Chuyện lão Thực
Truyện của Trọng Bảo
Câu chuyện thứ 1: Lão Thực và công tác nhân sự
Lão Thực bị công an xã gọi lên nhắc nhở vì hành vi tụ tập, nói xấu cán bộ thôn, xã. Từ trụ sở ủy ban xã về, lão cúi đầu đi lùi lũi, không thèm chào hỏi ai. Mà lão cũng chả phải chào ai trước. Lão là người cao tuổi trong làng. Gặp lão, đám trung niên, thanh niên còn phải chào trước.
Qua quán bia hơi đầu làng có tiếng gọi:
- Cụ Thực ơi! Vào làm vại bia cho mát đã cụ ạ!
- Không… - Lão ậm ừ.
Lão đang tức nóng sôi cả người lên đây. Bằng tuổi này rồi lão còn bị một thằng công an xã trẻ ranh dạy bảo là phải làm như thế nào để góp phần xây dựng quê hương, đất nước, giữ gìn an ninh, trật tự thôn xóm, làng xã. Nó còn cảnh cáo lão nếu vẫn có chuyện tụ họp, bàn tán về “công tác nhân sự” của xã thì lão sẽ bị cảnh cáo và thông báo trên loa truyền thanh phát đi khắp các xóm làng.
Thực ra chuyện cũng chả có gì nghiêm trọng cả.
Chả là căn nhà của lão ở cuối làng. Lão nhận thầu một khu đất hoang và cái đầm nhỏ đầy cỏ lác sát nhà. Lão cải tạo, chăm sóc mãi nên khu bãi hoang và cái đầm nhỏ cũng trở thành một trang trại khá đẹp. Khu đất hoang lão trồng cây, ươm hoa. Cái đầm nhỏ lão thả sen và nuôi cá. Mùa hè khu trang trại của lão hóa ra lại là nơi mát mẻ nhất làng. Làng bây giờ thì đã bê-tông hóa toàn bộ rồi. Nhà bê-tông, đường bê-tông, tường rào cùng bê-tông. Không còn một ngọn tre pheo, cây cối. Lúc mưa thì nước không lối thoát rác rưởi, phân người, phân súc vật trôi lềnh phềnh trên đường làng. Lúc nắng thì cả làng trở thành một cái lò bát quái, nóng như nung bởi những khối nhà cửa bê-tông lù lù đứng sát bên nhau. Nhà nào giàu thì có cái điều hòa nhiệt độ. Nhà nào nghèo thì quạt điện. Nhưng lúc mất điện thì tất cả như nhau. Mà nông thôn mùa hè thường được “ưu tiên” cắt điện dài dài. Vì thế mỗi khi mất điện và cả khi không mất điện thì khu trang trại của lão Thực cũng vẫn cứ mát mẻ. Buổi trưa nhiều người kéo nhau ra khu vườn nhà lão xin mắc nhờ cái võng để ngả lưng hưởng chút gió trời rười rượt. Thường là thế. Mỗi khi có đông người là ắt sẽ có chuyện. Bên ấm nước chè xanh của lão Thực người ta râm ran mọi chuyện. Chuyện thiên hạ nói mãi thì quay sang chuyện của làng, của xã. Lão thực vốn là người từng trải nên cũng hay góp chuyện. Tính lão hay suy ngẫm nên câu chuyện thường trở thành triết lý. Mà đã triết lý thì hay có tính răn dạy và khiến người ta liên tưởng.
Đầu tiên là ông Bứa, một hàng xóm của lão lên tiếng:
- Bác là người đọc sách, biết nhiều chuyện! Vậy theo bác một người cán bộ tốt là thế nào? Cứ nhìn vào đội ngũ cán bộ xã ta hiện nay thì em thấy chán quá…
- Cán bộ tốt là phải “thực đức, thực tâm và thực tài” chỉ cần thế thôi là đủ!
Ông Bứa nhăn nhó:
- Bác nói thế thì em biết thế nhưng cũng chả hiểu nó cụ thể ngô khoai ra làm sao cả?
Thằng Nhân, vốn là một tay thợ xây vặt quanh làng, quanh xã thì thắc mắc:
- Vậy theo cụ thì cán bộ tốt cần tụ đủ những những yếu tố nào ạ?
Lão Thực nhẩn nha:
- Con người ta “thực đức” tức là có cái đạo đức thực sự thì phẩm chất tư cách tốt, sống mô phạm, hài hòa. Cái đức giúp cho con người ta có uy tín, nhận được sự kính phục. Còn “thực tâm” là tấm lòng, là sự nhiệt tình đối với công việc, đối với con người. Nhưng quan trọng nhất của người cán bộ còn phải là “thực tài”. Có tài thì mới có cán bộ giỏi. Trong cuộc sống cái “đức” thường đi liền với cái “tâm” nhưng chưa chắc đã đi cùng với cái “tài”. Cán bộ mà chỉ có đức, có tâm thì làm việc gì cũng khó. Phần đông cán bộ ta chỉ có hai yếu tố này nên chính quyền thì tốt nhưng công việc thì trì trệ, không chạy. Cán bộ muốn toàn diện phải có “thực tài”. Người thực tài mà lại thực đức, thực tâm thì là cán bộ giỏi, dân mến, dân tin. Loại này hiếm lắm. Nếu cán bộ chỉ có “thực tài” mà chẳng có “thực đức” và “thực tâm” thì dẫn đến kiêu căng, tự phụ, coi thường người khác. Cuối cùng cũng sẽ dẫn đến công thần chia rẽ, mất đoàn kết…
- Vậy thực trạng cán bộ thôn, xã ta hiện nay như thế nào ạ?
Một ông lên tiếng hỏi. Lão Thực không trả lời. Lão không muốn liên hệ quá gần. Lão chỉ cười cười và cầm chén nước chè tươi xoay xoay trên tay. Thằng thợ xây vặt lên tiếng:
- Cụ ấy đã nói rõ như thế thì các bác cứ so vào khắc rõ, khắc biết ai là người như thế nào chứ!
- Đúng đúng! Tiêu chuẩn đánh giá của bác Thực rõ ràng đến thế còn gì nữa?
- Vậy thì… - Thằng Nhân nói như đinh đóng cột: - Ông Quy, bí thư đảng ủy xã “thực tâm”, “thực đức” nhưng không “thực tài”. Chị Thân, phó chủ tịch xã cũng thế. Còn ông Tấn, chủ tịch có “thực tài” nhưng không có “thực đức”, “thực tâm”. Cán bộ xã ta đúng là được mặt này, hỏng mặt kia… He… he… thảo nào mà xã ta luôn luôn trì trệ, bí bét?
Ông Bứa vẫn thắc mắc:
- Nhưng có người tôi thấy so vào thì cả ba tiêu chuẩn “thực đức”, “thực tâm”, “thực tài” đều chả có dính dáng một tý ti gì mà họ vẫn lên làm cán bộ được đấy thôi!
- Ai?
- Thì ông Đạt, phó chủ tịch kiêm công an xã, ông Chinh, cán bộ địa chính, bà Liên, cán bộ quản lý thị trường, thằng Xuyên, bí thư đoàn xã…
- Ừ nhỉ! Mấy người này chả có đức, chả có tâm lại bất tài vậy họ làm được cán bộ là vì cái gì nhỉ?
Mọi người xôn xao hỏi nhau. Họ nhìn lão Thực, người mà họ vẫn coi là sáng suốt, thông tuệ nhất làng chờ lão ta giải thích. Lão Thực vẫn lơ lơ im lặng. Tay lão vẫn xoay xoay chén nước chè như đang muốn biết vòng xoay của nước ra sao? Giữa lúc mọi người đang sốt ruột thì con vợ thằng thợ xây te tái xông vào chỗ mọi người réo tên chồng lên như hát hay rồi bảo nó đưa tiền để nộp tiền điện tháng này. Thằng Nhân rút ví lấy tiền đưa cho vợ. Khi con vợ cầm nắm tiền chạy biến đi rồi, thằng Nhân như chợt nghĩ ra, nó rút thêm ra một tờ giấy bạc 500 ngàn đồng đưa lên mắt ngắm nghía. Đoạn nó quay sang lão Thực phất phất tờ giấy bạc có ý hỏi. Lão Thực gật gật cái đầu. Thằng Nhân vẻ đắc chí kết luận:
- Loại cán bộ không có “thực đức”, “thực tâm”, “thực tài” thì chắc là phải có “thực tiền”. Các ông, các bà ấy làm cán bộ là nhờ có điều thứ tư ấy đấy! He… he… he…
- Đúng… đúng… bây giờ cứ có tiền thì mua quan, mua chức được ngay. Những cán bộ mà không có đức, có tâm, có tài thì dứt khoát là phải có tiền. Họ mua chức tước bằng tiền đấy. Vậy loại cán bộ này khi làm việc thì sẽ thế nào ạ?
Lúc này, lão Thực mới lên tiếng:
- Thì… sẽ sinh ra nạn tham nhũng!
- Đúng… đúng… đúng…
Câu chuyện nhân sự trong vườn giữa lão Thực và các nông dân làng Đông buổi trưa hôm ấy không hiểu sao lại đến tai cán bộ xã. Lão Thực đã bị triệu tập lên trụ sở ủy ban xã để nhắc nhở là vì thế.
Hà Nội, 21/7/2011
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét