Truyện ngắn của Trọng Bảo
Tôi đang cặm cụi đẽo mấy quả lựu đạn gỗ ở đầu nhà thì nghe tiếng chị chủ nhà quát thằng con:
- Từ rày, tao cấm mày nhận quà của người lạ cho nghe chưa? Ngày mai phải đem ngay cái áo trả cho bà ấy...
- Nhưng! Đó là bà...
- Không bà...bà gì hết! Dắt trâu ra ruộng ngay!
Rồi im lặng hẳn. Một lát có tiếng chân nhè nhẹ phía sau. Tôi quay lại. Thằng Xót mặt còn bị xị đi lại. Tôi hỏi:
- Có chuyện gì mà mẹ mắng thế?
- Vì cháu đã nhận cái áo bà cho.
- À! Tại chưa được mẹ cho phép đã nhận đồ người khác cho chứ gì?
- Nhưng đó là bà nội cháu cơ mà!
Tôi ngạc nhiên:
- Chắc lại tự ý vòi vĩnh bà chứ gì?
- Không phải! Bà tự cho đấy chứ. Nhiều lần bà cho quà, mẹ biết đều mắng hết.
Tôi càng không hiểu. Thằng Xót ngồi xuống cạnh tôi cầm quả lựu đạn gỗ lên xem. Nó đã mười lăm, mười sáu tuổi rồi, phổng phao, lộc ngộc. Một lát nó bảo:
- Lớn lên, cháu cũng đi bộ đội như bố cháu và chú.
- Ừ...
- Bố cháu hy sinh tay vẫn cầm súng đứng giữa chiến hào, lựu đạn còn đeo bên hông đấy nhé...
- Ừ... - Tôi vừa chăm chú gọt quả lựu đạn vừa đáp. Chợt tôi giật mình:
- Nhưng bố cháu lúc nãy còn xách giúp chú cái ba lô vào nhà cơ mà?
- Đấy là bố dượng cháu. Bố dượng cháu tốt lắm. Bố dượng coi cháu như con đẻ, nuôi cháu lớn lên và cho đi học đến bây giờ. Còn bố đẻ cháu hy sinh rồi.
- Thì ra vậy! Chú vừa mới đến nên không biết...
Tôi định hỏi thằng Xót về bố đẻ của nó thì chị chủ nhà gọi giục nó đưa trâu ra ruộng bừa cấy. Nắng đã bớt gắt. Cánh đồng trước làng đã có người xuống cấy. Tôi thu dọn và đem mấy quả lựu đạn gỗ vào nhà.
Cả nhà đi vắng hết. Tôi tranh thủ quét dọn nhà cửa, sân vườn vì ngày mai bắt đầu bước vào huấn luyện chiến thuật không có nhiều thời gian.
Đang lúi húi khơi cái rãnh thoát nước ở cổng thì có tiếng người gọi:
- Chú bộ đội ơi!
Tôi ngẩng lên. Một bà cụ dáng vẻ mệt mỏi vì đi nắng đang đứng ngoài cổng. Tôi hỏi:
- Bà gọi cháu ạ!
Bà cụ gật đầu:
- Chú có thấy thắng Xót ở nhà không?
- Cháu nó vừa đưa trâu ra ruộng rồi ạ! Mời bà vào trong nhà cho đỡ nắng.
- Thôi! Chú cứ kệ tôi. Tôi ngồi ngoài này đợi cũng được.
Tôi băn khoăn, cố mời, nhưng bà cụ nhất định không vào. Bà cụ lại hỏi:
- Thế... chú ở trọ ở đây à?
- Vâng ạ! Chúng cháu lên ở nhà bà con xóm ta để tập quân sự ạ!
Chợt nhớ ra câu chuyện lúc nãy thằng Xót kể. Tôi rất muốn hỏi chuyện bà cụ nhưng không dám. Bà cụ vẫn ngồi ngoài cổng bỏm bẻm nhai trầu nhưng trông vẻ buồn. Bỗng bà lập cập vẻ lúng túng rồi chào tôi:
- Chào chú! Tôi về nhé.
Bà vội vàng đi luôn. Cây gậy lọc cọc khua trên đường sỏi. Một lúc sau, chị chủ nhà quảy quang gánh về. Thì ra bà cụ vội đi ngay vì muốn tránh mặt chị. Chị cứ bảo tôi cứ nghỉ lấy sức mà đi tập. Nhìn vẻ khắc khổ, lam lũ của chị, không ai nghĩ chị chỉ mới ba bảy, ba tám tuổi.
Mùa hè mưa nắng thất thường. Đại đội chúng tôi đang tập trên Núi Dạm thì một cơn nưa ập xuống. Nước xối xả, khiến tất cả chúng tôi đều ướt như chuột lột. Đại đội trưởng tuyên bố:
- Các trung đội cho bộ đội về doanh trại, bảo quản, lau chùi vũ khí trang bị, tự ôn tập phần lý thuyết. Ngày mai trời tạnh ta sẽ tập bù.
Chúng tôi lục tục kéo về làng. Đến đầu xóm trung đội trưởng hạ lệnh giải tán. Tôi vội chạy ngay về nhà ở. Tới đầu ngõ, tôi túm được thằng Xót từ trong nhà khoác áo mưa phóng ra. Tôi hỏi:
- Mưa gió thế này cháu còn đi đâu đấy?
- Cháu... cháu... đem áo mưa cho bà nội. Nếu... nếu mẹ cháu về, chú bảo cháu chưa về nhé.
Nó lập cập vì lạnh. Tôi thả cho nó chạy đi. Nó phóng thẳng ra phía con đường sang làng Thượng. Tôi cũng vội chạy vào nhà.
Mãi tối mịt, thằng Xót mới về. Nó trả lời qua quýt những câu hỏi của mẹ rồi khẽ kéo tay tôi ra hè thì thào:
- Cháu lo bà bị cảm lạnh ốm mất chú ạ!
- Bà bị mưa ướt à?
- Bà đi đến giữa đồng thì trời ập mưa. Lúc cháu chạy đến bà đã bị ướt hết rồi. Cháu dìu bà về nhà rồi nhờ bác Ngân đến xoa dầu cho bà rồi.
- Thế bà đi ra đồng làm gì? Mà sao cháu biết bà ở đấy?
- Bà cháu đi tìm cháu đấy. Ngày nào bà chả sang tìm cháu. Nhà bà cháu bên làng Thượng nên phải đi qua cánh đồng...
Câu chuyện chẳng đến đầu, đến đũa của thằng Xót khiến tôi càng khó hiểu. Tôi cứ mong có dịp thuận tiện để hỏi chuyện anh chị chủ nhà. Nhưng thấy anh chị bận bịu suốt ngày nên cũng đành thôi.
Hôm sau, tôi bắt gặp thằng Xót giữa chợ. Nó đang bán một giỏ cua đầy và mấy xâu cá đồng. Thấy tôi, nó tỏ ra lúng túng. Rồi nó rụt rè đề nghị:
- Chú đừng nói với mẹ cháu là cháu đi bán cua cá ở chợ nhé.
- Tại sao thế?
- Vì... cháu bán để lấy tiền mua cho bà hộp sữa. Bà bị ốm rồi chú ạ.
- Thế à?
- Hôm qua, bà bị mưa ướt nên cảm ốm chẳng ăn được gì chú ạ.
Chợt nhớ ra, nó hỏi:
- Chú đi chơi chợ à?
- Chú đi khênh rau cho tiếp phẩm! - Tôi đáp và lục túi đưa cho nó mấy đồng. Nó xua xua tay:
- Cháu bán cá được một ít còn lại bố cháu cho thêm, đủ mua cho bà cân đường và hộp sữa rồi.
Tôi ngạc nhiên:
- Thế bố cháu cũng biết à?
- Vâng! Mà số cua, cá này là cháu và cả bố cùng bắt suốt buổi trưa đấy chứ!
*
Rít một hơi thuốc lào, nhấp chén nước chè vẻ ngon lành xong, anh Thực kể:
- Tôi, Luyến - vợ tôi và Hoàng cùng học với nhau từ khi còn bé tý. Đến năm cấp 3 thì giặc Mỹ leo thang ném bom miền Bắc rất ác liệt. Cầu Bắc Giang, cầu Đáp Cầu thường xuyên bị chúng đánh phá. Chúng tôi phải sơ tán lên mãi vùng Mỏ Thổ, Bắc Giang học nhờ các trường bạn. Vợ tôi ngày ấy là “hoa khôi” và là bí thư chi đoàn của lớp đấy nhé. Cả tôi và Hoàng đều thầm yêu cô ấy. Tôi rất tự tin vì tôi đẹp trai và học giỏi hơn Hoàng. Nhưng rồi tôi đau khổ nhận ra cô ấy chỉ yêu Hoàng và coi tôi như người bạn thân. Chúng tôi vẫn gắn bó với nhau, giúp đỡ lẫn nhau nhưng giữa tôi với hai người dần dần xuất hiện một khoảng cách. Tôi học sút đi nhiều.
Tốt nghiệp cấp 3, chúng tôi cùng đi thi đại học nhưng chỉ có Hoàng là đủ điểm vào đại học bách khoa. Bố Hoàng lúc ấy đang là chủ tịch xã, mẹ là chủ tịch hội phụ nữ. Hoàng rất muốn đi học đại học, nhưng bố mẹ cậu ấy đều động viên đi bộ đội. Tôi cũng viết đơn xin nhập ngũ. Hoàng được gọi vào bộ đội trước. Tôi vào dân quân. Nhờ thành tích tiếp đạn, tải thương cho bộ đội cao xạ nên được giới thiệu, bồi dưỡng để chuẩn bị kết nạp Đảng và bổ nhiệm làm trung đội trưởng dân quân.
Hoàng được về phép gần một tháng rồi vào miền Nam chiến đấu.Giữa lúc ấy thì xảy ra một chuyện. Luyến có thai, cái bụng đã sang tháng thứ tư, thứ năm của cô dù có bó buộc thế nào cũng không thể giấu mọi người được nữa. Ngày ấy chuyện này là “động trời, sụp đất”. Chi đoàn rồi trung đội dân quân tổ chức kiểm điểm, truy xét. Luyến bị dồn ép ghê quá. Rồi một hôm đích thân ông chủ tịch xã - bố của Hoàng - đến chỉ đạo việc kiểm điểm Luyến. Rồi cả bà chủ tịch hội phụ nữ xã cũng đến. Tôi không thế nhớ hết những gì họ đã nói nào là “đồ trụy lạc”, “loại vô giáo dục”, “kẻ dâm loạn” và cả “quân phản động, phá hoại” nữa.
Sau này, tôi mới biết Luyến đã đến gặp bố mẹ Hoàng thú nhận việc lỡ có thai với cậu ấy và đã bị họ xua đuổi, cho là “đổ vạ” cho nhà họ. Và cũng mãi sau này tôi mới biết tại sao họ lại đối xử tàn tệ với Luyến như vậy. Vì ông bố Hoàng đang nằm trong quy hoạch phát triển lên làm phó chủ tịch huyện. Ông sợ vì chuyện này có thể làm đổ vỡ tất cả.
Luyến bị dồn đến chân tường. Một đêm, sau giờ trực chiến, tôi tranh thủ qua nhà lấy thêm ít gạo, muối. Lúc đi tắt qua quả đồi sau làng nơi con sông Cầu bẻ góc chảy xiết, dưới ánh trăng mờ tôi chợt phát hiện ra một bóng người đang dấn dần ra giữa sông. Linh cảm được điều không hay, tôi quát to:
- Luyến! Không được làm thế!
Vứt vội bao gạo và khẩu súng trên bờ, tôi lao xuống dòng nước. Vật lộn, giằng co mãi, tôi mới lôi được Luyến lên bờ. Luyến vật vã xin tôi để cô được chết bởi vì cô không còn muốn sống nữa. Tôi bảo: “Hãy nghĩ đến đứa con, nó có tội tình gì đâu!”. Nghe vậy, Luyến ngồi lặng im hồi lâu rồi mới chịu theo tôi trở về làng.
Hôm sau, khi ông chủ tịch xã chủ trì cuộc họp cuối cùng để xác định kỷ luật của Luyến. Không hề chủ định trước, giữa lúc căng thẳng nhất thì không hiểu vì sao, có lẽ vì thấy Luyến bị truy bức khổ quá, tôi bỗng bật dậy:
- Tôi xin nhận! Tôi chính là bố của đứa trẻ!
Tất cả mọi người đều vô cùng sửng sốt. Những người không hiểu tôi đã đành, Luyến cũng ngẩng đầu lên nhìn tôi sửng sốt. Thế là chả phải bàn cãi gì nữa, Luyến và tôi đều bị khai trừ khỏi Đoàn, đuổi khỏi trung đội dân quân. Quyết định chuẩn y kết nạp tôi vào Đảng đã ký cũng bị hủy bỏ. Đơn xin nhập ngũ của tôi bị trả lại...
- Sau đó anh và chị Luyến lấy nhau chứ ạ?
- Không! Luyến sinh con rồi lầm lũi nuôi con. Cô ấy khổ lắm. Mang tiếng chửa hoang, bố mẹ cũng còn xua đuổi chửi bới. Mẹ tôi cũng ốm liệt giường cả tháng vì buồn. Bố tôi là nhà giáo, cụ hiểu tôi nhưng cũng khó xử khi đứng trên bục giảng giáo dục dạy dỗ các em sống đẹp, sống có lý tưởng cách mạng, mà con mình lại như thế. Cụ xin nghỉ mất sức rồi đi làm ruộng. Luyến sinh con. Bố mẹ cô ấy dựng cho một ngôi nhà tre nhỏ ven làng. Tuy vất vả nhưng cô ấy vẫn cố gắng vượt qua, không nhận sự giúp đỡ của ai. Báo tử của Hoàng sau hơn một năm, cô ấy mới nhận lời lấy tôi. Trong một trận chỉ huy dân quân chuyển đạn cho bộ đội đánh trả máy bay địch ở cầu Bắc Giang, bố Hoàng đã hy sinh. Nhà Hoàng chỉ có cậu ấy là con trai, em gái thì lấy chồng xa ở mãi Vĩnh Phúc.
Anh Thực kể tiếp:
- Luyến đặt tên đứa con của mình với Hoàng là thằng Xót, có nghĩa là đau xót, đắng cay. Thằng Xót lớn lên chỉ biết có tôi là bố và mẹ Luyến. Tôi định khi nào nó đã trưởng thành mới nói cho nó biết mọi chuyện. Nhưng khi người ta xây dựng, tôn tạo lại khu di tích thành cổ Quảng Trị thì tìm được hài cốt của Hoàng. Hoàng hy sinh và bị vùi lấp trong tư thế đang cầm súng chiến đấu. Trong túi áo của Hoàng có một bức thư cậu ấy viết cho bố mẹ để trong bao ni lông tuy nét chữ đã mờ nhưng vẫn đọc được. Cậu ấy nói về chuyện đã yêu và có quan hệ với Luyến, dặn bố mẹ nhận Luyến là con dâu, nếu cô ấy có thai thì đứa con ấy là của mình...
- Sao anh ấy không nói ngay khi về phép?
- Vì lúc ấy hai người chưa chắc chắn lắm.
Anh Thực ngậm ngùi:
- Bà mẹ Hoàng nhận được hài cốt của con và lá thư đã ngất đi. Bà cụ ân hận và rất mong muốn nhận lại cháu nhưng Luyến nhất định không chịu. Cô ấy không thể nào quên được những gì đã xảy ra. Thằng Xót càng lớn càng giống Hoàng. Lúc đầu nghe mẹ, xa lánh bà nhưng dần dần mình khuyên nhủ, nó cũng hiểu ra. Bố con mình phải “bí mật” giúp đỡ bà cụ. Chuyện qua lâu rồi còn để bụng làm gì. Đằng nào bà cụ chả là mẹ của Hoàng, bạn nối khố với mình từ thời còn cởi truồng cơ mà. Bà cụ bây giờ tuổi cao, chỉ còn một mình. Chỉ mong Luyến bỏ qua mọi chuyện, bố con mình sẽ đến đón cụ về ở chung hoặc không thì cũng công khai giúp đỡ cụ. Khổ! Ngày nào bà cụ cũng đi bộ hơn cây số sang tìm thằng Xót…
Tôi cũng thấy xót xa trước câu chuyện anh Thực kể. Anh Thực chợt hỏi tôi:
- Này! Cậu sắp tốt nghiệp rồi phải không?
- Vâng ạ! Em đang học năm thứ tư rồi.
- Sắp thành “chính trị viên đại đội” rồi còn gì! Nhưng... thời gian ở đây cậu phải giúp mình với nhé!
- Giúp việc gì ạ?
- Thì giúp thuyết phục dần dần để bà xã mình hiểu ra...
- Vâng... em sẽ cố gắng! - Tôi gật đầu đáp.
*
Mấy năm sau, tôi mới lại có dịp đi qua vùng núi Dạm. Anh chị Thực đi làm đồng chưa về. Thằng Xót bây giờ đã là một thanh niên vạm vỡ. Nó nhận ra tôi ngay. Vừa đưa tôi vào nhà, nó vừa bảo:
- Cháu đã thi đỗ vào Trường sĩ quan Thông tin rồi đấy nhé!
- Thế thì tốt quá!
Thằng Xót mở tung cánh cửa. Căn nhà cấp bốn mới xây còn sáng màu vôi. Tôi giật mình khi thấy ảnh bà cụ đã gặp ở cổng ngày nào và ảnh một người chiến sĩ còn rất trẻ lồng trong tấm bằng “Tổ quốc ghi công” đặt trên bàn thờ.
Thằng Xót ngậm ngùi:
- Bà cháu mất hơn một năm rồi chú ạ!...
Hà Nội, cuối năm 2001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét