn cụ ạ! Lịch sử dân tộc, lịch sử đất nước mà họ còn viết sai, làm xô lệch nữa là lịch sử của cấp xã phường!
          - Mày nói chí phải! - Ông Bứa gật gù. Chợt ông Bứa lại hỏi lão Thực:
          - Bác là một du kích chiến đấu dũng cảm, có nhiều thành tích trong kháng chiến, lại là người thông tuệ… thế mà sao không được bổ nhiệm, đề bạt giữ chức vụ lãnh đạo gì nhỉ? Người như bác lẽ ra phải làm đến trung ương uỷ viên ấy chứ?
          Lão Thực xua xua tay:
          - Ấy! Đã bảo là thôi không bàn đến “công tác nhân sự” nữa cơ mà?
          Ông Bứa im bặt. Thằng Nhân đứng dậy phủi đít quần bảo:
          - Làm quan có số! Con người ngay thẳng, cương trực như cụ Thực làm quan thế quái nào được chứ? Cụ mà làm quan thì để bọn họ làm gì… Thôi không nên bàn về “công tác nhân sự” nữa kẻo lại bị xã gọi lên cảnh cáo nhắc nhở, phiền lắm. Cháu về đi làm đây. Đang xây dở cái nhà tắm nóng lạnh cho xã. Các vị cán bộ xã bây giờ sau khi đánh cầu lông, chơi ten-nít về không có “nóng-lạnh” là không tắm nổi đâu!
          Nói xong nó đi mất. Ông Bứa cũng đi thẳng luôn ra phía cánh đồng. Ông ra xem ruộng ngô nhà mình trồng loại “giống mới” do cán bộ khuyến nông xã đem về bán cho bà con nông dân sao mãi không có bắp. Loại ngô này hình như là giống “ngô không hạt”…
                                                                   Hà Nội, 21/7/2011
        (còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét